MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỦA NGHỊ QUYẾT SỐ 35/2023/UBTVQH15 NGÀY 12/7/2023 VỀ VIỆC SẮP XẾP ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH CẤP HUYỆN, CẤP XÃ GIAI ĐOẠN 2023 – 2030

Thứ ba - 09/04/2024 10:41
Điều 2. Nguyên tắc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã
1. Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng và tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.
2. Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã phải tuân thủ Hiến pháp, thực hiện đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Nghị quyết này và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.
3. Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã phải bảo đảm phù hợp với quy hoạch tỉnh, quy hoạch nông thôn, quy hoạch đô thị hoặc các quy hoạch khác có liên quan.
4. Chú trọng, cân nhắc kỹ các yếu tố đặc thù về truyền thống lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, cộng đồng dân cư, yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phát triển kinh tế - xã hội.
5. Chú trọng và làm tốt công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân nhằm tạo sự đồng thuận, ủng hộ, thống nhất cao về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; tổ chức lấy ý kiến cử tri trên địa bàn bảo đảm công khai, minh bạch và đúng quy định của pháp luật.
6. Gắn việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã với đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; thực hiện tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; giải quyết chế độ, chính sách hợp lý đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; thực hiện chế độ, chính sách hỗ trợ đặc thù đối với các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã sau khi thực hiện sắp xếp.
Điều 4. Tiêu chuẩn của đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã sau sắp xếp
1. Sau khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thì đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp phải đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số theo quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính, trừ trường hợp nhập từ 03 đơn vị hành chính cùng cấp trở lên.
Trường hợp đã thực hiện sắp xếp với đơn vị hành chính liền kề nhưng do có các yếu tố đặc thù về văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, cộng đồng dân cư, điều kiện địa lý tự nhiên nên không thể nhập, điều chỉnh thêm với đơn vị hành chính cùng cấp khác dẫn đến đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp không đạt đủ tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số theo quy định thì đơn vị hành chính sau sắp xếp phải đạt một trong các điều kiện sau đây:
a) Đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã có diện tích tự nhiên hoặc quy mô dân số đạt từ 100% trở lên tiêu chuẩn của đơn vị hành chính tương ứng, tiêu chuẩn còn lại phải đạt từ 70% trở lên tiêu chuẩn của đơn vị hành chính tương ứng quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính;
b) Đơn vị hành chính cấp huyện có diện tích tự nhiên đạt từ 30% trở lên tiêu chuẩn của đơn vị hành chính tương ứng và quy mô dân số đạt từ 200% trở lên tiêu chuẩn của đơn vị hành chính tương ứng quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính;
c) Đơn vị hành chính cấp xã có diện tích tự nhiên đạt từ 30% trở lên tiêu chuẩn của đơn vị hành chính tương ứng và quy mô dân số đạt từ 300% trở lên tiêu chuẩn của đơn vị hành chính tương ứng quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính;
d) Trường hợp khác do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định trên cơ sở đề nghị của Chính phủ.
2. Khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã mà giảm được số lượng đơn vị hành chính thì không áp dụng tiêu chuẩn về đơn vị hành chính trực thuộc đối với đơn vị hành chính cấp huyện hình thành sau sắp xếp.
3. Đơn vị hành chính đô thị dự kiến hình thành sau sắp xếp phải đáp ứng tiêu chuẩn về cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội, loại đô thị đối với thành phố, thị xã, thị trấn hoặc trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị đối với quận, phường theo quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính.
Phạm vi phân loại đô thị đối với thành phố, thị xã, thị trấn dự kiến hình thành sau sắp xếp và phạm vi đánh giá trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị đối với quận, phường dự kiến hình thành sau sắp xếp phải căn cứ vào một trong các quy hoạch là quy hoạch tỉnh, quy hoạch nông thôn, quy hoạch đô thị hoặc các quy hoạch khác có liên quan.
Điều 5. Nguồn số liệu về diện tích tự nhiên và quy mô dân số của đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã để thực hiện việc sắp xếp
1. Diện tích tự nhiên của đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã được xác định theo số liệu thống kê đất đai được cấp có thẩm quyền công bố, có xác nhận của cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường cấp tỉnh.
2. Quy mô dân số của đơn vị hành chính gồm dân số thường trú và dân số tạm trú quy đổi do cơ quan Công an có thẩm quyền cung cấp, xác nhận. Số liệu dân số tạm trú quy đổi được xác định theo phương pháp quy định tại Phụ lục 3 của Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25 tháng 5 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 26/2022/UBTVQH15 ngày 21 tháng 9 năm 2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (sau đây gọi là Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị).
3. Số liệu về diện tích tự nhiên và quy mô dân số làm cơ sở cho việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 được tính đến thời điểm ngày 31 tháng 12 năm 2022.
Số liệu về diện tích tự nhiên và quy mô dân số làm cơ sở cho việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2026 - 2030 được tính đến thời điểm ngày 31 tháng 12 năm 2025.
Điều 6. Đặt tên, đổi tên đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp
1. Việc đặt tên, đổi tên đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp thực hiện theo quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính; bảo đảm đoàn kết dân tộc, phù hợp với các yếu tố lịch sử, truyền thống, văn hóa của địa phương và tôn trọng ý kiến của đa số cử tri.
2. Trường hợp nhập các đơn vị hành chính cùng cấp thì khuyến khích việc sử dụng một trong các tên gọi đã có của các đơn vị hành chính trước khi nhập để đặt tên cho đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp.
Điều 10. Sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của cơ quan, tổ chức sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã
1. Việc sắp xếp, kiện toàn các cơ quan, tổ chức của chính quyền địa phương khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã phải bảo đảm nguyên tắc thống nhất và gắn với việc sắp xếp tổ chức Đảng và tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp theo hướng dẫn của cấp có thẩm quyền.
2. Việc tổ chức chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp được thực hiện như sau:
a) Khi nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã để hình thành một đơn vị hành chính cùng cấp mới thì tổ chức chính quyền địa phương và hoạt động của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân của đơn vị hành chính mới thực hiện theo quy định tại Điều 134 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị;
b) Khi điều chỉnh một phần diện tích tự nhiên và dân số của đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã để hình thành đơn vị hành chính cùng cấp thì tổ chức chính quyền địa phương và hoạt động của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân của đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp thực hiện theo quy định tại Điều 136 và Điều 137 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị;
c) Trường hợp Hội đồng nhân dân cấp huyện, cấp xã do điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính để thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã mà không còn đủ hai phần ba tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân thì thực hiện theo quy định tại Điều 138 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
3. Khóa của Hội đồng nhân dân ở đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp được xác định như sau:
a) Trường hợp đơn vị hành chính được hình thành trên cơ sở nhập các đơn vị hành chính cùng cấp và có tên gọi khác với tên gọi của đơn vị hành chính được nhập thì khóa của Hội đồng nhân dân ở đơn vị hành chính sau sắp xếp được tính lại từ đầu (khóa I) kể từ thời điểm thành lập;
b) Trường hợp đơn vị hành chính được hình thành trên cơ sở nhập, điều chỉnh địa giới các đơn vị hành chính và thay đổi tên gọi hoặc loại hình đơn vị hành chính thì khóa của Hội đồng nhân dân ở đơn vị hành chính sau sắp xếp được tính lại từ đầu (khóa I) kể từ thời điểm thành lập;
c) Trường hợp đơn vị hành chính được hình thành trên cơ sở nhập hoặc điều chỉnh địa giới các đơn vị hành chính cùng cấp và giữ nguyên tên gọi và loại hình của một trong các đơn vị hành chính được nhập, điều chỉnh thì khóa của Hội đồng nhân dân ở đơn vị hành chính sau khi nhập, điều chỉnh tiếp tục tính theo khóa của Hội đồng nhân dân ở đơn vị hành chính được giữ nguyên tên gọi.
4. Việc tổ chức các cơ quan thuộc Hội đồng nhân dân, các cơ quan chuyên môn và tổ chức hành chính khác thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện ở đơn vị hành chính sau sắp xếp được thực hiện như sau:
a) Khi nhập các đơn vị hành chính cấp huyện để thành lập một đơn vị hành chính mới cùng cấp thì tiến hành nhập nguyên trạng các Ban của Hội đồng nhân dân cấp huyện có cùng chức năng, nhiệm vụ với nhau. Trường hợp nhập đơn vị hành chính cấp huyện có tổ chức Ban Dân tộc thuộc Hội đồng nhân dân cấp huyện với đơn vị hành chính cấp huyện không tổ chức Ban Dân tộc thuộc Hội đồng nhân dân cấp huyện thì khi hình thành đơn vị hành chính cấp huyện mới vẫn tổ chức Ban Dân tộc thuộc Hội đồng nhân dân cấp huyện cho đến khi hết nhiệm kỳ. Việc tổ chức Ban Dân tộc thuộc Hội đồng nhân dân cấp huyện nhiệm kỳ tiếp theo thực hiện theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn, điều kiện thành lập Ban Dân tộc thuộc Hội đồng nhân dân cấp huyện;
b) Khi nhập các đơn vị hành chính cấp huyện để hình thành một đơn vị hành chính mới cùng cấp thì tiến hành nhập nguyên trạng các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện có cùng chức năng, nhiệm vụ; đối với các cơ quan chuyên môn và tổ chức hành chính khác không cùng chức năng, nhiệm vụ thì việc thành lập, tổ chức lại, giải thể theo quy định của Chính phủ.
5. Việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập cung ứng các dịch vụ sự nghiệp công cùng loại trên địa bàn đơn vị hành chính sau sắp xếp phải bảo đảm phù hợp với quy mô dân số, bán kính phục vụ, quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực, bảo đảm tinh gọn đầu mối, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ viên chức. Việc thành lập, tổ chức lại, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện tại đơn vị hành chính sau sắp xếp thực hiện theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.
6. Kể từ ngày Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Chính phủ đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của địa phương, tạm dừng việc bầu, bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý và tuyển dụng, tiếp nhận cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan, tổ chức trên địa bàn cho đến khi nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đối với từng đơn vị hành chính có liên quan có hiệu lực thi hành, trừ trường hợp khuyết người đứng đầu cơ quan, tổ chức mà không bố trí được người phụ trách theo quy định của pháp luật thì được bầu, bổ nhiệm chức danh đó.
7. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đối với từng đơn vị hành chính có hiệu lực thi hành, các cơ quan, tổ chức ở đơn vị hành chính mới phải hoàn thành xong việc sắp xếp và kiện toàn tổ chức bộ máy.
Điều 11. Số lượng lãnh đạo, quản lý và cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, tổ chức sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã
1. Khi xây dựng đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải chỉ đạo rà soát, dự kiến phương án bố trí, phân công nhiệm vụ cho cán bộ, công chức, viên chức phù hợp với vị trí việc làm, xác định rõ số lượng cán bộ, công chức, viên chức dôi dư gắn với việc thực hiện tinh giản biên chế; việc sắp xếp số lượng lãnh đạo, quản lý ở các cơ quan, tổ chức mới và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư phải có lộ trình phù hợp với đặc thù của từng địa phương và thời hạn quy định tại khoản 3 Điều này.
2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định danh mục, số lượng vị trí việc làm và tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo các nghị quyết, kết luận của Đảng, quy định của pháp luật và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
3. Chậm nhất là 05 năm kể từ ngày nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đối với từng đơn vị hành chính có hiệu lực thi hành, số lượng lãnh đạo, quản lý và số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ở các cơ quan, tổ chức ở đơn vị hành chính sau sắp xếp phải bảo đảm đúng theo quy định. Trường hợp đặc biệt báo cáo Bộ Nội vụ để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Điều 12. Chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã
1. Thực hiện bảo lưu các chế độ, chính sách về tiền lương và phụ cấp chức vụ lãnh đạo đối với những người được tiếp tục làm việc nhưng không giữ các chức vụ trước đây cho đến hết nhiệm kỳ bầu cử (đối với những người giữ chức vụ do bầu cử) hoặc hết thời hạn bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý (đối với những người giữ chức vụ do bổ nhiệm). Trường hợp thời hạn còn lại của nhiệm kỳ bầu cử hoặc thời hạn bổ nhiệm dưới 06 tháng thì được bảo lưu tròn 06 tháng. Sau khi hết thời hạn được bảo lưu thì lương và phụ cấp chức vụ (nếu có) được thực hiện theo chức vụ, chức danh hiện giữ hoặc giải quyết nghỉ chế độ theo quy định.
2. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư của cơ quan, tổ chức do sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tùy từng trường hợp được tuyển dụng, tiếp nhận, điều động, luân chuyển đến làm việc tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị theo yêu cầu nhiệm vụ hoặc hưởng các chế độ, chính sách đối với người nghỉ hưu, thôi việc, tinh giản biên chế theo quy định của Chính phủ.
3. Ngoài các chế độ, chính sách quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, trên cơ sở cân đối ngân sách địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp ban hành chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư của cơ quan, tổ chức do sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn.
Điều 13. Sắp xếp, xử lý trụ sở, tài sản công sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã
1. Căn cứ phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập danh sách và dự kiến phương án xử lý trụ sở, tài sản công của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở địa phương thuộc phạm vi quản lý kèm theo đề án. Các Bộ, cơ quan trung ương có đơn vị trực thuộc trên địa bàn đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thực hiện sắp xếp lập danh sách và dự kiến phương án sắp xếp lại, xử lý trụ sở, tài sản công thuộc phạm vi quản lý, trường hợp không có nhu cầu sử dụng thì chuyển giao cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có trụ sở để thực hiện sắp xếp, quản lý, sử dụng theo nhu cầu của địa phương.
2. Trong thời hạn 03 năm kể từ ngày nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đối với từng đơn vị hành chính có hiệu lực thi hành phải hoàn thành việc sắp xếp lại, xử lý trụ sở, tài sản công của cơ quan, đơn vị tại đơn vị hành chính sau sắp xếp.
3. Việc bố trí, sử dụng trụ sở, tài sản công sau sắp xếp đơn vị hành chính thực hiện theo quy định của Chính phủ về sắp xếp lại, xử lý tài sản công.
4. Chính quyền địa phương các cấp chủ động cân đối, bố trí nguồn ngân sách để đầu tư sửa chữa, cải tạo, nâng cấp các trụ sở làm việc được tiếp tục sử dụng phục vụ hoạt động của đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp phù hợp với quy hoạch và điều kiện thực tế của địa phương.
Điều 14. Việc thực hiện chế độ, chính sách đặc thù đối với đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã hình thành sau sắp xếp
1. Khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện mà không làm thay đổi tên gọi, địa giới của đơn vị hành chính cấp xã thì tại các đơn vị hành chính cấp xã vẫn được áp dụng các chế độ, chính sách đặc thù như trước khi thực hiện sắp xếp.
Khi sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã mà không làm thay đổi phạm vi của thôn, tổ dân phố thì tại thôn, tổ dân phố vẫn được áp dụng các chế độ, chính sách đặc thù như trước khi thực hiện sắp xếp.
2. Khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã mà làm thay đổi tên gọi, địa giới đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, phạm vi thôn, tổ dân phố thì việc áp dụng chế độ, chính sách đặc thù được thực hiện như sau:
a) Người dân trên địa bàn thôn, tổ dân phố của đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã sau sắp xếp tiếp tục hưởng chế độ, chính sách đặc thù như thời điểm trước khi thực hiện sắp xếp cho đến khi có quyết định khác của cấp có thẩm quyền;
b) Trường hợp đơn vị hành chính cấp xã được thay đổi tên gọi, điều chỉnh nguyên trạng vào 01 đơn vị hành chính cấp huyện thì cán bộ, công chức cấp xã, viên chức, người lao động, người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác tại đơn vị hành chính đó tiếp tục được hưởng chế độ, chính sách đặc thù theo khu vực hoặc theo vùng như trước khi thực hiện sắp xếp cho đến khi có quyết định khác của cấp có thẩm quyền.
Trường hợp nhập, điều chỉnh đơn vị hành chính cấp xã này với đơn vị hành chính cùng cấp khác thì cán bộ, công chức cấp xã, viên chức, người lao động, người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác tại đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp được áp dụng chế độ, chính sách đặc thù theo khu vực hoặc theo vùng với mức cao nhất của một trong các đơn vị hành chính cùng cấp được nhập, điều chỉnh vào đơn vị hành chính mới cho đến khi có quyết định khác của cấp có thẩm quyền;
c) Trường hợp đơn vị hành chính cấp huyện được nhập vào đơn vị hành chính cấp huyện khác thì cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người hưởng lương trong lực lượng vũ trang thuộc các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập cấp huyện tại đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp được áp dụng chế độ, chính sách đặc thù theo khu vực hoặc theo vùng với mức cao nhất của một trong các đơn vị hành chính cùng cấp được nhập, điều chỉnh vào đơn vị hành chính mới cho đến khi có quyết định khác của cấp có thẩm quyền.
3. Thời gian hưởng các chế độ, chính sách đặc thù quy định tại khoản 2 Điều này kể từ ngày nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đối với từng đơn vị hành chính có hiệu lực thi hành cho đến khi cấp có thẩm quyền ban hành quyết định mới. Trong thời hạn 03 năm kể từ ngày nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đối với từng đơn vị hành chính có hiệu lực thi hành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tiến hành rà soát, công nhận theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền quyết định, công nhận việc hưởng các chế độ, chính sách đặc thù đối với đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp.
4. Trường hợp nhập toàn bộ đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, điều chỉnh toàn bộ phạm vi thôn, tổ dân phố vào đơn vị hành chính cấp xã khác thì ngân sách phân bổ cho đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp được tính trên cơ sở cộng gộp định suất của các đơn vị hành chính, của thôn, tổ dân phố trước khi thực hiện sắp xếp.
Trường hợp điều chỉnh một phần đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã với đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã khác thì căn cứ nguồn vốn đã phân bổ, tỷ lệ dân số hoặc tỷ lệ diện tích tự nhiên của đơn vị hành chính phải điều chỉnh, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định điều chỉnh phân bổ ngân sách cho các đơn vị hành chính cấp huyện sau sắp xếp; Ủy ban nhân dân cấp huyện trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định điều chỉnh phân bổ ngân sách cho các đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp; tại nơi không tổ chức Hội đồng nhân dân cấp huyện theo nghị quyết của Quốc hội thì Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định điều chỉnh phân bổ ngân sách cho đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc sau sắp xếp.
5. Đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thôn, tổ dân phố có thay đổi tên gọi sau khi thực hiện sắp xếp thì sử dụng tên gọi mới của đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thôn, tổ dân phố để tiếp tục tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách đặc thù.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê
  • Đang truy cập148
  • Máy chủ tìm kiếm9
  • Khách viếng thăm139
  • Hôm nay37,699
  • Tháng hiện tại76,744
  • Tổng lượt truy cập34,506,271
SĐT nhận cung cấp thông tin
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây