Tôi ở làng Minh Lệ, một ngôi làng nhỏ ven con sông Gianh. Năm nay những ngày đầu tháng chạp miền Trung quê tôi không có rét đậm, rét hại. Mới tháng chạp cây cối đã đâm chồi non lộc biếc đón mùa xuân về. Hiện tượng “xoan chân chó” đã xuất hiện dọc theo triền sông hay đường làng, ngõ xóm.
Nhà nông học Bùi Huy Đáp khi viết tập sách “Cây lúa Việt Nam” đã viết: “Muốn ăn lúa tháng năm, phải trông trăng rằm tháng tám”. Rằm tháng tám trăng tán, trời trong vắt từ đầu hôm đến sáng là năm đó có rét đậm, rét hại kéo dài cho đến Tết. Rằm tháng tám năm nay trời đầy mây. Theo trung tâm khí tượng Quốc gia thì nhiệt độ trung bình cao hơn mọi năm là 10c. Ngày giỗ chạp ấm áp nên bà con khắp nơi về quê hương tảo mộ đông hơn mọi năm. Các giáo sư, tiến sĩ, các doanh nhân thành đạt về vinh quy bái tổ ở đình làng. Năm nay con trai nhà thơ Hoàng Gia Cương là Hoàng Minh Cường (Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng, nhiệm kì 2021-2026) và Trần Nguyễn Ngọc, con trai Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Thầy thuốc Nhân dân Trần Hữu Bình được phong Phó giáo sư dâng lễ. Họ đặt trên mỗi mâm xôi một con heo quay, trước là cúng tổ tiên, sau là chiêu đãi bà con dự lễ. Nét đẹp văn hóa làng quê hàng mấy trăm năm được khơi dậy, bảo tồn. Làng Minh Lệ có lịch sử hơn 550 năm gồm 4 họ Trương, Nguyễn, Hoàng, Trần từ ngoài Hải Dương vào “Bình Lồi, thiết xã”. Ngày nay các làng Minh Lệ, Diên Trường, Hòa Ninh, Vĩnh Lộc, Vĩnh Phước ở các xã khác nhau nhưng cùng chung phong tục, tảo mộ, ngày tết, ngày cầu yên, cầu phúc tổ chức giống nhau như thuở cùng chung một xã Thị Lệ ngày xưa. Trong các làng vẫn truyền câu ca: “Mồng một xủi mả Tổng Lang/ Mùng hai xủi mả cả làng nhà ta”. (Tổng Lang là Trung Lang Thượng tướng quân Trương Hy Trọng). Ở xã Thị Lệ việc xủi mả của từng gia đình kéo dài lai rai cho đến hết tháng Chạp. Ngày chạp mả là dịp cha mẹ con cái, anh em quây quần bên nhau, nhìn lại một năm công tác lao động học tập, những cái làm được và chưa làm được. Năm ngoái, làng Minh Lệ đã tổ chức đón nhận Bằng Di tích Lịch sử Văn hóa cấp tỉnh, công nhận quần thể “Giang sơn Bến Lội” và Thành hoàng làng Minh Lệ. Ngày mùng 2 tháng chạp năm nay, phóng viên Đài Phát thanh Truyền hình Quảng Bình, Đặng Quang Ngọc về làm phim phóng sự những ngày giỗ chạp của các làng quê dọc sông Gianh. Tôi cùng đoàn làm phim đi theo thuyền chở người tảo mộ sang nghĩa trang Cồn Dưa. Nhiều chuyến thuyền ra vào hói Ngã Năm rộn ràng như ngày hội. Tại đình làng, ông Hoàng Tiến Mạnh, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã, trưởng Ban di tích tổ chức ngày chạp mả đang thắp hương. Đoàn làm phim đến quay việc dọn cỗ bàn ở từng nhà. Chúng tôi đến nhà thờ họ Hoàng Gốc Mạc, Hoàng Bá Chuân. Cụ Hoàng Bá Chuân sinh năm Nhâm Thìn (1892), là hậu duệ đời thứ 12 của Thái tổ Mạc Đăng Dung. Dòng họ Mạc của cụ thế kỷ XVI từ đất Bắc ly tán vào châu Bố Chính, đổi thành họ Hoàng (Huỳnh) để tránh sự truy sát của tập đoàn Lê - Trịnh. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, cụ Chuân có 5 người con là bộ đội theo 5 cửa ô trong đoàn quân chiến thắng về giải phóng Thủ đô Hà Nội. Trong ngày kỷ niệm giải phóng Thủ đô hằng năm, nhiều tờ báo T.Ư và Đài truyền hình Việt Nam (VTV1) nhắc lại sự kiện có một không hai này. Tiếp chúng tôi là người cháu nội của cụ ông Hoàng Bá Chuân và cụ bà Nguyễn Thị Như Đồng là anh Hoàng Mạnh Tường và cháu ngoại là Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Minh. Con cháu cụ đang làm lễ rước di ảnh của ông Hoàng Thúc Cảnh ngoài Hà Nội vào. Ông Cảnh là người con thứ hai của hai cụ, từng làm Thư ký riêng của cụ Hồ Tùng Mậu từ năm 1944. Ông có 38 năm làm ở phủ Chủ tịch và phủ Thủ tướng Chính phủ. Năm 2023, ông mất tại Thủ đô Hà Nội, thọ 100 tuổi. Sáng ngày 22/11/2023, lễ tang ông đã được Văn phòng Chính phủ phối hợp cùng Hội Luật gia Việt Nam và gia đình tổ chức hết sức trang trọng tại nhà tang lễ Quốc gia. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đến viếng và đặt vòng hoa. Đây là dòng họ đã đóng góp cho làng xã hàng trăm triệu đồng để trùng tu bốn miếu, nhà thờ họ Hoàng và xây dựng quỹ khuyến học. Anh Hoàng Mạnh Tường năm nào về tảo mộ làng cũng tặng quà cho những học sinh cấp 2 học từ năm 1960 đến 1975 và cho hội khuyến học, câu lạc bộ văn nghệ Quảng Minh hàng chục triệu đồng. Đây là dòng họ học hành đỗ đạt và có nhiều công lao với đất nước. Con, cháu cụ Hoàng Bá Chuân có 2 giáo sư, 5 tiến sĩ. Người con trai thứ 5 là ông Hoàng Thúc Tấn, nguyên Thứ trưởng, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, rồi làm Đại diện Việt Nam tại Hội đồng Tương trợ Kinh tế (Khối SEV)). Hôm sau, đoàn làm phim về quay tiếp một phóng sự về Câu lạc bộ ca trù Quảng Minh. Ông Trần Đăng Cành, Phó chủ tịch Hội người cao tuổi xã, Chủ nhiệm câu lạc bộ đã giới thiệu lịch sử đội ca trù Minh Lệ từng tồn tại gần 1 trăm năm. Qua nhiều năm bị mai một nay mới được xây dựng lại. Đây là tiết mục chủ lực trong các đêm biểu diễn văn nghệ mừng Đảng mừng Xuân. Mùa xuân năm nay đến sớm hơn mọi năm. Nắng ấm nên mới gieo sạ xong cây lúa đã xanh um. Các công trình ở thị xã Ba Đồn đang hối hả xây dựng để mừng Đảng mừng Xuân. Các khu dân cư trong xã đêm đêm tập văn nghệ, hát ca trù, nhảy dân vũ chuẩn bị cho đón tết. Hàng ngày, trên các trục đường hoa, các tổ hội, phân hội làm vệ sinh và chăm sóc hoa. Khắp làng Minh Lệ quê rộn ràng tiếng hát, tiếng đàn. Ngôi làng bên sông đang phơi phới đón mùa xuân về.