Hướng dẫn chi tiết về Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025

Thứ hai - 16/03/2020 05:34

Hướng dẫn chi tiết về Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025

Để chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Hướng dẫn 26 ngày 18/10/2019. Dưới đây là tổng hợp của LuatVietnam về vấn đề này.
Mục lục bài viết
1. Giảm số lượng ủy viên cấp tỉnh, cấp huyện
2. Không phân biệt loại hình đào tạo khi bố trí nhân sự cấp ủy
3. Cách xác định tuổi Đảng viên khi hồ sơ không thống nhất
4. Bí thư tỉnh ủy, huyện ủy không giữ chức vụ quá 2 nhiệm kỳ
5. Chưa bầu cấp ủy khóa mới khi công tác nhân sự chưa xong
6. 4 lưu ý khi thực hiện bầu cử trong đại hội Đảng bộ các cấp

1. Giảm số lượng ủy viên cấp tỉnh, cấp huyện

Về cơ cấu, số lượng cấp ủy viên, ủy viên thường vụ và phó bí thư cấp ủy, Chỉ thị 35 nêu rõ:

Thực hiện giảm khoảng 5% số lượng cấp ủy viên cấp tỉnh, cấp huyện so với số lượng tối đa đã được Trung ương xác định ở nhiệm kỳ 2015 - 2020 theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6, 7 khóa XII

Và Hướng dẫn 26 đã đưa ra một số ví dụ cụ thể về nội dung này như:

Đảng bộ tỉnh A có số lượng cấp ủy viên được xác định là 55 đồng chí. Khi thực hiện giảm khoảng 5% ở nhiệm kỳ 2020 - 2025, số lượng cấp ủy viên tối đa sẽ là 53 đồng chí.

Dù vậy, việc giảm số lượng cấp ủy viên ở cấp tỉnh, cấp huyện không bao gồm các đồng chí cán bộ Trung ương luân chuyển về địa phương.

Đồng thời, về cơ cấu cấp ủy, Hướng dẫn cũng nhấn mạnh phải thực hiện theo phương châm, coi trọng chất lượng cấp ủy, không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn, điều kiện và không nhất thiết địa phương, ban ngành nào cũng phải có người tham gia cấp ủy.

2. Không phân biệt loại hình đào tạo khi bố trí nhân sự cấp ủy

Một trong những nội dung đáng chú ý của Hướng dẫn 26 là phải lưu ý rà soát, thẩm tra quy trình, tiêu chuẩn, điều kiện, phẩm chất, năng lực, uy tín của nhân sự đặc biệt là kết quả công tác, sản phẩm cụ thể từ đầu nhiệm kỳ đến nay.

Trong đó, về chuyên môn, lý luận chính trị không phân biệt loại hình đào tạo. Những văn bằng, chứng chỉ do cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân cấp có giá trị pháp lý như nhau.

Lưu ý rằng, nếu những ứng cử chưa đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định thì phải tiến hành rà soát, xử lý dứt điểm trước khi xem xét giới thiệu nhân sự tham gia cấp ủy các cấp, đảm bảo không bỏ sót người có đức, có tài, có uy tín trong Đảng, nhân dân.

Không chỉ vậy, không để lọt những người có biểu hiện suy thoái đạo đức, tư tưởng chính trị, tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, quan liêu, cửa quyền…

Xem thêm

 

Hướng dẫn 26-HD/BTCTW: 6 nội dung nổi bật về đại hội Đảng các cấp

Hướng dẫn 26-HD/BTCTW: 6 nội dung nổi bật về đại hội Đảng các cấp (Ảnh minh họa)
 

3. Cách xác định tuổi Đảng viên khi hồ sơ không thống nhất

Độ tuổi tham gia cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể chính trị, xã hội được hướng dẫn như sau:

- Độ tuổi tái cử chính quyền ít nhất là 30 tháng và thời điểm tính độ tuổi tái cử chính quyền là tháng 5/2021;

- Với cán bộ, công chức xã: Độ tuổi lần đầu tham gia cấp ủy phải ít nhất trọn một nhiệm kỳ; Độ tuổi tái cử ít nhất phải ½ nhiệm kỳ trở lên tại thời điểm đại hội hoặc bầu cử;

- Với người hoạt động không chuyên trách, cán bộ, nghỉ hưu, nghỉ chế độ… thì Ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương quy định cụ thể độ tuổi tham gia…

Đáng lưu ý, khi độ tuổi của cán bộ, Đảng viên khi không có sự thống nhất trong hồ sơ thì sẽ được xem xét theo nguyên tắc:

- Hồ sơ chỉ ghi năm sinh và không xác định ngày sinh, tháng sinh thì thời điểm tham gia cấp ủy được xác định là ngày 01/01 của năm sinh ghi trong hồ sơ;

- Xác định tuổi của Đảng viên theo tuổi khai trong hồ sơ Lý lịch Đảng viên (hồ sơ gốc) khi được kết nạp vào Đảng (Hướng dẫn số 01-HD/TW ngày 20/9/2016 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng).

Do đó, sẽ có 02 cách xác định tuổi của Đảng viên nếu hồ sơ của Đảng viên đó không thống nhất với nhau.
 

4. Bí thư tỉnh ủy, huyện ủy không giữ chức vụ quá 2 nhiệm kỳ

Để chuẩn bị nhân sự cấp ủy các cấp cần phải thực hiện thống nhất chủ trương bí thư cấp tỉnh, cấp huyện không giữ chức vụ quá hai nhiệm kỳ liên tiếp (từ 08 năm trở lên) tại một địa phương, cơ quan, đơn vị và phấn đấu thực hiện chủ trương này ở cấp xã.

Đồng thời có thể điều động, phân công giữ chức vụ bí thư cấp ủy ở địa phương khác hoặc bố trí vị trí thích hợp trước hoặc sau đại hội Đảng bộ các cấp.

Song song với đó là phải quan tâm quy hoạch cán bộ là người trẻ, phụ nữ, người dân tộc thiểu số ở các cấp để tạo nguồn cán bộ và thực hiện chủ trương đổi mới cấp ủy.

Đặc biệt, với một số nhân sự cá biệt, cần lưu ý để có cách xử lý phù hợp như:

- Các đồng chí không tham gia cấp ủy nhiệm kỳ 2020 - 2025 thì thôi đảm nhiệm các chức danh lãnh đạo cơ quan Nhà nước và các đoàn thể chính trị, xã hội ngay sau đại hội;

- Khi có nhân sự thay thế là đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân thì thực hiện thay thế; Nếu chưa phải thì để đồng chí đương nhiệm tiếp tục công tác đến hết nhiệm kỳ 2016 – 2021;

- Những đồng chí đủ điều kiện tái cử nhưng không trúng cử khóa mới thì được phân công, bố trí công tác phù hợp với tình hình của địa phương, cơ quan, đơn vị.

Ngoài ra, còn phải chủ động tăng cường cán bộ cho những nơi còn thiếu hoặc thực hiện điều động, luân chuyển, phân công, bố trí cán bộ theo sát đề án nhân sự cấp ủy đã được thông qua.

 

Bí thư tỉnh ủy, huyện ủy không giữ chức vụ quá 2 nhiệm kỳ

Bí thư tỉnh ủy, huyện ủy không giữ chức vụ quá 28 năm (Ảnh minh họa)
 

5. Chưa bầu cấp ủy khóa mới khi công tác nhân sự chưa xong

Theo Chỉ thị 35, Đại hội Đảng bộ các cấp được tiến hành với 04 nội dung:

Tổng kết thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2015 - 2020 và xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của nhiệm kỳ 2020 - 2025;

- Thảo luận, đóng góp ý kiến vào dự thảo các văn kiện Đại hội XIII của Đảng và văn kiện đại hội Đảng bộ cấp trên trực tiếp;

- Bầu ban chấp hành Đảng bộ nhiệm kỳ 2020 - 2025;

- Bầu đoàn đại biểu dự đại hội Đảng bộ cấp trên.

Tuy nhiên, theo chủ trương của Chỉ thị 35 và thực hiện theo Hướng dẫn này, để triển khai đồng bộ các nhiệm vụ cũng như chuẩn bị tốt cho đại hội Đảng bộ, cần phải tập trung chú ý các Đảng bộ có tình hình phức tạp về an ninh, trật tự… để xử lý dứt điểm cán bộ có sai phạm, khuyết điểm.

Do đó, Hướng dẫn nêu rõ, nếu địa phương đó chưa thể giải quyết dứt điểm những vấn đề này và được cấp ủy cấp trên có thẩm quyền đồng ý thì có thể chưa bầu cấp ủy khóa mới.

Như vậy, những Đảng bộ này có thể chỉ cần tiến hành đại hội với 03 nội dung mà không cần phải bầu cấp ủy khóa mới. Tuy nhiên, phải hết sức thận trọng, cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đề xuất nội dung này.
6. Lưu ý khi thực hiện bầu cử trong đại hội Đảng bộ các cấp

Việc bầu cử trong đại hội Đảng bộ các cấp là một trong những nội dung, yêu cầu về công tác nhân sự. Trong đó, việc ứng cử, đề cử trong đại hội sẽ được thực hiện theo quy chế bầu cử trong Đảng và các văn bản hiện hành liên quan.

Nếu danh sách bầu cử bí thư, phó bí thư không đúng với đề án đã được cấp trên thông qua thì thực hiện theo các bước sau:

- Kịp thời báo cáo để xin chỉ đạo của cấp ủy cấp trên trực tiếp có thẩm quyển;

- Sau khi có ý kiến chỉ đạo mới thì tiếp tục tiến hành bầu cử hoặc dừng việc bầu cử này lại tại đại hội để tiếp tục chuẩn bị.

Riêng với đồng chí được dự kiến giới thiệu vào chức chủ nhiệm ủy ban kiểm tra mà không trúng cử vào cấp ủy thì cấp ủy khóa mới phải báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của cấp ủy cấp trên để tiếp tục chuẩn bị. Khi đó, có thể sẽ tiếp tục giới thiệu nhân sự mới hoặc tạm dừng việc bầu chức danh này.

Trên đây là tổng hợp 06 nội dung đáng chú ý nhất của Hướng dẫn 26 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về một số nội dung về đại hội Đảng bộ các cấp.

>> Chỉ thị 05 về học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh

 

Tác giả bài viết: Nguyễn Hương

Nguồn tin: Luatvietnam.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê
  • Đang truy cập139
  • Máy chủ tìm kiếm12
  • Khách viếng thăm127
  • Hôm nay38,954
  • Tháng hiện tại38,954
  • Tổng lượt truy cập41,184,408
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây