Cần xử lý nghiêm hành vi phát tán thông tin cá nhân liên quan đến dịch Covid-19
Thứ ba - 27/07/2021 09:03
Theo quy định của pháp luật hiện hành, công dân có quyền được bảo vệ thông tin cá nhân. Nhưng kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, tình trạng vi phạm thông tin cá nhân đang có xu hướng gia tăng một cách đáng báo động.
Những năm trước đây, việc chấp hành các quy định pháp luật hiện hành về bảo mật thông tin cá nhân được các cơ quan chức năng và đông đảo người dân thực hiện nghiêm túc.
Nhưng kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, trên báo chí và mạng xã hội, việc tiết lộ thông tin cá nhân, như: danh tính, nơi cư trú, lịch trình đi lại của người bệnh và những trường hợp F1, F2, F3, xảy ra khá phổ biến.
Điều này đã gây ra không ít hệ lụy, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch của các cơ quan chức năng cũng như xâm phạm bí mật đời tư, làm xáo trộn, tác động xấu đến cuộc sống, sinh hoạt của những người liên quan.
Tại Quảng Bình, từ ngày 20-7-2021, sự việc 3 trường hợp ở bản Bãi Dinh, Dân Hóa, Minh Hóa có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 đã tạo thành “cơn sốt” thông tin thu hút sự quan tâm đặc biệt của đông đảo dư luận xã hội cũng như trên không gian mạng.
Bởi qua các lần bùng phát dịch Covid-19, Quảng Bình là một trong số ít địa phương không có trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 được phát hiện trong cộng đồng.
Tuy nhiên, lần này, tỉnh đã phát hiện 3 trường hợp đầu tiên bị dương tính với SARS-CoV-2 trong thời gian cách ly y tế, theo dõi tại nhà. Cũng chính từ đây, thông tin cá nhân của 3 ca mắc Covid-19 (BN 62939, BN 62940 và BN 62941) được đăng tải công khai trên mạng xã hội.
Đặc biệt, thông tin cá nhân các trường hợp F1, F2, F3 của ca mắc Covid-19 là lái xe taxi (BN69990) bị tán phát với tốc độ chóng mặt, thậm chí có trường hợp danh sách F2, F3 bị cắt xén, chỉnh sửa thành F1.
Những trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 đều bị ảnh hưởng và tác động tiêu cực đến tâm lý, thể chất, tinh thần. Nếu họ không có tâm lý vững vàng hoặc thiếu bản lĩnh, khi ở vào tình cảnh này sẽ cảm thấy bị sốc, lo lắng, mất tinh thần.
Nhưng điều mà họ phải đối mặt, ghê gớm và tồi tệ hơn chính là sự kỳ thị, phân biệt; trầm trọng hơn là sự cô lập, né tránh của cộng đồng. Thậm chí, lịch trình đi lại, đời sống riêng tư của họ bị suy diễn, bóp méo và trở thành đề tài, trò đàm tiếu, bàn luận với nhiều lời lẽ mỉa mai, cay độc của không ít thành viên trong nhiều hội, nhóm trên không gian mạng.
Chính những thông tin, lời lẽ thiếu thiện chí, cảm thông, chia sẻ đã khiến cho cuộc sống, sinh hoạt của họ bị xáo trộn. Từ đây, những thông tin về tên tuổi, địa chỉ, nghề nghiệp, lịch sử dịch tễ, lịch trình đi lại và những người từng tiếp xúc, gặp gỡ được giới thạo tin săn tìm một cách ráo riết, trở thành thông tin “hot” xuất hiện với tần suất và liều lượng dày đặc trên các công cụ tìm kiếm và đề tài để cư dân mạng câu like, câu view.
Trong số đó, không loại trừ việc xuất hiện các thông tin bị thêu dệt, đơm đặt, thậm chí là thông tin giả “Fake News”.
Cần phải nhận thức được rằng, những người bị nhiễm Covid-19 là người bệnh, do đó, họ phải được đối xử như là những bệnh nhân và được pháp luật bảo vệ. Những lời động viên, chia sẻ, hay hoạt động tương tác tích cực trên mạng xã hội sẽ là liều thuốc tinh thần hết sức quan trọng để họ vững tin, yên tâm điều trị căn bệnh mà cả nhân loại đang đối mặt.
Nhưng ngược lại, chỉ cần một hành động thiếu thiện chí, hay những lời bình luận có tính xoi mói, bỡn cợt sẽ có nguy cơ tác động tiêu cực đến tâm sinh lý của họ. Thậm chí, danh dự, uy tín của bệnh nhân bị xúc phạm và tổn hại nghiêm trọng. Và ngay cả tương lai, hạnh phúc gia đình đứng trước nguy cơ đổ vỡ.
Theo quy định của pháp luật, khi có liên quan đến bệnh nhân nhiễm Covid-19, các trường hợp F1, F2, F3 phải có trách nhiệm cung cấp thông tin cá nhân, lịch sử dịch tễ, quá trình đi lại, tiền sử bệnh tật cho cơ quan chức năng phục vụ việc xác minh, truy vết, xác định phương thức chữa trị phù hợp.
Nhưng điều đó không có nghĩa, các cơ quan chức năng có quyền cung cấp, hoặc tiết lộ thông tin cho những người không có trách nhiệm hoặc bị sử dụng vào mục đích thiếu trong sáng khi chưa có sự đồng ý của người bệnh và những người liên quan.
Tại khoản 1, Điều 8, Luật Khám, chữa bệnh quy định rõ quyền được tôn trọng riêng tư của người khám bệnh, đó là “Được giữ bí mật thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư ghi trong hồ sơ bệnh án”.
Giả sử nếu các trường hợp này vi phạm các quy định về phòng, chống dịch bệnh chắc chắn sẽ bị các cơ quan chức năng xử lý. Nhưng một khi thông tin hay bí mật về đời tư không được bảo đảm, chắc chắn họ sẽ không hợp tác và cung cấp đầy đủ thông tin liên quan cho cơ quan chức năng.
Điều này sẽ gây cản trở và ảnh hưởng rất lớn đến công tác chữa trị, bao vây, phong tỏa các nguồn lây nhiễm hoặc các nguồn tiếp xúc với bệnh nhân. Lúc đó, tác hại và hậu quả sẽ rất khôn lường.
Rõ ràng, dù hành vi vô ý hay cố ý đăng tải, lan truyền thông tin cá nhân của người bị nhiễm, nghi nhiễm Covid-19, những đối tượng thuộc diện F1, F2, F3 khi chưa được sự đồng ý hoặc cho phép của những trường hợp này là hành vi vi phạm pháp luật.
Do đó, để không biến mình trở thành người vi phạm, mọi người dân đều phải có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc khuyến cáo 5K của Bộ Y tế, chấp hành nghiêm túc các quy định về phòng, chống dịch bệnh, khai báo trung thực, rõ ràng, đầy đủ nhằm giúp công tác phòng, chống dịch của các cơ quan chức năng được dễ dàng, thuận lợi và hiệu quả. Đồng thời, không tự tiện đăng tải, chia sẻ thông tin cá nhân của những người liên quan đến dịch Covid-19 khi chưa được sự đồng ý, cho phép.
Các cơ quan chức năng, đặc biệt là cán bộ, nhân viên ngành y tế cần nâng cao ý thức tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật về bảo mật thông tin cá nhân trong bối cảnh này.
Theo quy định tại điểm e, khoản 3, Điều 102, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP, ngày 3-2-2020 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử thì hành vi “Thu thập và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sử dụng sai mục đích theo quy định của pháp luật” sẽ bị xử phạt từ 10-20 triệu đồng (đối với tổ chức), nghiêm trọng hơn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.