Cảnh giác với các thủ đoạn trộm cắp trên địa bàn thị xã Ba Đồn
Thứ hai - 28/05/2018 12:56
Cuối năm 2017 và những tháng đầu năm 2018, Cơ quan CSĐT Công an thị xã Ba Đồn đã điều tra làm rõ 16 vụ trộm cắp tài sản, bắt và lập hồ sơ xử lý 27 đối tượng, thu hồi tài sản 110.580.000 đồng trả lại cho bị hại, ra quyết định khởi tố 12 vụ, 16 bị can, xử lý hành chính 04 vụ, 09 đối tượng. Trong đó triệt phá nhiều nhóm đối tượng trộm cắp chuyên nghiệp, phạm tội nhiều lần trên địa bàn các xã, phường thuộc thị xã Ba Đồn và huyện Quảng Trạch. Như nhóm đối tượng Nguyễn Văn Thắng, sinh năm 1999; Lê Phương Nam, sinh năm 1997 đều trú tại thôn Trung Thôn, xã Quảng Trung, thị xã Ba Đồn; Trần Văn Lâm, sinh năm 1999; Quảng Trung Tuấn, sinh năm 1994 đều trú tại tổ dân phố Thủy Sơn, phường Quảng Long, thị xã Ba Đồn; Trần Văn Thành, sinh năm 1999, trú tại tổ dân phố Tiền Phong, phường Quảng Long, thị xã Ba Đồn.
Mặc dù Công an thị xã Ba Đồn đã triển khai nhiều kế hoạch, biện pháp để phòng ngừa, ngăn chặn tuy nhiên tình hình tội phạm trộm cắp tài sản vẫn diễn ra hết sức phức tạp với thủ đoạn ngày càng tinh vi và xảo quyệt hơn. Trong đó chủ yếu là trộm cắp xe máy, đột nhập, trộm cắp tài sản trong công sở, bệnh viện, nhà dân tập trung vào các loại tài sản: Tiền, vàng, máy tính, điện thoại di động. Nguyên nhân chính dẫn đến sự gia tăng của tội phạm trộm cắp vẫn là sự chủ quan, lơ là, mất cảnh giác của người dân, người quản lý, bảo vệ tài sản trong các cơ quan, doanh nghiệp và các hộ gia đình như: Không khóa cổ, khóa càng xe máy, để phương tiện ở những nơi không có người trông giữ; cửa nhà, cửa tum khóa bằng các loại khóa không an toàn, thậm chí quên không khóa cửa nhà, cửa phòng làm việc. Các cơ quan, trường học, doanh nghiệp không có lực lượng bảo vệ chuyên trách, không lắp đặt hệ thống giám sát an ninh, hệ thống chiếu sáng, tường rào không đảm bảo, không thường xuyên tổ chức tuần tra, canh gác bảo vệ tài sản nhất là vào ban đêm, ngoài giờ hành chính hay các dịp nghĩ lễ.
Phương thức, thủ đoạn phạm tội như sau:
- Đối với tội phạm đột nhập vào nhà dân hoặc các cơ quan, doanh nghiệp, trường học để trộm cắp tài sản:
+ Trước khi gây án, các đối tượng thường có các hoạt động tiếp cận hiện trường để thăm dò, xem xét, tìm hiểu quy luật đi lại của người có tài sản, nghiên cứu những sơ hở, thiếu sót, mất cảnh giác trong công tác quản lý, bảo vệ tài sản để thực hiện hành vi trộm cắp.
+ Đối với các hộ gia đình, đối tượng nhắm đến là những hộ gia đình thường xuyên vắng nhà, không người trông coi; nhà ở khu vực ít dân cư, hộ gia đình sống biệt lập không quan hệ với bà con xung quanh, hộ không trang bị hệ thống chống trộm hoặc có hệ thống giám sát nhưng đặt vị trí dễ phát hiện, dễ bị đối tượng phá hủy. Đối tượng thường thăm dò tìm hiểu chủ nhà đi vắng hay ở nhà bằng việc gọi điện thoại, bấm chuông hoặc gõ cửa liên tục để kiểm tra.
+ Một số cách đột nhập của tội phạm trộm: Mở hoặc cạy phá khóa. Dùng gậy dài có keo dán ở đầu để dính lấy trộm điện thoại di động, chìa khóa, sau đó mở cửa, đột nhập vào nhà trộm cắp tài sản. Dùng tô lô vit vặn ốc khung hoa sắt cửa sổ, cửa thông gió nhà vệ sinh, bếp hay dùng xà ben cậy mép cánh cửa, khóa cửa. Dùng ống tuýp hoặc mỏ lết to bẻ gãy tai mắc khóa treo, phá khóa; phá song sắt cửa sổ, khung lắp quạt hút gió, cửa tum. Trèo tường, vượt rào, chui qua cửa sổ, ô thông gió, trèo lên ban công đột nhập vào nhà khi thấy cửa ban công không đóng.
- Đối với thủ đoạn trộm két sắt: Nếu là loại két bạc loại nhỏ, thì đối tượng dùng chăn, bao tải bọc lại rồi dùng phương tiện chở đi nơi khác phá két lấy tài sản. Đối với két to, nặng thì thường phá tại chỗ bằng các thủ đoạn: dùng đèn khò để phá; dùng máy cắt; dùng xà beng, búa ổ, dao to cạy chặt phá mặt két để lấy tài sản.
- Đối với tội phạm trộm cắp xe máy và phá cốp xe máy để lấy tài sản: Thủ đoạn chủ yếu là lợi dụng sơ hở thiếu sót, mất cảnh giác của người quản lý xe máy như: Dựng xe không sử dụng khóa chống trộm, không có người trông coi hoặc không rút chìa khóa xe, đối tượng dùng chìa khóa vạn năng phá khóa trộm xe; đột nhập vào nhà trộm xe máy khi có sẵn chìa khóa rồi tẩu thoát. Thói quen để tiền, tài sản trong cốp xe.
- Ngoài những thủ đoạn trên, trong thời gian vừa qua trên địa bàn thị xã Ba Đồn đã xảy ra một số vụ trộm cắp tài sản, đối tượng lợi dụng các ngày lễ tết, đóng giả là nhân viên chuyển phát nhanh, nhân viên cung ứng các dịch vụ chuyển quà, mang theo hoa hoặc giỏ quà tặng vào các khoảng thời gian chủ nhà đi vắng và có người giúp việc ở nhà. Các đối tượng nhanh chóng tìm cách chiếm cảm tình và tạo tâm lý chủ quan đối với gia chủ trước khi tìm cơ hội thuận tiện để ra tay trộm cắp. Hoặc giả danh là cán bộ đến liên hệ công tác, giả là người quen của gia đình, đồng nghiệp của bố, mẹ để đột nhập vào nhà trộm cắp tài sản. Chúng còn cải trang là nhân viên thu phí, bảo trì, tiếp thị một số dịch vụ thông dụng để vào nhà, quan sát tiếp cận tài sản. Đây là thủ đoạn mới mà người dân cần chú ý đề phòng, cảnh giác.
Để tiếp tục làm tốt công tác phòng ngừa bảo vệ, quản lý tài sản, không để sơ hở cho các đối tượng trộm cắp tài sản trong thời gian tới và phát động phong trào toàn dân tố giác tội phạm góp phần đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm trộm cắp tài sản. Cơ quan CSĐT Công an thị xã Ba Đồn đề nghị Chủ tịch UBND các xã, phường, lãnh đạo các cơ quan doanh nghiệp, trường học trên địa bàn thị xã Ba Đồn cần: Thông báo tuyên truyền trên hệ thống truyền thông xã, phường để quần chúng nhân dân biết về phương thức thủ đoạn của tội phạm trộm cắp tài sản từ đó chủ động phòng ngừa để nâng cao ý thức cảnh giác, phòng chống trộm cắp. Các cơ quan, doanh nghiệp, trường học, đơn vị cần bố trí bảo vệ 24/24, thường xuyên tập huấn chuyên sâu về kiến thức pháp luật, thường xuyên tổ chức tuần tra, canh gác nghiêm ngặt để bảo vệ tài sản của cơ quan, đơn vị mình. Nên lắp đặt hệ thống giám sát (các camera ghi hình có độ phân giải cao), chuông và đèn báo động ở những vị trí quan trọng, nơi để tài sản có giá trị cao.
Hiện nay, thời tiết đã vào mùa hè, nắng, nóng, lợi dụng sơ hở của người dân vì hóng mát, giải nhiệt, không cẩn thận quản lý tài sản, nên chỉ trong đầu tháng 5 các đối tượng đã thực hiện thành công 07 vụ trộm cắp tài sản, với những đặc điểm chung như cửa nhà không được người dân chốt khóa cẩn thận, lợi dụng đêm khuya mọi người ngủ say, cửa phòng và tài sản không được bảo quản cẩn thận đã đột nhập vào nhà lấy trộm tài sản. Bên cạnh đó, một số gia đình đóng cửa nghỉ ngơi trong nhà và để xe máy, xẻ đạp ngoài sân trong khi không khóa cổng. Chính vì vậy, Cơ quan CSĐT Công an thị xã Ba Đồn khuyến cáo những gia đình có cửa và khóa không an toàn nên thay mới, đặc biệt là vào mùa nắng nóng, ban đêm không được mở cửa thông gió tầng 2, trước khi đi ngủ tạo thói quen kiểm tra, đóng chốt kỹ càng các cửa trong nhà.
Người dân cần nâng cao cảnh giác với những đối tượng lạ mặt xưng là nhân viên bưu phẩm, thợ sữa chữa ống nước, thợ điện, cán bộ đến liên hệ công tác, người quen của gia đình, đồng nghiệp, nhân viên tiếp thị, bán hàng. Khi tiếp xúc cần phải cẩn trọng, nâng cao cảnh giác để nhận biết người đang đối diện mình. Đặc biệt nhất là chú ý đến thời gian và không gian tiếp xúc, sau đó là ngôn ngữ, cữ chỉ. Khi người già và trẻ em ở nhà, có người lạ mặt đến, tuyệt đối khổng mở cổng để người đó vào nhà, cần gọi điện để xác minh thông tin, hoặc sử dụng các câu hỏi để nhận biết các đối tượng phạm tội.
Công an các xã, phường tăng cường kế hoạch tuần tra, kiểm soát, mật phục phòng ngừa tội phạm trên địa bàn và tiến hành công tác tổng rà soát, theo dõi, quản lý các đối tượng để ngăn ngừa, phòng chống tội phạm có hiệu quả.
Cán bộ và nhân dân tích cực tham gia tố giác các loại tội phạm nhất là tội phạm trộm cắp tài sản. Khi phát hiện các thông tin, tài liệu về các đối tượng trộm cắp, tiêu thụ tài sản trộm cắp thì kịp thời thông báo cho cơ quan Công an nơi gần nhất hoặc gọi điện thoại về Trực ban Cơ quan CSĐT Công an thị xã Ba Đồn số: 0232.3.513.388 hoặc số điện thoại của Cảnh sát 113: 0232.3.513.113 để kịp thời điều tra, bắt giữ, xử lý.
Nguồn tin: Công an thị xã Ba Đồn