MỘT SỐ NỘI DUNG CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ: 59/2023/NĐ-CP NGÀY 14/8/2023 QUY ĐỊNH CHI TIẾT MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT THỰC HIỆN DÂN CHỦ Ở CƠ SỞ
Thứ hai - 11/09/2023 15:26
Điều 4. Tổ chức phát phiếu lấy ý kiến của hộ gia đình để Nhân dân bàn và quyết định
1. Các trường hợp tổ chức phát phiếu lấy ý kiến
a) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định lựa chọn hình thức phát phiếu lấy ý kiến của hộ gia đình đối với những nội dung quy định tại Điều 15 của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở có phạm vi thực hiện trong địa bàn cấp xã.
b) Đối với những nội dung quy định tại Điều 15 của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đã được thôn, tổ dân phố tổ chức cuộc họp mà không có đủ đại diện của số hộ gia đình tham dự để có thể đạt tỷ lệ biểu quyết tán thành theo quy định tại khoản 1 Điều 21 của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
c) Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố sau khi đã thống nhất với Ban công tác Mặt trận ở thôn, tổ dân phố quyết định tổ chức phát phiếu lấy ý kiến biểu quyết của hộ gia đình đối với nội dung quy định tại khoản 6 Điều 15 của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở có phạm vi thực hiện trong thôn, tổ dân phố.
2. Xây dựng kế hoạch phát phiếu lấy ý kiến
Căn cứ từng trường hợp phát phiếu lấy ý kiến quy định tại khoản 1 Điều này Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố phối hợp với Trưởng ban công tác Mặt trận ở thôn, tổ dân phố xây dựng Kế hoạch tổ chức phát phiếu lấy ý kiến gồm các nội dung chính sau: Mục đích, yêu cầu, nội dung, thành phần, thời gian, thời hạn lấy ý kiến, phân công tổ chức thực hiện, các điều kiện bảo đảm việc tổ chức phát phiếu lấy ý kiến.
Kế hoạch tổ chức phát phiếu lấy ý kiến phải được gửi đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã và Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã chậm nhất 02 ngày kể từ ngày ban hành Kế hoạch.
3. Thành lập Tổ phát phiếu lấy ý kiến
Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố quyết định thành lập Tổ phát phiếu lấy ý kiến từ 03 đến 05 thành viên gồm: đại diện thôn, tổ dân phố, Ban công tác Mặt trận ở thôn, tổ dân phố, đại diện tổ chức chính trị - xã hội ở thôn, tổ dân phố. Đại diện Ban công tác Mặt trận ở thôn, tổ dân phố là Tổ trưởng.
4. Công khai thông tin về việc phát phiếu lấy ý kiến
Thông tin về việc phát phiếu lấy ý kiến được công khai bằng một trong các hình thức: niêm yết tại nhà văn hóa và các điểm sinh hoạt cộng đồng ở thôn, tổ dân phố, thông báo trực tiếp đến từng hộ gia đình, qua hệ thống truyền thanh của thôn, tổ dân phố, điện thoại, các ứng dụng mạng xã hội hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật do thôn, tổ dân phố thống nhất thiết lập ít nhất 02 ngày trước ngày tổ chức phát phiếu lấy ý kiến. Nội dung thông tin công khai theo quy định tại khoản 2 Điều 19 của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
5. Phiếu lấy ý kiến
a) Đối với từng trường hợp phát phiếu lấy ý kiến của hộ gia đình quy định tại khoản 1 Điều này, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm quy định mẫu phiếu, hướng dẫn và ban hành mẫu phiếu.
b) Phiếu phải đảm bảo các nội dung sau: tiêu đề phiếu, nội dung lấy ý kiến, nội dung để hộ gia đình lựa chọn biểu quyết và hướng dẫn cách lựa chọn, ý kiến khác để hộ gia đình tham gia (nếu có) và thời hạn thu phiếu lấy ý kiến.
Ủy ban nhân dân cấp xã đóng dấu treo ở phía trên bên trái của từng phiếu lấy ý kiến để biểu quyết nội dung có phạm vi thực hiện trong địa bàn cấp xã.
Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố ký trực tiếp vào góc bên phải phía dưới của từng phiếu lấy ý kiến để biểu quyết đối với nội dung có phạm vi thực hiện trong thôn, tổ dân phố.
6. Tiến hành phát phiếu lấy ý kiến của hộ gia đình
a) Tổ phát phiếu gửi trực tiếp phiếu lấy ý kiến đến từng hộ gia đình; thu phiếu theo thời hạn đã được quy định trên phiếu. Tổ phát phiếu tiến hành kiểm phiếu, lập biên bản kiểm phiếu theo mẫu số 04 quy định tại Nghị định này. Trong quá trình kiểm phiếu, Tổ phát phiếu mời đại diện 02 hộ gia đình chứng kiến việc kiểm phiếu.
b) Kết quả lấy ý kiến để Nhân dân bàn và quyết định các nội dung quy định tại khoản 1 Điều này được thông qua khi tổng số phiếu biểu quyết của đại diện hộ gia đình trong thôn, tổ dân phố đạt tỷ lệ tối thiểu theo quy định tại khoản 1 Điều 21 của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
c) Đối với việc phát phiếu lấy ý kiến về nội dung có phạm vi thực hiện trong địa bàn cấp xã, Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố báo cáo Ủy ban nhân dân cấp xã kết quả phiếu lấy ý kiến ở thôn, tổ dân phố để tổng hợp kết quả chung của toàn cấp xã.
7. Chậm nhất là 05 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc thời hạn lấy ý kiến bằng phiếu, quyết định đã được cộng đồng dân cư biểu quyết thông qua phải được gửi đến Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã.
8. Công nhận kết quả phát phiếu lấy ý kiến và hiệu lực quyết định của cộng đồng dân cư thực hiện theo quy định tại Điều 21 của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Điều 5. Biểu quyết trực tuyến tại thôn, tổ dân phố để Nhân dân bàn và quyết định
1. Điều kiện tổ chức biểu quyết trực tuyến tại thôn, tổ dân phố
a) Các nội dung quy định tại khoản 6 Điều 15 của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở phải được Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố thống nhất với Ban công tác Mặt trận ở thôn, tổ dân phố về việc không cần thiết tổ chức cuộc họp của cộng đồng dân cư hoặc phát phiếu lấy ý kiến của từng hộ gia đình.
b) Được cộng đồng dân cư thống nhất lựa chọn theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều này.
c) Đại diện các hộ gia đình có thiết bị điện tử hoặc điện thoại thông minh có kết nối internet để thực hiện biểu quyết trực tuyến và phù hợp với mức độ ứng dụng công nghệ thông tin tại địa phương.
2. Chuẩn bị biểu quyết trực tuyến
a) Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố phối hợp với Ban công tác Mặt trận ở thôn, tổ dân phố báo cáo Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã trước khi thực hiện.
b) Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố thành lập Tổ lấy ý kiến biểu quyết trực tuyến từ 03 đến 05 người gồm: đại diện thôn, tổ dân phố, Ban công tác Mặt trận ở thôn, tổ dân phố, đại diện hộ gia đình và người sử dụng thành thạo về ứng dụng công nghệ thông tin tham gia tổ chức biểu quyết trực tuyến. Tổ trưởng Tổ lấy ý kiến biểu quyết trực tuyến là đại diện Ban công tác Mặt trận ở thôn, tổ dân phố.
c) Tổ lấy ý kiến biểu quyết trực tuyến lựa chọn mạng xã hội hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật để tạo nhóm mạng xã hội của thôn, tổ dân phố và mời đại diện hộ gia đình tham gia; tạo bình chọn trong nhóm mạng xã hội của thôn, tổ dân phố để lấy ý kiến của đại diện hộ gia đình về hình thức biểu quyết trực tuyến.
Thông tin của đại diện hộ gia đình tham gia nhóm mạng xã hội của thôn, tổ dân phố gồm: Họ và tên, địa chỉ thường trú.
Việc tổ chức biểu quyết trực tuyến được thực hiện khi có trên 50% tổng số đại diện hộ gia đình trong thôn, tổ dân phố lựa chọn đồng ý bằng hình thức biểu quyết trực tuyến.
d) Tổ lấy ý kiến biểu quyết trực tuyến tạo nội dung bình chọn gồm: Nội dung biểu quyết, hình thức biểu quyết (đồng ý, không đồng ý và ý kiến khác). Nội dung bình chọn phải ngắn gọn, rõ ràng, đơn giản, dễ hiểu, dễ thao tác.
3. Tiến hành biểu quyết trực tuyến
Tổ lấy ý kiến biểu quyết trực tuyến thông báo cụ thể về hình thức, nội dung, thời gian biểu quyết trực tuyến và hướng dẫn đại diện các hộ gia đình truy cập nhóm mạng xã hội của thôn, tổ dân phố để thực hiện biểu quyết. Trường hợp đại diện hộ gia đình cần hỗ trợ thì liên hệ Tổ lấy ý kiến biểu quyết trực tuyến để được hướng dẫn chi tiết.
4. Tổng hợp, báo cáo kết quả biểu quyết trực tuyến
a) Tổ lấy ý kiến biểu quyết trực tuyến theo dõi, tổng hợp, lập thành biên bản và báo cáo Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố kết quả tại thời điểm kết thúc biểu quyết trực tuyến gồm: thời gian bắt đầu, thời gian kết thúc, tổng số đại diện hộ gia đình tham gia biểu quyết, tổng số đại diện hộ gia đình đồng ý, tổng số hộ gia đình không đồng ý, các ý kiến khác (nếu có) về nội dung lấy ý kiến biểu quyết trực tuyến và kèm theo bản chụp kết quả biểu quyết trực tuyến, danh sách đại diện các hộ gia đình tham gia biểu quyết trực tuyến.
b) Kết quả biểu quyết trực tuyến được lập thành biên bản theo Mẫu số 03 kèm theo Nghị định này; được thông qua khi có trên 50% tổng số đại diện hộ gia đình trong thôn, tổ dân phố lựa chọn đồng ý và được niêm yết công khai tại nhà văn hóa, các điểm sinh hoạt cộng đồng của thôn, tổ dân phố, thông báo trên hệ thống phát thanh, trên nhóm mạng xã hội của thôn, tổ dân phố hoặc bằng các hình thức khác phù hợp với thực tế của thôn, tổ dân phố.
Quyết định của cộng đồng dân cư được gửi tới Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã chậm nhất là 05 ngày làm việc kể từ khi kết thúc biểu quyết trực tuyến.
5. Trường hợp Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố lựa chọn sử dụng tiện ích, ứng dụng hợp pháp khác theo quy định của pháp luật để biểu quyết trực tuyến thì trình tự thực hiện biểu quyết trực tuyến theo quy định tại khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này.
6. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng và hướng dẫn sử dụng ứng dụng biểu quyết trực tuyến trên trang thông tin điện tử để các thôn, tổ dân phố lựa chọn và tổ chức biểu quyết trực tuyến đối với các nội dung Nhân dân bàn và quyết định trên địa bàn.
Điều 10. Công tác chuẩn bị tổ chức hội nghị định kỳ
1. Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố chủ trì, phối hợp với Ban công tác Mặt trận ở thôn, tổ dân phố xây dựng Kế hoạch tổ chức hội nghị định kỳ của cộng đồng dân cư.
2. Nội dung Kế hoạch tổ chức hội nghị định kỳ của cộng đồng dân cư gồm: Thời gian, địa điểm, nội dung hội nghị và tổ chức thực hiện.
3. Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố, Trưởng Ban công tác Mặt trận ở thôn, tổ dân phố, Trưởng ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn trực tiếp hoặc phân công thành viên chuẩn bị báo cáo trình bày tại Hội nghị.
4. Kế hoạch tổ chức hội nghị định kỳ của cộng đồng dân cư được gửi tới Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn để báo cáo, thống nhất trước khi thực hiện.
Điều 11. Trình tự tổ chức hội nghị định kỳ
1. Triệu tập hội nghị định kỳ của thôn, tổ dân phố
a) Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố thông báo triệu tập hội nghị định kỳ của thôn, tổ dân phố.
Thông báo triệu tập nêu rõ thời gian, địa điểm, nội dung tổ chức hội nghị định kỳ của thôn, tổ dân phố; thành phần triệu tập tham dự hội nghị.
b) Thành phần tham dự hội nghị định kỳ là đại diện các hộ gia đình trong thôn, tổ dân phố. Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố quyết định việc mời đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã, đại diện các cơ quan, tổ chức có liên quan tham dự hội nghị.
c) Thông báo triệu tập phải được gửi trực tiếp tới hộ gia đình chậm nhất 05 ngày trước ngày tổ chức hội nghị bằng văn bản hoặc qua hệ thống truyền thanh của thôn, tổ dân phố, qua ứng dụng mạng xã hội hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật do thôn, tổ dân phố thống nhất thiết lập. Trường hợp cần thiết, Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố thông báo trực tiếp tới hộ gia đình.
2. Trình tự tổ chức hội nghị định kỳ
a) Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu và nội dung hội nghị, giới thiệu thư ký hội nghị.
Thư ký hội nghị có trách nhiệm ghi biên bản tại hội nghị.
b) Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố trình bày báo cáo về tình hình của thôn, tổ dân phố, kết quả thực hiện các nội dung đã được cộng đồng dân cư bàn và quyết định.
c) Đại diện Ban công tác Mặt trận ở thôn, tổ dân phố trình bày báo cáo, cung cấp thông tin về tình hình, kết quả thực hiện dân chủ ở thôn, tổ dân phố và trên địa bàn cấp xã.
d) Thành viên Ban Thanh tra nhân dân được bầu tại thôn, tổ dân phố trình bày báo cáo về việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, xem xét, xác minh theo kiến nghị của Nhân dân trên địa bàn.
đ) Đại diện các hộ gia đình thảo luận, tham gia ý kiến, đề xuất, kiến nghị.
e) Thông tin, trao đổi, tiếp thu và giải trình ý kiến, đề xuất, kiến nghị của cộng đồng dân cư đối với các nội dung thuộc thẩm quyền.
g) Thông qua các nội dung được trình bày tại hội nghị.
h) Biểu dương cá nhân, hộ gia đình có thành tích trong việc thực hiện các hoạt động của cộng đồng dân cư.
i) Kết luận hội nghị.
Sau khi kết thúc hội nghị, Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố có trách nhiệm báo cáo bằng văn bản kết quả hội nghị gửi đến Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã.
Điều 14. Hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn
1. Xây dựng phương hướng, nội dung kế hoạch hoạt động
a) Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn xây dựng kế hoạch hoạt động để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được quy định tại Điều 38 của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở theo từng quý, 06 tháng, hằng năm và nhiệm kỳ.
Kế hoạch gồm các nội dung cơ bản: mục đích, yêu cầu, nội dung, thời gian, kinh phí, tổ chức thực hiện và các điều kiện bảo đảm khác cho việc thực hiện Kế hoạch hoạt động.
Kế hoạch hoạt động có thể được điều chỉnh, bổ sung phù hợp với yêu cầu, tình hình thực tế hoặc khi có vấn đề phát sinh đột xuất.
b) Trên cơ sở Kế hoạch hoạt động, Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát cụ thể để gửi Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã và đối tượng kiểm tra, giám sát khác (nếu có) chậm nhất 05 ngày làm việc trước khi tiến hành hoạt động kiểm tra, giám sát.
2. Phương thức hoạt động
a) Tiếp nhận thông tin, phản ánh, kiến nghị trực tiếp hoặc qua hòm thư góp ý của tổ chức, cá nhân có liên quan đến phạm vi kiểm tra, giám sát của Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn.
b) Làm việc với các tổ chức, cá nhân liên quan để thu thập thông tin, tài liệu, phân tích, đối chiếu, tổng hợp thông tin và đánh giá, làm rõ nội dung phản ánh, kiến nghị.
c) Thông báo kết quả kiểm tra, giám sát, xác minh đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có phản ánh, kiến nghị bằng văn bản. Trường hợp phát hiện người có hành vi vi phạm pháp luật thì kiến nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.
3. Chế độ báo cáo
Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn báo cáo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã về kết quả thực hiện nhiệm vụ hàng quý, 06 tháng năm, nhiệm kỳ, đột xuất khi có yêu cầu hoặc phát sinh.
Điều 14. Hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn
1. Xây dựng phương hướng, nội dung kế hoạch hoạt động
a) Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn xây dựng kế hoạch hoạt động để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được quy định tại Điều 38 của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở theo từng quý, 06 tháng, hằng năm và nhiệm kỳ.
Kế hoạch gồm các nội dung cơ bản: mục đích, yêu cầu, nội dung, thời gian, kinh phí, tổ chức thực hiện và các điều kiện bảo đảm khác cho việc thực hiện Kế hoạch hoạt động.
Kế hoạch hoạt động có thể được điều chỉnh, bổ sung phù hợp với yêu cầu, tình hình thực tế hoặc khi có vấn đề phát sinh đột xuất.
b) Trên cơ sở Kế hoạch hoạt động, Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát cụ thể để gửi Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã và đối tượng kiểm tra, giám sát khác (nếu có) chậm nhất 05 ngày làm việc trước khi tiến hành hoạt động kiểm tra, giám sát.
2. Phương thức hoạt động
a) Tiếp nhận thông tin, phản ánh, kiến nghị trực tiếp hoặc qua hòm thư góp ý của tổ chức, cá nhân có liên quan đến phạm vi kiểm tra, giám sát của Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn.
b) Làm việc với các tổ chức, cá nhân liên quan để thu thập thông tin, tài liệu, phân tích, đối chiếu, tổng hợp thông tin và đánh giá, làm rõ nội dung phản ánh, kiến nghị.
c) Thông báo kết quả kiểm tra, giám sát, xác minh đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có phản ánh, kiến nghị bằng văn bản. Trường hợp phát hiện người có hành vi vi phạm pháp luật thì kiến nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.
3. Chế độ báo cáo
Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn báo cáo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã về kết quả thực hiện nhiệm vụ hàng quý, 06 tháng năm, nhiệm kỳ, đột xuất khi có yêu cầu hoặc phát sinh.
Điều 22. Hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân ở cơ quan, đơn vị
1. Xây dựng chương trình, kế hoạch công tác
a) Ban Thanh tra nhân dân ở cơ quan, đơn vị xây dựng chương trình công tác để thực hiện các nhiệm vụ được quy định tại Điều 61 của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở theo từng quý, 06 tháng và hằng năm.
Chương trình công tác gồm các nội dung cơ bản: mục đích, yêu cầu, nội dung, thời gian, kinh phí, tổ chức thực hiện và các điều kiện bảo đảm khác. Chương trình công tác có thể được điều chỉnh, bổ sung phù hợp với yêu cầu, tình hình thực tế hoặc khi có vấn đề phát sinh đột xuất.
b) Ban Thanh tra nhân dân ở cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát cụ thể báo cáo Ban Chấp hành Công đoàn cơ quan, đơn vị và thông báo đến đối tượng kiểm tra, giám sát khác (nếu có) chậm nhất 05 ngày làm việc trước khi tiến hành hoạt động kiểm tra, giám sát.
2. Phương thức hoạt động
a) Tiếp nhận thông tin do cán bộ, công chức, viên chức, người lao động phản ánh trực tiếp, qua hòm thư góp ý; qua nghiên cứu văn bản tài liệu liên quan đến nội dung kiểm tra, giám sát do lãnh đạo cơ quan, đơn vị cung cấp. Làm việc với đơn vị, cá nhân liên quan đến kiến nghị, phản ánh để đánh giá tính xác thực của nội dung phản ánh, kiến nghị.
Ban Thanh tra nhân dân ở cơ quan, đơn vị tổng hợp, phân tích, đối chiếu với các quy định pháp luật, quy định, quy chế làm việc của cơ quan, đơn vị để đánh giá, đề xuất, kiến nghị với người đứng đầu cơ quan, đơn vị xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật hoặc thông qua Ban Chấp hành Công đoàn cơ quan, đơn vị.
b) Kết quả kiểm tra, giám sát, xác minh được lập thành văn bản và gửi đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có phản ánh, kiến nghị. Trường hợp phát hiện người có hành vi vi phạm pháp luật thì kiến nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định.
3. Chế độ báo cáo
Ban Thanh tra nhân dân có trách nhiệm định kỳ báo cáo Ban Chấp hành Công đoàn ở cơ quan, đơn vị kết quả thực hiện nhiệm vụ quý, 06 tháng, năm, nhiệm kỳ hoặc khi có yêu cầu; báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ hằng năm tại hội nghị cán bộ, công chức, viên chức người lao động của cơ quan, đơn vị.