ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN KỶ NIỆM 77 NĂM CÁCH MẠNG THÁNG TÁM (19/8/1945 - 19/8/2022) VÀ QUỐC KHÁNH NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM (2/9/1945 - 2/9/2022)

Thứ sáu - 12/08/2022 08:35
ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN KỶ NIỆM 77 NĂM CÁCH MẠNG THÁNG TÁM (19/8/1945 - 19/8/2022) VÀ QUỐC KHÁNH NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM (2/9/1945 - 2/9/2022)
          1. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - sự kiện vĩ đại của dân tộc và Cách mạng Việt Nam
          Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và nắm lấy ngọn cờ lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Bằng chính cương lĩnh, đường lối, phương pháp cách mạng đúng đắn của mình, dù trong điều kiện hoạt động bí mật, nửa bí mật, nửa công khai Đảng vẫn tuyên truyền, vận động và lôi cuốn được đông đảo quần chúng và tổ chức thành lực lượng hùng hậu cho cách mạng. Trải qua muôn vàn thử thách trong máu lửa đấu tranh, với các cao trào cách mạng như Xô Viết Nghệ - Tĩnh năm 1930 - 1931, Cao trào mặt trận dân chủ 1936 - 1939 và đầu những năm 40 của thế kỷ XX với cao trào chống phát xít, Đảng và Nhân dân ta đã có nhiều bài học kinh nghiệm quý giá chuẩn bị cho một cuộc cách mạng giải phóng, giành lại độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc.
          Đầu năm 1945, Chiến tranh thế giới lần thứ hai bước vào giai đoạn cuối. Hồng quân Xô Viết liên tiếp giành thắng lợi quyết định trên chiến trường châu Âu, giải phóng một loạt nước và tiến thẳng vào sào huyệt phát xít Đức tại Béc-lin. Ngày 9/5/1945, phát xít Đức đầu hàng vô điều kiện, chiến tranh kết thúc ở châu Âu. Ngày 08/8/1945, Hồng quân Liên Xô tiến công như vũ bão vào quân đội Nhật.
          Ngày 14/8/1945, phát xít Nhật đầu hàng vô điều kiện, chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc, tạo điều kiện cho nhân dân các nước thuộc địa và nửa thuộc địa châu Á đứng lên đấu tranh giải phóng dân tộc.
Ở trong nước, trải qua các cuộc diễn tập, đến năm 1945, phong trào cách mạng dâng cao. Tình hình quốc tế, trong nước có nhiều thuận lợi đòi hỏi Đảng ta phải có những quyết sách sáng suốt nhằm đẩy mạnh công tác chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền.
         Ngày 9/3/1945, Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương mở rộng quyết định phát động cao trào cách mạng làm tiền đề cho tổng khởi nghĩa, thay đổi các hình thức tuyên truyền, cổ động, tổ chức và đấu tranh cho thích hợp. Tháng 3/1945, Trung ương Đảng ra Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Tháng 4/1945, Trung ương triệu tập Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ, quyết định nhiều vấn đề quan trọng, thống nhất các lực lượng vũ trang thành Việt Nam giải phóng quân. Ngày 16/4/1945, Tổng bộ Việt Minh ra Chỉ thị tổ chức các Ủy ban Dân tộc giải phóng các cấp và chuẩn bị thành lập Ủy ban giải phóng Dân tộc Việt Nam, tức Chính phủ Lâm thời Cách mạng Việt Nam.
         Từ tháng 4/1945 trở đi, cao trào kháng Nhật cứu nước diễn ra mạnh mẽ, phong phú về nội dung và hình thức. Đầu tháng 5/1945, Bác Hồ từ Cao Bằng về Tuyên Quang, chọn Tân Trào làm căn cứ chỉ đạo cách mạng cả nước và chuẩn bị Đại hội quốc dân. Ngày 4/6/1945, Khu giải phóng Việt Bắc được thành lập, đặt dưới sự lãnh đạo của Ủy ban chỉ huy lâm thời, trở thành căn cứ địa của cả nước. Tháng 8/1945, Hội nghị đại biểu toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào (Tuyên Quang) khẳng định: “Cơ hội rất tốt cho ta giành độc lập đã tới” và quyết định phát động toàn dân khởi nghĩa giành chính quyền từ tay phát xít Nhật và tay sai trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương; đề ra ba nguyên tắc bảo đảm tổng khởi nghĩa thắng lợi, đó là: tập trung, thống nhất, kịp thời. 23 giờ ngày 13/8/1945, Ủy ban Khởi nghĩa ra Quân lệnh số 1 hiệu triệu toàn dân tổng khởi nghĩa.
          Ngày 16/8/1945, Đại hội Quốc dân họp tại Tân trào thông qua “10 chính sách lớn của Việt Minh”; thông qua “Lệnh tổng khởi nghĩa”; quy định quốc kỳ, quốc ca; thành lập Ủy ban Dân tộc giải phóng Trung ương, tức Chính phủ Lâm thời do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư kêu gọi nhân dân cả nước tổng khởi nghĩa, trong đó chỉ rõ: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân cả nước đồng loạt vùng dậy, tiến hành tổng khởi nghĩa, giành chính quyền. Từ ngày 14 đến ngày 18/8, cuộc tổng khởi nghĩa nổ ra giành được thắng lợi ở nông thôn đồng bằng Bắc Bộ, đại bộ phận miền Trung, một phần miền Nam và ở các thị xã: Bắc Giang, Hải Dương, Hà Tĩnh, Hội An, Quảng Nam... Ngày 19/8, khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở Hà Nội. Ngày 23/8, khởi nghĩa thắng lợi ở Huế và ở Bắc Cạn, Hòa Bình, Hải Phòng, Hà Đông, Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Định, Gia Lai, Bạc Liêu... Ngày 25/8, khởi nghĩa thắng lợi ở Sài Gòn - Gia Định, Kon Tum, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Trà Vinh, Biên Hòa, Tây Ninh, Ben Tre...
         Chỉ trong vòng 15 ngày cuối tháng 8/1945, cuộc tổng khởi nghĩa đã giành thắng lợi hoàn toàn, chính quyền trong cả nước về tay Nhân dân.
        Ngày 02/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội) lịch sử, trước cuộc mít tinh của gần một triệu đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố trước quốc dân và thế giới: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Từ đó, ngày 2/9 là Ngày Quốc khánh của nước ta.
       Với thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945, nhân dân ta đã đập tan xiềng xích nô lệ của thực dân, đế quốc trong gần một thế kỷ và chế độ quân chủ chuyên chế mấy nghìn năm, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam châu Á, nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành người dân một nước độc lập, làm chủ vận mệnh của mình. Nước Việt Nam từ một nước thuộc địa nửa phong kiến trở thành một nước độc lập, tự do và dân chủ. Đảng ta từ một Đảng hoạt động bí mật, bất hợp pháp trở thành một Đảng cầm quyền. Từ đây, đất nước, xã hội, dân tộc và con người Việt Nam bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
       Cách mạng Tháng Tám là thắng lợi của chủ nghĩa Mác-Lênin được vận dụng sáng tạo vào hoàn cảnh cụ thể của cách mạng Việt Nam; là thắng lợi của tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối cách mạng của Đảng ta gắn độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội, gắn sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; là sự thể nghiệm thành công đầu tiên chủ nghĩa Mác-Lênin tại một nước thuộc địa ở châu Á. Đây còn là quá trình phát triển tất yếu của lịch sử dân tộc trải qua mấy nghìn năm phấn đấu, đỉnh cao của ý chí quật cường, sức mạnh cố kết cộng đồng, tầm cao trí tuệ của dân tộc hòa quyện với chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh với xu thế của thời đại vì hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội, vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
         Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám cổ vũ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở các nước bị chủ nghĩa đế quốc thực dân áp bức, thống trị. Nó khẳng định rằng, trong điều kiện trào lưu của cách mạng vô sản, cuộc cách mạng do một đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo không chỉ có thể thành công ở một nước tư bản kém phát triển, nơi mắt xích yếu nhất của chủ nghĩa đế quốc mà còn có thể thành công ở ngay một nước thuộc địa nửa phong kiến lạc hậu để đưa cả dân tộc đó đi lên theo con đường của chủ nghĩa xã hội.
          Cách mạng Tháng Tám như một quả bom có sức công phá mạnh làm sụp đổ một mảng quan trọng thành trì của chủ nghĩa thực dân kiểu cũ, thức tỉnh các dân tộc bị áp bức bóc lột vùng dậy, báo hiệu một kỷ nguyên mới của loài người: kỷ nguyên độc lập tự do và chủ nghĩa xã hội. Đúng như Hồ Chủ tịch nói: “với thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám, chẳng những giai cấp lao động và Nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng: lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”.
         Tại Ba Đồn, sau khi đặt ách cai trị, thực dân Pháp đã ra sức khai thác, bóc lột cùng với nạn đói năm 1945 đã làm cho đời sống Nhân dân cực kỳ khốn khổ và điêu đứng chưa từng thấy. Tuy nhiên, trước sự suy yếu của Thực dân Pháp, sự thất bại của phát xít Nhật; dưới sự lãnh đạo của Đảng quần chúng Nhân dân Ba Đồn vô cùng phấn khởi. Tinh thần dân tộc trỗi dậy mạnh mẽ, phong trào yêu nước chống Pháp tại Ba Đồn diễn ra sôi nổi. Những yếu tố đó đã trở thành tiền đề trực tiếp cho cuộc vận động cách mạng, giành chính quyền Tháng Tám năm 1945 tại Quảng Bình nói chung và Ba Đồn nói riêng.
          Ba Đồn là cái nôi của cách mạng, nơi đây các chi bộ Đảng ra đời từ rất sớm như: chi bộ Lũ phong (tháng 10/1933), chi bộ Thổ Ngọa (tháng 11/1937), chi bộ Trung Thôn (tháng 7/1939). Sau khi nhận được tin Nhật đầu hàng Đồng minh (ngày 15/8/1945), dưới sự lãnh đạo của Phủ ủy, nhân dân đã chuẩn bị mọi điều kiện cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền sắp nổ ra.
          Ngày 14/8/1945, Chính phủ Nhật tuyên bố đầu hàng Đồng minh làm cho bọn Nhật ở Đông Dương hoang mang, lo lắng. Ngày 15/8/1945, cơ sở Việt Minh ở Đồng Hới báo cho tỉnh bộ Việt Minh. Tỉnh bộ Việt Minh đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp để bàn kế hoạch khởi nghĩa giành chính quyền khi có lệnh của Tổng bộ Việt Minh.
         Trong lúc lực lượng cách mạng đang khẩn trương chuẩn bị lực lượng khởi nghĩa thì bọn ngụy quyền ở Ba Đồn từ tổng đồn các làng xã hoang mang lo sợ, một số tên chủ động liên hệ với Ủy ban khởi nghĩa để có chốn thoát thân. Lính Nhật không còn nghêng ngang như trước mà ở trong thế an binh bất động.
         Đúng như kế hoạch đã định. Đêm 22/8, lực lượng tự vệ và quần chúng trong các tổ chức cứu quốc của Mặt trận Việt Minh đã tập trung về Lũ Phong, Tiên Lệ và Thổ Ngọa. Ngay trong đêm 22/8 lực lượng tự vệ triển khai phong tỏa đường vào chợ Ba Đồn, bao vây, đột nhập các công sở, phủ lỵ… Mờ sáng ngày 23/8, các đoàn biểu tình của Mặt trận Việt Minh tiến về phủ lỵ. Họ mang theo băng cờ, gươm dao, giáo mác, gậy gộc ào ào kéo vào phủ lỵ hô vang khẩu hiệu “Đả đảo phát xít Nhật - Pháp”, “Đả đảo chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim”, “ủng hộ mặt trận Việt Minh”. Trước khí thế sôi sục của quần chúng cách mạng, tên tri phủ và bọn tay sai xin đầu hàng. Hôm sau là phiên chợ Ba Đồn, trước hàng ngàn người từ khắp nơi về phiên chợ, Ủy ban khởi nghĩa mít tinh tại chợ, tuyên bố với đồng bào cuộc khởi nghĩa đã thành công. Chính quyền cách mạng được thành lập.
          II. Đảng bộ, chính quyền, quân và dân thị xã Ba Đồn phấn đấu xây
dựng thị xã ngày càng văn minh, giàu đẹp

         Kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, Đảng bộ và Nhân dân thị xã Ba Đồn đã và đang nỗ lực phấn đấu xây dựng thị xã trở thành khu kinh tế trọng điểm phía bắc của tỉnh.
         Thời gian qua, trước tình hình diễn biến của dịch bệnh Covid-19 nhưng với sự đoàn kết thống nhất cao, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã đã tổ chức thành công Đại hội đảng các cấp và Đại hội đại biểu Đảng bộ thị xã lần thứ XXV, nhiệm kỳ 2020-2025; bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội động Nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026 và các sự kiện chính trị quan trọng khác, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành các nhiệm vụ chính trị của địa phương.
         Trong năm 2021, mặc dù tình hình dịch bệnh đã ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển kinh tế. Nhiều hoạt động kinh tế bị ngưng trệ, tuy nhiên với sự nỗ lực của toàn thị xã, thực hiện mục tiêu kép “triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trong phòng chống dịch và hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra”. Có 13/16 chỉ tiêu kinh tế đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tổng sản lượng lương thực đạt 30.318 tấn đạt 107,7% KH. Thu ngân sách đạt 433 tỷ 167 triệu đồng, đạt 132,93% dự toán. Thu nhập bình quân đầu người đạt 46,8 triệu. Văn hoá, xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, tỷ lệ gia đình đạt chuẩn văn hóa 85,5%; giáo dục đào tạo được chú trọng có 50/57 trường đạt chuần quốc gia, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,38%. Các hoạt động văn hoá, giáo dục, y tế, thông tin, truyền thông được triển khai thực hiện đầy đủ, đảm bảo phục vụ nhu cầu của người dân. Chính sách an sinh xã hội được triển khai kịp thời, nhất là các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.  
         Công tác xây dựng Đảng được đổi mới theo hướng cụ thể, sát thực tiễn. Việc học tập, tuyên truyền và triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, của tỉnh và của thị xã ngày càng nâng cao chất lượng, hiệu quả; việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 ( khóa XIII) về xây dựng Đảng gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được triển khai kịp thời, nghiêm túc, ngày càng lan toả và đi vào thực chất; Các hoạt động thông tin tuyên truyền; đấu tranh, phản bác những thông tin xấu, độc trên mạng xã hội; nghiên cứu học tập lý luận chính trị; tuyên truyền các ngày lễ lớn, sự kiện quan trọng của Trung ương và của tỉnh của thị xã được quan tâm chỉ đạo thực hiện và đạt được nhiều kết quả tích cực. Quốc phòng an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Tổ chức bộ máy hành chính được tinh gọn, từng bước khắc phục sự chồng chéo, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ.
         6 tháng đầu năm 2022, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, giá xăng tăng cao do tình hình chính trị thế giới bất ổn đã ảnh hưởng toàn diện, sâu rộng đến tất cả các hoạt động kinh tế - xã hội. Nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Thị ủy, UBND thị xã, cùng với sự nỗ lực phấn đấu của đảng bộ và nhân dân thị xã, 6 tháng đầu năm 2022 tình hình kinh tế, xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, giá trị sản xuất Công nghiệp-NNNT đạt 708 tỷ 152 triệu đồng, tăng 3,48% so với cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẽ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 3.314 tỷ 570 triệu đồng đạt 52,61% KH., tăng 15,93% so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu ngân sách 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt 244 tỷ 197 triệu đồng đạt 67,71%KH tỉnh giao; giải quyết việc làm cho 1.925 lao động đạt 64,17% KH. Các công trình, dự án trọng điểm tiếp tục được quan tâm đầu tư xây dựng. Đời sống Nhân dân cơ bản ổn định, các chính sách đối với người có công, người cao tuổi, trẻ em, thanh thiếu niên, gia đình, bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ thực hiện tốt, bảo đảm an sinh xã hội; chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân ngày càng nâng cao. Giáo dục có sự tiến bộ ở tất cả các cấp học. Các hoạt động văn hóa thông tin, thể thao có nhiều thành tích nổi bật. Công tác cải cách hành chính, giải quyết khiếu nại, tố cáo,… đều có nhiều cải thiện, tích cực đổi mới, nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thị xã.
         Phát huy truyền thống cách mạng, trong thời gian tới Đảng bộ và Nhân dân thị xã Ba Đồn đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra, xây dựng quê hương ngày càng đổi mới, phát triển./.

Tác giả bài viết: BAN TUYÊN GIÁO THỊ ỦY BA ĐỒN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê
  • Đang truy cập99
  • Hôm nay3,727
  • Tháng hiện tại576,854
  • Tổng lượt truy cập40,846,385
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây