MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 137/2020/NĐ-CP NGÀY 27/11/2023 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG PHÁO

Thứ năm - 04/01/2024 10:25
Điều 5. Các hành vi bị nghiêm cấm
1. Nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc chiếm đoạt pháo nổ; trừ trường hợp tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, cung cấp, vận chuyển, sử dụng pháo hoa nổ theo quy định tại Nghị định này.
2. Nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép pháo hoa, thuốc pháo.
3. Mang pháo, thuốc pháo trái phép vào, ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc vào nơi cấm, khu vực cấm, khu vực bảo vệ và mục tiêu bảo vệ.
4. Lợi dụng, lạm dụng việc sử dụng pháo để xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
5. Trao đổi, tặng, cho, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố pháo hoa nổ hoặc thuốc pháo để sản xuất pháo trái phép; vận chuyển, bảo quản, tiêu hủy pháo không bảo đảm an toàn hoặc làm ảnh hưởng đến môi trường.
6. Chiếm đoạt, mua, bán, trao đổi, tặng, cho, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, làm giả, sửa chữa, tẩy xóa các loại giấy phép về pháo.
7. Giao pháo hoa nổ, thuốc pháo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân không đủ điều kiện theo quy định.
8. Hướng dẫn, huấn luyện, tổ chức huấn luyện cách thức chế tạo, sản xuất, sử dụng trái phép pháo dưới mọi hình thức.
9. Cố ý cung cấp thông tin sai lệch về quản lý, bảo quản pháo, thuốc pháo; không báo cáo hoặc báo cáo không kịp thời, che giấu hoặc làm sai lệch thông tin về việc mất, thất thoát, tai nạn, sự cố về pháo, thuốc pháo.
Điều 6. Quản lý, bảo quản pháo, thuốc pháo
1. Việc quản lý, bảo quản pháo hoa, pháo hoa nổ, thuốc pháo phải bảo đảm các điều kiện sau đây:
a) Bảo đảm các điều kiện về an ninh, trật tự, an toàn, phòng cháy và chữa cháy theo quy định;
b) Kho cất giữ, bảo quản pháo hoa, pháo hoa nổ, thuốc pháo phải bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn, phòng cháy, chữa cháy, chống sét, kiểm soát tĩnh điện và bảo vệ môi trường theo quy định, quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn quốc gia và các quy định của pháp luật có liên quan;
c) Kho cất giữ, bảo quản pháo hoa, pháo hoa nổ, thuốc pháo phải có nội quy, quy định về bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn, phòng cháy và chữa cháy; có phương án bảo vệ, bố trí lực lượng bảo vệ và tổ chức canh gác 24/24 giờ; kiểm tra, kiểm soát điều kiện bảo đảm an ninh, an toàn, phòng cháy, chữa cháy đối với người, phương tiện ra, vào và làm việc trong khu vực kho; có biển cấm, biển báo, chỉ dẫn các quy định liên quan đến công tác an toàn, phòng chống cháy, nổ; niêm yết quy trình sắp xếp, bảo quản, xuất, nhập; kế hoạch ứng cứu khẩn cấp; phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; phương án bảo đảm an ninh, trật tự và kế hoạch hoặc biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất; trang bị đầy đủ phương tiện, thiết bị phòng cháy, chữa cháy.
2. Đối với pháo, thuốc pháo thu giữ từ các vụ án, vụ việc và cơ quan, tổ chức, cá nhân giao nộp phải quản lý, bảo quản chặt chẽ theo quy định của pháp luật; kho cất giữ phải bảo đảm theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều này.
3. Quá trình bốc xếp, vận chuyển, bảo quản pháo, thuốc pháo tránh va chạm mạnh, tránh xa các nguồn nhiệt, điện; tuyệt đối cấm lửa hoặc các vật dụng có thể gây ra lửa, tia lửa.
Điều 7. Tiêu hủy pháo, thuốc pháo
1. Việc tiêu hủy pháo, thuốc pháo phải bảo đảm tuyệt đối an toàn, làm mất hoàn toàn tính năng, tác dụng, không thể khôi phục lại trạng thái ban đầu, phải tuân thủ đúng quy trình, quy định được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
2. Thủ trưởng cơ quan Quân sự cấp huyện hoặc Công an cấp huyện trở lên phê duyệt phương án gồm: Thời gian, địa điểm, phương pháp, cách thức tiêu hủy, thành phần Hội đồng tham gia tiêu hủy, biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố trong quá trình tiêu hủy và hạn chế ảnh hưởng đến môi trường. Địa điểm tiêu hủy phải biệt lập, cách xa nơi dân cư, công trình công cộng và hạn chế ảnh hưởng đến môi trường.
3. Phương pháp tiêu hủy
a) Đối với các loại pháo, vỏ bằng vật liệu không chịu nước thì phải tháo bỏ hộp, giấy bảo quản, sau đó ngâm vào nước cho đến khi vỏ và thành phẩm tách rời nhau. Tiến hành vớt các vật liệu bằng giấy, bìa, cặn không tan trong nước để riêng, đem phơi khô và tiêu hủy bằng cách đốt hoặc chôn lấp; đối với nước có chứa hóa chất còn lại phải chôn lấp tại các địa điểm đã được Thủ trưởng cơ quan Quân sự cấp huyện hoặc Công an cấp huyện trở lên phê duyệt;
b) Đối với các loại pháo, vỏ bằng vật liệu chịu nước thì phải tháo bỏ tách riêng phần vỏ và thuốc pháo. Đối với vỏ thì tiêu hủy bằng cách đốt hoặc chôn lấp; thuốc pháo phải ngâm vào nước cho đến khi thuốc pháo ngậm đủ nước làm mất tính năng nổ, cặn không tan đem phơi khô và tiêu hủy bằng cách đốt hoặc chôn lấp tại các địa điểm đã được Thủ trưởng cơ quan Quân sự cấp huyện hoặc Công an cấp huyện trở lên phê duyệt;
c) Đối với thuốc pháo thực hiện như tiêu hủy thuốc pháo quy định tại điểm b khoản này.
4. Trình tự, thủ tục tiêu hủy
a) Sau khi có quyết định tiêu hủy của cơ quan có thẩm quyền, cơ quan Quân sự cấp huyện hoặc cơ quan Công an cấp huyện trở lên phải thành lập Hội đồng tiêu hủy và xây dựng phương án tiêu hủy. Thành phần Hội đồng tiêu hủy bao gồm: Đại diện cơ quan tiêu hủy là Chủ tịch Hội đồng; đại diện cơ quan kỹ thuật chuyên ngành và cơ quan thực hiện quản lý nhà nước về môi trường cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có địa điểm tiêu hủy là thành viên Hội đồng. Phương án tiêu hủy phải bảo đảm tuyệt đối an toàn, hạn chế ảnh hưởng đến môi trường;
b) Sau khi tiêu hủy, phải tiến hành kiểm tra lại hiện trường, bảo đảm tất cả pháo tiêu hủy đã bị làm mất khả năng phục hồi tính năng, tác dụng. Kết quả tiêu hủy phải được lập thành biên bản, có xác nhận của Chủ tịch và các thành viên Hội đồng.
5. Trường hợp pháo, thuốc pháo do các tổ chức, doanh nghiệp trong quá trình sản xuất còn tồn đọng, hư hỏng, hết hạn sử dụng thì người đứng đầu tổ chức, doanh nghiệp tổ chức thực hiện tiêu hủy pháo, thuốc pháo theo quy trình tại địa điểm được cơ quan có thẩm quyền thuộc Bộ Quốc phòng phê duyệt. Sau khi tiêu hủy phải báo cáo kết quả về cơ quan Quân sự, cơ quan Công an trực tiếp quản lý, cấp giấy phép.
Điều 11. Các trường hợp tổ chức bắn pháo hoa nổ
1. Tết Nguyên đán
a) Các thành phố trực thuộc trung ương và tỉnh Thừa Thiên Huế được bắn pháo hoa nổ tầm cao và tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút; các tỉnh còn lại được bắn pháo hoa nổ tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút;
b) Thời gian bắn vào thời điểm giao thừa Tết Nguyên đán.
2. Giỗ Tổ Hùng Vương
a) Tỉnh Phú Thọ được bắn pháo hoa nổ tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút, địa điểm bắn tại khu vực Đền Hùng;
b) Thời gian bắn vào 21 giờ ngày 09 tháng 3 âm lịch.
3. Ngày Quốc khánh
a) Các thành phố trực thuộc trung ương và tỉnh Thừa Thiên Huế được bắn pháo hoa nổ tầm cao và tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút; các tỉnh còn lại được bắn pháo hoa nổ tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút;
b) Thời gian bắn vào 21 giờ ngày 02 tháng 9.
4. Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ
a) Tỉnh Điện Biên được bắn pháo hoa nổ tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút, địa điểm bắn tại Thành phố Điện Biên Phủ;
b) Thời gian bắn vào 21 giờ ngày 07 tháng 5.
5. Ngày Chiến thắng (ngày 30 tháng 4 dương lịch)
a) Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh được bắn pháo hoa nổ tầm cao và tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút;
b) Thời gian bắn vào 21 giờ ngày 30 tháng 4.
6. Kỷ niệm ngày giải phóng, ngày thành lập các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
a) Các thành phố trực thuộc trung ương và tỉnh Thừa Thiên Huế được bắn pháo hoa nổ tầm cao và tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút; các tỉnh còn lại được bắn pháo hoa nổ tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút;
b) Thời gian bắn vào 21 giờ ngày giải phóng, ngày thành lập các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
7. Sự kiện văn hoá, du lịch, thể thao mang tính quốc gia, quốc tế.
8. Trường hợp khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Điều 17. Sử dụng pháo hoa
1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được sử dụng pháo hoa trong các trường hợp sau: Lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật.
2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khi sử dụng pháo hoa chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa.
Điều 19. Trách nhiệm của tổ chức, doanh nghiệp được nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu pháo hoa, pháo hoa nổ, thuốc pháo
1. Duy trì thường xuyên, liên tục các điều kiện về an ninh, trật tự, phòng cháy, chữa cháy, phòng ngừa, ứng phó sự cố, bảo vệ môi trường, bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động trong quá trình hoạt động nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu pháo hoa, pháo hoa nổ, thuốc pháo.
2. Việc sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu pháo hoa, pháo hoa nổ, thuốc pháo phải bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chủng loại, nhãn hiệu, nước sản xuất, năm sản xuất, hạn sử dụng.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Lịch phát thanh hàng ngày

- Buổi sáng (từ thứ 3 đến thứ 7): + Từ 5h10 phút đến 5h30 phút: Phát lại chương trình truyền thanh chiều hôm trước của Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông (Trung tâm VH-TT&TT) thị xã. + Từ 5h30 phút đến 6h00 phút: Tiếp âm Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Bình; + Từ 6h00 phút đến...

Thống kê
  • Đang truy cập622
  • Máy chủ tìm kiếm37
  • Khách viếng thăm585
  • Hôm nay16,517
  • Tháng hiện tại321,286
  • Tổng lượt truy cập39,841,075
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây