Giới thiệu Đặc san Linh Giang số 11 - Số đặc biệt chào mừng Đại hội Đại biểu Đảng bộ thị xã Ba Đồn lần thứ XXV
Thứ hai - 10/08/2020 09:40
Linh Giang số 11 là Đặc san của Chi hội VHNT Quảng Trạch - Ba Đồn chào mừng Đại hội Đảng bộ Thị xã Ba Đồn lần thứ XXV (2020 - 2025), gồm các sáng tác mới của các tác giả thuộc Chi hội QT-BĐ cùng các nhà thơ nhà văn trong và ngoài tỉnh. Trong thư Ban Biên tập đã khẳng định “Đây là tấm lòng của anh em văn nghệ sỹ hướng về Đảng, muốn góp một tiếng nói “đồng chí, đồng ý, đồng tình” (Tố Hữu) trong công cuộc xây dựng quê hương do Đảng lãnh đạo.
Mở đầu Đặc san là phần trả lời phỏng vấn của ông Trương An Ninh - UVTV Tỉnh ủy, Bí thư Thị ủy thị xã Ba Đồn sẽ đưa đến cho quý vị bức tranh toàn cảnh về sự chuyển biến đi lên sau bảy năm thành lập. Với tầm nhìn Thị xã Ba Đồn là trung tâm chính trị , kinh tế văn hóa xã hội phía bắc tỉnh Quảng Bình. Tầm nhìn ấy chính là động lực khắc phục khó khăn, thúc đẩy kinh tế- xã hội phát triển. Nổi bật nhất là 3 chỉ số kinh tế quan trọng nhất đều vượt chỉ tiêu, thu nhập bình quân đầu người đạt 45 triệu đồng, tang 76,5% so với năm 2015 và mục tiêu đến năm 2025 thu nhập bình quân 55-60 triệu đồng năm; 100% xã đạt nông thôn mới. Ngoài ra trong phần văn xuôi còn có các truyện ký của các nhà văn Hữu Phương, Thế Tường, Mai Nam Thắng,Nguyễn Hữu Trường, Nguyễn Tiến Nên, Hoàng Minh Đức… đã làm sống dậy một vùng đất “một thời đạn bom, một thời hòa bình” đổi thịt thay da sau hơn một nhiệm kỳ Đại hội. Một miền đất biết bứt phá đi lên sau nắng cháy mưa nguồn. Miền đất biết phát huy thế mạnh của làng nghề truyền thống cho sự phát triển kinh tế thời kỳ CNH - HĐH. Đó là làng nghề nón lá Quảng Thuận, Quảng Tân, Quảng Hải, Quảng Văn. Làng mây tre la Hà, đúc rèn Hòa Ninh, Quảng Hòa. Biết ứng dụng công nghệ mới làm cho sản vật quê hương được nâng tầm giá trị, đấy là tỏi đen của Công ty 2/9 ( Ký Nguyễn Tiến Nên). Sau một thời gian đấu tranh, vận động thuyết phục, được người dân đồng tình ủng hộ, công trình thủy lợi Rào Nan đã được khởi công xây dựng. Hi vọng qua “Mùa nắng quái” công trình trọng điểm này sẽ là nguồn nước mát lành tưới tiêu cho ruộng đồng, nước sinh hoạt cho cả một vùng rộng lớn. Niềm vui của người dân khi đón dòng nước mát hiện rõ trên từng khuôn mặt người dân “Nơi có ngọn gió nóng đi qua”. Truyện ngắn “Cuối con đường” của Hữu Phương như một minh chứng cho sự hòa hợp, đoàn kết thủy chung của những con người khác đạo. Câu chuyện viết về những năm đầu kháng chiến, nhưng đến nay vẫn còn nóng hổi tính thời sự của nó.
Về thơ, ngoài những cây bút trụ cột như Đỗ Thành Đồng, Hoàng Đăng Khoa, Đinh Hương Giang, Hoàng Đình Bường, Hoàng Hiếu Nghĩa, Đặng Xuân Lộc… chúng ta thấy xuất hiện gương mặt mới Hoàng Xuân, Phạm Thùy Ngân. Mới nhưng suy nghĩ của chị thật già dặn. “Tuyên thệ” là bài thơ gọn, xinh, nhưng ẩn chứa một tầm tư duy mỹ học sâu sắc: “Trong phút cúi đầu mặc niệm/ tôi nghe tiếng thì thầm dưới lớp đất nâu/tiếng reo hò ca hát/ và cả những đớn đau thét gào” (Tuyên thệ-PTN). Cảm hứng chủ đạo của các tác phẩm thơ là niềm tin yêu đối với Đảng, Bác Hồ, về quê hương đất nước, là tiếng ca vui về cảnh đẹp và sự đổi thay của quê hương. Trong “Lòng dân ý Đảng” Hoàng Xuân viết: “Lòng dân ý Đảng không quên”. Sự kiện Bác Hồ về thăm Quảng Bình đã trở thành dấu ấn hết sức đặc biệt của Đảng bộ và nhân dân Quảng Bình, tình thương yêu của Bác giành cho Quảng Bình, niềm tin, hi vọng của Bác đối với Quảng Bình thật cao cả, đó “Là lời nước non” để rồi “Ngàn năm lời Bác vẫn còn/ Quảng Bình ghi một mốc son sáng ngời”.
Quê hương có một vị trí đặc biệt, là nguồn cảm hứng dào đạt, tươi mới cho văn nghệ sỹ, luôn thôi thúc người đi xa nhớ về nguồn cội “Về quê mình thăm lại đi em/ Tỏi Quảng Minh trở thành đặc sản/ Gạo sạch Quảng Hòa không đủ bán/cá chẻm, tôm hùm Cồn Sẻ đón chờ em” ( Hoàng Minh Đức)... Viết về mảnh đất bên đôi bờ sông Gianh, Hoàng Đình Bường không hề nhắc đến những từ ý chí đoàn kết một lòng, nhưng ý thơ lại hiện lên nỗi nhớ, kí ứcvề một miền quê thơ mộng giàu truyền thống văn hóa, cùng chung tay xây dựng quê hương: "Bên nớ bên ni dặm dài thương nhớ/ Đôi bờ sông hai nửa vầng trăng/ Làng phố lung linh bóng hình thị xã/ Bên nớ bên ni chung bến chung lòng”. Thị xã ngã ba sông của Đinh Hương Giang nhẹ nhàng mà đằm thắm: "Thị xã ngã ba sông tở mở nụ cười/Em mười sáu trăng tròn ngó lơ đáo để/ nón Thổ Ngọa tinh khôi như người tình tỉnh lẻ/ Mặn mòi má đỏ ngất ngây”. Cũng viết về dòng sông, Đỗ Thành Đồng khai thác sông ở một khía cạnh khác. Sông mang phẩm chất con người, như một tác nhân gắn bó bó con người lại với nhau “Vẫn là dòng nước thủy chung/ Sông Gianh nối nhịp anh hùng hôm nay/Yêu thương tay nắm chặt tay/ Cùng anh em nhé dựng xây Ba Đồn”. Các bài viết của nhà văn Nguyễn Thế Tường, nhà nghiên cứu văn hóa Đặng Thị Kim Liên, nhà thơ Đỗ Thành Đồng đã cho ta cái nhìn theo chiều dài lịch sử về Sông Gianh, chợ Ba Đồn quá trình hình thành và phát triển. Quá khứ oai hùng ấy là nấc thang cho chúng ta tiếp bước và phát triển. Trong tập có một tác giả khá đặc biệt, cháu Phương Hằng, học sinh lớp 7 trường THCS Quảng Minh. Có một tản văn viết về ông nội là nhà văn Hoàng Minh Sơn vừa qua đời. Lời văn chân thành yêu thương tha thiết với người ông kính yêu của mình, ngoài những kỷ niệm về ông, cháu đã phác thảo được chân dung về ông, một người ông gần gũi, một hạt nhân trong phong trào xây dựng quê hương, nghị lực và tấm lòng của một nhà văn trước lúc đi xa.
Phần lý luận phê bình, các tác giả Trần Đình giới thiệu chân dung của nhà văn Phạm Phú Thép về tác phẩm mới ra mắt "Cháo canh Ba Đồn” và nhà thơ Đỗ Thành Đồng của tác giả Kiến Văn với “ Đỗ Thành Đồng nhìn từ phân tâm học”
Phần âm nhạc và Mỹ thuật, bạn đọc sẽ được tiếp xúc với hai tác phẩm viết về Quê hương và về Đảng của nhạc sỹ Thanh Lung và Quốc Cường, các tác phẩm mỹ thuật của các tác giả quê hương.
Dẫu có thể còn có nhiều hạn chế, song đó là tấm lòng yêu thương, trân trọng của văn nghệ sỹ với Đảng bộ và quê hương.
Tác giả bài viết: CTV Nguyễn Xuân Sùng