Thị xã Ba Đồn tích cực thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”
Thứ tư - 28/03/2018 07:03
Trong những năm qua, thị xã Ba Đồn đã tích cực thực hiện có hiệu quả cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới" và đã gặt hái được nhiều thành tích đáng phấn khởi trên nhiều lĩnh vực.
Trên cơ sở đó, kế thừa những kết quả đạt được, thực hiện Đề án số 04/ĐA-MTTW-BTT ngày 28/12/2015 của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về tổ chức thực hiện Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực, đời sống người dân ngày càng được cải thiện và nâng cao, bức tranh nông thôn mới đang từng ngày được hoàn thiện ở mọi làng quê.
Mặt trận các cấp trên địa bàn đã tập trung triển khai xây dựng 16 mô hình điểm về thực hiện cuộc vận động. Trong đó, có 02 mô hình cấp tỉnh, 02 mô hình cấp thị và 12 mô hình cấp xã. Đặc biệt, nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến tận người dân, giúp người dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, lợi ích của cuộc vận động, thông qua các hình thức tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh các địa phương và Đài TT - TH thị xã, hay bằng các cụm pano, áp phích với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Thị xã đã cấp phát, in ấn 500 tờ gấp tuyên truyền và gần 30.000 bản cam kết cho các hộ gia đình. Đồng thời, tổ chức tập huấn cho 162 lượt cán bộ Mặt trận cơ sở về nội dung cuộc vận động.
Cũng như nhiều địa phương khác trong toàn tỉnh, thị xã Ba Đồn là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai lũ lụt và sự cố môi trường biển, nhưng với sự quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân nên kinh tế - xã hội trên địa bàn vẫn giữ mức tăng trưởng ổn định. Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều kết quả đáng phấn khởi. Đến nay, thị xã có 5 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới (tăng một xã so với năm 2017); có một xã đạt 16 tiêu chí (Quảng Văn) và bốn xã đạt 13-14 tiêu chí (Quảng Lộc, Quảng Sơn, Quảng Thủy, Quảng Minh).
Đặc biệt, để giúp người dân phát triển kinh tế, thị xã Ba Đồn đã khuyến khích và tạo mọi điều kiện giúp người dân vay vốn để phát triển sản xuất kinh doanh, nhất là chú trọng đầu tư phát triển các mô hình kinh tế trang trại, gia trại vùng gò đồi, phát triển mô hình kinh tế tổng hợp vườn, ao chuồng. Tận dụng diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả, đất hoang hóa sang nuôi trồng thủy hải sản và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Bên cạnh đó, các địa phương cũng đã phát huy tốt thế mạnh từ các làng nghề, ngành nghề truyền thống để phát triển kinh tế, như làng nghề nón lá Quảng Thuận, Quảng Tân, nghề rèn, mộc ở Quảng Hòa. Có nhiều địa phương như: Quảng Lộc, Quảng Minh, Quảng Thủy đã thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, xen canh gối vụ quanh năm trên một đơn vị diện tích canh tác để nâng cao năng suất, chất lượng, tăng thu nhập. Nhờ đó, đời sống người dân ngày càng được cải thiện.
Ở các địa phương, các tổ hội, chi hội, hội xã đã thành lập được các nhóm tiết kiệm, hỗ trợ giúp nhau về vốn, giống cây trồng để phát triển kinh tế, giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Với hình thức này, nhiều địa phương đã tạo nên một phong trào thi đua người giàu giúp người nghèo về vốn, cây con giống, kỷ thuật. Từ đó, đã phát huy tình cảm cao đẹp, tình đoàn kết, tương thân, tương ái trong cộng đồng dân cư, tạo điều kiện cho người nghèo, người khó khăn vươn lên ổn định cuộc sống.
Bên cạnh đó, người dân trên địa bàn thị xã luôn thi đua thực hiện nếp sống văn hóa, ứng xử văn minh, bài trừ các hủ tục, lạc hậu, mê tín dị đoan trong cộng đồng các khu dân cư. Thực hiện nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Tích cực tham gia các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, xây dựng gia đình hòa thuận, hạnh phúc, nâng cao chất lượng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa.
Các địa phương đã tập trung xử lý rác thải sinh hoạt bằng các tổ thu gom rác thải, thu rác mỗi tuần một lần, các địa phương cũng đã huy động các khu dân cư, các cấp hội, đoàn thể tập trung xử lý rác thải tại các điểm công cộng, khu vực bờ sông, bờ kè, đảm bảo giữ sạch cảnh quan môi trường. Bằng nguồn lực huy động từ nguồn xã hội hóa để xây dựng nông thôn mới, các trục đường giao thông liên thôn, liên xóm ở nhiều địa phương đã bê tông hóa sạch đẹp, tránh được tình trạng nắng bụi, mưa lầy, giúp người dân đi lại thuận tiện.
Ngoài ra, với phương thức vận động, lồng ghép các hình thức tuyên truyền chấp hành pháp luật, thông qua các buổi nói chuyện trực tiếp, qua hội nghị tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật được Ủy ban Mặt trận thị xã phối kết hợp với các cơ quan, ban ngành, tổ chức tại các khu dân cư đã tuyên truyền, vận động nhân dân luôn sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật, tích cực phòng chống, tố giác tội phạm, các tệ nạn xã hội. Nhờ đó, tình hình an ninh trật tự xã hội trên địa bàn cơ bản được giữ vững. Ở các khu dân cư luôn đoàn kết, hòa thuận. Tình làng, nghĩa xóm luôn được gắn chặt.
Với phương châm: "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng lợi", tại các xã được chọn làm điểm để thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới đã luôn phát huy có hiệu quả vai trò làm chủ của người dân, trong việc giám sát, xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội.
Với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể các cấp, sự đoàn kết, chung sức đồng lòng của toàn dân, cuộc vận động đang ngày càng được các địa phương triển khai sâu rộng trên cả bề rộng và bề sâu, được đông đảo nhân dân hưởng ứng nhiệt tình bằng những việc làm thiết thực, góp phần thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, các chương trình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh ở địa phương.
Tác giả bài viết: Hoàng Chí Tình - PCT UBMTTQVN thị xã