Cảnh báo trật tự an toàn giao thông Tết Mậu Tuất 2018
Thứ năm - 15/02/2018 10:36
Như thành quy luật, cứ dịp cuối năm hoặc trong những ngày Tết, tỷ lệ bệnh nhân nhập viện do tai nạn giao thông lại tăng cao. Nguyên nhân của các vụ tai nạn được xác định là phần lớn do người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng bia rượu gây ra.
Mặc dù là chuyện biết rồi, tuy nhiên tình trạng uống rượu bia say điều khiển phương tiện vẫn diễn ra, gây nhiều vụ tai nạn thương tâm, kiến nhiều người mất mạng, hay bị thương tật suốt đời, phải đón Xuân, đón Tết trong bệnh viện. Vì vậy, những bài học cảnh giác từ bia rượu không khi nào là cũ, nhất là trong những ngày Tết Mậu Tuất 2018.
Thông tin từ Đội Cảnh sát Giao thông thị xã Ba Đồn cho biết, trong năm 2017 và dịp nghỉ tết Dương lịch năm 2017, trên địa bàn thị xã đã xảy ra 14 vụ TNGT làm 11 người chết, 09 người bị thương. Đáng quan ngại, nguyên nhân chủ yếu của các vụ TNGT nói trên xuất phát từ việc người điểu khiển phương tiện đã sử dụng bia, rượu, đồ uống có cồn trước khi tham gia giao thông. Số người bị tai nạn giao thông do bia rượu chiếm tới 1/3 tổng số vụ trên địa bàn.
Còn số liệu tại Bệnh viện Đa khoa KV Bắc Quảng Bình cho thấy, số người bị TNGT phải vào cấp cứu tại BV trong năm qua không hề giảm. Hầu hết những người đã phải đưa vào BV đều ở tình trạng rất nặng như: chấn thương sọ não, gãy đùi, gãy tay, vỡ hàm mặt, dập nội tạng, đa chấn thương...
Có quá nhiều bài học đắt giá từ việc uống rượu bia dịp tết, gây ra tai nạn thương tâm, nhưng những ngày Tết đến Xuân về, người ta vẫn tìm đủ lý do để tổ chức các cuộc rượu tới bến. Trong các cuộc rượu đó, họ tìm ra hàng trăm nghìn nguyên nhân để uống: đúng uống, sai uống, thưởng cũng cạn, mà phạt thì cũng cạn ly 100%... Tâm lý cả nể, ham vui khiến không ít người khi tỉnh dậy mới thấy mình ... đang trong bệnh viện, mới cảm nhận được hậu quả ghê gớm do rượu bia gây ra.
Biết uống rượu bia là ảnh hưởng tới sức khỏe và gây nguy hại khi tham gia giao thông, tuy nhiên nhiều người vẫn không thể từ chối những cuộc nhậu.
Theo một con số thống kê, mỗi năm Việt Nam tiêu thụ khoảng 2,7 tỷ lít bia và 350 triệu lít rượu. Như vậy, chia bình quân cho 90 triệu người dân Việt Nam thì mỗi người khoảng 16 lít bia và 4 lít rượu, số lượng rượu bia này, phần nào nói lên con số tai nạn giao thông xảy ra trên địa bàn toàn quốc.
Trước thực trạng tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia, tháng 5/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt thay thế Nghị định số 171/2013/NĐ-CP và Nghị định số 107/2014/NĐ-CP với mức phạt nặng hơn nhằm tăng tính răn đe, giáo dục.
Theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP vừa được ban hành, bắt đầu từ ngày 1/8/2016 người điều khiển xe ô tô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở sẽ bị phạt tiền với mức phạt tăng từ 10-15 triệu đồng (theo Nghị định 171/2013/NĐ-CP) lên 16-18 triệu đồng.
Vẫn biết, ngăn chặn việc uống rượu bia, nhất là trong dịp Tết rất khó, nhưng để đảm bảo tính mạng cho mình và cho người khác, mỗi người dân cần nâng cao ý thức tự giác chấp hành luật pháp khi tham gia giao thông; mỗi cơ quan, tổ chức và mỗi gia đình cần nhắc nhở đối với nhân viên và người thân chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ. Đặc biệt, đối với người đã uống rượu, bia thì không tham gia giao thông để tránh hậu quả cho gia đình, bản thân và xã hội, nhất là dịp Tết đến Xuân về.
Tác giả bài viết: Hồng Sâm