Công điện về việc sẵn sàng ứng phó với bão Kompasu và mưa lũ

Thứ hai - 11/10/2021 16:58

Công điện về việc sẵn sàng ứng phó với bão Kompasu và mưa lũ

Ngày 11/10/2021, Đồng chí Đoàn Minh Thọ - Chủ tịch UBND thị xã Ba Đồn vừa ký ban hành Công điện số 14/CĐ-UBND về việc sẵn sàng ứng phó với bão Kompasu và mưa lũ.
Nội dung Công điện:
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN THỊ XÃ
ĐIỆN:
- Ban Chỉ huy PCTT và TKCN kiêm Ban Chỉ huy PTDS thị xã;
- Thủ trưởng các phòng, ban, đơn vị trên địa bàn thị xã;
- Chủ tịch UBND các xã, phường;

Theo tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia: Hồi 13 giờ ngày 11/10/2021, vị trí tâm bão ở khoảng 18,7 độ Vĩ Bắc; 123,1 độ Kinh Đông, cách đảo Lu-dông (Phi-líp-pin) 110km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (90-100km/giờ), giật cấp 12.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển nhanh theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 25km, đi vào Biển Đông và mạnh thêm. Đến 13 giờ ngày 12/10/2021, vị trí tâm bão ở khoảng 18,8 độ Vĩ Bắc; 117,1 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 570km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (100-120km/giờ), giật cấp 13.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển nhanh theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 25km. Đến 13 giờ ngày 13/10/2021, vị trí tâm bão ở khoảng 18,9 độ Vĩ Bắc; 111,0 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông đảo Hải Nam (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (100-120km/giờ), giật cấp 13.
Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển nhanh theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 25km và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 13 giờ ngày 14/10/2021, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 18,2 độ Vĩ Bắc; 105,3 độ Kinh Đông, trên khu vực biên giới Việt-Lào. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.
Do ảnh hưởng của bão, ở khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh dần lên cấp 8-9, đêm tăng lên cấp 10-11, giật cấp 13; sóng biển cao từ 4,0-6,0m; biển động rất mạnh. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai trên vùng biển khu vực Bắc Biển đông: cấp 3.
Trong 72 đến 96 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Nam và suy yếu thành một vùng áp thấp.
Để chủ động ứng phó với diễn biến của bão Kompasu và mưa lũ lớn, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại; Chủ tịch UBND thị xã yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT và TKCN kiêm Ban Chỉ huy PTDS thị xã, Thủ trưởng các Phòng, ban, đơn vị trên địa bàn thị xã; Chủ tịch UBND các xã, phường và các đơn vị liên quan khác, theo chức năng, nhiệm vụ, khẩn trương chỉ đạo triển khai thực hiện một số nội dung sau:
1. Thực hiện nghiêm túc Công điện số 13/CĐ-UBND ngày 05/9/2021 của UBND tỉnh về sẵn sàng ứng phó với thiên tai trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp; Công điện số 156/CĐ-BCH ngày 10/10/2021 của Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn kiêm Phòng thủ dân sự tỉnh về việc sẵn sàng ứng phó với bão Kompasu và mưa lũ; Công văn số 1728/UBND-KT ngày 01/9/2021 về việc chủ động sẵn sàng các phương án ứng phó với thiên tai, mưa lũ, bão lớn trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp; Tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão và mưa lũ, kịp thời chỉ đạo, triển khai phương án ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ”, tuyệt đối không chủ quan, lơ là.
2. Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Gianh và UBND các xã, phường ven biển: Tập trung rà soát, kiểm đếm tàu thuyền, phương tiện hoạt động trên biển, quản lý chặt chẽ việc ra khơi của tàu thuyền, phương tiện (kể cả vận tải và tàu du lịch); theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, phối hợp với gia đình thông báo cho chủ các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm và kêu gọi về nơi tránh trú an toàn; giữ liên lạc thường xuyên với các chủ phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra. Tạo điều kiện cho tàu thuyền của các địa phương khác vào tránh trú trên địa bàn (đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch bệnh covid-19). Hướng dẫn neo đậu tàu thuyền, triển khai công tác đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tại nơi tránh trú, không để tàu thuyền hư hỏng do va chạm khi neo đậu. Tổ chức, hướng dẫn gia cố và thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, giảm thiệt hại đối với lồng bè nuôi trồng thủy, hải sản.
3. UBND các xã, phường:
-Thường xuyên theo dõi diễn biến của bão, mưa lũ trên các phương tiện thông tin đại chúng, chủ động triển khai các phương án ứng phó, nhất là các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, vùng trũng thấp để đảm bảo an toàn về người, tài sản và phương tiện; Kiểm tra, Rà soát, di dời khẩn cấp các hộ dân ở khu vực nguy hiểm, khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, chia cắt, nhất là tại các vùng thấp trũng, ven sông suối, những hộ không đảm bảo an toàn; các khu vực (điểm dân cư, lán trại, các trạm) có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất (nhất là các khu vực có Taluy âm, Taluy dương; khu vực đã xảy ra sạt lở…), phải kiên quyết vận động di dời, trường hợp cần thiết phải tổ chức cưỡng chế di dời để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân; Đặc biệt là các khu vực đã xảy ra sạt lở đất như thôn Minh Tiến xã Quảng Minh.
- Kiểm tra, rà soát cơ sở vật chất tại các địa điểm cách ly tập trung của các xã, phường để có phương án gia cố, giằng néo đề phòng ảnh hưởng của bão; Đồng thời có kế hoạch di chuyển các trường hợp cách ly tập trung đến nơi an toàn khi có lũ, lụt xảy ra (khi địa điểm hiện tại bị ảnh hưởng). Chuẩn bị đầy đủ lương thực, thực phẩm, nước uống nhu yếu phẩm, thuốc chữa bệnh và cách vật tư y tế cần thiết khác đủ để sử dụng tối thiểu trong 7-10 ngày  để ứng phó với các tình huống do ảnh hưởng của bão, lũ có thể xảy ra.
- Hướng dẫn nhân dân thực hiện các phương án ứng phó, chằng chéo, gia cố nhà cửa; chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm, nước uống, thuốc chữa bệnh, hàng hóa thiết yếu tại các khu vực có nguy cơ bị chia cắt kéo dài do mưa lũ để thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”… trên các hệ thống thông tin liên lạc để người dân nắm bắt và chủ động thực hiện các biện pháp chuẩn bị, ứng phó phù hợp.
- Hướng dẫn, tuyên truyền, vận động người dân khẩn trương thu hoạch đối với diện tích nuôi trồng thủy sản, nếu cá, tôm đạt kích cỡ thu hoạch; Đặc biệt đối với các địa phương nuôi cá lồng trên sông như xã Quảng Lộc, Quảng Minh; các địa phương hướng dẫn người dân thường xuyên theo dõi, cập nhật dự báo thời tiết để có biện pháp thu hoạch kịp thời. Gia cố, giằng néo chuồng trại, lồng bè, cắt tỉa cành cây để giảm thiệt hại đối với sản xuất, nuôi trông thủy, hải sản, vườn cây lâu năm, các trang trại chăn nuôi.
- Sẵn sàng phương án gia cố nhà cửa, trụ sở, trường học, trạm y tế, kho tàng, cơ sở kinh doanh, dịch vụ, các cột, tháp cao, cây xanh khu vực chịu ảnh hưởng của bão... để hạn chế rủi ro và thiệt hại do bão, lũ.
- Cảnh báo các khu dân cư ven sông, ven suối đề phòng lũ quét, sạt lở đất để chủ động phương án đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản. Không để người dân vào rừng trong thời gian thiên tai; thông tin cho người dân đang còn ở trong rừng, yêu cầu ra khỏi rừng hoặc tìm nơi trú ẩn an toàn đề phòng lũ quét và sạt lở đất.
- Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn và khắc phục nhanh hậu quả của bão và mưa lũ sau bão.
- Đối với các địa phương có hồ chứa nước: Tổ chức vận hành công trình bảo đảm an toàn tài sản, tính mạng dân cư vùng hạ du và an toàn hồ đập thủy lợi, đối với các hồ đập xung yếu cần chủ động hạ thấp mực nước; phân công cụ thể, bố trí lực lượng thường trực tại các hồ chứa đã đầy nước, hồ chứa có nguy cơ mất an toàn để kịp thời xử lý khi có tình huống; đặc biệt là các hồ chứa đang thi công và các hồ chứa bị hư hỏng, xuống cấp; triển khai công tác đảm bảo an toàn đê điều, nhất là các điểm xung yếu.
4. Ban Chỉ huy Quân sự thị xã, Công an thị xã, Đồn Biên phòng cửa khẩu Cảng Gianh; Hải Đội 313 vùng 3 Hải quân và các đơn vị liên quan: rà soát phương án, sẵn sàng triển khai lực lượng, phương tiện tham gia cứu hộ, cứu nạn và xử lý kịp thời các tình huống có thể xảy ra theo kế hoạch số 153/KH-BCHPCTT ngày 03/8/2021 của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN kiêm BCH Phòng thủ dân sự thị xã về kế hoạch hiệp đồng lực lượng, phương tiện làm nhiệm vụ phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của các đơn vị đóng chân trên địa bàn thị xã.
5. Công an thị xã, Phòng Quản lý Đô thị thị xã: Kiểm tra, rà soát phương án bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông các khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, sẵn sàng phương án lực lượng, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn. Kiên quyết dừng hoạt động đối với các bến đò ngang, đò dọc khi mưa lớn, nước sông dâng cao, chảy xiết.
6. Phòng Y tế, TT Y tế thị xã: chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh Covid-19, đặc biệt là các khu vực sơ tán tập trung; chỉ đạo đảm bảo an toàn và tạo điều kiện cho lực lượng phòng, chống thiên tai thực hiện nhiệm vụ.
7. Chi nhánh Điện lực Quảng Trạch; Trung tâm Viễn Thông Quảng Trạch: chỉ đạo lực lượng trong đơn vị làm nhiệm vụ PCTT, tổ chức khắc phục nhanh, kịp thời sự cố về điện và thông tin liên lạc; bảo đảm nguồn điện và thông tin liên lạc cho các nơi trọng điểm làm nhiệm vụ PCTT, TKCN và PTDS; thông báo lịch cắt và cấp điện để người dân được biết và sử dụng đảm bảo an toàn.
 8. Trạm Khí tượng Ba Đồn tiếp tục theo dõi diễn biến của bão, dự báo và cung cấp thông tin cho lãnh đạo Thị xã để chỉ đạo; Phối hợp với Đài Truyền thanh - Truyền hình thị xã và các phương tiện thông tin đại chúng khác để thông tin kịp thời diễn biến của bão, mưa lũ để nhân dân biết, chủ động phòng, tránh.
9. Đài Truyền thanh - Truyền hình thị xã: tăng cường thời lượng phát sóng, đưa tin tuyên truyền về diễn biến, đường đi của bão; mưa lũ và công tác chỉ đạo của UBND thị xã để người dân biết, chủ động phòng tránh, ứng phó.
10. Các thành viên BCH PCTT và TKCN kiêm BCH Phòng thủ dân sự thị xã theo địa bàn, lĩnh vực được phân công chỉ đạo các xã, phường, đơn vị thực hiện tốt công tác phòng chống bão, mưa lũ theo các kế hoạch, phương án đã được phê duyệt; đồng thời thường xuyên báo cáo tình hình cho Lãnh đạo UBND thị xã; BCH PCTT và TKCN kiêm BCH Phòng thủ dân sự thị xã để có phương án chỉ đạo.
Lưu ý: Các đơn vị, địa phương khi triển khai thực hiện các nhiệm vụ cần tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh covid-19 theo quy định.
Chủ tịch UBND thị xã yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT và TKCN kiêm Ban Chỉ huy PTDS thị xã; Thủ trưởng các Phòng, ban, đơn vị trên địa bàn thị xã và Chủ tịch UBND các xã, phường khẩn trương triển khai nghiêm túc, kịp thời các nội dung trên./

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê
  • Đang truy cập144
  • Máy chủ tìm kiếm5
  • Khách viếng thăm139
  • Hôm nay16,923
  • Tháng hiện tại585,945
  • Tổng lượt truy cập40,105,734
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây