Thực hiện các biện pháp nhằm tổ chức dạy và học bảo đảm thích ứng an toàn, linh hoạt với tình hình dịch Covid-19
Thứ sáu - 18/02/2022 07:44
Ngày 17/2, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chủ trì buổi họp trực tuyến toàn quốc để nắm bắt tình hình mở cửa trường học của các địa phương.
Tại điểm cầu Quảng Bình, đồng chí Hồ An Phong, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp.
Theo báo cáo của Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT), từ ngày 7/2 đến nay, 100% các tỉnh, thành phố, Sở GD-ĐT đã xây dựng và thực hiện tiêu chí bảo đảm an toàn cho trẻ em, học sinh (HS) đi học trực tiếp; xây dựng kịch bản dạy học linh hoạt, an toàn cho trẻ em, HS tùy theo tình hình dịch bệnh; triển khai thực hiện sổ tay bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong trường học đến toàn thể cán bộ, nhân viên, giáo viên, HS, cha mẹ HS.
54/63 tỉnh, thành phố tổ chức cho trẻ mầm non (MN) học trực tiếp, 59/63 tỉnh, thành phố cho HS tiểu học (TH) học trực tiếp, 63/63 tỉnh, thành phố cho HS bậc THCS, THPT học trực tiếp, 100% cơ sở giáo dục (CSGD) đại học có kế hoạch dạy học trực tiếp.
Theo đánh giá của ngành GD-ĐT, chủ trương kiên quyết mở cửa cho HS tới trường học trực tiếp nhìn chung được xã hội, nhà giáo, phụ huynh, các chuyên gia… ủng hộ, song cũng gặp không ít khó khăn, vướng mắc nhất định.
Từ đợt bùng phát dịch lần thứ 4 (27/4/2021 đến nay), toàn ngành ghi nhận 162.971 cán bộ, nhân viên, GV, giảng viên, HS, sinh viên nhiễm Covid-19.
Nhiều CSGD đã áp dụng hình thức dạy học trực tiếp kết hợp với trực tuyến. Một số địa phương chưa quyết định mốc thời gian cho trẻ em MN, HS TH đến trường. Không ít CSGD còn lúng túng khi phát hiện các trường hợp HS, GV là F1, F0…
Không ít phụ huynh chưa yên tâm khi cho con đến trường, nhất là trẻ ở bậc học MN và TH. Nhiều địa phương phải huy động hầu hết cán bộ, GV kiêm nhiệm công tác phòng chống dịch (theo dõi, thống kê báo cáo) vì thiếu nhân lực y tế…
Để tổ chức hoạt động dạy học an toàn, thời gian tới, Bộ GD-ĐT tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế để đánh giá tình hình dịch bệnh trong trường học, kịp thời hướng dẫn, chỉ đạo đối với các tình huống phức tạp xảy ra; sửa đổi hướng dẫn xử trí các trường hợp F0, F1 trong trường học phù hợp với thực tiễn; đồng thời xây dựng kế hoạch triển khai Chương trình Y tế trường học trong các cơ sở MN, phổ thông gắn với y tế cơ sở giai đoạn 2021-2025…
Một trong những nhiệm vụ được chú trọng là tăng cường công tác truyền thông về chủ trương mở cửa trường học của Chính phủ, Bộ GD-ĐT nhằm tạo sự đồng thuận của xã hội, đặc biệt là phụ huynh, HS trong việc đưa con em trở lại trường để hoàn thành nhiệm vụ năm học chất lượng, hiệu quả.
Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Chúng ta phải chấp nhận thực tế là HS đi học đồng loạt trở lại đồng nghĩa với việc ca nhiễm Covid-19 tăng lên nhưng quan trọng là chúng ta phải kiểm soát được tốc độ lây lan, xử lý F0, F1 hợp lý và làm tốt công tác chăm sóc điều trị hiệu quả cho các trường hợp nhiễm Covid-19.
Ngành GD-ĐT và ngành Y tế cần phối hợp chặt chẽ với nhau trong việc xem xét thời gian cách ly, điều trị F0, F1 phù hợp, bảo đảm an toàn trong tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho các đối tượng là HS cũng như các hoạt động kiểm soát dịch tại cơ sở giáo dục.
Đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị UBND các tỉnh, thành phố thống nhất chỉ đạo việc tổ chức dạy học trực tiếp, trên tinh thần không chủ quan mất cảnh giác mà phải thực hiện các biện pháp nhằm tổ chức dạy và học bảo đảm thích ứng an toàn, linh hoạt kiểm soát dịch Covid-19 hiệu quả.