Cảnh giác thủ đoạn lừa xuất cảnh "việc nhẹ, lương cao"

Thứ bảy - 13/08/2022 08:56

Cảnh giác thủ đoạn lừa xuất cảnh "việc nhẹ, lương cao"

Nhẹ dạ, cả tin bởi những lời lừa đảo "đường mật" trên mạng xã hội, không ít người dân Quảng Bình bị sập bẫy xuất cảnh trái phép sang Campuchia lao động.
Hiện nay, tình trạng công dân Việt Nam xuất cảnh trái phép sang Campuchia làm việc tại các cơ sở dịch vụ thương mại, bị cưỡng bức lao động, cưỡng đoạt tài sản có nhiều diễn biến phức tạp. Các tổ chức, cá nhân không có chức năng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài của Việt Nam đã lợi dụng mạng xã hội nhằm thông tin sai sự thật.
 
Chúng lập các trang website, nhóm zalo, facebook để tạo lòng tin với người lao động bằng các thủ đoạn tinh vi, như: Dùng các hình ảnh của người lao động đang làm việc ở nước ngoài, làm giả website giống của doanh nghiệp uy tín giới thiệu sang Campuchia làm "việc nhẹ, lương cao", người lao động không phải mất chi phí đi lại… Qua đó, lừa hàng trăm thanh niên Việt Nam vượt biên sang Campuchia lao động trái phép. Điển hình là các tỉnh phía Nam có chung đường biên giới với Campuchia như Long An, An Giang, Tây Ninh và một số tỉnh phía Bắc như Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, Bắc Giang…
 
Trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, các cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều trường hợp thông qua mạng xã hội hoặc từ bạn bè người quen, các đối tượng đã bị lừa xuất cảnh trái phép sang Campuchia. Khi qua Campuchia, nạn nhân được đưa vào làm việc tại các cơ sở đánh bạc trực tuyến, kinh doanh tiền ảo trên không gian mạng; bị cưỡng ép lao động từ 12-16 giờ/ngày, không cho đi ra ngoài cơ sở; nhiều trường hợp lao động không thực hiện công việc, đã bị đánh đập, ngược đãi; bị yêu cầu liên lạc về gia đình để nộp tiền chuộc người về nếu không sẽ bán sang các cơ sở khác. Thậm chí, có trường hợp bị đánh đến chết để răn đe những trường hợp khác. Đối tượng cầm đầu các cơ sở này tại Campuchia là người Trung Quốc, có sự tham gia, giúp sức của các đối tượng người Campuchia và lao động Việt Nam hiện đang hoạt động tại đây.
 
Thời gian qua, đã xảy ra một số vụ việc lao động không chịu được việc bị cưỡng bức, đánh đập đã cùng nhau chống lại các đối tượng quản lý, bảo vệ và bỏ chạy, trình báo lực lượng chức năng của nước sở tại và cơ quan ngoại giao Việt Nam. Sau đó, các cơ quan chức năng của Campuchia và Việt Nam đã vào cuộc, tiến hành giải cứu các nạn nhân, đồng thời tiến hành các thủ tục trao trả về nước.
 
Theo số liệu của các cơ quan chức năng, có hàng chục công dân Quảng Bình xuất cảnh trái phép sang Campuchia làm việc. Điển hình, có 10 công dân Quảng Bình sang làm việc tại Casino Jingang International, tỉnh Preah Sihanouk, Campuchia được các cơ quan chức năng nước sở tại giải cứu, sau đó bị trục xuất về nước ngày 29/4/2022 qua Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên, Kiên Giang. 
Nạn nhân bị lừa đảo xuất cảnh trái phép sang Campuchia làm việc với cơ quan Công an.
Nạn nhân bị lừa đảo xuất cảnh trái phép sang Campuchia làm việc với cơ quan Công an.

Anh N.V.P. (SN 1995, phường Hải Thành, TP. Đồng Hới) cùng với gần 300 người Việt Nam khác được các cơ quan chức năng Campuchia trục xuất qua biên giới, bàn giao cho Bộ đội Biên phòng Việt Nam. Làm việc với chúng tôi, anh P. cho biết, khoảng tháng 4/2021, anh tình cờ quen biết một người phụ nữ tên Linh làm nhân viên dịch vụ massage tại một khách sạn trên địa bàn TP. Đồng Hới.

Tháng 4/2022, khi Linh về TP. Hồ Chí Minh, anh P. vẫn thường xuyên giữ liên lạc thông qua ứng dụng messenger facebook. Ngày 5/4/2022, anh P. đi xe khách vào TP. Hồ Chí Minh để gặp Linh. Đến tối ngày 7/4/2022, Linh đề nghị và anh P. đồng ý cùng đến tỉnh Long An để tổ chức ăn nhậu với 5 người bạn của Linh, gồm 4 nam, 1 nữ, khoảng 30 tuổi.

Ăn nhậu được hơn một giờ đồng hồ, lợi dụng sơ hở, nhóm này đã khống chế, trói tay, yêu cầu anh P. phải nghe lời, không được kháng cự. Ngay sau đó, nhóm đối tượng cắt cử 2 nam giới sử dụng xe máy đã tháo biển số, đưa anh P. vượt biên qua Campuchia trong đêm bằng đường mòn. Đi khoảng 3 giờ thì tới Campuchia, sau đó chúng bán anh cho một cơ sở do người Trung Quốc làm chủ.

Tại đây, anh P. bị ép buộc, yêu cầu phải thiết lập các tài khoản facebook ảo kết bạn, nhắn tin kêu gọi, dụ dỗ, lừa gạt người Việt Nam nạp tiền vào các ứng dụng trang mạng đánh bạc trực tuyến, làm cộng tác viên cho các sàn giao dịch điện tử Shopee, Lazada để chiếm đoạt tài sản. Cuối tháng 5/2022, cơ sở nơi anh P. làm việc bị người lao động phản đối, dẫn tới bạo động, nhiều người chạy thoát ra ngoài và bị các cơ quan chức năng Campuchia phát hiện bắt giữ, trục xuất về Việt Nam.


Anh H.N.T. (SN 1993, trú tại thôn Bắc Minh Lệ, xã Quảng Minh, TX. Ba Đồn) lại không may mắn như vậy. Theo trình bày của mẹ anh T., đầu năm 2022, khi đang làm ăn tại Đồng Nai, thông qua mạng xã hội facebook, anh T. đã làm quen và kết bạn với tài khoản facebook “Mai Kiều Anh” và được hướng dẫn cách thức để xuất cảnh trái phép sang Campuchia lao động.
 
Đến ngày 5/6/2022, anh T. đi từ Đồng Nai lên TP. Hồ Chí Minh và được một đối tượng tên là Mạnh dùng xe máy chở đến một nhà nghỉ gần cầu An Sương, quận 1, TP. Hồ Chí Minh. Khoảng 2 giờ sau, anh T. được các đối tượng dùng ô tô chở đến tỉnh Long An, cùng đi còn có 5 người Việt Nam. Tại đây, anh T. và 5 người khác được một người đàn ông không rõ danh tính dùng thuyền chở qua sông và vượt biên trái phép sang Campuchia.
 
Sau khi sang đến Campuchia, anh T. và những người Việt Nam khác được các đối tượng người Campuchia chở đến khu kinh tế của người Trung Quốc và ở tại tòa nhà China Town thuộc tỉnh Sihanouville để làm việc. Tại đây, anh T. làm việc trực tiếp cho các đối tượng người Trung Quốc và được giao lập các tài khoản facebook ảo, soạn thảo sẵn những đoạn tin nhắn có nội dung lừa đảo với yêu cầu tốc độ đánh máy vi tính phải đạt 30 chữ/phút để lừa đảo những người Việt Nam khác sang lao động tại Campuchia nếu không sẽ không được trả lương và bị phạt tiền. Do không muốn làm công việc này và không đạt yêu cầu, nên anh T. bị các đối tượng giam lỏng tại đây.
 
Đồng thời, các đối tượng yêu cầu anh T. trong thời hạn 3 ngày phải liên lạc về cho gia đình và gửi sang 3.000 USD “tiền chuộc” mới được trả về Việt Nam nếu không sẽ bị bán đi công ty khác. Sau đó, người nhà anh T. đã chuyển 50 triệu đồng để chuộc anh về. Tuy nhiên, do chưa đủ số tiền yêu cầu nên các đối tượng đã chuyển anh T. đi chỗ khác và bắt anh phải làm việc để trả hết số tiền còn thiếu. Hiện, tình hình sức khoẻ anh T. vẫn bình thường, không bị đánh đập hay hành hạ và vẫn thường xuyên liên lạc về gia đình.  
 
Bởi vậy, đề nghị người dân cần cảnh giác trước thủ đoạn như các lời mời, dụ dỗ kêu gọi qua Campuchia làm “việc nhẹ, lương cao”, không mất chi phí đi lại của các đối tượng trên mạng xã hội. Trước khi ký kết hợp đồng hay nhận lời đi làm việc, nhất là lao động ở nước ngoài, cần tìm hiểu thật kỹ các thông tin về doanh nghiệp, địa chỉ, địa danh nơi định đến làm việc, thông tin về người giới thiệu, tư cách pháp nhân của các công ty môi giới xuất khẩu lao động; đặc điểm thông tin thân nhân của người giới thiệu và cùng đi làm việc tại đó.
 
Người lao động nên tham khảo ý kiến của các cơ quan có chức năng môi giới, xuất khẩu lao động ở địa phương và cung cấp thông tin cho gia đình, người thân về địa điểm nơi làm việc và công việc của mình, thông tin về người cùng đi trước khi quyết định xuất cảnh.
 
Khi phát hiện thông tin về các đối tượng, đường dây môi giới, lôi kéo, lừa đảo, tổ chức đưa người sang Campuchia làm việc, nghi vấn có dấu hiệu lừa đảo, mua bán người, cần kịp thời thông báo cho gia đình, người thân và trình báo cho cơ quan Công an để có biện pháp giải cứu.
 
Khánh Linh
https://baoquangbinh.vn/phap-luat/202208/canh-giac-thu-doan-lua-xuat-canh-viec-nhe-luong-cao-2202749/?fbclid=IwAR09z5AGCcpLXnnJPVy43APakGNJMHupJtHZxr7Ef3ody4VSjGCUqF0tnxc

Nguồn tin: baoquangbinh.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê
  • Đang truy cập78
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm75
  • Hôm nay30,105
  • Tháng hiện tại673,652
  • Tổng lượt truy cập40,943,183
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây