CHỦ TRƯƠNG, NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP VỀ XÂY DỰNG Ý THỨC TÔN TRỌNG NHÂN DÂN, PHÁT HUY DÂN CHỦ, CHĂM LO ĐỜI SỐNG NHÂN DÂN TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY
Thứ hai - 25/03/2019 21:15
1. Chủ trương của Đảng
a) Về xây dựng ý thức tôn trọng Nhân dân:
- Quán triệt sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công". Cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân, vì Nhân dân; Nhân dân là chủ, Nhân dân làm chủ; tin tưởng ở trí tuệ của Nhân dân, tin vào sức mạnh và lực lượng của Nhân dân để làm cách mạng.
- Đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, hách dịch, cửa quyền trong đội ngũ cán bộ, đảng viên.
- Xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả cơ chế phát huy vai trò của Nhân dân tham gia xây dựng Đảng.
- Xây dựng đội ngũ đảng viên thật sự tiên phong, gương mẫu, trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm cao trong công việc, có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức cách mạng, ý thức tổ chức kỷ luật và năng lực hoàn thành nhiệm vụ, vững vàng trước mọi khó khăn, thách thức, phấn đấu cho mục tiêu, lý tưởng của Đảng.
- Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, tăng cường quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân; có kế hoạch thường xuyên tìm hiểu tình hình đời sống, tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân để có chủ trương, biện pháp xử lý đúng đắn, kịp thời.
- Củng cố vững chắc niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân; tập hợp, vận động Nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát huy sức mạnh to lớn của Nhân dân, tạo thành phong trào cách mạng rộng lớn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
- Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng về công tác dân vận trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Đội ngũ cán bộ, đảng viên phải thật sự tin dân, trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân, có trách nhiệm với dân. Giải quyết kịp thời, có hiệu quả những bức xúc, những kiến nghị chính đáng của Nhân dân và khiếu nại, tố cáo của công dân.
b) Về phát huy dân chủ:
- Tiếp tục phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phải xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, được nhân dân tham gia ý kiến.
- Thể chế hóa và nâng cao chất lượng các hình thức thực hiện dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện. Thực hiện quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013; gắn quyền với trách nhiệm, nghĩa vụ, đề cao đạo đức xã hội. Tiếp tục thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở; hoàn thiện hệ thống pháp luật, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân.
- Để thực hiện dân chủ trong xã hội, trước hết phải bảo đảm phát huy dân chủ trong Đảng là hạt nhân để phát huy đầy đủ dân chủ trong xã hội. Đẩy mạnh dân chủ hóa xã hội để phát huy quyền làm chủ của nhân dân, vai trò chủ động, sáng tạo của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân.
- Các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị tập trung giải quyết những bức xúc, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân, nhất là những vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống, việc làm, đền bù thu hồi đất đai, tai nạn giao thông, tệ nạn xã hội. Trong xây dựng thể chế, chính sách, cần quán triệt và thực hiện nghiêm nguyên tắc: mọi chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phải thuận với lòng dân, xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của Nhân dân.
- Quan tâm điều chỉnh hài hòa lợi ích giữa các giai tầng xã hội, các vùng miền, các lĩnh vực; gắn nghĩa vụ với quyền lợi, cống hiến với hưởng thụ, lợi ích cá nhân với lợi ích tập thể và cộng đồng, xã hội.
- Xử lý nghiêm minh những vụ việc tiêu cực, tham nhũng; giải quyết dứt điểm những vụ việc khiếu kiện đông người phức tạp, kéo dài.
- Phát huy dân chủ phải đi liền với tăng cường pháp chế, đề cao trách nhiệm công dân, giữ vững kỷ luật, kỷ cương và đề cao đạo đức xã hội.
c) Chăm lo đời sống cho Nhân dân:
- Động lực thúc đẩy phong trào Nhân dân là phát huy quyền làm chủ, đáp ứng lợi ích thiết thực của Nhân dân; kết hợp hài hòa các lợi ích; quyền lợi phải đi đôi với nghĩa vụ công dân; chú trọng lợi ích trực tiếp của người dân; huy động sức dân phải đi đôi với bồi dưỡng sức dân; những gì có lợi cho dân thì hết sức làm, những gì có hại cho dân thì hết sức tránh.
- Tiếp tục hoàn thiện chính sách an sinh xã hội phù hợp với quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Mở rộng đối tượng và nâng cao hiệu quả của hệ thống an sinh xã hội đến mọi người dân; tạo điều kiện để trợ giúp có hiệu quả cho tầng lớp yếu thế, dễ tổn thương hoặc những người gặp rủi ro trong cuộc sống.
- Phát triển và thực hiện tốt các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động,... Chuyển từ hỗ trợ nhân đạo sang bảo đảm quyền an sinh xã hội của công dân.
- Đổi mới chính sách giảm nghèo theo hướng tập trung, hiệu quả và tiếp cận phương pháp đo lường nghèo đa chiều nhằm bảo đảm an sinh xã hội cơ bản và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.
- Tổ chức tốt hơn việc cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản thiết yếu.
- Thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng chính sách, người nghèo, Nhân dân sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất và sinh viên,...
- Phát triển đa dạng các hình thức từ thiện, đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia giúp đỡ những người yếu thế.
- Coi trọng chăm sóc sức khoẻ Nhân dân, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình, bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ bà mẹ, trẻ em; xây dựng gia đình hạnh phúc.
2. Tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật
- Kịp thời thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng thành chính sách, pháp luật phù hợp với thực tiễn và đáp ứng lợi ích, nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Tiếp tục thể chế hóa, cụ thể hóa mối quan hệ "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ", nhất là nội dung Nhân dân làm chủ và phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra".
- Đảng và Nhà nước tiếp tục quan tâm bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, quy chế bảo đảm phát huy dân chủ, quyền làm chủ của Nhân dân, tôn trọng Nhân dân, chăm lo đời sống của Nhân dân.
- Thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về “tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến" và "tự chuyển hóa" trong nội bộ”.
- Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện có kết quả Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
- Tổ chức thực hiện Quy định 109-QĐ/TW, ngày 03/01/2018 của Ban Bí thư khóa XII về “công tác kiểm tra của tổ chức đảng đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên” (thay thế Quy định cùng tên số 55-QĐ/TW, ngày 10/01/2012 của Ban Bí thư khóa XI).
- Triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về “tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới”.