QUY CHẾ Phối hợp kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự xây dựng, trật tự đô thị và quản lý đất đai trên địa bàn thị xã Ba Đồn

Thứ ba - 24/07/2018 15:21
(Ban hành kèm theo Quyết định số 01 /2018/QĐ-UBND ngày 06/7/2018 của Ủy ban nhân dân thị xã Ba Đồn)

Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy chế này quy định về trách nhiệm, trình tự, cách thức phối hợp giữa các phòng, ban, đơn vị thị xã và Ủy ban nhân dân (UBND) các phường, xã trong công tác kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự xây dựng, trật tự đô thị và quản lý đất đai trên địa bàn thị xã Ba Đồn.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Quy chế này áp dụng đối với UBND các xã, phường, các phòng, ban, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan trong công tác quản lý trật tự xây dựng, trật tự đô thị và quản lý đất đai trên địa bàn thị xã Ba Đồn.
Điều 3. Nguyên tắc phối hợp
1. Bảo đảm mối quan hệ phối hợp chặt chẽ giữa các phòng, ban, đơn vị thị xã và UBND phường, xã để nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về trật tự xây dựng, trật tự đô thị và quản lý đất đai theo quy định của pháp luật.
2. Việc phối hợp kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về trật tự xây dựng, trật tự đô thị và vi phạm quản lý đất đai đặt dưới sự quản lý, điều hành của UBND thị xã trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các phòng, ban, đơn vị và UBND phường, xã theo quy định của pháp luật và các quy định tại Quy chế này, bảo đảm sự thống nhất trong thực hiện nhiệm vụ; trong quá trình phối hợp không làm giảm vai trò, trách nhiệm, thẩm quyền và không cản trở công việc của mỗi đơn vị.
3. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong từng lĩnh vực và vai trò, trách nhiệm của Thủ trưởng đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp trong việc kiểm tra, xử lý vi phạm, không né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.
4. Việc phát hiện, cung cấp thông tin, tài liệu phản ánh và thiết lập hồ sơ xử lý các hành vi vi phạm phải nhanh chóng, kịp thời, chính xác, tuân thủ đúng các quy định của pháp luật. Việc xử lý và đề xuất xử lý vi phạm phải kiên quyết, chính xác, kịp thời, đúng thẩm quyền.
5. Những vướng mắc phát sinh trong quá trình phối hợp xử lý vi phạm phải được thảo luận, thống nhất giải quyết theo quy định của pháp luật và yêu cầu nhiệm vụ công việc; trường hợp không thống nhất được hướng giải quyết phải kịp thời báo cáo Chủ tịch UBND thị xã xem xét, quyết định.
Điều 4. Trách nhiệm của đơn vị chủ trì
1. Kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn việc thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị phối hợp; trực tiếp thẩm định hồ sơ vụ việc; xác định trách nhiệm của các đơn vị liên quan trong từng vụ việc; trực tiếp xử lý hoặc tham mưu, đề xuất hình thức xử lý vi phạm theo thẩm quyền.
2. Duy trì mối liên hệ, trao đổi thông tin giữa các đơn vị trong việc phối hợp kiểm tra, xử lý vi phạm. Tiếp thu ý kiến của cơ quan phối hợp, tổ chức nghiên cứu, tổng hợp, báo cáo và tham mưu Chủ tịch UBND thị xã để giải quyết về các vấn đề chưa thống nhất giữa các đơn vị liên quan.
3. Tham mưu các văn bản chỉ đạo, tổ chức các hoạt động phối hợp kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất. Trong trường hợp cần thiết, được quyền yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị hoặc cá nhân có liên quan cung cấp thông tin để phục vụ công tác xử lý vi phạm.
Điều 5. Trách nhiệm của đơn vị phối hợp
1. Tham gia đầy đủ các hoạt động theo các nội dung yêu cầu của đơn vị chủ trì. Cử cán bộ, công chức có đủ năng lực, trách nhiệm tham gia phối hợp khi có yêu cầu; cung cấp kịp thời các thông tin, số liệu có liên quan đến lĩnh vực quản lý và chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin, số liệu đó.
2. Tuân thủ về thời gian đóng góp ý kiến theo yêu cầu của đơn vị chủ trì và chịu trách nhiệm về các ý kiến của cơ quan mình.
3. Đơn vị phối hợp đề nghị điều chỉnh nội dung, thời gian phối hợp để bảo đảm chất lượng, hiệu quả công tác (nếu không thể bố trí lực lượng, phương tiện để tham gia phối hợp theo thời gian đơn vị chủ trì xây dựng); được phép yêu cầu cơ quan chủ trì cung cấp tài liệu, thông tin cần thiết, phục vụ cho công tác phối hợp.
Điều 6. Quy định chung về trách nhiệm
1. Công an thị xã Ba Đồn chủ trì trong việc bảo đảm an ninh, trật tự trong quá trình thi hành Quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính các công trình vi phạm trên địa bàn thị xã theo phương án cưỡng chế; chủ trì bảo đảm an toàn giao thông; phối hợp với các đơn vị liên quan bảo đảm trật tự đô thị theo Quy chế quản lý Đô thị.
2. Phòng Quản lý đô thị thị xã chủ trì, chịu trách nhiệm trước UBND thị xã trong công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng, trật tự đô thị trên địa bàn thị xã Ba Đồn. Là đầu mối tiếp nhận các thông tin, hồ sơ liên quan đến các vi phạm trong lĩnh vực trật tự xây dựng, trật tự đô thị; tham mưu UBND thị xã xử lý, giải quyết theo quy định.
3. Phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã chủ trì, chịu trách nhiệm trước UBND thị xã trong công tác quản lý đất đai trên địa bàn thị xã. Là đầu mối tiếp nhận các thông tin, hồ sơ liên quan đến vi phạm trong quản lý đất đai (bao gồm: Lấn, chiếm đất đai; tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất gồm: san lấp mặt bằng, khai thác tài nguyên đất, cát, nước ngầm, đào ao…); tham mưu Chủ tịch UBND thị xã xử lý, giải quyết theo quy định.
4. Phòng Văn hóa thông tin thị xã chủ trì, chịu trách nhiệm trước UBND thị xã trong công tác văn hóa, văn minh đô thị, hạ tầng thông tin, quảng cáo (theo Luật Quảng cáo). Là đầu mối tiếp nhận các thôn tin, hồ sơ liên quan đến vi phạm trong lĩnh vực văn hóa, quảng cáo; tham mưu cho Chủ tịch UBND thị xã xử lý, giải quyết theo quy định.
5. Văn phòng HĐND&UBND thị xã chịu trách nhiệm kiểm tra về mặt thể thức Quyết định xử lý vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND thị xã trước khi trình Chủ tịch UBND thị xã quyết định liên quan đến vi phạm trong lĩnh vực trật tự xây dựng, trật tự đô thị và quản lý đất đai trong thời hạn 01 ngày kể từ khi nhận đủ hồ sơ của đơn vị chủ trì tham mưu chuyển đến.
6. Đội Quy tắc Đô thị (Đội QTĐT) thị xã chủ trì thiết lập hồ sơ, đề xuất xử lý các vi phạm thuộc thẩm quyền giải quyết của Chủ tịch UBND thị xã (bao gồm cả các công trình thuộc thẩm quyền cấp phép của Sở Xây dựng) và chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Phòng QLĐT, UBND thị xã trong việc tổ chức kiểm tra, giám sát toàn bộ các hoạt động xây dựng, trật tự đô thị thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND thị xã. Hằng quý có trách nhiệm tổng hợp báo cáo cho phòng Tư pháp và UBND phường, xã nơi có công trình vi phạm theo thẩm quyền.
7. UBND phường, xã chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước UBND thị xã về thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực trật tự xây dựng, trật tự đô thị và quản lý đất đai thuộc địa bàn quản lý.
a. Tổ chức kiểm tra, giám sát toàn bộ các hoạt động xây dựng, trật tự đô thị, quản lý đất đai thuộc địa bàn quản lý. Chủ trì thiết lập hồ sơ và xử lý các vi phạm theo thẩm quyền quy định.
b. Chủ động kiểm tra và phối hợp với Đội QTĐT thị xã thiết lập hồ sơ, đề xuất xử lý các vi phạm thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND thị xã.
c. Trong trường hợp mức xử phạt vượt quá thẩm quyền của UBND xã, phường (quá 5 triệu đồng) thì lập hồ sơ đề nghị UBND thị xã xử phạt theo quy định.
8. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương nêu trên phải độc lập chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước UBND, Chủ tịch UBND thị xã khi để xảy ra các vi phạm thuộc phạm vi trách nhiệm của cá nhân và đơn vị do mình quản lý mà không được phát hiện, xử lý kịp thời hoặc xử lý, tham mưu xử lý không kiên quyết, không triệt để, không hết trách nhiệm theo quy định (bao gồm cả lĩnh vực được giao chủ trì hoặc phối hợp xử lý).
9. Cán bộ, công chức thuộc cơ quan, đơn vị, địa phương quy định tại Khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6,7  Điều này khi được giao nhiệm vụ phải độc lập chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Thủ trưởng đơn vị nếu không phát hiện được hoặc phát hiện không kịp thời, không tham mưu xử lý hoặc xử lý không kiên quyết, không triệt để, không hết trách nhiệm được giao.
Điều 7. Quy định các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự xây dựng
1. Xây dựng công trình không có Giấy phép xây dựng;
2. Công trình xây dựng sai thiết kế được cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt; sai quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt (đối với công trình xây dựng được miễn Giấy phép xây dựng).
3. Công trình xây dựng có tác động đến chất lượng công trình lân cận; ảnh hưởng đến môi trường, cộng đồng dân cư
4. Xây dựng công trình sai nội dung của Giấy phép được cấp, cụ thể:
a. Vị trí xây dựng công trình, từng hạng mục công trình (với công trình nhiều hạng mục);
b. Chỉ giới đường đỏ, chỉ giới xây dựng; độ đua mái, ban công, lô gia, ô văng…;
c. Diện tích xây dựng, diện tích sàn;
d. Cốt nền xây dựng công trình;
e. Số tầng công trình (bao gồm cả số tầng hầm);
f) Chiều cao công trình so với chiều cao được quy định trong giấy phép xây dựng (độ sâu của công trình tính từ cốt ±0,00 đối với công trình có phần ngầm);
g. Tim, hướng, tuyến công trình (công trình theo tuyến);
h. Cốt của công trình (ghi rõ cốt qua từng khu vực).
i. Chiều cao tĩnh không của tuyến (ghi rõ chiều cao qua các khu vực).
j. Độ sâu công trình (ghi rõ độ sâu qua từng khu vực).
k. Sự tuân thủ quy hoạch xây dựng, thiết kế đô thị (nếu có) được duyệt hoặc tổng mặt bằng được chấp thuận; đáp ứng các quy định về hành lang bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều, giao thông, khu di sản văn hóa, di tích lịch sử văn hóa, khoảng cách bảo đảm đến các công trình dễ cháy, nổ, độc hại.
l. Vệ sinh môi trường, an toàn giao thông, an toàn lao động, việc ảnh hưởng của công trình xây dựng đối với công trình lân cận (nếu có).
Điều 8. Quy định các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự đô thị
1. Chăn thả gia súc trên vỉa hè, đường phố, nơi công cộng;
2. Tự ý trồng cây, chặt hạ, chặt nhánh, hái hoa, chặt rễ, xây bục bệ bao quang gốc cây trái phép;
3. Giăng dây, treo đèn trang trí, treo, đặt biển quảng cáo, băng rôn, dán tờ rơi và các vật dụng khác vào cây xanh ở đường phố nơi công cộng trái phép;
 4. Lấn chiếm, chiếm dụng vỉa hè, lòng đường để họp chợ, bày bán hàng hoá.
 5. Đặt biển hiệu, biển quảng cáo, buôn bán, sửa chữa xe đạp, mô tô, xe gắn máy, hoạt động dịch vụ nhỏ ở những nơi không được phép.
 6. Viết, dán, treo nội dung quảng cáo, rao vặt trên bờ tường, tường nhà và các công trình công cộng khác.
 7. Làm hoen bẩn trụ sở của cơ quan, tổ chức, trường học, bệnh viện, các biển hiệu quảng cáo, pa nô, áp phích; làm hư hại hoa, cây cối, thảm cỏ công viên, vườn hoa và ở các nơi công cộng khác.
 8. Gây ồn ào (gây tiếng động lớn), ảnh hưởng đến những người xung quanh trong thời gian từ 22h00 đến 5h00 sáng.
 9. Xả rác, vứt xác súc vật, đổ nước hoặc các chất thải, phế thải khác ra vỉa hè, lòng đường giao thông đô thị và nơi công cộng.
10. Tập kết vật liệu xây dựng trên lòng đường, vỉa hè và nơi công cộng;
11. Thả động vật nuôi chạy rong, phóng uế bừa bãi ngoài đường phố, nơi công cộng.
12. Lái xe phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách, đánh võng, đi hàng hai trở lên.
13. Gây rối trật tự công cộng có mang theo vũ khí thô sơ: dao, lê, mã tấu, dây xích, côn, gậy...
Điều 9. Quy định các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai
1. Lấn, chiếm đất đai dưới mọi hình thức theo quy định của Luật đất đai;
2. Đưa chất thải, chất độc hại, vật liệu xây dựng hoặc các vật khác lên thửa đất của người khác hoặc thửa đất của mình gây cản trở cho việc sử dụng đất của người khác.
3. Đào bới, xây tường, làm hàng rào gây cản trở hoặc gây thiệt hại cho việc sử dụng đất của người khác.
4. Không đăng ký đất đai lần đầu.
5. Không thực hiện đăng ký biến động theo quy định.
6. Tự ý chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê, cho thuê lại, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi chưa có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đất đang có tranh chấp, đất đang bị kê biên để bảo đảm thi hành án, đất đã hết thời hạn sử dụng nhưng không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền gia hạn.
7. Tự ý chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân khác trong cùng xã, phường khi chưa có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc quyết định giao đất, đất đang có tranh chấp, đất đang bị kê biên để bảo đảm thi hành án, đất đã hết thời hạn sử dụng nhưng không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền gia hạn.
8. Tự ý chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân khác không trong cùng xã, phường.
9. Tự ý chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền trong dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê mà chưa được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cho phép.
10. Tự ý chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn với chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở khi chưa có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đất đang có tranh chấp, đất đang bị kê biên để đảm bảo thi hành án, đất đã hết thời hạn sử dụng nhưng không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền gia hạn, chưa hoàn thành các nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai.
11. Tự ý nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn với chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở mà người nhận chuyển nhượng không có ngành nghề kinh doanh phù hợp, không thực hiện ký quỹ theo quy định của pháp luật về đầu tư, không có đủ năng lực tài chính theo quy định, không vi phạm quy định của pháp luật về đất đai đối với trường hợp đang sử dụng đất do Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư khác.
12. Tự ý chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn với chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng để chuyển nhượng hoặc cho thuê khi chưa có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đất đang có tranh chấp, đất đang bị kê biên để đảm bảo thi hành án, đất đã hết thời hạn sử dụng nhưng không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền gia hạn, đất chưa xây dựng xong các công trình hạ tầng kỹ thuật tương ứng theo tiến độ ghi trong dự án đã được phê duyệt.
13. Tự ý bán tài sản gắn liền với đất được Nhà nước cho thuê thu tiền thuê đất hàng năm khi tài sản gắn liền với đất thuê được tạo lập không hợp pháp, chưa hoàn thành việc xây dựng theo đúng quy hoạch xây dựng chi tiết và dự án đầu tư đã được phê duyệt, chấp thuận.
14.  Tự ý mua tài sản gắn liền với đất được Nhà nước cho thuê thu tiền thuê đất hàng năm khi người mua tài sản gắn liền với đất thuê có ngành nghề kinh doanh không phù hợp với dự án đầu tư, không đủ năng lực tài chính để thực hiện dự án đầu tư, vi phạm quy định của pháp luật về đất đai đối với trường hợp đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án trước đó.
15. Hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất ở, đất sản xuất nông nghiệp trong khu vực rừng phòng hộ tự ý chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất ở, đất sản xuất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân không sinh sống trong khu vực rừng phòng hộ đó.
16. Tự ý chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, tặng cho quyền sử dụng đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất đối với cơ sở tôn giáo.
17. Tự ý nhận chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, tặng cho quyền sử dụng đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất đối với cơ sở tôn giáo.
18. Tự ý nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp khi chưa có văn bản chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
19. Tự ý nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp mà mục đích sử dụng đối với diện tích đất nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
20.  Tự ý nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất trồng lúa để thực hiện dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp mà chưa nộp một khoản tiền theo quy định của Chính phủ về quản lý sử dụng đất trồng lúa.
21. Tự ý nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp vượt hạn mức nhận chuyển quyền theo quy định của pháp luật về đất đai.
22. Tổ chức được Nhà nước giao đất xây dựng nhà ở để bán nhận trách nhiệm làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận cho người mua nhà ở, người nhận quyền sử dụng đất ở mà chậm làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận kể từ ngày bàn giao nhà ở, đất ở.
23. Làm hư hỏng mốc di chuyển, làm sai lệch mốc chỉ giới sử dụng đất, mốc địa giới hành chính;
24. Hoạt động tư vấn lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhưng không có chức năng tư vấn lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và không có đủ 05 cá nhân hành nghề tư vấn lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quy định.
25. Xây dựng lấn chiếm hành lang bảo vệ công trình quốc phòng, an ninh, giao thông, thủy lợi, đê diều, năng lượng, khu di tích lịch sử – văn hóa và khu vực bảo vệ công trình khác theo quy định của pháp luật; xây dựng công trình ở khu vực đã được cảnh báo về nguy cơ lở đất, lũ quét, lũ ống trừ công trình xây dựng để khắc phục những hiện tượng này.
Chương II
QUY ĐỊNH VỀ TRÁCH NHIỆM
Điều 10. Trưởng Công an thị xã
1. Phối hợp với các đơn vị chức năng thị xã, UBND phường, xã trong việc quản lý, duy trì trật tự đô thị trên địa bàn. Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông, Cảnh sát trật tự - Cơ động,  Công an xã, phường chủ động kết hợp trong tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông với các vi phạm hành chính về trật tự đô thị;
2. Khi có tin báo từ Phòng QLĐT, Đội QTĐT, Phòng Tài nguyên – Môi trường, Phòng VHTT; UBND phường, xã về các trường hợp: dừng, đổ xe không đúng quy định; xe đi vào đường cấm; trộm cắp, hủy hoại kết cấu hạ tầng giao thông; xả thải gây ô nhiễm môi trường và các hành vi khác thuộc thẩm quyền xử lý của đơn vị thì cử lực lượng kiểm tra, điều tra và xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp luật.
Điều 11. Chủ tịch UBND phường, xã
1. Về trật tự xây dựng
a. Chỉ đạo bộ phận chuyên môn kiểm tra thường xuyên; chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng thị xã kiểm tra, giám sát tình hình trật tự xây dựng và xử lý kịp thời các vi phạm trên địa bàn quản lý.
b. Khi phát hiện vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn quản lý phải thông tin và phối hợp ngay với cán bộ Đội QTĐT phụ trách địa bàn; chủ trì lập biên bản vi phạm hành chính và trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính thì Chủ tịch UBND xã, phường phải ban hành quyết định xử phạt vi phạm  hành chính theo thẩm quyền quy định. (Nếu trường hợp vượt quá thẩm quyền thì trình lên phòng Quản lý Đô thị kèm theo hồ sơ vụ việc).
 c. Sau khi Ban hành Quyết định xử phạt tiếp tục thực hiện các thủ tục theo quy định tại Điều 2, 3, 4, 5, 6  Thông tư số 03/2018/TT-BXD ngày 24 tháng 4 năm 2018 của Bộ Xây dựng về quy định chi tiết một số điều của Nghị định 139/2017/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thật; quản lý phát triển nhà và công sở;
d. Cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính
Trong trường hợp Chủ tịch UBND xã, phường ban hành Quyết định cưỡng chế thi hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì UBND xã, phường chủ trì phối hợp với Đội QTĐT thị xã, các đơn vị liên quan xây dựng phương án và tổ chức cưỡng chế theo quy định.  Trường hợp Chủ tịch UBND thị xã ban hành Quyết định cưỡng chế thi hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì sau khi nhận được Quyết định cưỡng chế của Chủ tịch UBND thị xã thì Chủ tịch UBND xã, phường chủ trì phối hợp với Đội QTĐT thị xã, các đơn vị liên quan xây dựng phương án và tổ chức cưỡng chế theo quy định.
2. Về trật tự đô thị
a. Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về trật tự đô thị theo quy định của pháp luật. Trực tiếp chỉ đạo xây dựng kế hoạch, tổ chức các hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm, giữ gìn trật tự đô thị trên địa bàn xã, phường;
b. Chủ trì, phối hợp với Đội QTĐT tổ chức các hoạt động tuần tra kiểm tra, giải tỏa, xử lý vi phạm, giữ gìn vỉa hè, hàng lang ATGT trên địa bàn mình quản lý;
c. Cử lực lượng của địa phương tham gia phối hợp cưỡng chế, giải tỏa, thu giữ tang vật vi phạm khi có đề nghị của Đội QTĐT thị xã hoặc Công an thị xã.
3. Về quản lý đất đai
a. Thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về quản lý đất đai trên địa bàn theo quy định của pháp luật. Phân công lãnh đạo UBND phường, xã, công chức chuyên môn thường xuyên kiểm tra, nắm tình hình, kịp thời phát hiện lập biên bản và xử lý theo quy định;
b. Phối hợp với Phòng Tài Nguyên và Môi trường thị xã, Đội QLĐT thị xã để thiết lập hồ sơ và tiến hành xử lý vi phạm theo quy định khi có đề nghị của Đội QTĐT, Phòng QLĐT và Phòng TNMT về xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về quản lý đất đai. Đối với những vi phạm thuộc thẩm quyền, trong thời gian 07 ngày (kể từ khi lập biên bản vi phạm hành chính), phải ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính, buộc chủ đầu tư khắc phục hậu quả gây ra và báo cáo kết quả về Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã và phòng Tư pháp để tổng hợp, báo cáo UBND thị xã theo quy định;
c. Đối với những vi phạm vượt quá thẩm quyền, trong thời gian 02 ngày làm việc (kể từ khi lập biên bản vi phạm hành chính) có trách nhiệm gửi hồ sơ về Phòng Tài Nguyên và Môi trường để tham mưu Chủ tịch UBND thị xã xử lý theo quy định;
d. Đối với những vi phạm phải tổ chức cưỡng chế, có trách nhiệm xây dựng kế hoạch và chuẩn bị các điều kiện để tổ chức thực hiện cưỡng chế theo quy định.
Điều 12. Đội trưởng Đội QTĐT thị xã
1. Về trật tự xây dựng
a. Chủ trì, phối hợp với UBND phường, xã các đơn vị có liên quan trực tiếp tổ chức kiểm tra, giám sát toàn bộ các hoạt động xây dựng trên địa bàn thị xã, chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Trưởng phòng QLĐT và UBND thị xã về trật tự xây dựng trên trên địa bàn thị xã;
b. Qua kiểm tra nếu phát hiện vi phạm về trật tự xây dựng mà UBND các phường, xã chưa xử lý thì thông tin cho Chủ tịch UBND phường, xã sở tại để phối hợp kiểm tra, đồng thời lập biên bản vi phạm hành chính và trực tiếp tham mưu cho Trưởng phòng QLĐT, Chủ tịch UBND thị xã xử lý theo thẩm quyền quy định;
 c. Chủ trì phối hợp với UBND các phường, xã (nơi vi phạm hành chính diễn ra) để giao quyết định xử phạt vi phạm hành chính và đôn đốc chủ đầu tư thực hiện theo quy định;
d. Khi UBND phường, xã có đề nghị phối hợp có trách nhiệm: Giúp UBND phường, xã trong việc xây dựng hồ sơ xử lý theo quy định; Huy động lực lượng, phương tiện của Đội phối hợp tham gia thu giữ tang vật vi phạm và cưỡng chế theo quy định; Hướng dẫn nghiệp vụ cho cán bộ phụ trách xây dựng phường, xã về công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị.
2. Về trật tự đô thị
a. Tổ chức kiểm tra hằng ngày, xây dựng kế hoạch phối hợp với UBND phường, xã theo từng tháng để kiểm tra, duy trì trật tự đô thị trên địa bàn thị xã. Chủ động trao đổi thông tin về tình hình trật tự đô thị và đôn đốc Chủ tịch UBND phường, xã xử lý, giải quyết vi phạm theo thẩm quyền;
b. Định kỳ hoặc đột xuất, Đội trưởng Đội QTĐT thị xã chịu trách nhiệm tham mưu, tổ chức các Tổ tuần tra cơ động (gồm lực lượng Đội QTĐT thị xã, Cảnh sát giao thông - Công an thị xã, Đội trật tự đô thị phường, xã và các lực lượng chức năng liên quan) tổ chức tuần tra, kiểm soát, nhắc nhở, xử lý vi phạm, giữ gìn trật tự đô thị. Đối với các trường hợp cố tình vi phạm trật tự đô thị, thông tin ngay cho Chủ tịch UBND  phường, xã sở tại để phối hợp lập biên bản và xử lý vi phạm hành chính. Trong trường hợp Chủ tịch UBND xã, phường không cử lực lượng phối hợp kịp thời, Tổ tuần lập biên bản, tạm giữ các phương tiện, tang vật vi phạm theo quy định; đồng thời có văn bản báo cáo Trưởng phòng Quản lý đô thị diễn biến vụ việc và đề xuất biện pháp giải quyết để Trưởng phòng Quản lý đô thị tiếp tục chỉ đạo. Đối với trường hợp Chủ tịch UBND xã, phường không cử lực lượng phối hợp thì lập văn bản đề xuất lên Chủ tịch UBND thị xã xử lý trách nhiệm theo quy định;
c. Kịp thời hỗ trợ phương tiện, lực lượng và phối hợp cùng UBND phường, xã trong các hoạt động kiểm tra, xử lý, cưỡng chế các vi phạm trật tự đô thị theo đề nghị của Chủ tịch UBND phường, xã.
3. Về quản lý đất đai
a. Phối hợp với UBND các phường, xã kiểm tra hoạt động quản lý đất đai trên địa bàn thị xã;
b. Khi phát hiện vi phạm về quản lý đất đai, Đội trưởng Đội QTĐT thị xã thông tin ngay cho Chủ tịch UBND phường, xã sở tại để Chủ tịch UBND phường, xã chủ trì phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường kiểm tra thực tế, thiết lập hồ sơ xử lý và buộc khôi phục hiện trạng theo quy định.
Điều 13. Trưởng phòng Quản lý đô thị thị xã
1. Về trật tự xây dựng
a. Phối hợp chặt chẽ với UBND phường, xã, các đơn vị có liên quan để tham mưu UBND thị xã xử lý các vi phạm về hoạt động xây dựng trên địa bàn thị xã;
b. Khi nhận được thông tin về vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn thị xã thì kịp thời chỉ đạo Đội QTĐT kiểm tra, nếu có vi phạm thì khẩn trương phối hợp với UBND xã, phường xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật;
c. Qua kiểm tra phát hiện hoặc có tin báo của nhân dân về vi phạm mà UBND xã, phường chưa phát hiện được hoặc chưa xử lý thì yêu cầu Đội QTĐT lập biên bản tham mưu Phòng QLĐT, UBND thị xã xử lý theo thẩm quyền;
d. Tiếp nhận hồ sơ đề nghị xử lý vi phạm thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND thị xã và phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thiện hồ sơ, tham mưu Chủ tịch UBND thị xã ra Quyết định xử lý vi phạm hành chính;
e. Phối hợp với Phòng Nội vụ, UBND các xã, phường tham mưu Chủ tịch UBND thị xã xử lý trách nhiệm cán bộ công chức xã, phường phụ trách lĩnh vực xây dựng làm việc thiếu trách nhiệm, không hiệu quả, không hoàn thành nhiệm vụ có hành vi dung túng, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong xử lý vi phạm.
2. Về trật tự đô thị
a. Chủ trì, phối hợp với UBND các xã, phường tham mưu UBND thị xã thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực trật tự đô thị trên địa bàn thị xã theo các quy định của pháp luật. Chủ động rà soát, đề xuất UBND thị xã cho phép bố trí, sử dụng tạm thời một phần vỉa hè, lòng đường không vì mục đích giao thông bảo đảm trật tự và mỹ quan đô thị đối với những tuyến đường mà UBND thị xã quản lý theo quy định phân cấp của UBND tỉnh Quảng Bình.
b. Tham mưu UBND thị xã sắp xếp, bố trí việc sử dụng tạm thời một phần vỉa hè, lòng đường không vì mục đích giao thông tại một số tuyến đường theo đề nghị của UBND xã, phường nhằm bảo đảm quy hoạch và cảnh quan đô thị;
c. Thường xuyên kiểm tra, nắm tình hình, đôn đốc Đội QTĐT thị xã, Chủ tịch UBND xã, phường trong việc thực hiện nhiệm vụ duy trì trật tự đô thị trên địa bàn. Phối hợp với các đơn vị, tham mưu Chủ tịch UBND thị xã giải quyết, xử lý các vụ việc vi phạm vượt quá khả năng và thẩm quyền của Chủ tịch UBND xã, phường; đồng thời tham mưu xem xét trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân liên quan đến việc để xảy ra các vi phạm trật tự đô thị mà không được xử lý, giải quyết kịp thời.
Điều 14. Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã
1. Chủ trì, phối hợp với UBND phường, xã các đơn vị có liên quan trực tiếp tổ chức kiểm tra, giám sát toàn bộ các hoạt động về quản lý đất đai trên địa bàn thị xã và chịu trách nhiệm trước pháp luật và UBND thị xã về quản lý đất đai trên trên địa bàn thị xã;
2. Phân công đến từng công chức phụ trách địa bàn phường, xã phối hợp chặt chẽ với UBND phường, xã, Đội QTĐT thị xã cùng các lực lượng chức năng liên quan trong kiểm tra, xử lý vi phạm quản lý đất đai trên địa bàn thị xã;
3. Khi nhận được thông tin vi phạm về quản lý đất đai, phải cử ngay lãnh đạo và công chức phối hợp với UBND phường, xã, Đội QTĐT thị xã hướng dẫn UBND phường, xã thiết lập hồ sơ xử lý vi phạm theo quy định và đôn đốc thực hiện xử lý vi phạm theo thẩm quyền;
4. Trường hợp Chủ tịch UBND phường, xã không ban hành kịp thời các quyết định và không có biện pháp kiên quyết xử lý vi phạm, để vi phạm tiếp tục tái diễn, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã chủ trì, phối hợp với Đội QTĐT thị xã tiếp tục lập biên bản và tham mưu cho Chủ tịch UBND thị xã xử lý theo quy định; đồng thời báo cáo vụ việc cho Chủ tịch UBND thị xã xử lý trách nhiệm của cán bộ theo quy định;
5. Trong thời hạn 02 ngày làm việc (trường hợp phức tạp, thời gian không quá 30 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính) kể từ khi tiếp nhận hồ sơ đề nghị xử lý vi phạm thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND thị xã, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã có trách nhiệm tham mưu Chủ tịch UBND thị xã ban hành quyết định xử lý vi phạm hành chính theo thẩm quyền thông qua Văn phòng HĐND&UBND thị xã thẩm định;
6.  Qua kiểm tra nếu phát hiện vi phạm về đất đai mà UBND phường, xã chưa xử lý thì thông tin cho Chủ tịch UBND phường, xã sở tại để phối hợp kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính, đồng thời tham mưu UBND thị xã xử lý theo quy định;
 7. Chủ trì phối hợp với UBND phường, xã (nơi vi phạm hành chính diễn ra) để giao quyết định xử phạt vi phạm hành chính và đôn đốc chủ đầu tư thực hiện theo quy định;
 8. Khi UBND phường, xã có đề nghị phối hợp thì có trách nhiệm: Giúp UBND xã, phường trong việc xây dựng hồ sơ xử lý theo quy định; Cử cán bộ phối hợp tham gia cưỡng chế theo quy định; Hướng dẫn nghiệp vụ cho cán bộ địa chính xây dựng xã, phường về công tác quản lý đất đai.
Điều 15. Trưởng phòng Văn hóa thông tin thị xã
1. Chủ trì, tham mưu UBND thị xã thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực văn minh đô thị, cảnh quan đô thị, hạ tầng thông tin, quảng cáo. Tham mưu cho UBND thị xã cấp phép việc treo dựng biển quảng cáo, bằng rôn trên địa bàn;
2. Thường xuyên kiểm tra, nắm tình hình, phối hợp Đội QTĐT thị xã, Chủ tịch UBND các phường, xã trong việc thực hiện nhiệm vụ duy trì văn hóa, văn minh đô thị trên địa bàn;
3. Phối hợp với các đơn vị, tham mưu Chủ tịch UBND thị xã giải quyết, xử lý các vụ việc vi phạm vượt quá khả năng và thẩm quyền của Chủ tịch UBND các phường, xã; đồng thời tham mưu xem xét trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân liên quan đến việc để xảy ra các vi phạm về văn hóa văn minh đô thị mà không được xử lý, giải quyết kịp thời.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 16. Chế độ thông tin, báo cáo và họp định kỳ
1. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, hằng tuần, Đội QTĐT thị xã xây dựng kế hoạch phối hợp tuần tra, kiểm tra với UBND phường, xã trong lĩnh vực trật tự xây dựng, trật tự đô thị và quản lý đất đai, trật tự đô thị.
Tổng hợp tình hình, kết quả xử lý vi phạm về Phòng Quản lý đô thị, Văn phòng HĐND&UBND thị xã để tổng hợp, báo cáo Chủ tịch UBND thị xã vào cuối tháng.
2. Định kỳ ngày 25 hằng tháng, Đội QTĐT thị xã, Công an thị xã, Phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã và UBND phường, xã tổng hợp, báo cáo bằng văn bản về tình hình, kết quả xử lý vi phạm trong lĩnh vực trật tự xây dựng, trật tự đô thị và quản lý đất đai đến Phòng Quản lý đô thị, Văn phòng HĐND &UBND thị xã, phòng Tư pháp để tổng hợp, báo cáo Chủ tịch UBND thị xã theo quy định.
3. Định kỳ hằng quý, 6 tháng, 01 năm (hoặc đột xuất)
a. Phòng Quản lý đô thị chủ trì, phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã, Đội QTĐT thị xã, tổ chức họp giao ban kiểm điểm về công tác quản lý trật tự xây dựng, trật tự đô thị và quản lý đất đai với UBND phường, xã để tổng hợp, phân tích, đánh giá tình hình chung, xác định rõ nguyên nhân của những tồn tại và biện pháp khắc phục.
b. Tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện, đồng thời tham mưu, đề xuất Chủ tịch UBND thị xã những biện pháp xử lý, chấn chỉnh, khắc phục.
c. Phòng Quản lý đô thị thị xã có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc và tổng hợp tình hình, kết quả thực hiện Quy chế này, báo cáo UBND thị xã theo quy định.
Điều 17. Điều khoản thi hành
1. Các cơ quan, đơn vị, UBND phường, xã, cán bộ, công chức, viên chức và tổ chức, cá nhân có liên quan đến lĩnh vực xây dựng, trật tự đô thị và quản lý đất đai thực hiện nghiêm túc Quy chế này.
2. Tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác phối hợp kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự xây dựng, trật tự đô thị và quản lý đất đai được bình xét và khen thưởng theo quy định. Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định tại Quy chế này thì tùy theo tính chất, mức độ sẽ bị xem xét trách nhiệm và xử lý theo quy định.
3. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, cần bổ sung, sửa đổi, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan gửi ý kiến về Phòng Quản lý đô thị thị xã để tổng hợp, trình UBND thị xã xem xét, quyết định điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp./.

Nguồn tin: UBND thị xã

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê
  • Đang truy cập649
  • Hôm nay23,293
  • Tháng hiện tại328,062
  • Tổng lượt truy cập39,847,851
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây