Chấn chỉnh tình trạng lạm dụng ngôn ngữ trên mạng

Thứ ba - 22/02/2022 14:52

Chấn chỉnh tình trạng lạm dụng ngôn ngữ trên mạng

Sự xuất hiện của Internet đã tạo ra một bước ngoặt lớn trong lịch sử phát triển của văn minh nhân loại. Và từ đây, internet kéo theo một số thay đổi trong cuộc sống của nhiều cộng đồng dân cư, trong phong cách, thói quen, sở thích,... của nhiều người. Riêng về ngôn ngữ, bên cạnh những yếu tố tích cực, tiếp cận kịp thời sự phát triển của khoa học-công nghệ, đã xuất hiện thói quen sử dụng "ngôn ngữ mạng" lệch chuẩn ở một bộ phận người dùng với nhiều hạn chế có thể tác động tiêu cực đến giới trẻ, nên sớm cần được quan tâm chấn chỉnh cho phù hợp. 
 Học sinh Trường tiểu học Achimedes hào hứng với Ngày hội Ðọc sách năm 2021. (Ảnh chụp trước đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4)
Học sinh Trường tiểu học Achimedes hào hứng với Ngày hội Ðọc sách năm 2021.
(Ảnh chụp trước đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4)

"Ngôn ngữ mạng" là khái niệm thường được sử dụng để chỉ cách nói/cách viết được sử dụng trên môi trường mạng, chủ yếu là các địa chỉ phi chính thống như các mạng xã hội Facebook, YouTube, Twitter, TikTok, Instagram,… đến nhiều kênh giao tiếp khác như Zalo, Viber, WhatsApp, và thường được thể hiện qua livestream, comment, chát... Gọi là phi chính thống nhưng ảnh hưởng của chúng trong cuộc sống hằng ngày của mỗi cộng đồng lại vô cùng to lớn.
 
Chính vì thế, trước tình trạng thói quen thể hiện ngôn ngữ qua các kênh kể trên của một số lượng người sử dụng không nhỏ có độ chênh nhất định so với ngôn ngữ được sử dụng như chuẩn mực giao tiếp, giảng dạy, học tập, đưa vào sách vở, nhiều bậc phụ huynh không khỏi lo ngại về việc các diễn đạt ngôn ngữ phi chính thống đó sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến việc tiếp thu ngôn ngữ chuẩn mực của con em mình.
 
Quan sát các trang mạng xã hội, có thể dễ dàng thấy nhiều biểu hiện của sự lệch lạc tiếng Việt trong cách nói và cách viết, từ việc làm biến dạng vỏ từ ngữ hay cố tình viết sai chính tả, chẳng hạn: buồn viết thành bùn, luôn thành lun, rồi viết thành rùi, nhé viết thành nhóe, nhá thành ná, xinh thành xưn/xuynh/xynh, mình thành mềnh, yêu thành iu, thế thành thía,… làm sao thành nàm thao, như này thành dư lày, rồi thành dồi, sợ thành xợ, cô giáo thành kô záo, giá cả thành zá cả, trai đẹp thành zai đẹp, đẹp trai thành đập chai… Một số bạn trẻ còn tạo ra lối viết tắt từ đơn giản đến phức tạp như: chồng thành ck, vợ thành vk, trước thành trc, được thành dc, với thành vs, ha ha thành kk…
 
Ðể tránh sự kiểm soát của phụ huynh, nhiều bạn trẻ còn tự quy ước với nhau để tạo ra cách viết chỉ hai người hoặc người trong nhóm mới hiểu được. Những lối ví von kiểu mới được nhiều người ưa dùng thoạt nhìn có dáng dấp như thành ngữ, tục ngữ nhưng thực chất đều là những đơn vị mới được giới trẻ cấu tạo và sử dụng như ngôn từ hằng ngày của họ: Buồn như con chuồn chuồn, phê như con tê tê, ác như con tê giác, chán như con gián, hổ báo trường mẫu giáo, dân chơi không sợ mưa rơi… Ða số đơn vị ngôn từ như thế chỉ liên kết về mặt hiệp vần cho vui tai chứ không có liên hệ về mặt ngữ nghĩa như các câu thành ngữ, tục ngữ cổ truyền, mẫu mực.
 
Cùng với việc làm méo mó, biến dạng tiếng Việt, hiện tượng chêm xen tiếng Anh vào câu chuyện hằng ngày hoặc trên các kênh giao tiếp của giới trẻ ngày càng trở nên dày đặc, các từ ngữ tiếng Anh được sử dụng với tần số cao. Trong nhiều trường hợp, điều này tạo ra trở ngại khi người lớn tuổi muốn giao tiếp hoặc muốn đọc thông tin từ phía người trẻ. Nhiều đơn vị từ ngữ nay đã trở thành cửa miệng của giới trẻ như: check in, bill, deadline, online, off, live, show, sale, menu, lập team… Rồi là nói tắt, viết tắt với tiếng Anh như BWF, one for night (149)…
 
Không chỉ có thế, việc chêm xen tiếng Anh còn bị lạm dụng trong nhiều bài hát do giới trẻ sáng tác và đã được phát tán/xuất bản một cách khá tự do trên mạng, đôi khi nằm ngoài sự kiểm soát của cơ quan chức năng. Ðiển hình như trường hợp một số ca sĩ có số người hâm mộ đông đảo thường xuyên sáng tác, thể hiện những ca khúc có ca từ chêm xen các câu, từ tiếng Anh. Có người viết nhạc trẻ tuổi còn "sính ngoại" đến mức không chỉ chêm xen tiếng Anh vào ca từ như "Why it’s me. Làm sao đây? trước mắt tôi là... Tell me... Khi tất cả những yêu thương sau lưng chỉ là dối trá. I can’t suffer unpredictable things you did to me" (bài: Không cần thêm một ai nữa) mà còn sử dụng cả nghệ danh "như Tây" là Mr.Siro ft. BigDaddy!
 
Tình trạng cách nói, cách viết tiếng Việt lệch chuẩn xuất hiện tràn lan và có xu hướng ngày càng tăng trong thời gian qua đang gây nhức nhối, phản cảm, lo lắng với nhiều người, đặc biệt là những người quan tâm tới việc giữ gìn những giá trị văn hóa dân tộc, trong đó có ngôn ngữ.
 
Thực ra, không phải đến hôm nay chúng ta mới phải lên tiếng về các vấn đề liên quan tiếng Việt. Ngay từ năm 1966, Thủ tướng Phạm Văn Ðồng từng phát động phong trào Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Khi ấy, một hội thảo trang trọng được tổ chức đã quy tụ sự tham gia của rất nhiều trí thức nổi tiếng với hàng trăm báo cáo, tham luận đều xoay quanh vấn đề làm sao để nói và viết tiếng Việt ngày càng trở nên hay hơn, đúng hơn, chính xác và hấp dẫn hơn. Ðiều ấy cũng đồng nghĩa với việc tiếng Việt cần đạt được sự chuẩn hóa trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong các văn bản có tính pháp quy, trong các tác phẩm được xuất bản, in ấn trên lãnh thổ Việt Nam.
 
Khi internet như đã trở thành yếu tố không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại, chúng ta buộc phải chấp nhận một môi trường hoạt động mới của tiếng Việt, đó là môi trường mạng cùng sự ra đời của "ngôn ngữ mạng".
 
Về cơ bản, tiếng Việt thể hiện qua "ngôn ngữ mạng" vẫn nằm trong cơ chế chung của các quy tắc đã được cộng đồng thừa nhận về từ vựng, ngữ âm, ngữ pháp. Nhưng sự quá đà của một bộ phận người sử dụng internet, nhất là giới trẻ khiến không ít người lo ngại về việc tiếng Việt mất đi vẻ đẹp chuẩn chỉ, sự trong sáng tự nhiên. Hơn thế nữa, khi trẻ em tiếp xúc với mạng internet ngày càng sớm thì ảnh hưởng của cách nói, cách viết lệch chuẩn như thế vào các tâm hồn ngây thơ, trong sáng là điều khá rõ ràng, ai cũng cảm nhận được. Nhiều phụ huynh không khỏi giật mình khi thấy con em họ mới học lớp 1, lớp 2 đã thuộc rất nhanh những câu rap ngắt nhịp với nội dung khá thô tục và suồng sã, đang bị nhiều người lên án như: "Em đừng la/liếm anh, Anh bỏ hồng/trần vì em, Không bao/giờ bế con…".
 
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nặng nề suốt thời gian qua, nhiều trường học phải đóng cửa, học sinh phải học online, việc truy cập vào internet là điều tất yếu, vì thế sự tiếp xúc với những cách nói cách viết thiếu chuẩn mực ngày càng lan tràn với tốc độ chóng mặt. Vậy làm thế nào để có thể giải quyết được tình trạng nêu trên?
 
Khi dịch bệnh còn nhiều phức tạp như hiện tại, nhiều trẻ em ở thành phố, ngoài giờ học rất dễ nguy cơ chỉ biết đắm mình trong trò chơi điện tử, phim hoạt hình, hoặc một số trang mạng xã hội. Các em thiếu đi sự định hướng trong đọc sách để mở rộng khả năng ngôn ngữ, và bị hạn chế về vận động, tương tác với môi trường bên ngoài, xa lạ trước những vẻ đẹp của thế giới tự nhiên. Do đó sự phối hợp giáo dục giữa gia đình và nhà trường càng phải được tiến hành một cách sâu sát, cụ thể. Chỉ khi đem đến cho các em vẻ đẹp đích thực của đời sống và ngôn ngữ, thì những biểu hiện lệch chuẩn mới từng bước bị đẩy lùi. Các thầy cô giáo dạy Ngữ văn trong trường phổ thông, bên cạnh các tác phẩm bắt buộc phải học trong chương trình, nên giới thiệu với học sinh các tác phẩm cần đọc, phù hợp với từng lứa tuổi của các em. Khuyến khích các em đến với tác phẩm văn học phù hợp, qua vẻ đẹp của ngôn ngữ âm nhạc, qua tục ngữ, ca dao, dân ca, đặc biệt là qua giao tiếp hằng ngày của phụ huynh và người lớn tuổi,… chúng ta có thể giúp các em cảm nhận và tiếp nhận được cái hay, cái đẹp trong tiếng nói của cha ông.
 
Bên cạnh đó, lối nói tắt, viết tắt, cố tình viết sai chính tả hầu như chỉ có cơ hội tồn tại trên môi trường mạng, bởi khi thực hiện bài vở trên lớp, học sinh, sinh viên vẫn phải viết theo những chuẩn mực đã được tiếp thu từ môi trường giáo dục chính thống. Cũng cần bình tĩnh để nhìn nhận rằng, xét cho cùng, việc giới trẻ sử dụng tiếng Việt với nhiều lệch chuẩn chỉ là một lát cắt rất nhỏ trong dòng chảy bất tận của tiếng Việt. Không vì một vài cá nhân hoặc một nhóm người mà tiếng Việt lại dễ dàng thay đổi diện mạo nghìn đời của nó. Chỉ cái hay, cái đẹp, cái hợp lý và tiện dụng mới là những thứ có cơ hội ở lại lâu dài và bền vững cùng cộng đồng. Tuy nhiên, để giảm bớt những tác động tiêu cực đến thói quen sử dụng ngôn ngữ, góp phần định hướng một cách tốt nhất cho các thế hệ con em chúng ta khi nói và viết tiếng Việt, bên cạnh sự chung tay của cả xã hội, rất cần đến sự vào cuộc tích cực của các nhà khoa học, đội ngũ giáo viên, các cơ quan hữu quan, các đơn vị có trách nhiệm trong việc bảo vệ, xây dựng giá trị, chuẩn mực văn hóa cho cộng đồng.
 
Thực tế, việc sử dụng ngôn ngữ trên mạng đã và đang có sự kiểm soát khá hiệu quả từ phía người quản lý, điều hành. Những phát ngôn, hình ảnh thiếu chuẩn mực đều bị nhắc nhở, thậm chí chủ nhân của phát ngôn, hình ảnh xấu phải chịu xử phạt với những mức độ khác nhau. Ðiều này là cần thiết và cần đẩy mạnh hơn nữa nhằm góp phần gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt. Bên cạnh đó, những cá nhân có ảnh hưởng trong cộng đồng mạng, nhất là người nổi tiếng, cần nâng cao trách nhiệm và ý thức trong việc sử dụng ngôn ngữ hằng ngày của mình trên các trang cá nhân, từ đó hỗ trợ và đem đến những tác động tích cực với xã hội nói chung, với sự phát triển của trẻ em nói riêng. Và sự nỗ lực của mỗi người sẽ tạo ra động lực để toàn xã hội thêm yêu tiếng Việt như một tình cảm tự nhiên, nhân bản, còn mãi trong trái tim mỗi người Việt Nam.
 
Theo ÐỖ ANH VŨ (Nhân Dân)

Nguồn tin: www.baoquangbinh.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

GIỚI THIỆU TỔNG QUAN WEBSITE BADONTV.VN - TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP TRUNG TÂM VĂN HÓA-THỂ THAO VÀ TRUYỀN THÔNG THỊ XÃ BA ĐỒN

Địa chỉ Website: badontv.vn Tên gọi: BĐRT (BaDon Radio Television) Trang thông tin điện tử tổng hợp Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông (Trung tâm VH-TT&TT) thị xã Ba Đồn. Tôn chỉ, mục đích: Website được xây dựng, hoạt động nhằm đăng tải, lưu trữ các văn bản bao gồm tin tức, sự kiện,...

Thống kê
  • Đang truy cập108
  • Máy chủ tìm kiếm22
  • Khách viếng thăm86
  • Hôm nay32,844
  • Tháng hiện tại843,570
  • Tổng lượt truy cập33,482,145
SĐT nhận cung cấp thông tin
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây