Giai thoại Cồn Két

Thứ năm - 16/03/2023 17:43

Giai thoại Cồn Két

Cồn Két là một doi đất nhỏ chưa đầy 1km2, nằm giữa 2 nhánh sông Gianh, thuộc địa phận phường Quảng Thuận, TX. Ba Đồn. Sở dĩ gọi là Cồn Két vì nơi đây mọc toàn cây két.
Ngày nay do tác động của con người, cây két đã hầu như biến mất. Thuở còn hoang sơ, Cồn Két đã từng là nơi che chở cho các chiến sĩ cách mạng, là tấm lá chắn cho những con tàu trong thời mưa bom đạn Mỹ. Cồn Két ngày nay đang hình thành một dự án du lịch sinh thái của thị xã Ba Đồn. Xung quanh Cồn Két có rất nhiều giai thoại. Tuy nhiên, câu chuyện mà tôi viết lại sau đây là hoàn toàn “người thật, việc thật” với nhiều nhân chứng vẫn còn sống.
 
Tôi sinh ra và lớn lên trên quê hương Thổ Ngọa-một làng quê nổi tiếng văn vật nằm trong Bát danh hương Quảng Bình (Sơn, Hà, Cảnh, Thổ, Văn, Võ, Cổ, Kim). Từ thuở nhỏ, những câu chuyện về làng quê qua chuyện kể và lời ru của bà nội đã khắc mãi trong tâm trí của tôi. Những câu chuyện đó thường là không đầu không đuôi. Tôi vốn dĩ là người thích thơ nên đã thuộc lòng những bài bà tôi hay ngâm nga. Trong đó, nổi bật một bài thơ mà bà biết rất rõ tác giả là cụ Cửu Đậu, một vị quan cửu phẩm người làng. Thơ rằng:
 Cồn Két, xã Quảng Thuận, TX. Ba Đồn. Ảnh: Trần An.
Cồn Két, phường Quảng Thuận, TX. Ba Đồn. Ảnh: Trần An.

Bớ thằng Tây cao to chớ cậy
Giả danh buôn muốn lấy đất làng
Tay cầm khẩu súng huênh hoang
Ai ngăn ta bắn-thị hùng đã quen
Lý trưởng làng bước lên chỉ thẳng
Ưỡn ngược trần giỏi bắn ta coi
Dẫu được chết, gương cho đời
Không cho ngươi chạm đất trời của ta!
 
Lúc bấy giờ tôi đã rất tò mò hỏi bà về câu chuyện trong bài thơ. Nhưng bà tôi chỉ nói rằng, nghe người ta truyền miệng thì đọc theo thôi chứ không rõ lắm. Bà chỉ biết “đất làng” trong bài thơ chính là Cồn Két nằm giữa sông Gianh. Bẵng đi một thời gian, giờ ngồi nhớ lại, cái “máu” tò mò của tôi lại trỗi dậy. Tôi đã tìm gặp ông Nguyễn Thêm ở tổ dân phố Đình Chùa, phường Quảng Thuận, TX. Ba Đồn để tìm hiểu.
 
Ông Nguyễn Thêm năm nay đã 92 tuổi, là người cao niên nhất làng Thổ Ngọa. Ông vẫn rất minh mẫn, vẫn làm thơ và là thành viên câu lạc bộ thơ làng. Thật may mắn và bất ngờ, khi tôi đã tìm đúng địa chỉ. Nhân vật lý trưởng trong bài thơ chính là thân phụ của ông Nguyễn Thêm.
 
Cụ Nguyễn Ngân sinh năm Canh Ngọ (1870). Ông Nguyễn Thêm là con út của cụ và ra đời khi thân phụ mình đã 59 tuổi. Năm Thành Thái thứ 12 ( Canh Tý-1900) với chức danh lý trưởng làng Thổ Ngọa, cụ Ngân vào tỉnh lỵ Đồng Hới để nộp thuế. Xong việc, cụ được quan tuần vũ gọi vào gặp riêng rồi báo cho biết rằng: “Gã lái buôn người Pháp tên Đa-May mà thực chất là  tên trùm mật thám, đã có đơn đệ quan, xin sở hữu đất Cồn Két của làng đấy. Nay nếu ta không đồng ý thì cũng lôi thôi mà ngược lại thì cũng không phải với làng các người. Ta nghĩ rằng, đẳng quan làng nên biện một mâm lễ vật lên trình bày lẽ thiệt hơn với y!”.
 
Về đến làng, cụ Ngân tức tốc đánh mõ. Sau khi nói với làng về việc thuế má đã nộp xong, cụ trình bày những gì đã nghe từ quan tuần vũ và cùng đẳng quan làng lên kế hoạch.
 
Sáng hôm sau, cụ Ngân dẫn đầu đẳng quan làng cùng mâm lễ vật lên tư dinh của Đa-May. Thấy đoàn người tiến vào cổng, mụ vợ người Việt của Đa-May la lớn:
 
- Các ngươi cần gì mà kéo đến đông thế? Ông lớn đi vắng!
 
Các cụ quan làng bày lễ vật rồi nhỏ nhẹ đầu đuôi câu chuyện và nguyện vọng của làng cho thị nghe. Chẳng hiểu do mâm lễ vật hay dòng máu Việt chảy trong huyết quản mà thị nhỏ nhẹ:
 
-  Thôi được! Để tôi về trình lại với ông lớn cho!
 
Vừa lúc đó xe của Đa-May cũng lù lù tiến vào cổng. Sau khi ôm nhau hôn trước mặt mọi người, gã hất hàm vào đoàn người xổ một tràng đầy hằn học. Mụ vợ đáp lại cũng tiếng Tây. Nghe chưa dứt lời, gã bỗng đổi sắc mặt. Đôi mắt trợn lên, da cổ đỏ như gà chọi. Gã rút súng, lên đạn chĩa thẳng vào đoàn người. Mụ vợ cũng đanh lại:
 
-  Ông lớn bảo, Cồn Két nay đã thuộc về ngài. Kẻ nào dám đòi lại ông lớn bắn bỏ!
 
Cụ Ngân nổi giận, lao lên khỏi đoàn người, phanh ưỡn ngực trước mũi súng:
 
-  Ngươi bắn đi! Bắn đi! Ta có thể chết nhưng Cồn Két phải thuộc về dân làng Thổ Ngọa.
 
Gã mật thám hoảng hốt lùi lại. Khẩu súng trên tay chùng xuống. Cụ Ngân quay sang vợ hắn đấu dịu:
 
-  Dân làng Thổ Ngọa là những người có trước có sau mới mang lễ vật lên đây nói lẽ thiệt hơn. Chúng tôi thực sự không muốn làm ảnh hưởng đến công việc và uy tín của ngài. Mà thực ra Cồn Két đâu đã thuộc về ngài? Vả lại, ngài Đa-May biết đệ đơn xin đất, há dễ dân làng tôi không biết giữ đất hay sao?
 
Nghe mụ vợ dịch xong, mặt gã mật thám bệch ra rồi dịu lại. Gã đút súng vào bao, rồi bảo vợ nói lại với quan làng:
 
-   Ông lớn bảo, thấy Cồn Két bỏ không, nên ngài muốn sở hữu để lập trang trại. Nay làng không đồng ý thì thôi, làng đừng làm to chuyện…
 
Trở lại với bài thơ trên, ông Nguyễn Thêm cũng khẳng định tác giả là cụ Cửu Đậu. Cụ Cửu tên thật là Trần Đậu, là bác ruột của ông Trần Hường người làng Thổ Ngọa. Ông Trần Hường là đại biểu Quốc hội khóa I, là lão thành Cách mạng. Ông Thêm kể tiếp: “Năm 1954, tôi may mắn được gặp cụ Cửu. Khi biết thân phụ tôi là cụ Nguyễn Ngân, cụ Cửu mừng lắm. Cụ chép tặng tôi bài thơ cùng với đôi câu đối chữ Hán. Câu đối thì mất rồi và tôi cũng không nhớ. Nhưng bài thơ thì dễ đọc dễ thuộc nên tôi nhớ lắm! Để tôi đọc lại cho anh nghe, so với bản mà anh nghe bà hát ru có sai chỗ nào không nhé!”.
 
Khi viết lại câu chuyện này, tôi cũng có xin ý kiến ông Nguyễn Thêm. Lúc đầu ông cũng có ý không muốn vì cho đó là chuyện riêng. Nhưng sau khi chuyện trò, chúng tôi cũng nhất trí rằng, câu chuyện tuy nhỏ nhưng đó là truyền thống yêu quê hương đất nước, là niềm tự hào của người làng Thổ Ngọa nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung.
 
Theo Đỗ Thành Đồng

Nguồn tin: www.baoquangbinh.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Thống kê
  • Đang truy cập81
  • Hôm nay6,468
  • Tháng hiện tại283,583
  • Tổng lượt truy cập40,553,114
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây