Chương trình nghệ thuật chào mừng kỷ niệm 89 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. (Ảnh minh họa)
Ý CHÍ ĐỘC LẬP VÀ LÒNG KHÁT KHAO TỰ DO CỦA DÂN TỘC ANH HÙNG
Mùa Xuân năm Canh Ngọ 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Trong văn kiện do Nguyễn Ái Quốc khởi thảo đã vạch ra mục tiêu và con đường đi tới hạnh phúc: Chủ trương làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản. Đường lối đó là một khía cạnh rất quan trọng trong Cương lĩnh cách mạng của Đảng, phản ánh và đúc kết khát vọng của dân tộc ta mà Nguyễn Trãi - nhà tư tưởng lớn nhất của Việt Nam thời phong kiến - đã đề cập trong Tuyên ngôn độc lập lần thứ hai của nước ta:
“Xã tắc từ đây vững bền,
Giang sơn từ đây đổi mới,
Càn khôn bĩ rồi lại thái,
Nhật nguyệt hối rồi lại minh.
Để mở nền muôn thuở thái bình,
Để rửa nỗi nghìn thu sỉ nhục”.
Tác phẩm Bình Ngô đại cáo cho thấy hình ảnh của một dân tộc anh hùng đang vươn lên, quyết tâm vượt qua mọi gian nan, thử thách, sáng tạo ra một trong những trang sử vẻ vang nhất của lịch sử nước nhà; là sự tiếp nối Tuyên ngôn độc lập lần thứ nhất của Lý Thường Kiệt:
“Sông núi nước Nam vua Nam ở,
Rành rành định phận ở sách trời.
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm,
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời”.
Hai con người, hai tác phẩm nêu cao ý chí độc lập tự do, truyền thống quật cường bất khuất và tinh thần đại nghĩa, chí nhân của dân tộc. Đặc biệt là khát vọng về một đất nước vững bền, đổi mới, hạnh phúc, thái bình.
Dân tộc Việt Nam là vậy! Đó là một dân tộc luôn nêu cao đạo lý làm người, không bao giờ “thấy sóng cả mà ngã tay chèo”, không chịu khuất phục trước địch họa, thiên tai; luôn luôn vươn lên với tinh thần “chân cứng đá mềm”, “nước chảy đá mòn”. Chiến đấu chống giặc phong kiến Trung Quốc bành trướng xâm lược, chúng ta đã chiến thắng “nhờ ý chí độc lập và lòng khát khao tự do hơn là nhờ quân đông sức mạnh”(1).
Từ giữa thế kỷ XIX, nhân dân ta phải tiến hành cuộc kháng chiến chống xâm lược Pháp là kẻ thù tư bản hơn chúng ta một phương thức sản xuất, trong khi giới cầm quyền phong kiến Việt Nam từng bước đầu hàng, dâng nước ta cho giặc. Tiếp nối truyền thống anh hùng của cha ông, những người dân bình thường giàu lòng yêu nước đã tỏ rõ khí thế dũng cảm phi thường “nào sợ thằng Tây bắn đạn nhỏ, đạn to, xô cửa xông vào liều mình như chẳng có” (Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc). Hoặc “Bao giờ Tây nhổ hết cỏ nước Nam mới hết người Nam đánh Tây” (Nguyễn Trung Trực trả lời Pháp khi chúng tìm cách dụ dỗ mua chuộc).
Lãnh đạo các phong trào Cần Vương, Yên Thế, Duy Tân, Đông Du, Đông kinh nghĩa thục là những gương mặt anh hùng như Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, mà Hồ Chí Minh khi ở tuổi thiếu niên rất khâm phục. Những con người tiêu biểu đó cho thấy cùng với ý chí đánh đuổi thực dân xâm lược làm cho nước Nam độc lập là khát vọng vun trồng nền tảng dân quyền, thực hiện các nhiệm vụ “chấn dân khí, khai dân trí, hậu dân sinh” với tinh thần tự lực khai hóa, mở trường dạy học, phát triển kinh tế thông qua buôn bán mà nổi bật là Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Lương Văn Can.
Có thể thấy những năm đầu thế kỷ XX, dưới sự tổ chức lãnh đạo của các sĩ phu yêu nước, dân tộc Việt Nam vô cùng sôi động trong cuộc vận động cứu nước, thực hiện Duy Tân và tiến hành đấu tranh về văn hóa, tư tưởng. Thực chất đó cũng là một cuộc vận động chính trị chuẩn bị về tinh thần và tư tưởng cho sự nghiệp đấu tranh cách mạng dân tộc dân chủ ở giai đoạn sau.
Trong đổi mới, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Nhờ đó, Đảng đã khơi dậy được sức mạnh của toàn dân tộc. Bài học “dân là gốc” được nhận thức và phát huy cao độ trong công cuộc đổi mới. |
ĐẢNG, BÁC HỒ VÀ KHÁT VỌNG ĐI TỚI NHỮNG MÙA XUÂN HẠNH PHÚC
Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đầu năm 1930 thổi bùng ngọn lửa khát vọng giải phóng và phát triển đã ấp ủ, thai nghén trong chiều dài hàng nghìn năm lịch sử, đặc biệt những năm đầu thế kỷ XX. Vừa ra đời trong một hoàn cảnh vô cùng khó khăn vì chính sách khủng bố dã man của thực dân Pháp, nhưng Đảng ta đã lãnh đạo ngay cuộc đấu tranh kịch liệt chống thực dân Pháp. Cuộc đấu tranh đó cao đến tột bậc trong những ngày Xôviết Nghệ Tĩnh.
Xôviết Nghệ Tĩnh bị thất bại, nhưng đã có ảnh hưởng lớn. Tinh thần quật cường, anh dũng luôn luôn nồng nàn trong tâm hồn quần chúng và đã mở đường cho thắng lợi về sau. Những cuộc đấu tranh do Đảng ta lãnh đạo ngay từ khi vừa ra đời cho thấy lòng dân được ý Đảng củng cố, nâng cao và mở ra truyền thống ý Đảng - lòng dân, lòng dân - ý Đảng trong các thời kỳ cách mạng tiếp theo.
Năm 1941, Hồ Chí Minh về nước mang theo khát vọng độc lập dân tộc đi tới chủ nghĩa xã hội từ mùa Xuân Canh Ngọ. Khát vọng đó được thể hiện trong Nghị quyết Trung ương VIII (tháng 5/1941). Hồ Chí Minh và Đảng ta quyết định thay đổi chiến lược, lập Mặt trận Việt Minh để thực hiện cách mạng giải phóng dân tộc đi tới cách mạng xã hội chủ nghĩa, nhưng vấn đề cần kíp trước mắt là dân tộc giải phóng.
Tài trí và bản lĩnh của Đảng và Hồ Chí Minh thể hiện ở chỗ “bước một bước ngắn hơn để có sức mà bước một bước dài hơn”. Cũng nhờ thế mà tạo ra một bước nhảy vọt chưa từng thấy theo tinh thần của Mác “hai mươi năm biến chuyển trong ngày thường không bằng ba tháng cách mạng”. Bước nhảy vọt đó chính là lòng dân, trí dân, sức dân được Đảng quy tụ thành quyết tâm, tín tâm, đồng tâm với lời hiệu triệu của Hồ Chí Minh “Dân ta xin nhớ chữ đồng/ Đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh”, để rồi “dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng kiên quyết giành cho được độc lập”.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, cả dân tộc vùng lên “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”. Không phải ba tháng mà chỉ trong chưa đầy hai tuần, từ ánh sáng mùa Xuân dẫn đến thắng lợi mùa Thu. Cách mạng Tháng Tám thắng lợi “biến người nô lệ thành người tự do”. Nhân dân ta “rũ bùn đứng dậy chói lòa”, làm chủ đất nước, làm chủ xã hội, làm chủ bản thân.
Khát vọng mùa Xuân Canh Ngọ năm 1930 chỉ sau mười lăm năm đã được thực hiện một phần cơ bản. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng: Lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi mà đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”(2).
Cách mạng thắng lợi, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Cùng với ngọn đuốc soi đường của Cương lĩnh mùa Xuân Canh Ngọ năm 1930, Tết Độc lập Bính Tuất đầu tiên năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mang mùa Xuân đến cho toàn dân với tinh thần “Muôn việc đều tiến tới. Kiến quốc chóng thành công. Kháng chiến mau thắng lợi”. Và cứ thế, mỗi độ Xuân về, Bác lại chuyển tải thông điệp, truyền cảm hứng và khát vọng mùa Xuân.
Tết Đinh Hợi năm 1947 mang không khí mùa Xuân “Cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió. Tiếng kèn kháng chiến vang dậy non sông. Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến. Chí ta đã quyết, lòng ta đã đồng… Sức ta đã mạnh, người ta đã đông. Trường kỳ kháng chiến, nhất định thắng lợi! Thống nhất độc lập, nhất định thành công”.
Tết Mậu Tý năm 1948 là mùa Xuân “Toàn dân đại đoàn kết. Cả nước dốc một lòng. Thống nhất chắc chắn được. Độc lập quyết thành công”. Tết Kỷ Sửu năm 1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh góp ý kiến tổ chức nhiều hình thức vui Tết lửa trại với cán bộ, nhân viên Văn phòng Phủ Chủ tịch ở Việt Bắc. Với đồng bào cả nước, Người chúc: “Người người thi đua. Ngành ngành thi đua. Ta nhất định thắng. Địch nhất định thua”.
Tết Canh Dần năm 1950 mang khí thế một mùa Xuân “Chuyển mau sang tổng phản công. Kháng chiến nhất định thắng lợi”. Tết Tân Mão năm 1951 “Xuân này kháng chiến đã năm Xuân. Nhiều Xuân thắng lợi càng gần thành công”. Xuân Nhâm Thìn 1952 “Chiến sĩ thi giết giặc. Đồng bào thi tăng gia. Năm mới thi đua mới. Thắng lợi ắt về ta”. Tết Xuân Qúy Tỵ 1953, Bác chúc “Mừng hậu phương phấn khởi. Mừng tiền tuyến toàn quân. Thi đua chiến thắng mới”.
Tết Xuân Giáp Ngọ 1954, Bác chúc “Kháng chiến, kiến quốc nhất định thành công”. Nhờ sự đoàn kết chặt chẽ của quân và dân dưới lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, chúng ta đã đại thắng ở Điện Biên Phủ. Lần đầu tiên trong lịch sử, một nước thuộc địa nhỏ yếu đã đánh thắng một nước thực dân hùng mạnh.
Mười lăm năm tiếp theo khi cả nước phải tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ cách mạng, mỗi độ Tết đến Xuân về, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại mang khát vọng mùa Xuân đến cho đồng bào và chiến sĩ cả nước. Trong đó, xúc động nhất là những năm cuối đời, khi Bác không còn khỏe, nhưng Người vẫn không quên gửi thư chúc mừng Xuân mới với niềm tin chắc thắng.
Thơ chúc Tết Mậu Thân năm 1968 của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1968) |
Xuân Mậu Thân năm 1968, Người viết: “Xuân này hơn hẳn mấy Xuân qua. Thắng trận tin vui khắp nước nhà. Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ. Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta!”. Xuân Kỷ Dậu năm 1969, Bác có thơ chúc Tết như một lời hịch chứa đựng trong đó một khát vọng, một quyết tâm, một niềm tin chắc thắng: “Năm qua thắng lợi vẻ vang. Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to. Vì độc lập, vì tự do. Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào. Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào. Bắc Nam sum họp, Xuân nào vui hơn!”.
Khi mùa Xuân vui nhất đến với chúng ta vào năm 1975, thống nhất đất nước, non sông thu về một mối, Bắc - Nam sum họp một nhà, thì Bác đã đi xa hơn 5 năm. Tuy đi xa nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn sống mãi trong sự nghiệp cách mạng của chúng ta.
Một dân tộc anh hùng, dưới sự lãnh đạo của Đảng quang vinh, trên nền tảng tư tưởng Hồ Chí Minh tỏ rõ ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Chúng ta tin tưởng đất nước ta nhất định sẽ lập nên kỳ tích phát triển mới đưa Việt Nam sải bước cùng thời đại, sánh vai với các cường quốc năm châu, thực hiện thành công tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh và ước vọng của toàn dân tộc ta. |
Từ năm 1975 đến nay, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, trong đó có hơn 35 năm đổi mới, Đảng và dân tộc ta quyết tâm xây dựng đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Đại hội XIII khẳng định chúng ta đã đạt được được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới. Đất nước, xã hội và con người đều đổi mới. Những thành tựu to lớn đó có nhiều nguyên nhân, nhưng sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Trong đổi mới, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Nhờ đó, Đảng đã khơi dậy được sức mạnh của toàn dân tộc. Bài học “dân là gốc” được nhận thức và phát huy cao độ trong công cuộc đổi mới.
Một dân tộc anh hùng, dưới sự lãnh đạo của Đảng quang vinh, trên nền tảng tư tưởng Hồ Chí Minh tỏ rõ ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Chúng ta tin tưởng đất nước ta nhất định sẽ lập nên kỳ tích phát triển mới đưa Việt Nam sải bước cùng thời đại, sánh vai với các cường quốc năm châu, thực hiện thành công tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh và ước vọng của toàn dân tộc ta.
Khát vọng và niềm tin đó vang lên mạnh mẽ trong Diễn văn bế mạc Đại hội XIII Đảng Cộng sản Việt Nam, Đại hội diễn ra trước thềm Xuân Tân Sửu, mang theo điều tốt lành, với niềm tự hào và tin tưởng sâu sắc vào sức mạnh, bản lĩnh, trí tuệ và ý chí của toàn Đảng, toàn dân tộc ta, vào tương lai tươi sáng của đất nước: “Vinh quang đời đời thuộc về dân tộc Việt Nam văn hiến và anh hùng! Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh muôn năm! Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam muôn năm! Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta!”(3)./.
PGS. TS. Bùi Đình Phong
__________________________
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2011, t.1, tr.98.
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.25.
(3) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H. 2021, t.II, tr.353.
Nguồn tin: tuyengiao.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn