Công văn số 563/UBND, ngày 5/7/2018 V/v Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, trùng tu, tôn tạo di tích kết hợp công tác giáo dục truyền thống lịch sử văn hóa địa phương
Thứ năm - 12/07/2018 16:31
Trong thời gian qua công tác quản lý nhà nước về di sản văn hóa nói chung và di sản văn hóa vật thể, di tích danh thắng nói riêng trên địa bàn thị xã đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di tích danh thắng, giáo dục truyền thống yêu nước, yêu quê hương, phát triển kinh tế-xã hội của thị xã. Tuy nhiên công tác quản lý, xây dựng hồ sơ, trùng tu, tôn tạo di tích vẫn còn nhiều bất cập hạn chế dẫn đến tình trạng xâm hại di tích, nhất là công tác trùng tu, tôn tạo tại một số di tích ở các địa phương. Một số địa danh, di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia, cấp tỉnh chưa được giới thiệu, tuyên truyền, giáo dục rộng rãi trong nhân dân, nhất là đối với thế hệ trẻ. Để khắc phục tình trạng đó, Uỷ ban nhân dân thị xã Ba Đồn đã ban hành Công văn số 563/UBND, ngày 5/7/2018 V/v tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, trùng tu, tôn tạo di tích kết hợp công tác giáo dục truyền thống lịch sử văn hóa địa phương. Theo đó, UBND thị xã yêu cầu các cơ quan, đơn vị, Uỷ ban nhân dân các xã, phường phối hợp thực hiện một số nội dung công việc, cụ thể:
Phòng Văn hóa và Thông tin phối hợp với các đơn vị làm tốt công tác tuyên truyền, vận động các nguồn lực thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác trùng tu, tôn tạo và bảo vệ di tích; Hướng dẫn các xã, phường thực hiện đúng trình tự theo quy định của Luật Di sản văn hóa và các văn bản hướng dẫn thi hành đảm bảo tính đồng bộ trong công tác quản lý, đề nghị lập hồ sơ xếp hạng di tích, hồ sơ xin phép trùng tu, tôn tạo.
Phòng Giáo dục và Đào tạo chủ trì xây dựng kế hoạch thực hiện công tác giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa địa phương ở các cấp học; đưa nội dung này vào chương trình ngoại khóa để học sinh tiếp cận từ sớm. Chỉ đạo các trường trên địa bàn tham gia tìm hiểu, chăm sóc và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng ở địa phương gắn với phong trào thi đua “ Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”; Các trường học đăng ký chăm sóc một di tích lịch sử cấp Quốc gia hoặc cấp Tỉnh tại địa phương.
Đài Truyền thanh - Truyền hình tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân về mục đích, ý nghĩa, vai trò, lợi ích của công tác bảo vệ, tôn tạo, phát huy các giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn; Xây dựng chuyên mục tìm hiểu về các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn.
UBND các xã, phường tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thường xuyên kiểm tra, rà soát, kịp thời cập nhật thông tin về công tác quản lý, tu bổ, phục hồi các di tích trên địa bàn; tuyệt đối không để xẩy ra tình trạng tu bổ, tôn tạo di tích, bổ sung đồ thờ, hiện vật vào di tích mà chưa được phép của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Thường xuyên kiểm tra việc chấp hành các quy định về bảo vệ an ninh trật tự, vệ sinh môi trường tại các điểm di tích, phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật các hành vi vi phạm, đưa hoạt động kinh doanh dịch vụ tại các điểm di tích vào kỷ cương nề nếp. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa; khuyến khích tổ chức; cá nhân trong nước và nước ngoài đóng góp, tài trợ cho công tác bảo vệ, trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa./.