Thị xã Ba Đồn: Công văn V/v chủ động thực hiện các phương án ứng phó bão số 13 và không khí lạnh.

Thứ sáu - 13/11/2020 14:30
Để chủ động ứng phó với bão số 13 và mưa lớn trên đất liền, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại, UBND thị xã yêu cầu Thủ trưởng các Phòng, ban, đơn vị, UBND các xã, phường và các đơn vị liên quan khác trên địa bàn thị xã, theo chức năng, nhiệm vụ, chỉ đạo triển khai thực hiện một số nội dung sau:
Thị xã Ba Đồn: Công văn V/v chủ động thực hiện các phương án ứng phó bão số 13 và không khí lạnh.
1. Theo dõi chặt chẽ bản tin, cảnh báo diễn biến của bão số 13 và các hình thế gây mưa để triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp, kịp thời theo phương châm “4 tại chỗ”, tuyệt đối không chủ quan, lơ là.
2. Thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo như: công văn số 1420/UBND-KT ngày 09/10/2020 của UBND thị xã Ba Đồn về việc chủ động sẵn sàng ứng phó với bão, mưa lũ liên tiếp, kéo dài; công văn số 2060/UBND-KT ngày 11/11/2020 của UBND tỉnh Quảng Bình về việc chủ động ứng phó bão số 13 và không khí lạnh.
3. Đồn Biên phòng cửa khẩu Cảng Gianh phối hợp với Phòng Kinh tế và UBND các xã, phường ven biển rà soát, kiểm đếm các phương tiện, tàu thuyền, thông tin kịp thời và hướng dẫn các phương tiện đang hoạt động trên biển di chuyển thoát ra hoặc không đi vào vùng nguy hiểm; giữ liên lạc thường xuyên với các chủ phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra; quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các tàu thuyền.
4. Tiếp tục rà soát các khu dân cư có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, khu vực thấp trũng có nguy cơ xảy ra ngập lụt sâu để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân, cán bộ, chiến sỹ, người lao động đến nơi an toàn. Đảm bảo nơi ở, lương thực, nước uống, nhu yếu phẩm, thuốc chữa bệnh cho các hộ dân phải di dời do sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt sâu. Bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, các bến đò, khu vực đường bị ngập, đã, đang và có nguy cơ xảy ra sạt lở.
5. Đối với các địa phương có hồ chứa nước: Tổ chức vận hành công trình bảo đảm an toàn tài sản, tính mạng dân cư vùng hạ du và an toàn hồ đập thủy lợi, đối với các hồ đập xung yếu cần chủ động hạ thấp mực nước; phân công cụ thể, bố trí lực lượng thường trực tại các hồ chứa đã đầy nước, hồ chứa có nguy cơ mất an toàn để kịp thời xử lý khi có tình huống; triển khai công tác đảm bảo an toàn đê điều, nhất là các điểm xung yếu.
6. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn và khắc phục nhanh hậu quả bão, lũ, sạt lở đất.
7. Tăng cường dự báo, thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là truyền thông cơ sở, thường xuyên liên tục cung cấp diễn biến mưa lớn, ngập lụt, sạt lở đất, các phương án ứng phó để người dân biết và phối hợp với chính quyền địa phương chủ động phòng tránh.
8. Tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết, các hình thế gây mưa và thường xuyên báo cáo về Cơ quan Thường trực PCTT - Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn kiêm BCH Phòng thủ dân sự thị xã.
UBND thị xã yêu cầu các đơn vị, địa phương liên quan triển khai thực hiện đảm bảo các nội dung trên./.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê
  • Đang truy cập178
  • Máy chủ tìm kiếm4
  • Khách viếng thăm174
  • Hôm nay22,190
  • Tháng hiện tại251,368
  • Tổng lượt truy cập34,680,895
SĐT nhận cung cấp thông tin
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây