Phòng chống dịch bệnh động vật trên cạn năm 2020 trên địa bàn thị xã Ba Đồn
Thứ tư - 19/02/2020 14:05
Năm 2019, thị xã Ba Đồn đã chủ động xây dựng, triển khai có hiệu quả kế hoạch phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm. Trong đó tập trung triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch như công tác tiêm phòng vắc xin, phun tiêu độc khử trùng môi trường; phối hợp Chi cục Thú y giám sát chủ động một số loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán, giết mổ động vật,… nhờ đó đã góp phần hạn chế dịch bệnh gia súc, gia cầm phát sinh và lây lan. Tuy nhiên do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh toàn thị xã cũng như cả nước, kết hợp với điều kiện môi trường thuận lợi nên một số loại dịch bệnh đã phát sinh, nhất là bệnh Dịch tả lợn Châu Phi xảy ra tại 6 xã, phường với số lượng chết và tiêu huỷ hơn 200 con vào cuối năm 2019. Đến nay, dịch bệnh đã được khống chế và đã công bố hết dịch.
Năm 2020, dự báo tình hình dịch bệnh động vật trên thế giới và trong nước diễn biến hết sức phức tạp (Cúm gia cầm, Dịch tả lợn Châu Phi, LMLM,..); mặt khác phương thức chăn nuôi trên địa bàn thị xã chủ yếu là hộ gia đình, quy mô nhỏ; kết hợp với việc sau một thời gian dài, dịch bệnh ít xuất hiện nên người chăn nuôi và một số địa phương có tâm lý chủ quan, chưa tổ chức thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cần thiết, dẫn đến các loại mầm bệnh vẫn còn tồn lưu trong môi trường chăn nuôi; hoạt động vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm động vật ngày càng tăng cao; thời tiết khí hậu thay đổi bất thường làm tăng nguy cơ dịch bệnh động vật phát sinh và lây lan.
UBND thị xã Ba Đồn yêu cầu các ban, ngành đoàn thể, địa phương tăng cường sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp các ngành từ thị xã đến cơ sở trên cơ sở phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị; quản lý chăn nuôi, giết mổ và giám sát dịch bệnh đến từng hộ chăn nuôi, đặc biệt là những nơi có ổ dịch cũ, vùng có nguy cơ cao, đồng thời đảm bảo an toàn cho người trực tiếp tham gia phòng, chống dịch. Chủ động các phương án, nguồn nhân lực, vật tư để kịp thời xử lý khi dịch bệnh xảy ra trên địa bàn, ưu tiên những nguồn lực sẵn có của địa phương, đơn vị. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực chăn nuôi, giết mổ và phòng chống dịch bệnh; kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật. Tổ chức tuyên truyền chuyên sâu có trọng điểm về công tác tiêm phòng, tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi, các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm dịch bệnh từ động vật sang người; các chính sách hỗ trợ trong chăn nuôi, xây dựng cơ sở giết mổ động vật tập trung; định hướng người tiêu dùng lựa chọn các sản phẩm gia súc, gia cầm có nguồn gốc, đã được kiểm soát.
Chủ động phòng bệnh bằng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm theo quy định tại Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định về phòng chống dịch bệnh động vật trên cạn; tỷ lệ tiêm phòng đạt trên 80% tổng đàn, tỷ lệ bảo hộ sau tiêm phòng đạt trên 70%. Tổ chức 02 đợt tiêm phòng đại trà các loại vắc xin cho vật nuôi (đợt 1 từ tháng 2 đến tháng 3 năm 2020; đợt 2 từ tháng 8 đến tháng 9 năm 2020); ngoài các đợt tiêm phòng chính, tổ chức tiêm phòng bổ sung cho đàn gia súc, gia cầm chưa được tiêm phòng, đàn nuôi mới hoặc đã hết thời gian miễn dịch trên địa bàn thị xã Ba Đồn. Khi có dịch xảy ra trên địa bàn, thực hiện tiêm phòng bao vây ổ dịch theo phạm vi và hướng dẫn của cơ quan chuyên ngành thú y. Loại vắc xin sử dụng, đối tượng tiêm phòng, liều lượng và cách sử dụng theo hướng dẫn của cơ quan chuyên ngành thú y và nhà sản xuất. Ngoài các loại bệnh bắt buộc phải tiêm phòng bằng vắc xin theo quy định, cần tăng cường tuyên truyền, khuyến khích người chăn nuôi chủ động phòng các bệnh khác bằng vắc xin với kinh phí tự chủ của cá nhân, tổ chức. Củng cố hệ thống giám sát, khai báo thông tin dịch bệnh ở các cấp, bảo đảm giám sát dịch bệnh đến tận thôn, xóm, hộ chăn nuôi. Công khai kênh tiếp nhận thông tin dịch bệnh ở cấp xã, cấp huyện để người dân biết, chủ động cung cấp thông tin; kiên quyết xử lý các trường hợp cố tình che giấu, không khai báo, vứt xác gia súc bị bệnh, nghi mắc bệnh ra môi trường làm dịch bệnh lây lan. Thường xuyên giám sát dịch bệnh nhằm phát hiện sớm và triển khai kịp thời các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định.
Thực hiện nghiêm quy trình, quy định kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật đảm bảo an toàn dịch bệnh và vệ sinh an toàn thực phẩm; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong công tác kiểm dịch động vật. Tổ chức kiểm tra, quản lý, giám sát hoạt động của các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn theo quy định của Luật Thú y, Thông tư số 38/2018/TT-BNNPTNT ngày 25/12/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về việc thẩm định, chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Triển khai thực hiện có hiệu quả Quy hoạch xây dựng cơ sở giết mổ động vật tập trung của địa phương, phấn đấu năm 2020 mỗi địa phương xây dựng được và đưa vào hoạt động 01 cơ sở giết mổ động vật tập trung đảm bảo phù hợp với các quy định hiện hành. Tổ chức thực hiện công tác kiểm soát giết mổ động vật đúng quy định đảm bảo sản phẩm động vật trước khi đưa ra thị trường đạt yêu cầu về an toàn thực phẩm, không ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Tăng cường quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, thủy sản theo quy định tại Thông tư số 13/2016/TT-BNNPTNT ngày 02/6/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Thông tư số 20/2017/TT-BNNPTNT ngày 10/11/2017 của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Tổ chức kiểm tra, quản lý, đánh giá phân loại các cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y trên địa bàn theo quy định của pháp luật và phân cấp của UBND tỉnh. Kết hợp tuyên truyền quy định về thức ăn chăn nuôi với kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật liên quan đến chất lượng và an toàn thức ăn chăn nuôi; kiểm tra giám sát chất lượng và an toàn thực phẩm đối với nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi thành phẩm; kiểm tra giám sát chất cấm trong sản xuất, sử dụng thức ăn chăn nuôi.
Thực hiện xây dựng các cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh, tiến tới xây dựng vùng an toàn dịch bệnh theo quy định tại Thông tư số 14/2016/TT- BNNPTNT ngày 02/6/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đẩy mạnh việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ, giám sát và kiểm soát dịch bệnh; tăng cường dịch vụ thú y, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và tăng khả năng cạnh tranh chất lượng ngành chăn nuôi. Tổ chức các đợt thanh kiểm tra trong công tác phòng chống dịch bệnh tại các địa phương, cơ sở, cá nhân, tổ chức liên quan; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo Nghị định số 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y. Ủy ban nhân dân các xã, phường xây dựng và ban hành “Kế hoạch phòng chống dịch bệnh động vật trên cạn trên địa bàn năm 2020” trong đó cần bố trí đủ kinh phí, nhân lực, vật tư cho các hoạt động phòng, chống dịch. Tăng cường giám sát dịch bệnh đến tận hộ chăn nuôi; tập trung công tác tiêm phòng vắc xin, tiêu độc khử trùng, kiểm soát việc vận chuyển, giết mổ, kinh doanh gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm trên địa bàn quản lý. Đình kỳ báo cáo cho UBND thị xã về tình hình triển khai kế hoạch (qua phòng Kinh tế).
Bên cạnh đó, các phòng, ban, cơ quan phối hợp trong việc thực hiện kiểm tra, kiểm soát vận chuyển, lưu thông động vật, sản phẩm động vật và công tác phòng, chống dịch bệnh tại địa phương, xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật; xây dựng các nội dung, chuyên mục về tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm. Tăng cường kiểm soát các phương tiện giao thông và khách du lịch từ các nước đã và đang có dịch bệnh mang động vật và sản phẩm động vật đã qua chế biến vào địa bàn thị xã. Tăng cường kiểm soát việc buôn bán, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát dịch bệnh, kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm tại các cơ sở chăn nuôi, giết mổ, vận chuyển, kinh doanh lợn và sản phẩm của lợn; phối hợp với các ban, ngành, địa phương kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm; lấy mẫu giám sát, phát hiện bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên gia súc, gia cầm theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn cấp tỉnh nhằm xử lý dịch bệnh khi còn ở diện hẹp, hạn chế dịch bệnh lây lan diện rộng.