KẾ HOẠCH Thực hiện Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19 trên địa bàn thị xã Ba Đồn

Thứ năm - 21/05/2020 15:44
Thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19, Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19 và Kế hoạch số 777/KH-UBND ngày 11/5/2020 của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19 và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, Ủy ban nhân dân thị xã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19 trên địa bàn thị xã Ba Đồn, cụ thể như sau:
          I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
          1. Mục đích
- Tuyên truyền, phổ biết sâu rộng các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp, chính sách hỗ trợ người dân gặp do đại dịch COVID-19 gây ra; nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp và cả cộng đồng trong việc tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ của Chính phủ;
- Kịp thời hỗ trợ các đối tượng bị giảm thu nhập sâu, mất hoặc thiếu việc làm, không đảm bảo mức sống tối thiểu do tác động của đại dịch COVID-19 nhằm chia sẻ một phần khó khăn, bảo đảm cuộc sống của nhân dân, người lao động trên toàn tỉnh để góp phần ổn định xã hội trước tình hình dịch bệnh.
          2. Yêu cầu
  - Việc triển khai thực hiện các nội dung của Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, chặt chẽ của chính quyền địa phương từ thị xã đến các xã, phường nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để đạt được mục đích đề ra;
  - Các phòng, ban, ngành thị xã và Ủy ban nhân dân các xã, phường cần phải vào cuộc sát sao để chỉ đạo tổ chức triển khai nhanh chóng, kịp thời các chính sách hỗ trợ nhằm thực hiện công khai, minh bạch, đảm bảo hỗ trợ đúng đối tượng; nguyên tắc, phương thức hỗ trợ, hồ sơ, trình tự, thủ tục được thực hiện đúng quy định; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lợi dụng, trục lợi chính sách, tham nhũng, tiêu cực.
          II. NGUYÊN TẮC VÀ THỜI GIAN THỰC HIỆN
          1. Hỗ trợ đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm, gặp khó khăn, không đảm bảo mức sống tối thiểu, chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19;
          2. Nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng xã hội cùng chia sẻ trách nhiệm trong việc đảm bảo cuộc sống cho người lao động.
          3. Trường hợp đối tượng thuộc diện được hưởng từ hai (02) chế độ hỗ trợ trở lên theo quy định tại Kế hoạch này thì chỉ được hưởng một (01) chế độ có mức hỗ trợ cao nhất; không hỗ trợ đối với những đối tượng không có nhu cầu đề nghị được hỗ trợ;
          4. Thời gian thực hiện chi trả, hỗ trợ các đối tượng theo quy định tại Kế hoạch này tùy theo từng nội dung, bắt đầu thực hiện kể từ ngày Kế hoạch được ký ban hành đến hết ngày 30 tháng 6 năm 2020.
          III. NỘI DUNG THỰC HIỆN
  1. Hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương
          1.1. Điều kiện hỗ trợ
Người lao động được hỗ trợ khi có đủ các điều kiện sau:
- Thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương trong thời hạn của hợp đồng lao động từ 01 tháng liên tục trở lên tính từ ngày 01/4/2020 đến hết ngày 30/6/2020 và thời điểm bắt đầu tạm hoãn, nghỉ việc không lương từ ngày 01/4/2020 đến hết ngày 01/6/2020.
- Đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tính đến thời điểm ngay trước khi tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương.
- Làm việc tại các doanh nghiệp không có doanh thu hoặc không còn nguồn tài chính để trả lương (sau khi đã sử dụng các quỹ dự phòng tiền lương, nguồn lợi nhuận sau thuế và các nguồn tài chính hợp pháp khác của doanh nghiệp, số dư đến ngày 31 tháng 3 năm 2020) do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.
1.2. Nội dung hỗ trợ
- Mức hỗ trợ là 1.800.000 đồng/người/tháng.
- Thời gian hỗ trợ theo thời gian thực tế tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương hàng tháng được tính từ ngày 01/4/2020 và không quá 03 tháng. Thời gian áp dụng từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020.
1.3. Hồ sơ đề nghị
- Bảng tổng hợp danh sách người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương theo Mẫu 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Kế hoạch này có xác nhận của tổ chức công đoàn cơ sở (nếu có) và cơ quan bảo hiểm xã hội.
- Bản sao văn bản thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương giữa người lao động và người sử dụng lao động
- Bản sao báo cáo tài chính năm 2019, quý I năm 2020 và các giấy tờ chứng minh tài chính khác của doanh nghiệp.
1.4. Trình tự, thủ tục thực hiện
          - Doanh nghiệp lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ theo quy định tại Mục 1.3 Kế hoạch này nộp cơ quan Bảo hiểm xã hội thị xã.
          - Trong 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được Danh sách theo đề nghị của doanh nghiệp, cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận việc tham gia bảo hiểm xã hội của người lao động và gửi doanh nghiệp.
                - Doanh nghiệp gửi hồ sơ đề nghị đến Ủy ban nhân dân thị xã (qua phòng Lao động - TBXH).  Trong 02 ngày làm việc, Tổ thẩm định thị xã ( do phòng LĐTBXH chủ trì ) tham mưu UBND thị xã thẩm định, trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định phê duyệt. Việc chi trả hỗ trợ thực hiện theo chỉ đạo của UBND tỉnh.
2. Hỗ trợ hộ kinh doanh
2.1. Điều kiện hỗ trợ
Hộ kinh doanh được hỗ trợ khi đủ các điều kiện sau:
          - Doanh thu do cơ quan thuế thực hiện quản lý thuế đối với hộ kinh doanh năm 2020 dưới 100 triệu đồng, được xác định tại thời điểm ngày 15/01/2020 theo quy định của pháp luật quản lý thuế.
          - Tạm ngừng kinh doanh từ ngày 01/4/2020 theo Chỉ thị số 05/CT-UBND ngày 27/3/2020 và Công văn số 378/UBND-KGVX ngày 14/3/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình.
2.2. Nội dung hỗ trợ
- Hỗ trợ theo hàng tháng; mức hỗ trợ: 1.000.000 đồng/hộ/tháng.
- Thời gian hỗ trợ là thời gian tạm ngừng kinh doanh thực tế, nhưng tối đa không quá 03 tháng.
2.3. Hồ sơ đề nghị
- Đơn đề nghị hỗ trợ theo Mẫu số 02 ban hành kèm theo Kế hoạch này ;
- Bản sao Thông báo nộp thuế theo Mẫu số 01/TBT-CNKD.
2.4.  Trình tự, thủ tục thực hiện
  - Sau khi nhận được hồ sơ đề nghị đúng quy định do hộ kinh doanh gửi đến, trong 05 ngày làm việc, Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận về việc tạm ngừng kinh doanh của hộ kinh doanh; niêm yết công khai; tổng hợp, báo cáo gửi Chi cục Thuế Khu vực Quảng Trạch - Ba Đồn
  - Trong 02 ngày làm việc, Chi cục Thuế khu vực Quảng Trạch –Ba Đồn chủ trì, phối hợp với phòng Tài chính – Kế hoạch và các cơ quan liên quan thẩm định, tổng hợp nộp về Ủy ban nhân dân thị xã ( qua phòng LĐTBXH ) để trình UBND tỉnh quyết định phê duyệt. Việc chi trả hỗ trợ thực hiện theo chỉ đạo của UBND tỉnh.
3. Hỗ trợ người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp.
3.1. Điều kiện hỗ trợ
Người lao động được hỗ trợ kinh phí khi có đủ các điều kiện sau đây:
  - Có giao kết hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc trước thời điểm ngày 01/4/2020 và đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc;
  - Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc trong khoảng thời gian từ ngày 01/4/2020 đến hết ngày 15/6/2020 nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định;
  - Không có thu nhập hoặc có thu nhập thấp hơn mức chuẩn cận nghèo quy định tại Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19 tháng 11 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ ( theo quy định: Mức thu nhập hộ cận nghèo thành thị:  1.300.000 đồng/tháng  và hộ cận nghèo nông thôn: 1.000.000 đồng/tháng ).
3.2. Nội dung hỗ trợ
- Hỗ trợ theo hàng tháng; mức hỗ trợ: 1.000.000 đồng/người/tháng.
- Thời gian hỗ trợ: theo tình hình ảnh hưởng thực tế của dịch COVID-19, tối đa không quá 03 tháng. Thời gian áp dụng từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020.
3.3. Hồ sơ đề nghị
- Bản sao Sổ bảo hiểm xã hội hoặc xác nhận của cơ quan bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp. Trường hợp không có sổ bảo hiểm xã hội (khi người sử dụng lao động đã đăng ký tham gia BHXH nhưng chưa được cấp sổ BHXH), thì người lao động nêu rõ lý do trong Giấy đề nghị và đề nghị BHXH thị xã xác nhận.
-  Đơn đề nghị theo Mẫu số 03 kèm theo Kế hoạch này  kèm bản sao một trong các giấy tờ sau :
+ Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã hết hạn hoặc đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động;
  + Quyết định thôi việc;
  + Thông báo hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc;
3.4. Trình tự, thủ tục thực hiện
          - Sau khi nhận được hồ sơ đề nghị đúng quy định do người lao động gửi đến, Ủy ban nhân dân cấp xã rà soát và xác nhận mức thu nhập, tổng hợp danh sách  (theo mẫu 3B ) trình Ủy ban nhân dân cấp thị xã  ( qua phòng Lao động - TBXH).
          - Trong 02 ngày làm việc, Tổ thẩm định của UBND thị xã tiến hành thẩm định, trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định phê duyệt. Việc chi trả hỗ trợ thực hiện theo chỉ đạo của UBND tỉnh.
4. Hỗ trợ người lao động không có giao kết HĐLĐ bị mất việc
4.1. Điều kiện hỗ trợ
  Người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm được hỗ trợ khi có đủ các điều kiện sau:
  - Mất việc làm và có thu nhập thấp hơn mức chuẩn cận nghèo quy định tại Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19 tháng 11 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ, trong thời gian từ ngày 01 tháng 4 năm 2020 đến ngày 30 tháng 6 năm 2020;
  - Cư trú hợp pháp tại địa phương;
   - Thuộc lĩnh vực phi nông nghiệp, làm một trong những công việc sau: bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định; thu gom rác, phế liệu; bốc vác, vận chuyển hàng hóa; lái xe mô tô 2 bánh chở khách, xe xích lô chở khách; bán lẻ xổ số lưu động; tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe.
  4.2. Nội dung hỗ trợ 
- Mức hỗ trợ: 1.000.000 đồng/người/tháng. Hỗ trợ theo hàng tháng.
- Thời gian hỗ trợ: theo tình hình ảnh hưởng thực tế của dịch COVID-19 nhưng tối đa không quá 03 tháng. Thời gian áp dụng từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020.
  - Nguồn kinh phí hỗ trợ người bán lẻ xổ số lưu động được bảo đảm từ các nguồn tài chính hợp pháp của Công ty Xổ số kiến thiết và được hạch toán vào chi phí theo hướng dẫn của cơ quan Tài chính.
4.3. Hồ sơ và trình tự, thủ tục
  - Người lao động gửi đơn đề nghị theo Mẫu số 04 đến Ủy ban nhân dân cấp xã sau ngày 15 hàng tháng. Trường hợp người lao động có nơi thường trú và tạm trú không trong phạm vi một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nếu đề nghị hưởng hỗ trợ tại nơi thường trú thì phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi tạm trú về việc không đề nghị hưởng các chính sách theo Quyết định này và ngược lại.
          - Trong 05 ngày làm việc, Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức rà soát và lập danh sách người lao động đủ điều kiện hưởng hỗ trợ với sự tham gia giám sát của đại diện các tổ chức chính trị - xã hội và công khai với cộng đồng dân cư; niêm yết công khai danh sách người lao động đề nghị hỗ trợ trong 02 ngày làm việc; tổng hợp danh sách ( theo mẫu 4B ) người lao động đủ điều kiện gửi Ủy ban nhân dân thị xã  (qua phòng Lao động - TBXH).
          - Trong 02 ngày làm việc, Tổ thẩm định của UBND thị xã tiến hành thẩm định, trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định phê duyệt. Việc chi trả hỗ trợ thực hiện theo chỉ đạo của UBND tỉnh.
5. Hỗ trợ người có công với Cách mạng, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội
5.1. Đối tượng hỗ trợ
          a) Người có công với Cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng (bao gồm cả thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng, thương binh đang hưởng chế độ mất sức lao động hàng tháng) trong danh sách hưởng trợ cấp tháng 4 năm 2020.
b) Đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng chính sách trợ cấp xã hội hàng tháng, trong danh sách hưởng trợ cấp xã hội tháng 4 năm 2020.
          c) Người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo trong Danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo đến ngày 31/12/2019 của địa phương đã được UBND thị xã phê duyệt và công nhận theo chuẩn nghèo quốc gia quy định tại Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19 tháng 11 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ.
5.2. Nội dung hỗ trợ
a) Mức hỗ trợ
- Đối với đối tượng quy định tại Điểm a và b Mục 5.1 Kế hoạch này hỗ trợ  500.000 đồng/người/tháng.
- Đối với đối tượng quy định tại Điểm c Mục 6.1 Kế hoạch này hỗ trợ 250.000 đồng/khẩu/tháng.
b) Phương thức hỗ trợ: thực hiện chi trả một lần.
c) Thời gian hỗ trợ: 03 tháng, kể từ tháng 4/2020 đến tháng 6/2020.
5.3. Trình tự, thủ tục thực hiện
- Trong 02 ngày làm việc, UBND cấp xã tiến hành rà soát và lập danh sách theo Mẫu từ số 05 đến số 10, trình UBND thị xã  (qua phòng Lao động - TBXH).
          - Trong 02 ngày làm việc, Tổ thẩm định UBND thị xã  tiến hành thẩm định, trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định phê duyệt. Việc chi trả hỗ trợ thực hiện theo chỉ đạo của UBND tỉnh.
  6. Hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc đối với người lao động
6.1. Điều kiện vay vốn
Người sử dụng lao động được hỗ trợ khi bảo đảm các điều kiện sau:
          - Có từ 20% hoặc từ 30 người lao động trở lên đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải ngừng việc từ 01 tháng liên tục trở lên; đã trả trước tối thiểu 50% tiền lương ngừng việc cho người lao động trong khoảng thời gian từ ngày 01/4/2020 đến hết ngày 30/6/2020;
  - Đang gặp khó khăn về tài chính, không cân đối đủ nguồn để trả lương ngừng việc cho người lao động, đã sử dụng hết quỹ dự phòng tiền lương để trả lương cho người lao động ngừng việc;
          - Không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm ngày 31/12/2019.
          6.2. Nội dung hỗ trợ
- Mức vay tối đa được xác định bằng số người lao động thực tế ngừng việc nhân với 50% mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định tại Nghị định số 90/2019/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2019 của Chính phủ ( thị xã ba Đồn thuộc Vùng III – 3.430.000 đồng/tháng) nhân với thời gian thực tế ngừng việc của người lao động nhưng tối đa không quá 03 tháng.
- Thời hạn cho vay tối đa không quá 12 tháng.
- Lãi suất vay vốn: 0%/năm.
6.3. Hồ sơ đề nghị
- Đơn đề nghị xác nhận đối tượng được hưởng chính sách vay vốn để trả lương ngừng việc theo Mẫu số 11 tại Phụ lục ban hành kèm theo Kế hoạch này.
- Bản sao một trong các giấy tờ sau: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp/Giấy chứng nhận đăng ký Hợp tác xã/hộ kinh doanh; Quyết định thành lập của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (nếu có); Giấy phép kinh doanh/Giấy phép hoạt động/Chứng chỉ hành nghề (đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện hoặc pháp luật có quy định); Giấy phép đầu tư/Giấy chứng nhận đầu tư (đối với doanh nghiệp được thành lập bởi nhà đầu tư nước ngoài).
- Danh sách người lao động phải ngừng việc do người sử dụng lao động lập theo Mẫu số 12 tại Phụ lục ban hành kèm theo Kế hoạch này.
 - Bản sao báo cáo tài chính năm 2019, quý I năm 2020 (đối với doanh nghiệp và tổ chức).
6.4. Trình tự, thủ tục thực hiện
- Chậm nhất ngày 05 hàng tháng, người sử dụng lao động có nhu cầu gửi hồ sơ đề nghị theo quy định tại Mục 6.3 Kế hoạch này đến Ủy ban nhân dân thị xã  (qua phòng Lao động - Thương binh và Xã hội) .
- Trong 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ, tổ thẩm định của UBND thị xã tiến hành thẩm định, tổng hợp và trình UBND tỉnh quyết định phê duyệt danh sách người sử dụng lao động đủ điều kiện vay vốn theo Mẫu số 13 tại Phụ lục ban hành kèm theo Kế hoạch này, gửi chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội cấp thị xã và người sử dụng lao động trong danh sách.
- Trong 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ vay vốn theo hướng dẫn của Ngân hàng chính sách xã hội và quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã  phê duyệt cho vay theo chỉ đạo của Ngân hàng chính sách xã hội cấp trên. Trường hợp không cho vay thì thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do đến người sử dụng lao động.
- Sau khi giải ngân cho vay, ngân hàng chính sách xã hội có trách nhiệm quản lý, chuyển nợ quán hạn và xử lý rủi ro vốn vay (nếu có) theo quy định.
          - Việc giải ngân của Ngân hàng Chính sách xã hội được thực hiện đến hết ngày 31/7/2020.
          IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Ban chỉ đạo thực hiện công tác hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19
- Ủy ban nhân dân thị xã quyết định thành lập Ban chỉ đạo thực hiện công tác hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn thị xã Ba Đồn, do 01 đồng chí Phó Chủ tịch UBND thị xã làm Trưởng ban; Trưởng phòng Lao động – Thương binh và Xã hội làm Phó Trưởng ban thường trực; Trưởng phòng Tài chính – Kế hoạch làm Phó Trưởng ban và các thành viên là cấp trưởng các phòng, ngành Văn Hóa - Thông tin, Đài PT-TH thị xã, Bảo hiểm xã hội, Thuế, Ngân hàng chính sách xã hội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường; mời đại diện lãnh đạo UBMTTQVN thị xã tham gia;
- Có trách nhiệm chỉ đạo, điều hành, đôn đốc việc triển khai thực hiện công tác hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn thị xã theo quy định của Chính phủ và UBND tỉnh
- Các thành viên Ban chỉ đạo căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định để hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện công tác hỗ trợ các đối tượng thuộc phạm vi quản lý; đồng thời thường xuyên báo cáo, cung cấp thông tin chuyên môn đến Ban Chỉ đạo để có phương án xử lý kịp thời;
- Giao Phó Trưởng ban thường trực căn cứ các nội dung của Kế hoạch này, thành lập tổ thẩm định/giúp việc để tham mưu giúp Ban chỉ đạo triển khai thực hiện, tổng hợp báo cáo tình hình và kết quả thực hiện công tác hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh.
          2. Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội
          - Chủ trì, tham mưu UBND thị xã tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch này; phối hợp với các cơ quan, ban, ngành liên quan theo dõi, chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các địa phương tổ chức triển khai thực hiện hỗ trợ cho các đối tượng theo quy định của Kế hoạch này trên địa bàn thị xã;
          - Tham mưu UBND thị xã tổng hợp, báo cáo định kỳ hoặc đột xuất Ủy ban nhân dân tỉnh và Sở Lao động – Thương binh và Xã hội về tình hình thực hiện chính sách hỗ trợ cho các đối tượng theo quy định tại Kế hoạch này trước ngày 20 hàng tháng;
          - Hướng dẫn hoặc đề xuất Ủy ban nhân dân thị xã và cấp có thẩm quyền các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện Kế hoạch này.
          3. Phòng Tài chính – Kế hoạch
          - Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, ban, ngành liên quan hướng dẫn việc cân đối, phân bổ và bảo đảm nguồn ngân sách để triển khai thực hiện kịp thời các chính sách hỗ trợ theo quy định;
          - Phối hợp với các ngành, địa phương có liên quan xây dựng dự toán kinh phí triển khai thực hiện đối với nhiệm vụ được phân công chủ trì để báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh phân bổ kinh phí kịp thời;
          - Hướng dẫn thực hiện thanh toán, quyết toán ngân sách nhà nước, kinh phí thực hiện hỗ trợ theo các nội dung của Kế hoạch;
          - Nghiên cứu, tham mưu UBND thị xã bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ cán bộ phụ trách chi trả ( đối với đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo và người có công ) và hợp đồng với Bưu điện huyện Quảng Trạch chi trả qua dịch vụ bưu chính công ích ( đối với đối tượng BTXH ) nhằm đảm bảo nhanh chóng, hiệu quả và thuận lợi nhất;
- Tổng hợp, báo cáo định kỳ hoặc đột xuất Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Lao động – Thương binh và Xã hội) về tình hình thực hiện kinh phí hỗ trợ cho các đối tượng quy định tại Kế hoạch này trước ngày 15 hàng tháng.
          4. Ngân hàng chính sách xã hội thị xã
- Bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng chính sách Việt Nam, Ngân hàng nhà nước – Chi nhánh Quảng Bình, phối hợp với các cơ quan, ban, ngành liên quan tuyên truyền, hướng dẫn và tổ chức triển khai thực hiện cho vay; có trách nhiệm quản lý, chuyển nợ quán hạn và xử lý rủi ro vốn vay theo quy định;
- Khẩn trương xây dựng kế hoạch cho vay vốn của người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc đối với người lao động trên địa bàn tỉnh theo Kế hoạch này;
          - Tổng hợp, báo cáo định kỳ hoặc đột xuất Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Lao động – Thương binh và Xã hội) về tình hình cho người sử dụng lao động vay trả tiền lương ngừng việc cho người lao động trên địa bàn tỉnh trước ngày 15 hàng tháng.
5. Bảo hiểm xã hội thị xã
- Căn cứ chức năng, quyền hạn và nhiệm vụ được giao, chủ trì phối hợp với các cơ quan, ban, ngành liên quan tuyên truyền, hướng dẫn cho các doanh nghiệp, người lao động đủ điều kiện được biết để đề nghị hỗ trợ; xác nhận các thủ tục, hồ sơ có liên quan đến việc đề nghị xác nhận tham gia bảo hiểm xã hội theo quy định;
- Tổng hợp, báo cáo định kỳ hoặc đột xuất Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Lao động – Thương binh và Xã hội) về tình hình thực hiện Kế hoạch này trước ngày 15 hàng tháng.
6. Chi cục Thuế thị xã
Chủ trì phối hợp với các ngành có liên quan nhanh chóng tiến hành rà soát, thẩm định và tổng hợp danh sách các hộ kinh doanh quy định tại Mục 2.1 Phần III của Kế hoạch này.
7. Phòng Văn Hóa - Thông tin và Đài PT-TH thị xã
Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, ban, ngành liên quan phổ biến, tuyên truyền, thông báo rộng rãi, thường xuyên, liên tục và kịp thời đến cấp cơ sở, các đối tượng thụ hưởng chính sách hỗ trợ của Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ, Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch này.
8. Đề nghị Ủy ban mặt trận tổ quốc Việt Nam thị xã
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, ban, ngành liên quan chủ động, thường xuyên giám sát việc thực hiện các chính sách hỗ trợ được quy định tại Kế hoạch này ngay từ khâu rà soát đối tượng đến khi hoàn thành việc thực hiện chính sách hỗ trợ;
- Kịp thời phối hợp với Ủy ban nhân dân thị xã đề xuất phương án xử lý đối với các trường hợp có dấu hiệu, hành vi vi phạm quy định về thực hiện các chính sách hỗ trợ đối với người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn thị xã.
9. Công an thị xã
- Phối hợp với các cấp, ngành có liên quan nắm chắc tình hình, bảo đảm an ninh trật tự trong quá trình triển khai thực hiện công tác hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 trên địa bàn thị xã;
- Kịp thời phát hiện các dấu hiệu sai phạm trong quá trình triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ, lợi dụng việc triển khai chính sách hỗ trợ để trục lợi, tham nhũng, tiêu cực; tham mưu giải quyết, xử lý nghiêm không để nảy sinh phức tạp gây bức xúc trong Nhân dân.
10. Ủy ban nhân dân xã, phường:
- Trên cơ sở hướng dẫn chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, UBND thị xã  và các cơ quan, ban, ngành có thẩm quyền thực  hiện thành lập Ban chỉ đạo tiếp nhận, phân công trách nhiệm thẩm định, tổng hợp và hướng dẫn thủ tục hồ sơ của người dân theo các nội dung của kế hoạch này, thành phần Ban chỉ đạo gồm có: Đại diện lãnh đạo UBND cấp xã làm trưởng ban, công chức phụ trách lĩnh vực LĐTBXH làm phó Trưởng ban thường trực, Đại diện lãnh đạo UBMTTQVN cấp xã làm phó Trưởng ban, thành viên ban là Trưởng công an cấp xã, công chức văn phòng Thống kê, công chức Kế toán, đại diện lãnh đạo các tổ chức chính trị xã hội ( Hội Phụ nữ, đoàn Thanh niên, Hội Nông dân ), trưởng các thôn, tổ dân phố.
- Triển khai thực hiện rà soát, tổng hợp và đề nghị danh sách đối tượng thuộc diện được thụ hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định;
- Tích cực tuyên truyền về các chính sách hỗ trợ các đối tượng gặp khó khăn do dịch COVID-19 quy định tại Kế hoạch này để nhân dân và người lao động trên địa bàn biết rõ; với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để xác định đúng đối tượng thuộc diện thụ hưởng chính sách hỗ trợ; tích cực kiểm tra, giám sát và kiên quyết xử lý những đối tượng kê khai thông tin thiếu trung thực hoặc có hành vi xác lập hồ sơ không đúng thực tế;
- Chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân thị xã về việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ theo Kế hoạch trên địa phương mình quản lý;
- Tổng hợp, báo cáo định kỳ hoặc đột xuất Ủy ban nhân dân thị xã về tình hình thực hiện chính sách hỗ trợ các đối tượng gặp khó khăn do dịch COVID-19 trên địa bàn trước ngày 14 hàng tháng.

  Trên đây là Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19 trên địa bàn thị xã Ba Đồn, Uỷ ban nhân dân thị xã yêu cầu các phòng, ban, ngành UBND các xã, phường trong quá trình thực hiện nếu phát sinh nội dung khác hoặc có khó khăn, vướng mắc, kịp thời phản ánh về Ủy ban nhân dân thị xã (qua phòng Lao động - Thương binh và xã hội) để được xem xét, hướng dẫn; đồng thời khẩn trương triển khai thực hiện kịp thời Kế hoạch này./.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê
  • Đang truy cập136
  • Máy chủ tìm kiếm6
  • Khách viếng thăm130
  • Hôm nay2,768
  • Tháng hiện tại336,161
  • Tổng lượt truy cập39,855,950
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây