Xã Quảng Thủy: Tăng cường cơ giới hóa nông nghiệp sau dồn điển đổi thửa

Thứ ba - 14/08/2018 08:44
Dồn điền đổi thửa (DĐĐT) đã tạo ra những thửa ruộng rộng và vuông vắn hơn trên mỗi cánh đồng, hệ thống giao thông nội đồng được quy hoạch và nâng cấp. Từ đó, xã Quảng Thủy (thị xã Ba Đồn) đã có điều kiện đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, giảm chi phí sản xuất, cho hiệu quả kinh tế cao hơn trên một đơn vị diện tích.
    Về Quảng Thủy hôm nay, có thể thấy rõ bức tranh về một nền nông nghiệp mới theo xu hướng hiện đại hóa. Khắp các cánh đồng của xã, thay vì những mảnh ruộng manh mún, nhỏ lẻ, chằng chịt bờ như trước đây là hình ảnh những thửa ruộng “thẳng cánh cò bay”. Những con đường giao thông nội đồng lầy lội mỗi khi mưa gió đã được nâng cấp, các loại máy móc phục vụ nông nghiệp vào đến tận bờ ruộng
Anh Trần Văn Thái, cán bộ Địa chính-Nông nghiệp xã Quảng Thủy cho biết: “Thực hiện Chỉ thị số 04/CT-ThU của Ban Thường vụ Thị ủy Ba Đồn và Quyết định số số 628, ngày 3-8-2016 của UBND thị xã Ba Đồn về việc tiếp tục triển khai DĐĐT trong sản xuất nông nghiệp, ngay từ đầu năm 2016, xã Quảng Thủy đã đồng loạt triển khai công tác DĐĐT trên tất cả các thôn: Xuân Thủy, Thượng Thủy, Nam Thủy, Trung Thủy và Đông Bắc”.
Trong quá trình triển khai thực hiện, Đảng ủy xã đã chủ động ban hành Nghị quyết, xây dựng kế hoạch DĐĐT gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; thành lập ban chỉ đạo và các tiểu ban, tiến hành khảo sát thực địa, quy hoạch lại hệ thống thủy lợi, giao thông nội đồng và lên phương án chia chỉnh lại đồng ruộng.
Đồng thời, xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, thuyết phục để người nông dân hiểu được lợi ích của việc DĐĐT, nên đã nhận được sự ủng hộ tích cực của người dân.
Theo anh Thái, nguyên tắc quan trọng được Quảng Thủy đề cao trong quá trình thực hiện DĐĐT là việc bàn bạc, thảo luận dân chủ, công khai với người dân nhằm tạo sự đồng thuận, ủng hộ từ chính những người trực tiếp được lợi.
Trong quá trình phân chia, xã luôn bảo đảm công bằng, hợp tình, hợp lý, phù hợp nguyện vọng của đại đa số người dân nên công tác DĐĐT tại Quảng Thủy đã thực sự trở thành việc chung của mọi người, qua đó giúp cho quá trình tổ chức triển khai thực hiện bảo đảm đúng tiến độ.
100% số hộ sử dụng đất nông nghiệp trên địa bàn xã hưởng ứng thực hiện. Từ bình quân mỗi khẩu có khoảng 500m2 đất, sau khi DĐĐT mỗi hộ chỉ còn lại 1 đến 2 thửa nên rất thuận tiện cho việc đầu tư thâm canh, tăng năng suất cây lúa.
Xã đã thực hiện thành công tiêu chí thực hiện cánh đồng mẫu lớn khi tăng diện tích bình quân thửa từ 328,6m2 lên 1.276m2/thửa, gấp 3,88 lần. Trước khi dồn điền đổi thửa, số thửa bình quân mỗi hộ là 5,9 thửa/hộ, hiện nay, còn lại trung bình 1-2 thửa/hộ. Sau DĐĐT, các thôn thực hiện đúng quy hoạch, thiết kế lại đồng ruộng, xây dựng và hoàn thiện dần hệ thống kênh mương, thủy lợi nội đồng phục vụ sản xuất.
Nông dân có ruộng phấn khởi, tích cực chăm bón và cải tạo đất, đồng thời áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thâm canh tăng năng suất. Nhờ đó, nền nông nghiệp thay đổi rõ rệt về hiệu quả kinh tế tính trên một đơn vị diện tích, đời sống của người dân cũng được nâng lên.
Thôn Thượng Thủy là một trong những điển hình thực hiện tốt công tác DĐĐT ở xã Quảng Thủy. Trưởng thôn Thượng Thủy, Nguyễn Hữu Điền cho hay, DĐĐT là chủ trương đúng đắn, tạo điều kiện cho người dân được sản xuất thuận lợi hơn, nhờ có đường nội đồng được mở rộng, hệ thống kênh mương bảo đảm nước tưới, năng suất đạt cao hơn.
Sau khi chia lại ruộng đất, những gia đình đông con nhưng ít đất đã đứng ra nhận những mảnh ruộng đất xấu của các hộ khác để cải tạo, canh tác nhằm nâng cao năng suất. Trước đây, khi chưa DĐĐT, năng suất toàn thôn Thượng Thủy đạt 51-52 tạ/ha, nhưng nay thì cao hơn với 55-56 tạ/ha.
Điều làm người dân phấn khởi nhất là các loại máy móc đã đến từng chân ruộng nên việc sản xuất nông nghiệp cũng thuận lợi, giảm ngày công và sức lao động cho người dân. Theo thống kê sơ bộ, gần 80% hộ dân trong thôn đã áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp.
Khâu cải tạo đất thì có máy cày, máy bừa đến khâu thu hoạch thì có máy tuốt, máy gặt. Những gia đình thiếu lao động đã áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất, vừa giảm được sức lao động mà vẫn bảo đảm được mức thu nhập cho gia đình.
DĐĐT còn là tiền đề quan trọng cho việc tích tụ ruộng đất, phát triển các vùng sản xuất chuyên canh hoặc các mô hình chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng các cây, con cho giá trị kinh tế cao.
Hiện tại, xã Quảng Thủy đã chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng ngô, lạc và một số loại rau màu khác. Nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn thuê, mượn đất để xây dựng các gia trại, trang trại trồng cam, mè, nuôi cá, vịt… đem lại thu nhập cao.
Điều đáng ghi nhận nhất là đã thay đổi được nhận thức và thói quen của nông dân trong sản xuất nông nghiệp. Trước đây, trên cùng một cánh đồng nhưng có nhiều thời vụ, nhiều loại giống là chuyện bình thường. Bà con sản xuất theo thói quen, nhu cầu của gia đình mình chứ chưa có ý thức cộng đồng, sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa.
Sau DĐĐT, từ những thửa ruộng lớn, vuông vắn, cơ giới hóa được đưa vào, người dân đã dần làm quen với sản xuất cánh đồng mẫu lớn, sản xuất hàng hóa tập trung, dần tiếp cận và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp.
Mặt khác, sau DĐĐT, việc tổ chức sản xuất, gieo trồng trên thửa đất mới thuận lợi, nhanh chóng hơn đã tạo động lực thúc đẩy nông dân sản xuất và gắn bó với đồng ruộng, góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong việc tham gia đóng góp xây dựng nông thôn mới, tự nguyện hiến đất, đóng góp ngày công lao động, kinh phí để xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất.

Nguồn tin: Theo Lan Chi (Báo Quảng Bình)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê
  • Đang truy cập555
  • Hôm nay17,616
  • Tháng hiện tại322,385
  • Tổng lượt truy cập39,842,174
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây