Thông báo số 28/TB-CSĐT ngày 14/01/2019 của Công an thị xã về việc tuyên truyền phương thức, thủ đoạn pham tội của các loại tội phạm

Thứ hai - 21/01/2019 09:59
Trong thời gian qua, Công an thị xã Ba Đồn đã triển khai quyết liệt các biện pháp tấn công, trấn áp mạnh mẽ các loại tội phạm, góp phần kiềm chế, giữ vững sự ổn định về an ninh chính trị, tạo chuyển biến tích cực về trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019. Song tội phạm ma túy, tội phạm xâm phạm sở hữu, tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm; hoạt động của các băng, ổ nhóm tội phạm theo kiểu “xã hội đen”, “núp bóng” doanh nghiệp, tệ nạn xã hội lô đề, cờ bạc, mại dâm, tính dụng đen, bảo kê vẫn diễn ra, với chiều hướng ngày càng gia tăng và phức tạp. Để đẩy mạnh phong trào toàn dân tố giác tội phạm, ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật, Công an thị xã Ba Đồn thông báo đến các xã, phường, ban ngành, đoàn thể, các cơ quan, trường học phương thức, thủ đoạn phạm tội, để tuyên truyền, phổ biến, cảnh giác đối với các loại tội phạm sau:
          1. Tội phạm trộm cắp tài sản: Các đối tượng thực hiện với thủ đoạn ngày càng tinh vi. Nguyên nhân chính vẫn là sự chủ quan, lơ là, mất cảnh giác của quần chúng nhân dân, chủ sở hữu tài sản, người quản lý, bảo vệ tài sản như: Xe mô tô không khóa cổ hoặc để phương tiện ở những nơi vắng vẻ không có người trông coi; khi đi vắng không khóa cửa, khóa cổng cẩn thận hoặc khóa bằng các loại khóa không an toàn và hết giờ làm việc ra về không khóa cửa phòng, không đóng cửa sổ; Thói quen cho tiền, vàng, giấy tờ quan trọng vào trong két sắt. Sự tin tưởng quá mức vào độ an toàn của chiếc két sắt đã khiến cho nhiều người mất cảnh giác. Các cơ quan, doanh nghiệp, trường học không có lực lượng bảo vệ chuyên trách, bảo vệ lỏng lẽo, không lắp đặt hệ thống giám sát an ninh, hệ thống chiếu sáng, tường rào không đảm bảo. Đây là vấn đề tạo điều kiện thuận lợi cho kẻ gian phạm tội thực hiện hành vi trộm cắp tài sản.
          a) Thủ đoạn phạm tội:
- Đối với tội phạm đột nhập vào nhà dân hoặc các cơ quan, doanh nghiệp, trường học để trộm cắp tài sản:
+ Trước khi gây án, các đối tượng thường có các hoạt động tiếp cận hiện trường để thăm dò, xem xét, tìm hiểu quy luật đi lại của người có tài sản, nghiên cứu những sơ hở, thiếu sót, mất cảnh giác trong công tác quản lý, bảo vệ tài sản để thực hiện hành vi trộm cắp. 
+ Đối với các hộ gia đình, đối tượng nhắm đến là những hộ gia đình thường xuyên vắng nhà, không người trông coi; nhà ở khu vực ít dân cư, hộ gia đình sống biệt lập không quan hệ với bà con xung quanh, hộ không trang bị hệ thống chống trộm hoặc có hệ thống giám sát nhưng đặt vị trí dễ phát hiện, dễ bị đối tượng phá hủy. Đối tượng thường thăm dò tìm hiểu chủ nhà đi vắng hay ở nhà bằng việc gọi điện thoại, bấm chuông hoặc gõ cửa liên tục để kiểm tra.
- Đối với các cơ quan, trường học, đối tượng thường chọn địa điểm gây án là trụ sở UBND, trường học, cơ quan có vị trí gần đường quốc lộ để dễ dàng di chuyển, quan sát. Tiếp đến, các đối tượng khảo sát đánh giá sự lơ là của cơ quan, doanh nghiệp, như: Lực lượng bảo vệ chủ yếu chỉ trực ngoài cổng, không tuần tra, kiểm tra ban đêm, hệ thống chiếu sáng, thiết bị bảo vệ, tường rào đơn giản, nơi để tài sản chỉ khóa sơ sài, không đảm bảo an toàn và thường không có camera bảo vệ hoặc có nhưng không lưu giữ hình ảnh hoặc không hoạt động. Tài sản bọn chúng lấy trộm thường là máy tính xách tay, CPU, màn hình máy tính, máy in, tiền và các vật dụng khác…
+ Một số cách đột nhập của tội phạm trộm:  Mở hoặc cạy phá khóa. Dùng gậy dài có keo dán ở đầu để dính lấy trộm điện thoại di động, chìa khóa, sau đó mở cửa, đột nhập vào nhà trộm cắp tài sản. Dùng tô lô vit vặn ốc khung hoa sắt cửa sổ, cửa thông gió nhà vệ sinh, bếp hay dùng xà ben cậy mép cánh cửa, khóa cửa. Dùng ống tuýp hoặc mỏ lết to bẻ gãy tai mắc khóa treo, phá khóa; phá song sắt cửa sổ, khung lắp quạt hút gió, cửa tum. Trèo tường, vượt rào, chui qua cửa sổ, ô thông gió, trèo lên ban công đột nhập vào nhà khi thấy cửa ban công không đóng.
- Đối với thủ đoạn trộm két sắt: Nếu là loại két bạc loại nhỏ, thì đối tượng dùng chăn, bao tải bọc lại rồi dùng phương tiện chở đi nơi khác phá két lấy tài sản. Đối với két to, nặng thì thường phá tại chỗ bằng các thủ đoạn: dùng đèn khò để phá; dùng máy cắt; dùng xà beng, búa ổ, dao to cạy chặt phá mặt két để lấy tài sản.
          - Đối với tội phạm trộm cắp xe máy và phá cốp xe máy để lấy tài sản: Thủ đoạn chủ yếu là lợi dụng sơ hở thiếu sót, mất cảnh giác của người quản lý xe máy như: Dựng xe không sử dụng khóa chống trộm, không có người trông coi hoặc không rút chìa khóa xe, đối tượng dùng chìa khóa vạn năng phá khóa trộm xe; đột nhập vào nhà trộm xe máy khi có sẵn chìa khóa rồi tẩu thoát. Thói quen để tiền, tài sản trong cốp xe.
          - Ngoài những thủ đoạn trên, trong thời gian vừa qua trên địa bàn thị xã Ba Đồn đã xảy ra một số vụ trộm cắp tài sản, đối tượng lợi dụng các ngày lễ tết, đóng giả là nhân viên chuyển phát nhanh, nhân viên cung ứng các dịch vụ chuyển quà, mang theo hoa hoặc giỏ quà tặng vào các khoảng thời gian chủ nhà đi vắng và có người giúp việc ở nhà. Các đối tượng nhanh chóng tìm cách chiếm cảm tình và tạo tâm lý chủ quan đối với gia chủ trước khi tìm cơ hội thuận tiện để ra tay trộm cắp. Hoặc giả danh là cán bộ đến liên hệ công tác, giả là người quen của gia đình, đồng nghiệp của bố, mẹ để đột nhập vào nhà trộm cắp tài sản. Chúng còn cải trang là nhân viên thu phí, bảo trì, tiếp thị một số dịch vụ thông dụng để vào nhà, quan sát tiếp cận tài sản. Đây là thủ đoạn mới mà người dân cần chú ý đề phòng, cảnh giác.

b) Hình thức xử lý:
- Người nào trộm cắp tài sản, nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, thì bị xử lý hành chính, phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.
Trường hợp phạm tội trộm cắp tài sản theo Điều 173 – Bộ luật hình sự năm 2015, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 20 năm. Ngoài ra, còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.”
- Đối với hành vi mua bán, cất giữ hoặc sử dụng tài sản của người khác mà biết rõ tài sản do vi phạm pháp luật mà có, nếu chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, thì bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng. Trường hợp phạm tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có theo Điều 323 Bộ luật hình sự năm 2015, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 15 năm. Ngoài ra còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
2. Tội phạm lừa đảo liên quan đến công nghệ cao:
a) Thủ đoạn phạm tội: Trong năm 2018, tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản sử dụng mạng viễn thông, mạng Internet để thực hiện hành vi phạm tội trên địa bàn tỉnh Quảng Bình nói chung và địa bàn thị xã Ba Đồn nói riêng diễn biến hết sức phức tạp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình trật tự an toàn xã hội.
          Đối tượng gây án với các thủ đoạn sau:
- Một số đối tượng có hiểu biết về công nghệ thông tin, thường xuyên hoạt động trên mạng xã hội facebook, gửi mã độc đến các tài khoản facebook của người dùng với mục đích chiếm quyền điều khiển facebook. Sau khi chiếm được quyền điều khiển facebook, các đối tượng sẽ tìm hiểu về các mối quan hệ gia đình, bạn bè của chủ tài khoản facebook, trong đó các đối tượng thường chú ý đến các mối quan hệ với người đi nước ngoài và thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản như: nhờ gửi tiền hộ, nhờ mua thẻ cào điện thoại, hoặc giả danh người thân để buộc chuyển tiền.
- Giả danh nhân viên công ty xổ sổ kiến thiết: Các đối tượng sử dụng nhiều số điện thoại rác, khuyến mãi để gọi điện cho người dân trên phạm vi cả nước, tự xưng là lãnh đạo và nhân viên công ty xổ sổ kiến thiết miền Bắc, sau đó dụ dỗ các bị hại tham gia hùn vốn kinh doanh, khi bị hại chuyển tiền vào các tài khoản chúng cung cấp thì chiếm đoạt số tiền trên.
- Giả danh nhân viên ngân hàng: Các đối tượng truy cập vào hệ thống FinnOne hoặc Los của các ngân hàng, rồi đăng ký Email cho khách hàng để nhận mã OTP, tiếp đó đăng ký dịch vụ Internet Banking cho tài khoản của khách hàng. Khi hệ thống gửi mật khẩu 08 kí tự (gồm chữ cái và số) vào điện thoại của khách hàng, các đối tượng giả danh là “nhân viên ngân hàng đang hỗ trợ giải ngân” đề nghị khách hàng gửi mật khẩu lại để thực hiện giải ngân, tin lời các đối tượng chủ tài khoản gửi mã OTP, tiếp đó các đối tượng chiếm đoạt tiền trong tài khoản bằng cách chuyển tiền sang tài khoản mà đã chuẩn bị trước đó rồi nhanh chóng đến các trụ ATM rút tiền mặt.
- Các đối tượng còn sử dụng số điện thoại lạ gọi vào số điện thoại của người dân, xưng danh là cán bộ thuộc lực lượng Công an (thường là Cảnh sát ma túy, Cảnh sát hình sự hoặc Cảnh sát kinh tế) thông báo đang thụ lý vụ việc có liên quan đến họ và buộc họ phải chuyển tiền trong tài khoản của mình vào tài khoản ngân hàng của cơ quan điều tra (do các đối tượng cung cấp số tài khoản) để tạm giữ điều tra hoặc thanh toán các chi phí khác, nếu không có liên quan thì sẽ trả lại và căn dặn họ không được báo cho người thân, gia đình biết. Các đối tượng này đe dọa nếu không chuyển tiền sẽ bị bắt giữ ngay để xử lý. Những người dân lo lắng, hoảng sợ nên đã chuyển tiền vào số tài khoản do đối tượng cung cấp, sau đó thì phát hiện bị lừa đảo.
- Một số thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản mới như đối tượng mua các mặt hàng có giá trị như vàng, điện thoại, ngoại tệ và đề nghị thanh toán bằng hình thức chuyển khoản qua dịch vụ Internet banking, sau đó đối tượng mượn điện thoại của chủ cửa hàng để thu thập thông tin về tài khoản ngân hàng rồi lưu số điện thoại của mình trong danh bạ điện thoại của người bán hàng hoặc chủ cửa hàng bằng tên tổng đài của ngân hàng đó. Sau khi thực hiện các thủ đoạn nói trên xong, thì đối tượng hỏi có tài khoản ngân hàng mà đối tượng đã lưu để chuyển tiền rồi mua hàng. Khi người bán hàng hoặc chủ cửa hàng đọc số tài khoản cho đối tượng, thì chúng dùng số điện thoại của mình nhắn đến số điện thoại đã đăng ký dịch vụ báo giao dịch ngân hàng qua tin nhắn điện thoại. Do tin tưởng nên chủ cửa hàng để đối tượng mua các tài sản có giá trị bằng hình thức chuyển tiền qua dịch vụ Internet banking. Hoặc đối tượng đem tài sản đi cầm cố sau khi thực hiện các giao dịch thành công thì tìm cách để tráo đổi tài sản đi cầm cố bằng tài sản khác có bề ngoái giống nhưng giá trị thấp hơn.
- Hình thức xử lý: Người nào phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 – Bộ luật hình sự 2015 thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến chung thân. Ngoài ra có thể phạt tiền
từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Đối với hành vi Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo Điều 175 – Bộ luật hình sự 2015 thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 20 năm. Ngoài ra có thể phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

3. Tội phạm đánh bạc: Diễn ra với nhiều hình thức như: cá độ, xóc đĩa, đánh bài ăn tiền dưới nhiều hình thức, đá gà, lô đề. Cơ quan CSĐT Công an thị xã đề nghị các tổ chức và cá nhân không tham gia tổ chức đánh bạc và đánh bạc, nêu cao tinh thần cảnh giác, chủ động phát hiện, thông báo kịp thời cho cơ quan Công an để có biện pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm minh các đối tượng vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.
- Hình thức xử lý: Người nào phạm tội Đánh bạc theo Điều 321– Bộ luật hình sự 2015, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 07 năm. Đối với hành vi tổ chức đánh bạc theo Điều 322– Bộ luật hình sự 2015, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 10 năm.
4. Tội phạm ma túy:
Mặc dù trong thời gian qua công tác đấu tranh chống tội phạm về ma túy được Công an thị xã triển khai hết sức quyết liệt, song tình hình tội phạm này vẫn diễn biến phức tạp với phương thức thủ đoạn ngày càng tinh vi và liều lĩnh. Đối tượng sử dụng ma túy chủ yếu tập trung vào nhóm thanh thiếu niên hư hỏng, không có công ăn việc làm, thiếu sự quan tâm giáo dục của gia đình. Đồng thời, nghiện ma túy cũng là nguyên nhân gây ra những tệ nạn xã hội khác, để có tiền mua ma túy chúng sẵn sàng trộm cắp, cướp giật, lừa đảo, gây thương tích và thường xuyên tụ tập sử dụng hàng đá tại các quán Karaoke, nhà nghỉ, khách sạn….có sự móc nối của nhân viên hoặc chủ cơ sở kinh doanh, gây bất ổn về an ninh trật tự.
- Hình thức xử lý: Người nào có hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy theo Điều 249, 250, 251 – Bộ Luật hình sự 2015 thì bị xử phạt theo khung hình phạt tù từ 01 năm đến chung thân hoặc tử hình. Ngoài ra, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
5. Hoạt động tín dụng đen, cho vay lãi nặng:
- Trong thời gian qua, tình hình hoạt động hỗ trợ tài chính, đặc biệt là hoạt động “tín dụng đen” cho vay với lãi suất cao trên địa bàn cả nước, tỉnh Quảng Bình nói chung và thị xã Ba Đồn nói riêng ngày càng gia tăng, diễn biến phức tạp, các đối tượng hoạt động trá hình với nhiều phương thức ngày càng đa dạng, thủ đoạn tinh vi, chuyên nghiệp hơn trước, với thủ tục cho vay đơn giản, chủ yếu là giao dịch ngầm đối tượng nhắm đến là học sinh, sinh viên, các đối tượng ăn chơi và những người cần tiền để phục vụ nhu cầu trước mắt. Hoạt động của các đối tượng, cơ sở cho vay lãi nặng không chỉ xâm phạm đến trật tự quản lý kinh tế mà hệ lụy nó còn nảy sinh các loại tội phạm xâm phạm quyền nhân thân, quyền sở hữu tài sản như đòi nợ thuê, cưỡng đoạt tài sản, trộm cắp tài sản, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng làm cho nhiều người dân lâm vào cảnh trắng tay, nợ nần, gây dư luận xấu trong đời sống nhân dân, ảnh hưởng đến tình hình ANTT trên địa bàn. Cơ quan CSĐT Công an thị xã Ba Đồn khuyến cáo quần chúng nhân dân tăng cường cảnh giác trước những thủ đoạn cho vay này.
­- Hình thức xử lý: Người nào cho vay nặng lãi theo Điều 201 – Bộ luật hình sự 2015 thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm, hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm.
6. Vận chuyển, mua bán, tàng trữ, sử dụng pháo trái phép. Những năm qua, trên địa bàn thị xã Ba Đồn các hành vi trái phép về buôn bán, vận chuyển và đốt các loại pháo nổ trong nhân dân vào các dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán đã gây nhiều ảnh hưởng xấu đến đời sống và trật tự an toàn xã hội, thuốc pháo và pháo là nguyên nhân gây ra nhiều vụ cháy nổ, làm thiệt hại lớn đến tính mạng và tài sản của nhân dân; chưa kể đến các chi phí cho những người tàn tật và mất khả năng lao động do các hoạt động trái phép về pháo để lại.
Chỉ tính riêng, trong tháng đầu ra quân tấn công trấn áp tội phạm, Công an thị xã Ba Đồn đã phát hiện, bắt quả tang 06 vụ vận chuyển pháo trái phép, bắt và lập hồ sơ xử lý 06 đối tượng, thu giữ 129,5kg pháo; 01 vụ mua bán pháo trái phép thu giữ 0,34 kg pháo và 01 vụ sử dụng pháo trái phép.
Đặc điểm của tội phạm vận chuyển, mua bán, tàng trữ pháo là hình thành và tổ chức hoạt động theo đường dây, tụ điểm buôn bán, do vậy các đối tượng phạm tội thường là những người có cùng huyết thống, anh em ruột, họ hàng cấu kết chặt chẽ với nhau. Chúng lợi dụng hoạt động xuất, nhập cảnh, du lịch và thương mại để vận chuyển pháo vào thị xã Ba Đồn qua các cửa khẩu Lao Bảo, Cha Lo, tuyến đường Quốc lộ 1A, 12A với phương thức, thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi, táo bạo, có tính chất chuyên nghiệp cao, lôi kéo nhiều người tham gia, gây khó khăn trong công tác bắt giữ, điều tra, xử lý.
Trước tình hình đó, Công an thị xã Ba Đồn đã tập trung làm tốt công tác tuyên truyền NĐ 36/CP của Chính phủ thông qua nhiều hình thức như tổ chức hội nghị nói chuyện chuyên đề, giáo dục trực quan, dán pano áp phích, phát trên loa truyền thanh của phường, xã, thôn đồng thời ký cam kết trong cán bộ, nhân dân, giáo viên, học sinh, sinh viên, các cơ sở kinh doanh tạp hóa, các chợ, cơ sở mua phế liệu, đối tượng bán hàng rong, chủ các phương tiện kinh doanh vận tải thực hiện “Nói không với vận chuyển, tàng trữ và đốt pháo trái phép trong dịp Tết”. Thực hiện đợt tổng kiểm tra, vận động thu hồi và phòng ngừa, quản lý, đấu tranh với các hành vi vi phạm về VK, VLN, CCHT và pháo. Tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, chủ động xây dựng kế hoạch đấu tranh, ngăn chặn và xử lý các hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép các loại pháo, thuốc pháo, vật liệu nổ; thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động sản xuất, mua bán, vận chuyển, bảo quản và sử dụng pháo trên địa bàn thị xã Ba Đồn. Tăng cường tuần tra, kiểm soát, phát hiện, bắt giữ và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về pháo, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự, cao điểm là thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019 và ở những địa bàn trọng điểm có diễn biến phức tạp về tình hình mua bán, sử dụng trái phép các loại pháo nổ.
Để đảm bảo tình hình trật tự an toàn xã hội, Công an thị xã Ba Đồn khuyến cáo quần chúng nhân dân, học sinh, sinh viên:
- Tuyệt đối không sản xuất, tàng trữ, buôn bán, vận chuyển và đốt các loại pháo, không tàng trữ, sử dụng các loại vũ khí, vật liệu nổ, thường xuyên thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 406 của Thủ tướng Chính phủ, nhất là dịp trước, trong, sau Tết Nguyên đán.
- Tuyên truyền, vận động người thân và mọi người xung quanh không sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển và đốt các loại pháo; không tàng trữ và sử dụng các loại vũ khí, vật liệu nổ.
- Nếu phát hiện các trường hợp cố ý vi phạm các quy định về phòng chống pháo, vũ khí, vật liệu nổ, mỗi người hãy báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất để xử lý kịp thời theo pháp luật.
- Đối với hành vi “Sản xuất, tàng trữ, mua, bán, vận chuyển trái phép pháo, thuốc pháo” với khối lượng dưới 06kg thì sẽ bị xử lý hành chính theo quy định tại Điểm d Khoản 4 Điều 10 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, ngày 12/11/2013 của Chính phủ phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng. Trên 06kg sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển hàng cấm theo Điều 190, 191 – Bộ luật hình sự 2015 thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng, đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm, hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 15 năm.
8. Các biện pháp phòng ngừa:
Để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh kiềm chế sự gia tăng của các loại tội phạm nhằm giữ gìn an ninh trật tự trước thềm tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019 và những tháng tiếp theo. Cơ quan CSĐT Công an thị xã Ba Đồn yêu cầu các xã, phường, ban ngành, đoàn thể, cơ quan, trường học cùng toàn thể nhân dân tiếp tục thực hiện tốt các mặt công tác sau:
1. Thông qua nhiều hình thức, thông tin hợp lý, sinh hoạt thông báo cho quần chúng nhân dân về tình hình các loại tội phạm xảy ra trên địa bàn, các phương thức thủ đoạn hoạt động của tội phạm để nhân dân biết, nâng cao ý thức bảo vệ tài sản, hạn chế cơ hội để tội phạm lợi dụng hoạt động. Vận động các cơ quan, cửa hàng, nhân dân lắp đặt các thiết bị bảo vệ an ninh như chuông báo động, camera giám sát. Trang bị thêm khóa chống trộm, khóa thắng đĩa, khóa chân chống đối với xe máy; gia cố cửa nhà, sử dụng các loại khóa có chức năng chống trộm, chống cắt phá khóa. Khi đi ngủ cần kiểm tra kỹ các cửa ra vào, cửa sổ. Khi vắng nhà qua đêm, vắng nhiều ngày phải nhờ người trông coi. Không để tài sản, tiền, đồ vật có giá trị trong cốp xe máy khi đậu hoặc gửi xe. Nên làm tường, rào ngăn chặn việc leo trèo từ cây xanh, trụ điện gần để đột nhập vào nhà. Tạo mối quan hệ gắn bó với mọi người xung quanh, phải biết số điện thoại di động của hàng xóm để được hỗ trợ. Đối với các loại tài sản như tiền, nữ trang, kim loại quý cần được cất giữ, bảo quản cẩn thận, ở những nơi an toàn, có khóa bảo vệ, không để tiền mặt, tài sản có giá trị tại nhà mà nên gửi vào ngân hàng hoặc trong thẻ ATM.
- Đối với các cơ quan, doanh nghiệp, trường học cần bố trí bảo vệ 24/24; thường xuyên cập nhật kiến thức pháp luật và cung cấp thông tin tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn của tội phạm trộm cắp cho cán bộ, công chức cơ quan nắm để nâng cao ý thức, cảnh giác phòng, chống trộm cắp. Nên lắp đặt hệ thống giám sát (các camera ghi hình có độ phân giải cao), chuông và đèn báo động ở những vị trí quan trọng, nơi để tài sản có giá trị cao; xây tường rào, thường xuyên tổ chức tuần tra, canh gác nghiêm ngặt để bảo vệ tài sản của cơ quan, đơn vị mình.
- Khuyến cáo quần chúng nhân dân khi trao đổi thông tin hoặc giao dịch mua bán trên mạng Internet và các mạng xã hội… thì cần sử dụng nhiều biện pháp khác nhau để xác minh thông tin với phía đang giao dịch. Không tiết lộ tên đăng nhập (username), mật khẩu truy cập, mã PIN của bất kỳ dịch vụ Ngân hàng điện tử, mã OTP, mã kích hoạt dịch vụ cho bất cứ ai qua bất kỳ kênh nào. Khuyến khích sử dụng dịch vụ mua bán trực tuyến bằng hình thức giao hàng mới thanh toán tiền (hình thức COD) để tránh bị chiếm đoạt tài sản.
- Không chuyển tiền vào các tài khoản theo yêu cầu của người lạ. Khi nhận được tin nhắn trúng thưởng từ các số điện thoại cố định, điện thoại di động, người sử dụng dịch vụ ngân hàng nên chủ động liên hệ với ngân hàng qua các kênh chính thống để xác minh thông tin thay vì vội vàng làm theo hướng dẫn của người khác. Khi phát hiện tài khoản bị trừ bất thường cần phản ánh ngay với các cơ quan chức năng phối hợp kiểm tra kịp thời. Trường hợp nếu đã chuyển tiền phải báo ngân hàng phong tỏa ngay số tiền đã chuyển, nếu đã nạp thẻ cào điện thoại thì giữ lại các thẻ cào có lưu mã thẻ nạp, số seri để cung cấp cơ quan Công an.
- Nâng cao tinh thần cảnh giác trước những thủ đoạn “xin việc làm”, “xuất khẩu lao động”, hoạt động tín dụng đen, cho vay lãi nặng, vay không thế chấp.
2. Tổ chức phát động mạnh mẽ phong trào toàn dân tham gia tố giác các loại tội phạm nhất là tội phạm trộm cắp tài sản, tội phạm về ma túy và đánh bạc, cá độ, lô đề dưới mọi hình thức: lập các hòm thư tố giác tội phạm tại các khu dân cư, tổ chức cho các thôn, xóm, tổ dân phố tuần tra nhân dân để phòng ngừa, phát hiện, bắt giữ các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật; tổ chức các mô hình quần chúng tự quản. Khi phát hiện các thông tin, tài liệu về các đối tượng nghi vấn trộm cắp, tiêu thụ tài sản trộm cắp, đánh bạc, lô đề, tàng trữ, mua bán, vận chuyển ma túy, cho vay lãi nặng, hoạt động tín dụng đen thì kịp thời thông báo cho cơ quan Công an nơi gần nhất hoặc gọi điện thoại về Trực ban Cơ quan CSĐT Công an thị xã Ba Đồn số: 0232.3.513.388 hoặc số điện thoại của Cảnh sát 113: 0232.3.513.113 để kịp thời điều tra, bắt giữ, xử lý.
3. Tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các mặt công tác quản lý hành chính, kiểm tra tạm trú, tạm vắng, quản lý nhân hộ khẩu, công tác kiểm tra, kiểm diện các đối tượng để không bỏ lọt tội phạm.
Nhận được thông báo này đề nghị Lãnh đạo UBND các xã, phường, các cơ quan, trường học tổ chức thực hiện để đảm bảo trật tự an toàn xã hội trên địa bàn mình quản lý./.

Nguồn tin: Công an thị xã Ba Đồn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Lịch phát thanh hàng ngày

- Buổi sáng (từ thứ 3 đến thứ 7): + Từ 5h10 phút đến 5h30 phút: Phát lại chương trình truyền thanh chiều hôm trước của Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông (Trung tâm VH-TT&TT) thị xã. + Từ 5h30 phút đến 6h00 phút: Tiếp âm Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Bình; + Từ 6h00 phút đến...

Thống kê
  • Đang truy cập835
  • Hôm nay6,497
  • Tháng hiện tại339,890
  • Tổng lượt truy cập39,859,679
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây