MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỦA LUẬT SỐ 26/2023/QH15 NGÀY 27/11/2023 CỦA QUỐC HỘI 15 VỀ LUẬT CĂN CƯỚC

Thứ tư - 13/03/2024 03:49
Điều 4. Nguyên tắc quản lý căn cước, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước
1. Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; bảo đảm quyền con người, quyền công dân.
2. Bảo đảm công khai, minh bạch, bình đẳng, thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân.
3. Bảo đảm an ninh, an toàn thông tin, bảo vệ dữ liệu cá nhân.
4. Thu thập, cập nhật, điều chỉnh thông tin, tài liệu đầy đủ, chính xác, kịp thời; quản lý tập trung, thống nhất, chặt chẽ, duy trì, kết nối, chia sẻ, khai thác, sử dụng hiệu quả, lưu trữ lâu dài.
Điều 5. Quyền, nghĩa vụ của công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch về căn cước, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước
1. Công dân Việt Nam có quyền sau đây:
a) Được bảo vệ dữ liệu cá nhân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước theo quy định của pháp luật;
b) Yêu cầu cơ quan quản lý căn cước cập nhật, điều chỉnh thông tin của mình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước, thẻ căn cước, căn cước điện tử theo quy định của pháp luật về căn cước;
c) Được xác lập số định danh cá nhân của công dân Việt Nam; được cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước theo quy định của Luật này; được xác nhận thông tin về căn cước, thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư;
d) Sử dụng thẻ căn cước, căn cước điện tử trong giao dịch, thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp;
đ) Khai thác thông tin của mình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước.
2. Người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch có quyền sau đây:
a) Được bảo vệ dữ liệu cá nhân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước theo quy định của pháp luật;
b) Yêu cầu cơ quan quản lý căn cước cập nhật, điều chỉnh thông tin của mình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước, giấy chứng nhận căn cước theo quy định của pháp luật về căn cước;
c) Được xác lập số định danh cá nhân của người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch; được cấp, cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận căn cước theo quy định của Luật này;
d) Sử dụng giấy chứng nhận căn cước trong giao dịch, thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp;
đ) Khai thác thông tin của mình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước.
3. Công dân Việt Nam, người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch có nghĩa vụ sau đây:
a) Làm thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước theo quy định của pháp luật về căn cước; bảo quản thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước đã được cấp;
b) Cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin, tài liệu của mình để cập nhật, điều chỉnh thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước, thẻ căn cước, căn cước điện tử theo quy định của pháp luật về căn cước;
c) Cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin, tài liệu của mình đã thay đổi so với thông tin trên thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước khi thực hiện giao dịch có liên quan và chịu trách nhiệm về tính đầy đủ, chính xác của thông tin, tài liệu;
d) Xuất trình thẻ căn cước, căn cước điện tử, giấy chứng nhận căn cước hoặc cung cấp số định danh cá nhân khi người có thẩm quyền yêu cầu theo quy định của pháp luật;
đ) Nộp thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước cho cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp cấp đổi, bị thu hồi, bị giữ thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước theo quy định của Luật này.
4. Người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của Bộ luật Dân sự, người dưới 14 tuổi được thực hiện quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều này thông qua người đại diện hợp pháp của mình hoặc tự mình thực hiện khi được người đại diện hợp pháp đồng ý theo quy định của Bộ luật Dân sự.
Điều 7. Các hành vi bị nghiêm cấm
1. Cấp, cấp đổi, cấp lại, thu hồi thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước trái quy định của pháp luật.
2. Giữ thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước trái quy định của pháp luật.
3. Nhũng nhiễu, gây phiền hà, phân biệt đối xử khi giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến căn cước, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước.
4. Làm sai lệch sổ sách, hồ sơ về căn cước, thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước; không cung cấp, cung cấp không đầy đủ, cung cấp không chính xác, cung cấp trái quy định của pháp luật các thông tin, tài liệu về căn cước hoặc thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước.
5. Không thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước theo quy định tại khoản 2 Điều 19 của Luật này.
6. Sản xuất, đưa vào sử dụng công cụ, phương tiện, phần mềm hoặc có hành vi khác gây cản trở, rối loạn hoạt động của cơ sở hạ tầng thông tin Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước, hệ thống định danh và xác thực điện tử.
7. Làm giả, sửa chữa, cố ý làm sai lệch nội dung thẻ căn cước, căn cước điện tử, giấy chứng nhận căn cước; chiếm đoạt, sử dụng trái phép thẻ căn cước, căn cước điện tử, giấy chứng nhận căn cước của người khác; thuê, cho thuê, cầm cố, nhận cầm cố, hủy hoại thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước; sử dụng thẻ căn cước giả, căn cước điện tử giả, giấy chứng nhận căn cước giả.
8. Truy nhập, làm thay đổi, xóa, hủy, phát tán hoặc thực hiện các hoạt động khác liên quan đến xử lý dữ liệu cá nhân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước, hệ thống định danh và xác thực điện tử trái quy định của pháp luật.
9. Khai thác, chia sẻ, mua, bán, trao đổi, chiếm đoạt, sử dụng trái phép thông tin, dữ liệu trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước, hệ thống định danh và xác thực điện tử.
Điều 13. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan trong việc cung cấp, thu thậpcập nhật, điều chỉnh thông tin, tài liệu vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư
1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm sau đây:
a) Tuân thủ quy trình cung cấp, thu thập, cập nhật, điều chỉnh thông tin, tài liệu;
b) Bảo đảm việc cung cấp, thu thập thông tin, tài liệu đầy đủ, chính xác, kịp thời;
c) Thông báo kịp thời thông tin của người dân khi có sự thay đổi hoặc chưa chính xác cho cơ quan quản lý căn cước.
2. Người được giao nhiệm vụ thu thập, cập nhật, điều chỉnh thông tin, tài liệu có trách nhiệm sau đây:
a) Kiểm tra thông tin, tài liệu của người dân; thường xuyên theo dõi, cập nhật, điều chỉnh thông tin;
b) Giữ gìn, bảo vệ thông tin, tài liệu có liên quan; không được sửa chữa, tẩy xóa hoặc làm hư hỏng tài liệu và chịu trách nhiệm về tính chính xác, đầy đủ của thông tin đã cập nhật, điều chỉnh.
3. Thủ trưởng cơ quan quản lý căn cước có trách nhiệm sau đây:
a) Tổ chức quản lý việc thu thập, cập nhật, điều chỉnh, lưu trữ thông tin, tài liệu;
b) Kiểm tra, chịu trách nhiệm về thông tin, tài liệu đã cập nhật, điều chỉnh, lưu trữ.
Điều 20. Giá trị sử dụng của thẻ căn cước
1. Thẻ căn cước có giá trị chứng minh về căn cước và thông tin khác đã được tích hợp vào thẻ căn cước của người được cấp thẻ để thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác trên lãnh thổ Việt Nam.
2. Thẻ căn cước được sử dụng thay cho giấy tờ xuất nhập cảnh trong trường hợp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước ngoài ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép người dân nước ký kết được sử dụng thẻ căn cước thay cho giấy tờ xuất nhập cảnh trên lãnh thổ của nhau.
3. Thẻ căn cước hoặc số định danh cá nhân được sử dụng để cơ quan, tổ chức, cá nhân kiểm tra thông tin của người được cấp thẻ trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu quốc gia khác và cơ sở dữ liệu chuyên ngành theo quy định của pháp luật.
Trường hợp người được cấp thẻ căn cước phải xuất trình thẻ căn cước theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thì cơ quan, tổ chức, cá nhân đó không được yêu cầu người được cấp thẻ xuất trình giấy tờ hoặc cung cấp thông tin đã được in, tích hợp vào thẻ căn cước; trường hợp thông tin đã thay đổi so với thông tin trên thẻ căn cước, người được cấp thẻ phải cung cấp giấy tờ, tài liệu có giá trị pháp lý chứng minh các thông tin đã thay đổi.
4. Nhà nước bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được cấp thẻ căn cước theo quy định của pháp luật.
Điều 24. Các trường hợp cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước
1. Các trường hợp cấp đổi thẻ căn cước bao gồm:
a) Các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 21 của Luật này;
b) Thay đổi, cải chính thông tin về họ, chữ đệm, tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh;
c) Thay đổi nhân dạng; bổ sung thông tin về ảnh khuôn mặt, vân tay; xác định lại giới tính hoặc chuyển đổi giới tính theo quy định của pháp luật;
d) Có sai sót về thông tin in trên thẻ căn cước;
đ) Theo yêu cầu của người được cấp thẻ căn cước khi thông tin trên thẻ căn cước thay đổi do sắp xếp đơn vị hành chính;
e) Xác lập lại số định danh cá nhân;
g) Khi người được cấp thẻ căn cước có yêu cầu.
2. Các trường hợp cấp lại thẻ căn cước bao gồm:
a) Bị mất thẻ căn cước hoặc thẻ căn cước bị hư hỏng không sử dụng được, trừ trường hợp quy định tại Điều 21 của Luật này;
b) Được trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật về quốc tịch Việt Nam.
Điều 29. Thu hồi, giữ thẻ căn cước
1. Thẻ căn cước bị thu hồi trong trường hợp sau đây:
a) Công dân bị tước quốc tịch Việt Nam, được thôi quốc tịch Việt Nam, bị hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam;
b) Thẻ căn cước cấp sai quy định;
c) Thẻ căn cước đã tẩy xóa, sửa chữa.
2. Thẻ căn cước bị giữ trong trường hợp sau đây:
a) Người đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng; người đang chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;
b) Người đang bị tạm giữ, tạm giam, chấp hành án phạt tù.
3. Trong thời gian bị giữ thẻ căn cước, cơ quan giữ thẻ căn cước xem xét cho phép người bị giữ thẻ căn cước quy định tại khoản 2 Điều này sử dụng thẻ căn cước của mình để thực hiện giao dịch, thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp.
4. Người bị giữ thẻ căn cước quy định tại khoản 2 Điều này được trả lại thẻ căn cước khi hết thời hạn tạm giữ, tạm giam hoặc có quyết định hủy bỏ việc tạm giữ, tạm giam; chấp hành xong án phạt tù, chấp hành xong biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng; chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.
5. Thẩm quyền thu hồi, giữ thẻ căn cước được quy định như sau:
a) Cơ quan quản lý căn cước thực hiện thu hồi thẻ căn cước trong trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này;
b) Cơ quan tiếp nhận, trả kết quả khi thực hiện thủ tục tước quốc tịch Việt Nam, cho thôi quốc tịch Việt Nam hoặc hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam thì có trách nhiệm thu hồi để hủy thẻ căn cước của công dân và thông báo cho cơ quan quản lý căn cước;
c) Cơ quan thi hành quyết định tạm giữ, tạm giam; cơ quan thi hành án phạt tù; cơ quan thi hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng; cơ quan thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc thực hiện giữ thẻ căn cước trong trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
6. Chính phủ quy định chi tiết khoản 2 Điều này; quy định trình tự, thủ tục thu hồi, giữ, trả lại thẻ căn cước.
Điều 33. Giá trị sử dụng của căn cước điện tử
1. Căn cước điện tử có giá trị chứng minh về căn cước và thông tin khác đã được tích hợp vào căn cước điện tử của người được cấp căn cước điện tử để thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác theo nhu cầu của công dân.
2. Trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công, thực hiện các giao dịch và hoạt động khác, nếu phát hiện có sự khác nhau giữa thông tin in trên thẻ căn cước hoặc thông tin lưu trữ trong bộ phận lưu trữ được mã hóa của thẻ căn cước với thông tin trong căn cước điện tử thì cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng thông tin trong căn cước điện tử.
Điều 34. Khóa, mở khóa căn cước điện tử
1. Căn cước điện tử bị khóa trong các trường hợp sau đây:
a) Khi người được cấp căn cước điện tử yêu cầu khóa;
b) Khi người được cấp căn cước điện tử vi phạm thỏa thuận sử dụng ứng dụng định danh quốc gia;
c) Khi người được cấp căn cước điện tử bị thu hồi, bị giữ thẻ căn cước;
d) Khi người được cấp căn cước điện tử chết;
đ) Khi có yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng hoặc cơ quan khác có thẩm quyền.
2. Căn cước điện tử được mở khóa trong các trường hợp sau đây:
a) Khi người được cấp căn cước điện tử quy định tại điểm a khoản 1 Điều này yêu cầu mở khóa;
b) Khi người được cấp căn cước điện tử quy định tại điểm b khoản 1 Điều này đã khắc phục những vi phạm thỏa thuận sử dụng ứng dụng định danh quốc gia;
c) Khi người được cấp căn cước điện tử quy định tại điểm c khoản 1 Điều này được trả lại thẻ căn cước;
d) Khi cơ quan tiến hành tố tụng hoặc cơ quan khác có thẩm quyền quy định tại điểm đ khoản 1 Điều này yêu cầu mở khóa.
3. Khi khóa căn cước điện tử đối với trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và đ khoản 1 Điều này, cơ quan quản lý căn cước phải thông báo ngay cho người bị khóa căn cước điện tử.
4. Thủ trưởng cơ quan quản lý căn cước của Bộ Công an có thẩm quyền khóa, mở khóa căn cước điện tử.
5. Chính phủ quy định trình tự, thủ tục khóa, mở khóa căn cước điện tử.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê
  • Đang truy cập224
  • Máy chủ tìm kiếm10
  • Khách viếng thăm214
  • Hôm nay30,078
  • Tháng hiện tại69,123
  • Tổng lượt truy cập34,498,650
SĐT nhận cung cấp thông tin
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây