Tiếng ông giám đốc: “Cậu về đi! Tôi đã quyết rồi, không xem xét gì hết”. Tiếng anh trưởng phòng khẩn khoản: “Báo cáo giám đốc, tôi mới đi công tác về ở nhà anh phó trưởng phòng trình giám đốc, nhưng do sơ suất…. Ông giám đốc cắt lời: “Không nhưng gì hết! Các cậu coi quyết định của tôi là trò hề à?”. Giọng anh trưởng phòng vẫn chậm rãi, kiên nhẫn: “Không phải vậy ạ. Từ kết quả kiểm tra thực tế tình hình dịch Covid-19 phức tạp, tôi đề nghị giám đốc xem xét lại cho bổ sung thêm một số nội dung mới phát sinh…”. Ông giám đốc vẫn khăng khăng: “Tôi đã quyết rồi, không bổ sung gì hết”. Anh trưởng phòng thẳng thắn hơn: “Thưa giám đốc, nếu không xem xét lại thì phần phát sinh mới chúng tôi không thể thực hiện được”. Ông giám đốc gằn giọng: “Tôi đã nói không là không, sao cậu cứ lải nhải thế nhỉ?”. Giận quá anh trưởng phòng nói như run lên: “Tôi trình bày với giám đốc là vì nhiệm vụ chung chứ không phải vì lợi ích của cá nhân tôi. Giám đốc đừng cậy quyền, cậy thế cấp trên mà nói tôi “lải nhải””. Ông giám đốc nổi nóng: “Không nói nhiều. Cậu ra khỏi phòng tôi ngay”. Anh trưởng phòng mặt đỏ bừng đầy vẻ ấm ức bước ra khỏi phòng giám đốc.
Chứng kiến cuộc đấu khẩu giữa ông giám đốc nọ với anh trưởng còn có cô nhân viên với chiếc cặp tài liệu trên tay. Qua tâm sự của cô nhân viên, “Sếp” cơ quan là người nổi tiếng gia trưởng. Giám đốc kiểm soát hết mọi thứ và luôn tìm cách bắt mọi người phải làm theo quyết định của mình. Cũng họp, cũng bàn cả đấy nhưng “Sếp” lèo lái, can thiệp, áp đặt để mọi người phải theo quyết định của mình. Giám đốc đã quyết gì thì cấp dưới miễn “bàn ra, bàn vào”. Cách tốt nhất là cứ thế mà làm, bất biết đúng, sai. Cấp dưới dù giỏi giang, sắc sảo và trách nhiệm đến mấy thì ý kiến đưa ra cũng chỉ là hình thức cho vui thôi chứ chẳng bao giờ “Sếp” để ý tới. Chuyện “Sếp” quát tháo, chì chiết, thậm chí miệt thị và đuổi cấp dưới như anh trưởng phòng nọ không phải là hiếm. Biết tính “Sếp” thế nên phần lớn mọi người trong cơ quan an phận. Một vài anh có trình độ và bộc trực mỗi khi “Sếp” quyết việc gì không đúng, không hợp lý là hay phản ứng. Vì không hài lòng về căn bệnh gia trưởng của “Sếp” nên có anh đã xin chuyển công tác…
Từ câu chuyện về ông giám đốc nọ nhìn rộng ra mới thấy, trong cuộc sống hiện đại tình trạng gia trưởng, độc đoán, chuyên quyền không phải đã hết. Không chỉ trong phạm vi gia đình mà gia trưởng còn lan ra ngoài xã hội và trở thành căn bệnh thường gặp ở những người có quyền cao, chức trọng, cán bộ chủ trì, người đứng đầu các địa phương, cơ quan, đơn vị. Trong xã hội hiện đại biểu hiện của căn bệnh này ngày càng tinh vi và khó nhận biết hơn. Trong cơ quan, đơn vị, tổ chức, người cán bộ chủ trì, chủ chốt mắc bệnh gia trưởng thường núp bóng nguyên tắc lãnh đạo tập trung, dân chủ “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”. Thoạt nhìn cứ ngỡ họ đề cao, tôn trọng tập thể, tôn trọng cấp ủy, nhưng thực chất tập thể, cấp ủy chỉ là bình phong để cán bộ gia trưởng hợp thức hóa quyết định vô nguyên tắc của mình. Cán bộ cấp dưới, nhân viên khó chấp nhận những cán bộ gia trưởng, độc đoán, chuyên quyền. Chính sự gia trưởng, độc đoán của cán bộ chủ chốt tạo bầu không khí làm việc nặng nề, căng thẳng và mất đoàn kết trong cơ quan, đơn vị. Vì thế đối với cán bộ, nhất là cán bộ chủ trì, chủ chốt đừng biến mình thành người “giỏi” gia trưởng, độc đoán. Vấn đề là ở chỗ người cán bộ chủ trì, chủ chốt lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan, đơn vị tiết chế hài hòa giữa tính quyết đoán của cá nhân và thực hành đúng nguyên tắc tập trung, dân chủ.
Đảng ta xác định dân chủ vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển. Dân chủ là cần thiết để huy động trí tuệ của tập thể. Trong công việc một cái đầu lo nghĩ không bằng nhiều cái đầu cùng lo và trên cơ sở ý kiến của mọi người để cấp trên đưa ra quyết định. Làm được như vậy chắc chắn quyết định của người chủ trì sẽ đúng đắn, phù hợp và đem lại hiệu quả cao. Mở rộng dân chủ chính là phương cách để các chủ trương, quyết sách của lãnh đạo sáng suốt, đúng đắn và được thực hiện nhanh hơn, chất lượng hơn. Tất nhiên dân chủ phải có kỷ cương chứ không được quá đà, không được lợi dụng dân chủ để thực hiện những hành vi sai trái. Nếu dân chủ quá chớn và cấp trên không chủ động trong quyết định vấn đề thì dễ rơi vào tình cảnh “đẽo cày giữa đường”.
Cán bộ gia trưởng, độc đoán dễ dẫn đến đưa ra những quyết định thiếu sáng suốt, thậm chí sai lầm, gây tổn hại cho tổ chức, cho tập thể. Nếu cấp trên mắc bệnh gia trưởng thì dễ xảy ra tình trạng trong cơ quan, đơn vị cấp dưới vì sợ cấp trên nên không dám tham gia đóng góp ý kiến hoặc cấp dưới nghĩ nêu ý kiến cũng chẳng ai để ý, cũng chẳng để làm gì nên thôi tốt nhất là… im lặng. Nếu tình trạng ấy xảy ra thì khi gặp những tình huống khó khăn, nhạy cảm, phức tạp người cán bộ mắc bệnh gia trưởng, độc đoán dễ rơi vào bế tắc trong cách tháo gỡ.
Là cán bộ, nhất là cán bộ chủ trì, chủ chốt quyết đoán, kiên định quan điểm cá nhân là tốt nhưng cùng với đó phải biết tôn trọng tập thể và lắng nghe ý kiến cấp dưới. Trong thực tiễn, nhiều vấn đề, nhiều tình huống, chính từ ý kiến của cấp dưới mà mở ra cho cấp trên những ý tưởng tốt, biện pháp hay, cách làm sáng tạo, mang lại hiệu quả thiết thực. Cán bộ chủ trì, chủ chốt đừng bao giờ nghĩ mình là cán bộ cấp trên nên biết tuốt, mình giỏi toàn diện, mình đúng hết, cấp dưới, nhân viên chỉ có im lặng nghe và răm rắp làm theo như một cỗ máy thế là đủ. Là cán bộ, nhất là cán bộ chủ trì, chủ chốt đừng nên hơi một tý là quát tháo, thậm chí là mắng chửi, lăng mạ, sỉ nhục, xúc phạm, dọa dẫm cấp dưới. Làm như sẽ làm cho mối quan hệ trên dưới căng thẳng, ảnh hưởng không tốt đến bầu không khí đoàn kết, dân chủ trong cơ quan. Cán bộ cấp trên không tôn trọng, quan tâm lắng nghe ý kiến, tâm tư của mọi người trong cơ quan, đơn vị thì cấp dưới sẽ xa lánh, không muốn gần gũi, chia sẻ với cấp trên.
Nhà lãnh đạo giỏi phải biết tôn trọng cấp dưới, biết khai thác, phát huy mọi khả năng, thế mạnh của từng người. Cán bộ chủ trì, chủ chốt phải làm sao để bất kể khi nào mình cần là cấp dưới có mặt dốc lòng, dốc sức, đồng cam, cộng khổ cùng mình lo lắng nhiệm vụ chung. Làm lãnh đạo còn phải nhạy cảm, tinh tế và thấu hiểu tính cách của cấp dưới để khi cần xử lý các tình huống, giải quyết các mối quan hệ sao cho được việc chung mà vẫn giữ được hòa khí và mối đoàn kết thống nhất trong cơ quan, đơn vị. Cán bộ, nhất là những người giữ vai trò chủ trì, chủ chốt sẽ được nhân viên, cấp dưới nể phục, tôn trọng và hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo sẽ nâng cao nếu điều tiết hài hòa giữa tập trung và dân chủ.
MINH NGỌC
Nguồn tin: tuyengiao.vn:
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn