BỔ SUNG CỤM TỪ “NGHIÊN CỨU”
- Phát biểu bế mạc Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Thành công của Đại hội không phải là thông qua được Nghị quyết, bầu được Ban Chấp hành mới. Quan trọng hơn, sắp tới, phải đưa Nghị quyết vào cuộc sống, biến nó thành hiện thực”. Ban Tuyên giáo Trung ương đã chuẩn bị tham mưu cho công tác này như thế nào, thưa đồng chí?
Đồng chí Đoàn Văn Báu: Trước hết, tôi xin được nhắc lại một lần nữa khẳng định của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: “Sau hơn 7 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc với tinh thần “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển”, với ý thức trách nhiệm cao trước Đảng, nhân dân và đất nước, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã thành công rất tốt đẹp”. Theo tôi, thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng sẽ cổ vũ mạnh mẽ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tranh thủ thời cơ, thuận lợi, phấn đấu sớm đưa nước ta trở thành một nước phát triển, có thu nhập cao, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo, ngay sau Đại hội, tất cả các cấp uỷ, tổ chức đảng cần tập trung làm tốt việc phổ biến, tuyên truyền sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân về kết quả Đại hội; nghiên cứu, quán triệt sâu sắc Nghị quyết và các văn kiện Đại hội; khẩn trương xây dựng, triển khai chương trình, kế hoạch hành động, phát động phong trào thi đua yêu nước sâu rộng, tinh thần đổi mới sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn, thách thức để sớm đưa Nghị quyết Đại hội vào cuộc sống, biến những quyết định của Đại hội thành hiện thực sinh động trong thực tế.
Việc học tập, quán triệt, tuyên truyền nghị quyết các kỳ đại hội luôn được Bộ Chính trị lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện ngay sau khi Đại hội kết thúc. Với vai trò là cơ quan tham mưu, Ban Tuyên giáo Trung ương đã tích cực, kịp thời tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đề xuất chủ trương, cách làm mới trong công tác tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết Đại hội.
Trong đó, nổi bật là một số điểm mới như sau:
Thứ nhất, Ban Tuyên giáo Trung ương tham mưu Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 01 về nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
So với nhiệm kỳ Đại hội XII, lần này, Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị bổ sung thêm cụm từ “nghiên cứu” bởi, cần phải nghiên cứu để hiểu thật sự sâu sắc về ý nghĩa, tầm quan trọng, cũng như những điểm mới của Văn kiện lần này. Đồng thời nhận diện đầy đủ những khó khăn thách thức trong giai đoạn phát triển mới. Từ đó, củng cố niềm tin vững chắc vào thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển đất nước theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng:
Đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp.
Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.
Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nay là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Thứ hai, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, việc tổ chức hội nghị nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết Đại hội XIII cần đảm bảo yêu cầu thiết thực, hiệu quả, thực chất và an toàn.
Ban Tuyên giáo Trung ương đã đề xuất tổ chức hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng do Ban Bí thư chủ trì bằng hình thức trực tuyến, kết nối đường truyền tới cơ sở.
Đối với các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương tiếp tục chỉ đạo tổ chức các hội nghị nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII cho từng đối tượng cụ thể, từ tỉnh tới cơ sở. Cán bộ, đảng viên ở một số địa bàn vùng sâu, vùng xa, hải đảo, không tham dự được Hội nghị trực tuyến toàn quốc, sẽ tham dự Hội nghị theo hình thức trực tiếp. Báo cáo viên của các hội nghị này là do đồng chí bí thư cấp ủy, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trực tiếp truyền đạt.
Thứ ba, nội dung cần nghiên cứu, học tập, quán triệt gồm: Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Báo cáo Chính trị; Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030; Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021-2025; Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII.
Để khắc phục tình trạng hình thức, đối phó, trông chờ vào cấp trên, những nội dung trên cần được được nghiên cứu, học tập, quán triệt thường xuyên trong suốt cả nhiệm kỳ.
Đồng chí Đoàn Văn Báu: - Đồng chí có thể nói rõ hơn về việc triển khai hình thức trực tuyến trong học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng?
Hình thức trực tuyến cho phép việc tổ chức hội nghị học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng diễn ra cùng một thời điểm, phạm vi rộng, số lượng cán bộ, đảng viên tham dự lớn với nhiều đối tượng được triệu tập như: cán bộ chủ chốt các cấp, đảng viên, đoàn viên và các thành phần xã hội khác, sức truyền tải thông tin nhanh, rộng khắp, có tính thời sự cao. Việc chỉ đạo quán triệt không qua các tầng nấc sẽ bảo đảm được tính thống nhất về nội dung cũng như tư tưởng chỉ đạo trong toàn bộ hệ thống chính trị. Cán bộ, đảng viên được trực tiếp nghe báo cáo viên là các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư khóa XIII đã trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng các văn kiện Đại hội XIII của Đảng truyền đạt. Việc đôn đốc, kiểm tra, nắm bắt tình hình quán triệt, triển khai học tập nghị quyết của cấp ủy cấp trên đối với cấp ủy cấp dưới thuận tiện. Báo chí được định hướng trực tiếp, kịp thời. Sau hội nghị trực tuyến, có thể gửi băng tài liệu để cung cấp cho các địa phương, đơn vị tiếp tục phổ biến, tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Việc tổ chức hội nghị theo hình thức này tiết kiệm đáng kể thời gian, kinh phí tổ chức, phù hợp với xu thế phát triển ứng dụng công nghệ thông tin và góp phần sớm đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.
Trong nhiệm kỳ XII, với những hiệu ứng tích cực của việc tổ chức hội nghị trực tuyến, hệ thống tuyên giáo toàn quốc tiếp tục chủ động tham mưu các cấp ủy Đảng lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới tổ chức học tập, quán triệt các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương và địa phương.
Từ Hội nghị Trung ương 4 khóa XII trở đi, việc học tập, quán triệt Nghị quyết được triển khai bằng hình thức Hội nghị trực tuyến toàn quốc (nhiều tỉnh, thành ủy kết nối đường truyền tới cấp huyện và cấp xã) đã khắc phục độ trễ về thời gian; mở rộng đối tượng và tăng số lượng cán bộ đảng viên tham dự, nhận được sự đồng tình, ủng hộ và hoan nghênh của đại đa số cán bộ, đảng viên và nhân dân. Hội nghị quán triệt Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII có khoảng 220.000 đại biểu tham dự. Hội nghị quán triệt Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII có 2.700 điểm cầu và hơn 400.000 đại biểu tham dự. Hội nghị quán triệt Nghị quyết Trung ương 8 khóa XII có 2.759 điểm cầu và hơn 405.000 đại biểu tham dự.
Với tính hiệu quả của hội nghị trực tuyến, đồng thời, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, để đảm bảo tính thiết thực, hiệu quả, thực chất và an toàn, trong nhiệm kỳ Đại hội XIII, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ động đề xuất tổ chức Hội nghị nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng do Ban Bí thư chủ trì bằng hình thức trực tuyến.
- Để việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng trở thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, cần phải đáp ứng được những yêu cầu đặt ra như thế nào, thưa đồng chí?
ĐỀ CAO VAI TRÒ NÊU GƯƠNG, TRÁCH NHIỆM CỦA NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU
Đồng chí Đoàn Văn Báu: Trước hết, chúng ta cần nhận thức đầy đủ và sâu sắc ý nghĩa, tầm quan trọng của Nghị quyết Đại hội. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là sự kiện chính trị trọng đại của đất nước. Thành công của Đại hội đã củng cố sâu sắc hơn niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới; khơi dậy tinh thần và ý chí, quyết tâm phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Các văn kiện của Đại hội là kết tinh trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, thể hiện rõ sự thống nhất giữa ý Đảng lòng dân; là sự tổng kết sâu sắc thực tiễn, lý luận qua 35 năm đổi mới, xác định các mục tiêu chiến lược lớn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, có giá trị định hướng và chỉ đạo toàn bộ các hoạt động của Đảng, Nhà nước và xã hội.
Hai là, việc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII nhằm tuyên truyền sâu rộng, kịp thời tới đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân về nội dung các văn kiện Đại hội, tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động trong toàn Đảng và xã hội, bảo đảm mỗi cán bộ, đảng viên đều được nghiên cứu học tập, quán triệt, nắm vững những nội dung cơ bản của Nghị quyết Đại hội, các nội dung trong chương trình, kế hoạch hành động của cấp ủy, vận dụng phù hợp với thực tế của địa phương, đơn vị và điều kiện của mỗi cá nhân, tích cực đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.
- Vậy theo đồng chí, đâu là điểm mấu chốt?
Đồng chí Đoàn Văn Báu: Tôi cho rằng, đó là việc chuyển từ nhận thức thành hành động theo đúng phương châm “Chủ trương 1 - Chương trình 10 - Hành động 100”, nói ít làm nhiều. Hành động trước hết phải thông qua việc xây dựng chương trình hành động của cấp ủy trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình với những nội dung rất chi tiết và có lộ trình thực hiện cụ thể; phải cụ thể hóa chứ không chung chung.
Vai trò nêu gương của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan đơn vị cũng là một trong những nhân tố quan trọng quyết định đến chất lượng nghiên cứu, học tập, nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên.
- Nhiệm vụ trước mắt đối với Ban Tuyên giáo Trung ương cũng như Ban Tuyên giáo các tỉnh, thành ủy trên cả nước trong tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết Đại hội XIII là gì, thưa đồng chí?
Đồng chí Đoàn Văn Báu: Ban Tuyên giáo Trung ương sẽ ban hành hướng dẫn việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng theo tinh thần đổi mới, khẩn trương, thiết thực, an toàn, hiệu quả.
Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì phối hợp với Tổ biên tập Tiểu ban Văn kiện, Tiểu ban Kinh tế - xã hội, Tiểu ban Điều lệ Đảng, Hội đồng Lý luận Trung ương biên soạn các tài liệu phục vụ việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết Đại hội XIII.
Chỉ đạo các cơ quan báo chí, phương tiện thông tin đại chúng, báo cáo viên các cấp và tuyên truyền ở cơ sở đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến rộng rãi tới đông đảo quần chúng nhân dân trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài về những nội dung cơ bản của các văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Chú trọng đấu tranh phản bác các quan điểm lệch lạc, sai trái, thù địch và định hướng dư luận xã hội theo đúng phương châm lấy xây làm chính, lấy đẹp dẹp xấu, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực, góp phần quan trọng củng cố niềm tin vững chắc vào mục tiêu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Ban Tuyên giáo các tỉnh, thành ủy trên cả nước và các đảng ủy trực thuộc Trung ương chủ động, tích cực tham mưu cho các cấp ủy đảng tổ chức các hội nghị nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền, đưa nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống theo Chỉ thị của Bộ Chính trị. Từ đó, tạo thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân để thống nhất và nâng cao nhận thức về các chủ trương, quan điểm, đường lối, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng, phát triển đất nước trong giai đoạn 2021-2026 và những năm tiếp theo. Đây cũng là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của ngành Tuyên giáo trong năm 2021 và các năm tiếp theo.
Song song với đó, đẩy mạnh tuyên truyền các phong trào thi đua yêu nước, góp phần tích cực thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp. Phối hợp tham mưu cấp ủy, chính quyền xây dựng, triển khai chương trình hành động, kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội gắn với thực tiễn của địa phương, đơn vị, đảm bảo đồng bộ, thiết thực, hiệu quả.
Trân trọng cảm ơn đồng chí!
Thu Hằng (thực hiện)
Nguồn tin: tuyengiao.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn