CÔNG ĐIỆN Về việc khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng cháy, chữa cháy
Thứ hai - 09/07/2018 05:52
Ngày 06/7/2018, UBND thị xã Ba Đồn đã có Công điện số: 02/CĐ-UBND về việc khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng cháy, chữa cháy. Sau đây là toàn văn Công điện.
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN THỊ XÃ điện:
- Các phòng, ban, ngành, đoàn thể cấp thị xã;
- Các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh đóng trên địa bàn;
- UBND các xã, phường;
- Các chủ rừng, công ty, doanh nghiệp, nhà hàng, khách sạn, siêu thị, Ban quản lý chợ trên địa bàn thị xã.
Thực hiện Công điện số 05/CĐ-UBND ngày 03 tháng 7 năm 2018 của UBND tỉnh Quảng Bình về việc khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng cháy, chữa cháy. Để chủ động phòng chống và ngăn chặn có hiệu quả tình trạng cháy, bảo vệ tài nguyên rừng và tài sản của nhân dân trên địa bàn trong thời gian nắng nóng trước mắt và thời gian tới, UBND thị xã yêu cầu:
1. Các phòng, ban, ngành, đoàn thể cấp Thị xã, các cơ quan, đơn vị cấp Tỉnh đóng trên địa bàn, UBND các xã, phường, các chủ rừng, công ty, doanh nghiệp, nhà hàng, khách sạn, siêu thị, Ban quản lý chợ và người dân thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và tăng cường công tác PCCC. Khi xảy ra cháy, nổ khẩn trương huy động lực lượng, phương tiện, triển khai đồng bộ các biện pháp, tích cực phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với lực lượng Công an, Kiểm lâm để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản và rừng; sớm khắc phục hậu quả, ổn định tình hình. Thủ trưởng các phòng, ban, ngành, đoàn thể cấp thị xã, các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh đóng trên địa bàn, Chủ tịch UBND các xã, phường phải chịu trách nhiệm trước UBND thị xã nếu để xảy ra cháy, nổ lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản và rừng tại đơn vị, địa phương mình quản lý.
2. Hạt Kiểm lâm:
- Phối hợp với các xã, phường kiểm tra, quản lý, thực hiện nghiêm túc các biện pháp PCCC rừng, chuẩn bị kỹ phương án chữa cháy rừng theo phương châm 4 tại chổ, thường xuyên cảnh báo cháy rừng ở những khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng, tổ chức lực lượng 24/24 giờ trong ngày để phát hiện và dập tắt kịp thời những đám cháy khi mới xuất hiện. Chủ động huy động lực lượng hoặc tham mưu UBND thị xã huy động lực lượng chữa cháy kịp thời khi có cháy rừng xảy ra. Chỉ đạo lực lượng kiểm lâm địa bàn tăng cường công tác kiểm tra, tham mưu cho UBND các xã, phường thực hiện các biện pháp cần thiết để phòng cháy, chữa cháy rừng.
3. Công an thị xã:
- Chủ trì phối hợp với các phòng, ban, ngành, đơn vị chức năng tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về PCCC. Kiên quyết tạm đình chỉ hoặc đình chỉ đối với những cơ sở vi phạm nghiêm trọng, gây mất an toàn PCCC; khởi tố, điều tra, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật những vụ việc do thiếu tinh thần trách nhiệm và những trường hợp vi phạm khác có dấu hiệu tội phạm để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản.
- Tăng cường kiểm tra công tác PCCC đối với công sở, chợ, siêu thị, khu dân cư tập trung kinh doanh có nhiều mặt hàng hoá dễ cháy, các điểm vui chơi, giải trí trong nhà thường tập trung đông người, các kho hàng, các cơ sở sản xuất có nhiều vật liệu dễ cháy, nổ nhằm phát hiện, hưỡng dẫn khắc phục những sơ hở, thiếu sót, xử lý nghiêm các vi phạm nghiêm trọng về PCCC.
- Tổ chức trực sẵn sàng chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ kịp thời, có hiệu quả, nhất là các ngày lễ, hội và yêu cầu đột xuất khác.
4. Ban Chỉ huy quân sự thị xã, Đồn Biên phòng Cảng Gianh chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị để chữa cháy khi được điều động.
5. Đội Cảnh sát PCCC Bắc Quảng Bình chuẩn bị lực lượng, phương tiện hướng dẫn kỹ thuật PCCC để phối hợp các biện pháp PCCC khi có sự cố xảy ra.
6. Phòng Kinh tế thị xã:
- Tham mưu cho UBND thị xã các văn bản chỉ đạo, đôn đốc thực hiện các biện pháp PCCC trên địa bàn thị xã.
- Phối hợp cùng với lực lượng Kiểm lâm rà soát, đôn đốc các cơ sở xây dựng phương án PCCC, ứng cứu chữa cháy rừng, BVR.
7. Phòng TC-KH thị xã thực hiện tổng hợp lực lượng tham gia chữa cháy, đảm bảo kinh phí hoạt động công tác PCCC, BVR theo quy định của Nhà nước.
8. Ban Quản lý công trình công cộng khẩn trương kiểm tra, kịp thời sữa chữa các trụ nước chữa cháy bị hư hỏng, xây dựng mới các trụ nước, bến lấy nước cho xe chữa cháy để phục vụ hiệu quả công tác chữa cháy khi có cháy, nổ xảy ra. Thường xuyên kiểm tra công tác đảm bảo PCCC tại chợ Ba Đồn.
9. Chi nhánh điện lực Quảng Trạch tổ chức kiểm tra, bảo trì hệ thống, thiết bị điện thuộc tuyến quản lý; tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, hướng dẫn các biện pháp đảm bảo an toàn khi sử dụng điện tại các hộ gia đình, các chợ, siêu thị và cơ sở trọng điểm, đề phòng sự cố gây cháy, nổ.
10. Đài Truyền thanh – truyền hình chủ trì phối hợp với Hạt Kiểm lâm, Đội cảnh sát PCCC tăng cường công tác tuyên truyền, cảnh báo, dự báo cháy rừng trong những ngày nắng nóng dễ xảy ra cháy rừng, tài sản; đồng thời vận động nhân dân thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy.
11. Các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, các chủ rừng, công ty, doanh nghiệp, nhà hàng, khách sạn, siêu thị; Ban quản lý chợ trên địa bàn: Rà soát lại kế hoạch, phương tiện, lực lượng PCCC; thực hiện nghiêm Phương án PCCC đã được phê duyệt; tăng cường tuần tra canh gác để phát hiện cháy và huy động lực lượng, phương tiện dập lửa khi có cháy xảy ra; đồng thời báo cáo ngay với cơ quan, đơn vị có liên quan để phối hợp ứng cứu kịp thời. Chú ý quản lý chặt chẽ việc sử dụng điện sản xuất, sinh hoạt; việc thắp hương, đốt vàng mã trong trụ sở công ty, doanh nghiệp, nhà hàng, khách sạn, siêu thị, các cơ sở kinh doanh buôn bán ở chợ.
12. UBND các xã, phường:
- Tăng cường công tác tuyên truyền các nội dung, biện pháp PCCC trên các phương tiện thông tin để các chủ rừng, công ty, doanh nghiệp, nhà hàng, khách sạn, Ban quản lý chợ và người dân biết, thực hiện.
- Phối hợp với các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra các cơ quan, tổ chức và các chủ rừng, doanh nghiệp, công ty, nhà hàng, khách sạn, Ban quản lý chợ và người dân trên địa bàn thực hiện nghiêm túc công tác PCCC; xử lý nghiêm tình trạng đốt lửa trái phép trong rừng, ven rừng, đặc biệt là người dân đốt thực bị tại các diện tích bị gãy đổ do cơn bão số 10 gây ra; nghiêm cấm việc thắp hương, đốt vàng mã trong các chợ, các danh nghiệp.
- Đối với UBND các xã, phường có rừng, Ban quản lý rừng phòng hộ,tổ chức lực lượng thường trực, tuần tra, bảo vệ rừng; có phương án đảm bảo lực lượng, vật tư, trang thiết bị và hậu cần thường trực để sẵn sàng phối hợp các lực lượng ứng phó trong trường hợp xảy ra cháy rừng. Những địa phương để xảy ra cháy rừng, phá rừng nghiêm trọng phải kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân và xử lý đối với người đứng đầu đơn vị.
UBND thị xã yêu cầu các phòng, ban, ngành, đơn vị, địa phương và tổ chức, cá nhân liên quan thực hiện nghiêm túc Công điện này. Giao Hạt Kiểm lâm theo dõi, đôn đốc phòng, ban, đơn vị, địa phương thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; giao Công an thị xã theo dõi, đôn đốc các ban, ngành, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp thực hiện công tác PCCC các chợ, kho tàng, nhà cửa trên địa bàn./.