DOANH NGHIỆP CẦN BIẾT: CHẤM DỨT HIỆU LỰC MÃ SỐ THUẾ, TẠM NGỪNG KINH DOANH ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP VÀ TỔ CHỨC

Thứ năm - 08/03/2018 17:01
Trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp, tổ chức có đăng ký thuế, nộp thuế khi tạm ngừng hoạt động và chấm dứt hiệu lực mã số thuế còn lúng túng việc xác lập hồ sơ. Căn cứ vào Thông tư  95/2016/TT-BTC ngày 8/6/2016 của Bộ Tài chính hướng dẫn về đăng ký thuế. Chi cục Thuế thị xã Ba Đồn hướng dẫn thủ tục chấm dứt hiệu lực mã số thuế, tạm ngừng kinh doanh đối với doanh nghiệp và các tổ chức khác như sau:
1. Các trường hợp chấm dứt hiệu lực mã số thuế
a) Đối với doanh nghiệp:
- Doanh nghiệp chấm dứt hoạt động hoặc giải thể, phá sản;
- Doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
- Tổ chức lại doanh nghiệp (chia, tách, sáp nhập, hợp nhất);
b) Đối với tổ chức kinh tế, tổ chức khác:
- Tổ chức kinh tế, tổ chức khác chấm dứt hoạt động
- Tổ chức kinh tế, tổ chức khác bị thu hồi Giấy phép thành lập và hoạt động, hoặc Giấy phép tương đương do vi phạm pháp luật.
- Tổ chức lại đối với tổ chức kinh tế (chia, sáp nhập, hợp nhất), chuyển đổi tổ chức từ đơn vị trực thuộc thành đơn vị độc lập hoặc đơn vị độc lập thành đơn vị trực thuộc hoặc đơn vị trực thuộc của đơn vị chủ quản này thành đơn vị trực thuộc của đơn vị chủ quản khác.
- Tổ chức kinh tế, tổ chức khác bị cơ quan thuế ra Thông báo người nộp thuế không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký trên một năm và không đăng ký hoạt động trở lại.
- Nhà thầu, nhà đầu tư tham gia hợp đồng dầu khí khi kết thúc hợp đồng hoặc chuyển nhượng toàn bộ quyền lợi tham gia hợp đồng dầu khí.
- Nhà thầu nước ngoài khi kết thúc hợp đồng.
c) Đối với đơn vị trực thuộc:
- Đơn vị trực thuộc có Quyết định chấm dứt hoạt động của đơn vị chủ quản.
- Đơn vị trực thuộc bị chấm dứt hiệu lực mã số thuế khi đơn vị chủ quản chấm dứt hiệu lực mã số thuế.
- Đơn vị trực thuộc bị thu hồi Giấy phép thành lập và hoạt động, hoặc Giấy phép tương đương theo quy định của pháp luật.
2. Nguyên tắc chấm dứt hiệu lực mã số thuế
a) Chấm dứt hiệu lực mã số thuế là thủ tục cơ quan thuế xác định mã số thuế không còn giá trị sử dụng trong Hệ thống ứng dụng đăng ký thuế. Cơ quan thuế thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký thuế hoặc Thông báo mã số thuế và thông báo công khai việc chấm dứt hiệu lực mã số thuế.
b) Mã số thuế không được sử dụng trong các giao dịch kinh tế, kể từ ngày cơ quan thuế chấm dứt hiệu lực mã số thuế theo quy định tại Điều 29 Luật quản lý thuế.
c) Tổ chức kinh tế, tổ chức khác sau khi đã chấm dứt hiệu lực mã số thuế, nếu hoạt động trở lại phải thực hiện đăng ký thuế để được cấp mã số thuế mới, mã số thuế đã chấm dứt hiệu lực không được sử dụng lại.
d) Doanh nghiệp trước khi nộp hồ sơ giải thể tại cơ quan đăng ký kinh doanh theo hướng dẫn tại Luật doanh nghiệp, Nghị định 78/2015/NĐ-CP ngày 14/9/2015 của Chính phủ, Thông tư số 20/2015/TT-BKHĐT ngày 01/12/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì phải gửi hồ sơ cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp theo quy định tại Khoản 3 Điều 202 Luật doanh nghiệp (đối với trường hợp tự giải thể) hoặc Khoản 2 Điều 203 Luật doanh nghiệp (đối với trường hợp giải thể trong trường hợp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc theo quyết định của toà án) để làm thủ tục hoàn thành nghĩa vụ thuế với cơ quan thuế.
đ) Khi doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác  chấm dứt hiệu lực mã số thuế thì đồng thời phải thực hiện thủ tục chấm dứt hiệu lực đối với mã số thuế nộp thay.
e) Người nộp thuế là đơn vị chủ quản chấm dứt hiệu lực mã số thuế thì các đơn vị trực thuộc cũng bị chấm dứt hiệu lực mã số thuế theo quy định.
3. Các nghĩa vụ người nộp thuế phải hoàn thành trước khi chấm dứt hiệu lực mã số thuế
- Người nộp thuế nộp Báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn theo quy định của pháp luật về hoá đơn;
- Người nộp thuế hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế theo quy định tại Điều 41, Điều 42 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 6/11/2013 của Bộ Tài chính;
- Trường hợp đơn vị chủ quản có các đơn vị trực thuộc thì toàn bộ các đơn vị trực thuộc phải hoàn thành thủ tục chấm dứt hiệu lực mã số thuế trước khi chấm dứt hiệu lực mã số thuế của đơn vị chủ quản.
4. Thời hạn và địa Điểm nộp hồ sơ chấm dứt hiệu lực mã số thuế
a) Đối với doanh nghiệp: Việc chấm dứt hiệu lực mã số thuế của doanh nghiệp được cơ quan thuế thực hiện cùng với thời hạn cơ quan đăng ký kinh doanh cập nhật tình trạng pháp lý của doanh nghiệp (giải thể) trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
b) Đối với tổ chức kinh tế, tổ chức khác, nhà thầu, nhà đầu tư tham gia hợp đồng dầu khí, nhà thầu nước ngoài :
Người nộp thuế có trách nhiệm gửi hồ sơ chấm dứt hiệu lực mã số thuế trong thời hạn 10 (mười) ngày làm việc kể từ ngày có văn bản chấm dứt hoạt động hoặc ngày kết thúc hợp đồng hoặc ngày chấm dứt hoạt động đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp để làm thủ tục chấm dứt hiệu lực mã số thuế.
 * Hồ sơ chấm dứt hiệu lực mã số thuế
1. Đối với tổ chức kinh tế, tổ chức khác
a) Đối với đơn vị chủ quản, hồ sơ gồm:
- Văn bản đề nghị chấm dứt hiệu lực mã số thuế mẫu số 24/ĐK-TCT ban hành kèm theo Thông tư này;
- Giấy chứng nhận đăng ký thuế hoặc Thông báo mã số thuế (bản gốc); hoặc công văn giải trình mất Giấy chứng nhận đăng ký thuế hoặc Thông báo mã số thuế;
- Bản sao không yêu cầu chứng thực Quyết định giải thể, hoặc Quyết định mở thủ tục phá sản, hoặc Quyết định chia, hoặc Hợp đồng hợp nhất, hoặc Hợp đồng sáp nhập, hoặc Quyết định thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động của cơ quan có thẩm quyền, hoặc Thông báo chấm dứt hoạt động;
- Văn bản xác nhận hoàn thành nghĩa vụ thuế đối với hoạt động xuất nhập khẩu của Tổng cục Hải quan nếu tổ chức có hoạt động xuất nhập khẩu.
Trường hợp đơn vị chủ quản có các đơn vị trực thuộc đã được cấp mã số thuế 13 số thì đơn vị chủ quản phải có văn bản thông báo chấm dứt hoạt động của đơn vị chủ quản cho các đơn vị trực thuộc để yêu cầu đơn vị trực thuộc thực hiện thủ tục chấm dứt hiệu lực mã số thuế của đơn vị trực thuộc với cơ quan thuế quản lý đơn vị trực thuộc trước khi chấm dứt hiệu lực mã số thuế của đơn vị chủ quản.
b) Đối với đơn vị trực thuộc, hồ sơ gồm:
- Văn bản đề nghị chấm dứt hiệu lực mã số thuế mẫu số 24/ĐK-TCT ban hành kèm theo Thông tư này;
- Giấy chứng nhận đăng ký thuế hoặc Thông báo mã số thuế (bản gốc); hoặc công văn giải trình mất Giấy chứng nhận đăng ký thuế hoặc Thông báo mã số thuế;
- Bản sao không yêu cầu chứng thực Quyết định chấm dứt hoạt động đơn vị trực thuộc, hoặc Thông báo chấm dứt hoạt động của đơn vị chủ quản, hoặc Quyết định thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động đối với đơn vị trực thuộc của cơ quan có thẩm quyền;
- Văn bản xác nhận hoàn thành nghĩa vụ thuế đối với hoạt động xuất nhập khẩu của Tổng cục Hải quan nếu tổ chức có hoạt động xuất nhập khẩu.
2. Đối với Doanh nghiệp
Hồ sơ của doanh nghiệp để làm thủ tục hoàn thành nghĩa vụ thuế với cơ quan thuế trước khi doanh nghiệp làm thủ tục giải thể tại cơ quan đăng ký kinh doanh như sau:
a) Trường hợp doanh nghiệp tự giải thể, hồ sơ gồm:
- Quyết định giải thể;
- Biên bản họp;
- Văn bản xác nhận hoàn thành nghĩa vụ thuế đối với hoạt động xuất nhập khẩu của Tổng cục Hải quan nếu doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu.
b) Trường hợp giải thể trong trường hợp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc theo quyết định của toà án, hồ sơ gồm:
- Quyết định giải thể;
- Bản sao Quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Quyết định của Toà án có hiệu lực;
- Văn bản xác nhận hoàn thành nghĩa vụ thuế đối với hoạt động xuất nhập khẩu của Tổng cục Hải quan nếu doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu.
* Đăng ký thuế trong trường hợp tạm ngừng kinh doanh
1. Tổ chức kinh tế, tổ chức khác kinh doanh khi tạm ngừng kinh doanh hoặc tiếp tục kinh doanh trước thời hạn ghi trong thông báo phải có thông báo bằng văn bản mẫu số 23/ĐK-TCT ban hành kèm theo Thông tư này gửi cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp và cơ quan cấp Giấy phép thành lập và hoạt động hoặc Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh chậm nhất 15 (mười lăm) ngày trước khi tạm ngừng kinh doanh hoặc tiếp tục kinh doanh trước thời hạn.
2. Thời hạn tạm ngừng kinh doanh không được quá 01 (một) năm. Sau khi hết thời hạn ghi trên thông báo, nếu tổ chức kinh tế, tổ chức khác  kinh doanh vẫn tiếp tục tạm ngừng kinh doanh thì phải gửi thông báo tiếp cho cơ quan thuế và cơ quan cấp Giấy phép thành lập và hoạt động chậm nhất 15 (mười lăm) ngày trước khi tạm ngừng kinh doanh kỳ tiếp theo.  
Tổng thời gian tạm ngừng kinh doanh liên tiếp không được quá 02 (hai) năm.
3. Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác  khi tạm ngừng kinh doanh nếu có mã số thuế nộp thay thì mã số thuế nộp thay được Hệ thống ứng dụng đăng ký thuế tự động cập nhật theo mã số thuế của người nộp thuế./.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê
  • Đang truy cập573
  • Máy chủ tìm kiếm4
  • Khách viếng thăm569
  • Hôm nay54,997
  • Tháng hiện tại280,125
  • Tổng lượt truy cập41,425,579
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây