Di sản văn hóa. Đình làng Tượng Sơn và danh tướng Nguyễn Dụng trong tâm thức của người dân Quảng Long  (thị xã Ba Đồn - Quảng Bình)

Chủ nhật - 29/07/2018 00:08
  Xã hội Việt Nam thời xưa, đình làng là một thiết chế văn hóa tín ngưỡng. Sự ra đời của đình làng đánh dấu bước phát triển trong cơ cấu tự trị dân chủ làng xã. Theo một số tài liệu, đình ra đời từ thời Lê Sơ với các chức năng: Tín ngưỡng, hành chính và văn hóa.     Về mặt tín ngưỡng, đình được thờ Thành Hoàng làng, những người có công “tiền hiền”, “hậu hiền” khai khẩn đất đai, mở mang nghề nghiệp. Về chức năng hành chính, đình làng là trụ sở để các chức sắc xem xét, giải quyết các vụ tranh chấp, phạt vạ, khao vọng, bắt đinh, thu thuế….Với tư cách đó, đình làng đã kết nối cộng đồng, quan hệ làng xã và giữa người dân với chính quyền địa phương. Về chức năng văn hóa, trong suốt chiều dài lịch sử, hình ảnh “Cây đa, bến nước sân đình” đã đi vào tâm hồn tình cảm của người Việt Nam. Đình là trung tâm văn hóa của làng, thể hiện cô đọng thông qua các lễ hội truyền thống. 
Di sản văn hóa. Đình làng Tượng Sơn và danh tướng Nguyễn Dụng trong tâm thức của người dân Quảng Long  (thị xã Ba Đồn - Quảng Bình)
     Đình làng Tượng Sơn mang đầy đủ những giá trị và bản sắc văn hóa chung của dân tộc Việt Nam, đồng thời mang dấu ấn riêng biệt về một làng quê và gắn liền với danh nhân lịch sử thời Quang Trung - Nguyễn Huệ.    
     1. Đình làng Tượng Sơn nằm trung tâm phường Quảng Long, thuộc thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình, cách quốc lộ 12A gần 500 mét về phía Tây theo trục đường liên huyện (Ba Đồn lên Quảng Phương, Quảng Lưu, Quảng Tiến, Quảng Thạch -huyện Quảng Trạch). Đình nằm trên một khu đất khá cao, nhìn xuống phía trước là dòng sông Mai (sông Kênh Kịa) chảy ngang qua, phía sau là triền cát trắng mênh mông trải dài ôm lấy làng Tượng Sơn.
     Theo tài liệu (Lý lịch di tích lịch sử đình làng Tượng Sơn, phường Quảng Long) thì đình được xây dựng vào năm Canh Ngọ (1750) đời vua Cảnh Hưng thứ XI. Đình xây dựng để thờ các vị “tiền hiền” mang các dòng họ Trần, Ngô, Nguyễn, Phạm và sau này tiếp tục thờ các vị “hậu hiền” là những người có công với quê hương đất nước; với công cuộc “khai canh, khai khẩn” ra làng Tượng Sơn. Qua kí ức một số nhân chứng kể lại, đình Tượng Sơn là một trong những đình lớn thuộc tỉnh Quảng Bình.
     Thuở xưa, đình Tượng Sơn được thiết kế bố trí khá đẹp, gồm sân đình, tiền đình và hậu đình. Phần sân đình có cây đa cổ thụ, các cây bóng mát, là nơi dùng để tổ chức các lễ hội, vui chơi giải trí. Phần tiền đình được bài trí sắp xếp áo mũ cân đai, cờ lọng, gươm giáo… dùng làm nơi gặp mặt, tế lễ, hội họp… Hậu đình là nơi thờ Thành Hoàng làng và các vị có công với đất nước, với quê hương. Về bố cục tổng thể không gian, diện tích đất tuy hẹp nhưng tầm nhìn thơ mộng, phóng khoáng, đậm đà sắc thái dân gian, tạo được không khí trang nghiêm hoành tráng.
    Cùng với biến cố thăng trầm của lịch sử dân tộc, sự tác động của thời gian, thiên tai, của chiến tranh, đình làng Tượng Sơn đã bị hư hỏng và tu sửa nhiều lần. Năm Nhâm Tý (1912), đình làng được tu sửa tôn tạo lại, một số chi tiết được xây dựng theo kiểu kiến trúc triều Nguyễn. Phần trang trí phối cảnh, các chi tiết đường nét hoa văn, hình ảnh voi trận được chạm khắc tỉ mỉ ở bình phong. Nghệ thuật trang trí thể hiện tinh thần thượng võ, đồng thời lưu giữ sự kiện lịch sử về vua Quang Trung Nguyễn Huệ và danh tướng Nguyễn Dụng.
     Cuộc chiến tranh của đế quốc Mỹ bắn phá miền Bắc ngày càng ác liệt, năm 1966 đình làng Tượng Sơn bị bom Mỹ đánh sập. Dưới sự chỉ đạo của Đảng, chính quyền địa phương, nhân dân thu gom vật liệu trên đống đổ nát để làm hầm trú ẩn cho bộ đội và các cơ quan nhà nước, lát đường, làm cầu cho xe chi viện chiến trường miền Nam với khẩu hiệu “Xe chưa qua nhà không tiếc, đường chưa thông không tiếc máu xương”.
     Năm 1993, chính quyền cùng nhân dân phục hồi lại đình làng theo kiểu nhà cấp 4 làm nơi thờ tự, nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tâm linh. Năm 2017, được sự cho phép của Nhà nước, với sự quyết tâm cao của Đảng bộ và nhân dân, UBND phường Quảng Long kêu gọi các tổ chức, đoàn thể, cá nhân, các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân là con em địa phương đang sống và làm việc trên mọi miền đất nước ủng hộ kinh phí để trùng tu, tôn tạo lại đình làng.
    Về cơ bản, đình được xây dựng, trùng tu, tôn tạo lại trên nền đất cũ, theo kiến trúc đình làng cổ Việt Nam, nhưng đồ sộ, hoành tráng hơn so với trước. Đình làng Tượng Sơn hoàn thành đã đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh, với đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, nơi người dân gửi gắm tư tưởng tình cảm với lòng biết ơn những bậc tiền bối. Bên cạnh đó, đình làng Tượng Sơn cũng là nơi ghi lại dấu ấn về cuộc kháng chiến chống quân Thanh xâm lược khi Nguyễn Huệ trên đường tiến quân ra Bắc.
    2. Danh tướng Nguyễn Dụng người làng Đại Đan (Tức làng Tượng Sơn, thuộc phường Quảng Long, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình ngày nay). Năm 1771, phong trào Tây Sơn bùng nổ đã đưa Nguyễn Dụng gia nhập nghĩa quân dưới ngọn cờ Nguyễn Huệ. Tháng 1 năm 1785, Nguyễn Dụng cùng với đội quân do Nguyễn Huệ chỉ huy tiến vào Mỹ Tho đã làm nên chiến thắng trận Rạch Cầm- Xoài Mút. Trong đội quân lúc bấy giờ, Nguyễn Dụng luôn được Nguyễn Huệ trọng dụng, ông đã cùng với Quang Trung - Nguyễn Huệ đi suốt chiều dài của cuộc kháng chiến thống nhất đất nước. Giữa năm 1788, Nguyễn Huệ tiến quân ra Bắc lật đổ chính quyền vua Lê chúa Trịnh. Trước khi trở về Phú Xuân, Nguyễn Huệ đã giao Bắc Hà lại cho một số tướng lĩnh. Trước ba quân tướng sỹ, ông nói: “Sở, Lân (Ngô Văn Sở và Phan Văn Lân) là nanh vuốt của ta; Dụng, Ngôn (Nguyễn Dụng và Trần Thuận Ngôn) là tâm phúc của ta, Nhậm (Ngô Thì Nhậm) là bầy tôi của ta. Ngày nay ta giao việc quân quốc 11 trấn ở Bắc Hà cho các ngươi. Các ngươi phải liệu mà làm việc, có việc thì nên họp bàn với nhau, đừng có phân bì cũ mới, lòng mong muốn của ta là như vậy.” (Theo Lịch sử Việt Nam giai đoạn 1427-1858 - Nhà xuất bản Giáo dục 1976, trang 104, Lý lịch đình làng Tượng Sơn….của phường Quảng Long đã dẫn) 
    Cuối năm 1788, mượn cớ giúp Lê Chiêu Thống, nhà Thanh cử Tôn Sỹ Nghị đem 29 vạn quân xâm lược nước ta. Nhận được tin báo, Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế (25/11/1788), lấy niên hiệu Quang Trung chỉ huy tiến quân ra Bắc. Trên đường tiến quân, tướng Nguyễn Dụng luôn đi đầu trong đội quân thiện chiến và được vua Quang Trung phong chức Chưởng Võ.
     Theo lịch sử làng Tượng Sơn ghi lại, “ngày 24 tháng 12 năm 1788, khi hàng vạn quân sỹ cùng với đội quân voi chiến vượt sông Gianh, Nguyễn Dụng đã đưa đại binh về đóng ở đình làng Tượng Sơn, quê hương của mình để nghỉ chân, chấn chỉnh lại đội ngũ, đồng thời chiêu mộ thêm binh lính. Tại đây, ông nhận được sự hưởng ứng đặc biệt của nhân dân. Dân làng Tượng Sơn thực hiện lời kêu gọi của Nguyễn Huệ “Nhất tâm suất vi binh” và đã có nhiều người được phiên chế vào đội quân Quang Trung- Nguyễn Huệ”.
      Ngày 25 tháng 01 năm 1789, Quang Trung và đại quân Tây Sơn đã tới Tam Điệp. Tại đây, Vua cùng các tướng trong Bộ tham mưu tập trung nghiên cứu tình hình, hoạch định kế hoạch đại phá quân Thanh với quyết tâm: bất ngờ, quyết thắng, đánh tan quân giặc khi chúng chưa kịp xuất quân. Với tài thao lược xuất chúng, Quang Trung vạch ra phương án tác chiến táo bạo, chính xác. Ông đã triệt để tận dụng yếu tố bí mật, bất ngờ; sử dụng bố trí các tướng lĩnh chỉ huy lực lượng, hình thành các hướng tiến công, tạo thế trận bao vây, chia cắt địch. Sau khi tiêu diệt xong hai đồn quân tiền tiêu Đống Đa, Ngọc Hồi, đại quân tiến vào Thăng Long, Tôn Sĩ Nghị nhục nhã chui ống đồng cho quân sĩ dẫn sang bên kia sông Hồng, cùng bại binh tháo chạy về nước. Thăng Long và Đại Việt hoàn toàn sạch bóng quân thù.
     Đại thắng mùa xuân Kỷ Dậu (1789), quân ta đánh tan 29 vạn quân Thanh, đã đưa tên tuổi vua Quang Trung - Nguyễn Huệ lên đỉnh cao đài vinh quang của dân tộc. Góp phần làm nên chiến thắng ấy, không thể không nhắc đến Nguyễn Dụng, một trong các vị tướng tài năng, được vua Quang Trung phong đến chức Thống chế Quận Công”.  
    Để tưởng nhớ công lao của Nguyễn Dụng và đội quân voi trận của vua Quang Trung - Nguyễn Huệ, làng đã lấy tên là đình Tượng Sơn. Đình Tượng Sơn được vua Quang Trung phong tặng hai câu đối:
                   “Đệ nhất nghè thổ vương miếu vũ
                    Kim ấn ban phong Tượng Sơn thôn”
    Nguyễn Dụng mất ngày 20 tháng 6 năm Ất Hợi (1815), thọ 81 tuổi, thi hài an táng tại cánh đồng Chùa Lồi, gọi là lăng quan Cụ (Thôn Pháp Kệ, xã Quảng Phương, huyện Quảng Trạch), dân làng rước vong linh và lập bàn thờ tại đình làng Tượng Sơn. Dưới thời vua Tự Đức (1847-1883) lăng mộ của ông được tu bổ lại to và đẹp hơn. Phần trước lăng mộ có bình phong trang trí bởi các họa tiết mềm mại, ở giữa bình phong có đắp nổi hình con hổ dũng mãnh. Sau bình phong là phần mộ, bia mộ và am thờ danh tướng Nguyễn Dụng với dòng chữ Hán ghi ở thân bia “Đại tướng quân, Nguyễn tướng công, Trung thần giáng quận công’’.
    Với những đóng góp của tướng Nguyễn Dụng và đình làng Tượng Sơn trong quá trình đấu tranh xây dựng và bảo vệ đất nước, ngày 22 tháng 2 năm 2004, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin đã cấp bằng xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia “Lăng mộ tướng Nguyễn Dụng và đình Tượng Sơn”.
    3. Đình Tượng Sơn và lăng mộ danh tướng Nguyễn Dụng có giá trị lớn về lịch sử.
Những bước đi của lịch sử đều để lại dấu ấn gắn bó chặt chẽ với di tích. Có thể nói những giá trị lịch sử trên đã vun đắp thêm bề dày văn hóa - lịch sử của đình làng Tượng Sơn và danh tướng Nguyễn Dụng.
     Người dân nơi đây luôn tự hào về những giá trị lịch sử, văn hóa của quê hương. Dù có đi làm ăn xa khắp bốn phương trời nhưng tới ngày Khai hạ mồng 7 tháng Giêng hàng năm, với lễ hội cướp cù, đấu vật và ngày rằm tháng 6 âm lịch (Lễ hội lục nguyệt cầu phúc), họ lại thu xếp trở về với cội nguồn quê hương, tham gia những hoạt động mang tính truyền thống. Lễ hội làng Tượng Sơn, là chiếc cầu nối giữa quá khứ với hiện tại, là sự kết tinh ý thức thờ phụng tập thể, là sự giao lưu văn hóa giữa nhân dân trong xóm ngoài làng, là nét văn hóa đặc trưng trong sinh hoạt cộng đồng làng xã. Đó là tâm thức của người Việt nói chung và của con người Quảng Long nói riêng.
      Ca dao có câu “Qua đình ngả nón trông đình” không những gợi lên tình yêu lứa đôi, mà còn là một sự hướng thiện làm cho tâm của mỗi một con người được trong và tĩnh hơn.
     Một điều mà không ai có thể chối cãi trong xã hội hiện đại. Đó là muốn vươn đến tương lai, con người phải đứng vững trên cơ sở của quá khứ. Đình Tượng Sơn và danh tướng Nguyễn Dụng là một cơ sở quá khứ hào hùng mà con người Quảng Long luôn tự hào, gìn giữ và phát huy.
                                                                                  Tháng 7 năm 2018
                                                                                         

Tư liệu tham khảo:
- Những trang sử vẻ vang của nhân dân Thuận Hóa dưới thời Nguyễn Huệ - Phú Xuân. Nhà xuất bản Thuận Hóa năm 1983.
- Hoàng Lê nhất thống chí (2 tập) của tác giả Ngô gia văn phái. Nhà xuất bản Văn học năm 1987.
- Lí lịch di tích đình Tượng Sơn và lăng mộ Nguyễn Dụng do Ủy ban nhân dân phường Quảng Long lưu giữ.


Trần Đình - Hội viên Hội VHNT Quảng Bình - chuyên ngành Văn học
Địa chỉ: Trường THCS Quảng Long, Thị xã Ba Đồn, Tỉnh Quảng Bình          

Tác giả bài viết: Trần Đình

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Thống kê
  • Đang truy cập62
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm60
  • Hôm nay13,306
  • Tháng hiện tại446,437
  • Tổng lượt truy cập33,977,156
SĐT nhận cung cấp thông tin
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây