Dịch tả lợn châu Phi: Cảnh giác nhưng không hoang mang!

Thứ hai - 11/03/2019 08:32
Tính đến chiều 9-3, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện ở 10 tỉnh, thành phố phía Bắc nước ta, bao gồm: Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Nam, Hải Dương, Hòa Bình, Điện Biên và Thái Nguyên. Ở Quảng Bình, đến thời điểm hiện tại dịch bệnh này chưa xuất hiện, dĩ nhiên chúng ta sẽ đề cao cảnh giác nhưng nhất định không hoang mang!
Bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút gây ra, nhưng chưa có vắc xin phòng ngừa và thuốc đặc trị. Bệnh này không gây nguy hiểm cho con người nhưng làm thiệt hại kinh tế nghiêm trọng với tỷ lệ chết cao lên đến 100%, lây lan nhanh và xảy ra đối với cả lợn nuôi và lợn hoang dã.
2
Thịt lợn vẫn là mặt hàng được nhiều người tiêu dùng lựa chọn ở các siêu thị và chợ đầu mối.
Thịt lợn đảm bảo chất lượng vẫn là mặt hàng được nhiều người tiêu dùng lựa chọn ở các siêu thị và chợ đầu mối (Ảnh có tính chất minh họa).
Theo thông tin từ tổ chức Thú y thế giới, từ năm 2017 đến tháng 3-2019, bệnh DTLCP đã xuất hiện ở 20 quốc gia. Ở nước ta, ngay từ đầu tháng 2-2019, dịch bệnh đã xuất hiện ở tỉnh Hưng Yên, sau đó lây lan ra 9 tỉnh phía Bắc.
Qua theo dõi diễn biến dịch bệnh, các cơ quan chức năng khuyến cáo, vi rút DTLCP có sức đề kháng cao trong môi trường; thời gian ủ bệnh từ 3-15 ngày; lây nhiễm qua đường hô hấp và tiêu hóa…
Nhìn chung, bệnh này có triệu chứng không khác biệt so với triệu chứng của bệnh dịch tả lợn cổ điển (đã và đang có ở Việt Nam), đó là: xuất huyết ở vùng da non (vành tai, bụng chân)… Vì vậy, trong mọi trường hợp, phải lấy mẫu xét nghiệm để phát hiện mầm bệnh nhằm có biện pháp xử lý thích hợp.
Ở Quảng Bình, tính đến ngày 5-3, tổng đàn lợn gần 300.000 con, trong đó lợn nái 37.100 con, đực giống 311 con, nái ngoại 5.674 con của hơn 50.000 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ và 229 trang trại… nên nguy cơ xâm nhiễm bệnh DTLCP là rất cao.
Nguyên nhân chủ yếu là do hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ lợn, sản phẩm lợn từ các tỉnh phía Bắc qua địa bàn; hàng hóa lưu thông trên các tuyến quốc lộ, cửa khẩu, cảng biển, ga tàu; thời tiết biến đổi bất thường; ý thức tự giác về công tác vệ sinh, tiêu độc khử trùng phòng chống dịch bệnh của các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ còn nhiều hạn chế…
Do vậy, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, ngay sau khi có công điện hỏa tốc của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã nhanh chóng ban hành nhiều văn bản chỉ đạo gửi các địa phương, ban, ngành liên quan tập trung triển khai các giải pháp cấp bách khống chế bệnh DTLCP xâm nhiễm vào địa bàn.
Trong đó, ngành Nông nghiệp đã in tờ rơi, tổ chức tập huấn về cách nhận biết, cách phòng chống bệnh DTLCP cho các hộ chăn nuôi và người dân, đồng thời lấy 10 mẫu lợn nghi bệnh để gửi xét nghiệm và rất đáng mừng là các mẫu này đều âm tính với vi rút DTLCP.
Tiếp đó, ngành cũng đã tăng cường cán bộ về cơ sở để cùng địa phương triển khai phòng chống dịch bệnh; cắt cử nhân lực trực 24/24 giờ ở 2 chốt kiểm soát dịch bệnh ở phía Bắc, phía Nam và phối hợp với các lực lượng chức năng để đón dừng kiểm tra, phun thuốc khử trùng tiêu độc phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật đi vào địa bàn tỉnh; cấp phát gần 4.000 lít hóa chất cho các địa phương... đồng thời thực hiện phương châm “chuồng trại rải vôi bột, đường làng rải vôi bột, tiêu hủy dùng vôi khối”.
Đặc biệt, ngành Nông nghiệp cũng đã xây dựng kịch bản diễn tập phòng chống bệnh DTLCP nhằm thực hiện đồng bộ các giải pháp bao vây, khống chế dập tắt dịch bệnh này nếu xảy ra trên địa bàn tỉnh.
1
Chăn nuôi lợn thịt nhỏ lẻ ở hộ gia đình.
Riêng đối với người chăn nuôi, cơ quan chức năng khuyến cáo cần phải thực hiện nghiêm túc “5 không”, như: không giấu dịch, không bán chạy lợn bệnh; không mua lợn bệnh, sản phẩm lợn bệnh; không vận chuyển lợn bệnh ra khỏi vùng dịch; không vứt bừa bãi xác lợn bệnh ra môi trường; không sử dụng thức ăn thừa chưa qua xử lý nhiệt.
Để chia sẻ với thiệt hại của người chăn nuôi, Thủ tướng Chính phủ cũng đã đồng ý nâng mức hỗ trợ lên 80% giá trị thị trường đối với lợn con, lợn thịt và tăng gấp từ 1,5 đến 1,8 lần đối với lợn nái và lợn đực giống buộc phải tiêu hủy.
Tin rằng, với các giải pháp đồng bộ từ Trung ương đến cơ sở, tình hình bệnh DTLCP đã và đang được kiểm soát khá tốt, do vậy, chúng ta hãy là người tiêu dùng thông minh để không quay lưng với thịt lợn đảm bảo chất lượng làm ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi lợn hiện nay.
 

Tác giả bài viết: Trần Minh Văn

Nguồn tin: Báo Quảng Bình điện thử

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê
  • Đang truy cập164
  • Hôm nay15,731
  • Tháng hiện tại320,500
  • Tổng lượt truy cập39,840,289
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây