Ấm áp Trường Sa...

Thứ hai - 22/05/2023 11:05
(QBĐT) - Trở về đất liền, trong lòng tôi vẫn nhớ như in hải trình 7 ngày (từ 7/5-13/5/2023) cùng đoàn công tác số 10 do đồng chí Chuẩn đô đốc Phạm Văn Quang, Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Hải quân làm trưởng đoàn; đồng chí Tôn Ngọc Hạnh, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam và đồng chí Nguyễn Tường Lâm, Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh làm phó trưởng đoàn, đi thăm một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1/2 Phúc Tần.
Được đi lần này, tôi rất vinh dự, tự hào và cảm thấy quá may mắn khi được là một trong số văn nghệ sĩ của Hội Nhà văn Việt Nam đi thăm quần đảo Trường Sa, nhà giàn DK1, được chứng kiến biển trời non nước hùng vĩ của Tổ quốc mình. Và điều làm tôi biết ơn và trân quý là tấm lòng, sự nhiệt tình, quan tâm, chăm sóc thầm lặng của các chiến sĩ Hải quân Vùng 3 trong từng bữa ăn.
 
Sáng 7/5 lên tàu, tôi phấn khởi về cuối boong giao lưu, phụ giúp các chiến sĩ trong tổ sơ chế. Được nghe các anh tâm sự mới biết các anh phụ trách ở nhiều bộ phận, chứ không phụ trách mảng công tác hậu cần, nhưng khi được sự điều động tăng cường của Vùng 3, tất cả đều đồng lòng cố gắng hết sức mình phục vụ các đại biểu một cách tốt nhất có thể. Ai nấy đều như một đầu bếp, phụ bếp, trợ lý bếp… chuyên nghiệp.
 
Anh Nguyễn Thanh Minh, thượng tá, Phó Chính ủy, Lữ đoàn 680/Vùng 3 Hải quân, người xã Cảnh Dương (Quảng Trạch) chia sẻ: Về kinh nghiệm đi đảo thì Vùng 4 mạnh hơn, Vùng 3 chỉ mới đi được 3 chuyến, năm 2023 đi 2 chuyến (chuyến thứ 7 và chuyến thứ 10), sắp tới là chuyến thứ 16 của Quân chủng. Cho nên, cái khó khăn nhất của Vùng 3 là về mặt công tác phục vụ đoàn: Khâu lương thực, thực phẩm phải chở từ TP. Đà Nẵng vào, có 3 chuyên gia hậu cần đi theo trực tiếp quản lý.
 
Các quy trình quản lý, lưu trữ, vệ sinh, chế biến và phục vụ được thực hiện nghiêm ngặt bảo đảm thực phẩm tươi xanh, chất lượng, an toàn, đủ thực phẩm trong suốt chuyến đi. Dẫu đây chỉ mới là chuyến thứ hai của con tàu KN-390 với hành trình “Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương” chở đoàn công tác ra thăm quân và dân huyện đảo Trường Sa, Nhà giàn DK1 năm 2023, nhưng đã khẳng định sứ mệnh kết nối đất liền với biển đảo của TP. Đà Nẵng, khẳng định sự chu đáo và vẹn tròn về mặt công tác hậu cần của Bộ Tư lệnh Vùng 3.
Đoàn công tác số 10 tổ chức lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh tại quần đảo Trường Sa.
Đoàn công tác số 10 tổ chức lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh tại quần đảo Trường Sa.
Đến với quần đảo Trường Sa xa xôi, chuyện phục vụ ăn uống trên tàu bao giờ cũng là vấn đề được chú trọng nhằm đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng, sức khỏe, tinh thần cho đại biểu và nhất là thể hiện được tính cộng đồng, vai trò kết nối giữa người với người rất rõ. Anh Đỗ Đức Liêm, trung tá, Phó Chi đội trưởng, Chi đội Kiểm ngư số 3 cho biết: Hoạt động hậu cần trên tàu KN-390 luôn có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các bộ phận, đơn vị, trong đó, vai trò của bộ phận phục vụ và đầu bếp trên tàu hết sức quan trọng, làm sao để các bữa ăn đa dạng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
 
Đoàn công tác số 10 chúng tôi ngoài việc tích cực tham gia các hoạt động, đến bữa ăn, mọi người đứng so-le chuyển các món ăn đến các bàn, ăn xong, cùng nhau dọn về cuối boong. Không ai nói với ai, mỗi ngày, đến giờ làm đồ ăn, mọi người tự luân phiên nhau giúp đỡ các chiến sĩ. Phòng 204 của tôi có 18 người, hầu như lúc nào cũng có người phụ ở tổ sơ chế, tổ chế biến, tổ nấu…
 
Lẽ thường, để trở thành một đầu bếp chuyên nghiệp, phải trải qua quá trình đào tạo và kinh nghiệm làm nghề. Nhưng để trở thành một đầu bếp trên tàu, người đầu bếp cần sự cố gắng và nỗ lực nhiều hơn. Điều quan trọng, các anh không chỉ thực hiện vai trò kết nối mọi người khắp các vùng miền mà còn đặt lòng mình vào các món ăn, thể hiện sự hòa quyện biển cả trong các món ăn, để gọi, gợi lên cái hồn ẩm thực của đất nước giữa mênh mông trùng khơi và nhen nhóm ngọn lửa yêu biển đảo, quê hương, Tổ quốc trong mỗi đại biểu.
 
Đầu bếp trên tàu KN-390 không chỉ tính toán thực đơn theo đúng tiêu chuẩn chế độ mà còn phải lo nhiều thứ, như: Khẩu phần cho người say sóng, người ốm và các thực đơn phù hợp với sự đỏng đảnh, bất thường của thời tiết. Phòng tôi có nhiều chị liêng biêng với cơn say sóng đến 2,3 ngày, không dậy nổi, nhưng luôn được tổ bếp ân cần thăm hỏi, động viên, phân phối thức ăn đến tận giường. Mệt là thế nhưng khi tàu neo, mọi người đều hăm hở, háo hức, theo thuyền lên các đảo, bởi, chính năng lượng mà các đầu bếp đã âm thầm, lặng lẽ mang đến.
 
Quay lại tàu, cái bụng rỗng, cồn cào lại được các anh lót đầy, tiếp sức cho hành trình đến đảo khác. Nếu không có những bữa cơm đủ đầy làm sao đoàn có thể thực hiện được hành trình tiếp lửa, động viên, khích lệ các lực lượng Hải quân đang canh gác nơi biển, đảo. Áp lực, bận rộn như thế mà khi gặp, các anh vẫn vui cười, hóm hỉnh, sẵn sàng chia sẻ những tâm tư tình cảm của mình. Không khí trên tàu theo đó mà xôm trò, như một chiến sĩ đã trêu: “Biển dịu êm thì anh em ồn ào. Biển ồn ào thì anh em dịu êm”.
 
Đoàn chúng tôi hơn 300 người được ăn 4 bữa: Sáng, trưa, chiều và đêm nhưng chỉ có 4 đầu bếp phục vụ, đã vậy, trong số đó chỉ 1 người qua trường lớp nấu ăn, còn lại làm các công việc khác. Khẩu vị hợp với 300 người không khó với các đám cưới, hội hè trên bờ, còn ở tàu, lúc nào cũng dập dềnh, thậm chí phải đứng trong "tư thế tấn", cộng thêm sự eo hẹp về không gian, thì việc “làm dâu trăm họ” càng vất vả hơn nhiều.
 
Khó khăn nữa, phòng nấu ăn trên tàu không đủ không gian rộng lớn để thỏa sức sáng tạo, thể hiện, vì vậy, các anh luôn ý thức sắp xếp hợp lý các khâu cũng như tự điều chỉnh thời gian tái tạo năng lượng bản thân nhằm phát huy tối đa hiệu quả công việc.
 
Anh Ngô Mậu Sơn, 1 trong 4 đầu bếp, thổ lộ: "Mặt hậu cần chuyến đầu tiên của Vùng 3 có không ít khó khăn vì chưa bắt nhịp được. Giấc ngủ chúng tôi thường không đủ giấc, quần quật từ 2 giờ 30 phút cho đến 23 giờ đêm, mới chợp mắt đã lo lắng thức dậy rồi. Đến chuyến thứ 2, tổ bếp đã chủ động luân phiên giờ dậy, 3 giờ sáng thức dậy 2 người, 4 giờ sáng thức dậy 2 người để vừa bảo đảm sức khỏe, vừa đáp ứng đòi hỏi của công việc".
 
Dù đa phần là đầu bếp tay ngang, gặp không ít khó khăn, trở ngại về không gian, thời gian, nhưng các anh lại phối hợp khá nhuần nhuyễn, nhịp nhàng, khẩn trương, đúng tiến độ. Nhờ hợp lý từ các khâu lưu trữ, bảo quản, vệ sinh, phân phối, sơ chế, chế biến nên bữa ăn lúc nào cũng tươi ngon, sạch sẽ, có cá, có thịt, có trứng, có rau xanh, củ quả và trái cây tráng miệng, tạo cho mọi người có được bữa ăn thân mật, đầm ấm.
 
Khi loa thông báo: “Hết giờ nghỉ toàn tàu báo thức. Hết giờ nghỉ báo thức toàn tàu” vang khắp con tàu thì tổ bếp đã hoàn thành công việc cho bữa sáng. Có những buổi 6 giờ đoàn theo thuyền "tăng bo" lên đảo Đá Thị, Đá Đông B, Trường Sa Đông, 5 giờ 15 phút đã tập trung ăn rồi. Kể ra như vậy để thấy các anh làm việc nhiệt tình, cật lực, luôn bảo đảm công tác hậu cần theo đúng thời gian và lịch trình chuyến đi.
 
Thú vị là trong bếp tàu KN-390 có 2 người quê ở Lệ Thủy, đó là anh Ngô Mậu Sơn và anh Trần Công Long. Tôi hỏi anh Sơn, anh làm ngành nghề máy tàu sao lại yêu bếp đến thế? Anh hiền lành cười, anh biết nấu ăn và cơ bản là anh thích được chế biến những món ăn đa dạng mang hương vị đậm đà, chân chất, dân dã của nhiều vùng miền, đặc biệt là cái chất nắng gió của miền Trung, rất hợp với môi trường biển.
 
Phải chăng vì thế mà bữa ăn nào tôi cũng thấy ấm áp tình thân. Được ngồi cùng, được chia cho nhau những yêu thương, những hiểu biết về văn hóa trong từng món ăn, đoàn công tác số 10 chúng tôi càng gắn kết hơn, thấu cảm với những nỗi khó khăn, thiếu thốn, vất vả của các chiến sĩ Hải quân đang ngày đêm gìn giữ biển, đảo và nhất là như cùng thưởng thức bữa cơm ấm cúng do chính tay mẹ nấu.
 
Giờ đây, trở lại với công việc bề bộn hàng ngày, trong đầu tôi vẫn vang lên thanh âm thân thương đến lạ: “Đã đến giờ, kính mời thủ trưởng và các đại biểu ăn cơm”. Những ngày trải nghiệm ở một số quần đảo Trường Sa, chúng tôi luôn được tình cảm nồng ấm của các chiến sĩ Hải quân dành cho. Và chúng tôi bằng cả tâm hồn, tình yêu đích thực để lòng thênh thang chạm đến trái tim thiêng liêng của biển cả Trường Sa.
 
Với tôi, đây là hải trình mà khi trở về lòng đã ở lại Trường Sa.
Hoàng Thụy Anh

https://www.baoquangbinh.vn/phong-su/202305/am-ap-truong-sa-2209383/

Nguồn tin: Báo Quảng Bình điện tử:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Thống kê
  • Đang truy cập153
  • Hôm nay15,720
  • Tháng hiện tại320,489
  • Tổng lượt truy cập39,840,278
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây