Chỉ thị số 03/CT-UBND thị xã Ba Đồn ngày 16/11/2018 Về việc tăng cường thực hiện các giải pháp tích trữ nước, phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn, phục vụ sinh hoạt và sản xuất năm 2018 - 2019.

Thứ hai - 26/11/2018 16:17
Theo tổng hợp của Đài Khí tượng thủy văn Quảng Bình từ đầu năm đến nay tổng lượng mưa ở các trạm chỉ đạt 60% tổng lượng mưa trung bình nhiều năm (TBNN), riêng tháng 10 mới chỉ đạt 36% so với TBNN. Hiện tại, dung tích nước của các hồ chứa trên địa bàn thị xã đa số chỉ đạt từ 30% - 40% dung tích thiết kế, thấp hơn nhiều so với TBNN. Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, Đài Khí tượng thuỷ văn tỉnh, tình hình thời tiết từ tháng 11 năm 2018 đến hết tháng 3 năm 2019, tổng lượng mưa tại Quảng Bình chỉ đạt xấp xỉ so với TBNN, trong khi đó nhiệt độ trung bình các tháng lại bằng và cao hơn TBNN nên khả năng sẽ gây hạn hán trên diện rộng, có khả năng ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp và đời sống nhân dân.
Để chủ động phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn, đảm bảo sản xuất và đời sống sinh hoạt của nhân dân; thực hiện Chỉ thị số 12/CT-UBND ngày 05/11/2018 của UBND tỉnh Quảng Bình về việc tăng cường thực hiện các giải pháp tích trữ nước, phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn, phục vụ sinh hoạt và sản xuất năm 2018 - 2019; UBND thị xã đã ra chỉ thị số 03/CT-UBND về việc tăng cường thực hiện các giải pháp tích trữ nước, phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn, phục vụ sinh hoạt và sản xuất năm 2018 - 2019. Theo đó, UBND thị xã yêu cầu các đơn vị và địa phương khẩn trương thực hiện một số nội dung sau:
1. UBND các xã, phường:
- Khẩn trương xây dựng kế hoạch, phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với tình hình thực tế, sử dụng các giống trung ngày, ngắn ngày, giống chịu hạn, giảm tối đa việc sử dụng giống ngắn ngày để tiết kiệm nước, chi phí và rủi ro trong sản xuất. Tập trung chuyển đổi sang cây trồng cạn, cây ít sử dụng nước, cây trồng có tính chịu hạn cao; Đối với những khu vực có chân đất cao, cuối nguồn tưới đã xảy ra hạn ở một số vụ sản xuất trước thì phải nghiêm cấm sản xuất nhằm giảm thiểu thiệt hại do hạn hán gây ra.
- Theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo khí tượng thuỷ văn, thường xuyên kiểm kê nguồn nước trong công trình để chủ động xây dựng, triển khai ngay phương án tích nước các hồ chứa thủy lợi do địa phương quản lý. Tổ chức phát động phong trào “Toàn dân làm thuỷ lợi” để tôn cao bờ vùng, bờ thửa, đắp chặn các kênh rạch nội đồng, ao hồ tự nhiên để trữ nước; nạo vét, đắp bịt các lỗ rò rỉ trên kênh mương; tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân trong việc lấy nước để đảm bảo tưới tiết kiệm, hạn chế thất thoát nước gây thiếu nước cho các địa phương cuối nguồn.
- Tăng cường thực hiện các giải pháp tích trữ, thực hiện quy trình tưới tiên tiến, tiết kiệm nước ngay từ đầu vụ Đông Xuân, lắp đặt và vận hành các trạm bơm dã chiến tận dụng tối đa nguồn nước, giảm thất thoát, lãng phí nước để đảm bảo nước phục vụ dân sinh và sản xuất cho cả năm 2019. Cụ thể:
 + Đối với các hồ chứa thuỷ lợi: Lập kế hoạch tích nước hợp lý vừa đảm bảo an toàn công trình vừa tích nước tối đa. Quản lý chặt chẽ nguồn nước,duy tu bảo dưỡng và sửa chữa các công trình thủy lợi, chống rò rỉ, giảm thiểu thất thoát nước; lập kế hoạch dùng nước, lịch tưới, mức tưới của từng đợt theo các thời kỳ sinh trưởng của cây trồng;
+ Đối với các nguồn nước tự nhiên: Tiến hành đắp chặn các kênh, lạch nội đồng, củng cố tôn cao bờ ao, hồ tự nhiên để tích nước nhằm khai thác tối đa nguồn nước trong kênh, lạch, ao hồ tự nhiên phục vụ tưới đầu vụ Đông Xuân, dành nước các hồ chứa nước thủy lợi để phòng, chống hạn cuối vụ và dành nước cho vụ Hè Thu;
+ Đối với nguồn nước mưa: Khẩn trương, tranh thủ thời tiết thuận lợi, đẩy nhanh tiến độ làm đất, cày ải đồng thời tu sửa, tôn cao bờ vùng, bờ thửa để giữ lượng nước mưa trên mặt ruộng, đảm bảo đợt tưới đầu vụ chỉ sử dụng nước trên mặt ruộng, hạn chế tối đa nước từ các công trình thuỷ lợi và ao hồ.
- Phối hợp với các chi nhánh thủy nông cân đối các nguồn nước tưới hiện có để xây dựng kế hoạch sản xuất bảo đảm năng suất lúa vụ Đông Xuân, có tính đến vụ Hè Thu, xây dựng phương án chuyển đổi cây trồng, giống lúa ngắn ngày trên những diện tích thiếu nước sản xuất lúa cho vụ Đông Xuân.
- Vận hành các cống ngăn mặn giữ ngọt trên địa bàn mình quản lý đảm bảo quy trình và kiên quyết không để xảy ra hiện tượng xâm nhập mặn và rò rỉ, thất thoát nước.
2. Phòng Kinh tế thị xã:
- Chủ trì, phối hợp với Đài Truyền thanh - Truyền hình thị xã, UBND các xã, phường (thông qua hệ thống truyền thanh cơ sở) tiếp tục tăng cường tuyên truyền để người dân có ý thức về tình hình hạn hán có khả năng lớn xảy ra ngay trong vụ Đông Xuân năm 2018 - 2019, chủ động thực hiện các biện pháp tiết kiệm nước trong sản xuất cũng như sinh hoạt.
- Phối hợp các địa phương, các chi nhánh thủy nông kiểm tra, rà soát, xác định diện tích tưới đảm bảo ăn chắc vụ Đông Xuân có tính đến vụ Hè Thu của từng công trình thuỷ lợi, từng xứ đồng để xây dựng phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với tình hình thực tế.
- Tổng hợp kế hoạch tích,trữ nước, chuyển đổi cơ cấu cây trồng và kinh phí chống hạn báo cáo Sở Nông nghiệp và PTNT.
- Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các địa phương, các chi nhánh thủy nông trong việc tích, trữ nước chống hạn và công tác chuyển đổi kịp thời, hiệu quả.
3. Các chi nhánh thủy nông:
- Thực hiện nghiêm các nội dung đã được quán triệt tại Chỉ thị số 12/CT-UBND ngày 05/11/2018 của UBND tỉnh Quảng Bình về việc tăng cường thực hiện các giải pháp tích trữ nước, phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn, phục vụ sinh hoạt và sản xuất năm 2018 - 2019.
- Cân đối các nguồn nước hiện có xây dựng kế hoạch tưới, dự kiến khả năng phục vụ tưới của đơn vị mình để thông báo cho các địa phương và báo cáo UBND thị xã chủ động xây dựng kế hoạch, phương án sản xuất phù hợp với khả năng cấp nước để hạn chế thiệt hại do hạn hán gây ra.
- Phối hợp chặt chẽ với các địa phương để điều tiết nước đúng theo lịch tưới, sử dụng nước tiết kiệm, hợp lý, giảm thất thoát lãng phí nước.
- Xây dựng kế hoạch và các phương án để chống hạn như đặt bơm dã chiến... nhằm cung cấp nước cho diện tích mà mình đảm nhận tưới.
4. Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thị xã; Trạm Khuyến nông thị xã:
Phối hợp với Phòng Kinh tế và các địa phương trong công tác xây dựng kế hoạch, phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với tình hình thời tiết và đặc điểm của từng địa phương.
5. Phòng Tài chính - Kế hoạch thị xã:
Trên cơ sở đề xuất của các địa phương, đơn vị phối hợp với Phòng Kinh tế tham mưu UBND thị xã kịp thời bố trí kinh phí phục vụ công tác phòng, chống hạn hán.
6. Trạm Khí tượng thị xã:
Tổ chức theo dõi diễn biến khí tượng kịp thời thông báo, dự báo cho các địa phương và cơ quan liên quan để có giải pháp, phương án ứng phó.
7. Đài Truyền thanh - Truyền hình thị xã:
- Phối hợp với Phòng Kinh tế thị xã và các địa phương tăng cường tuyên truyền để người dân có ý thức về tình hình hạn hán khả năng lớn xảy ra ngay trong vụ Đông Xuân năm 2018 - 2019, chủ động thực hiện các biện pháp tiết kiệm nước trong sản xuất cũng như sinh hoạt.
- Tăng cường phát các bản tin về công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chống hạn của các cơ quan chức năng.

Nguồn tin: UBND thị xã

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê
  • Đang truy cập111
  • Hôm nay2,640
  • Tháng hiện tại254,311
  • Tổng lượt truy cập40,523,842
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây