Phong cách Hồ Chí Minh tôn trọng Nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống Nhân dân
Thứ ba - 19/03/2019 11:38
Phong cách Hồ Chí Minh tôn trọng Nhân dân xuất phát một cách tự nhiên từ nhân cách, cuộc đời, cái tâm, cái đức vì nước, vì dân của Người. Hồ Chí Minh là con người sinh ra từ Nhân dân, sống giữa lòng dân và cuối đời lại muốn trở về với Nhân dân, làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh nước biếc, câu cá trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, trẻ em, chăn trâu, không dính líu gì với vòng danh lợi. Người thường nói không có Nhân dân thì không có Bác. Hồ Chí Minh có trái tim đập cùng nhịp, có tâm hồn biết xót xa đến thân phận của những người cùng khổ, của Nhân dân. Chính nhân cách lớn và cuộc đời oanh liệt của Hồ Chí Minh đã tạo ra phong cách tôn trọng Nhân dân ở Người.
Đứng ở đỉnh cao quyền lực 24 năm từ năm 1945 đến năm 1969 nhưng Hồ Chí Minh không bao giờ hành xử như một người có quyền. Người luôn luôn coi Nhân dân là chủ, giữ địa vị cao nhất, còn mình chỉ là người đày tớ trung thành của dân, phục vụ Nhân dân. Khi được Quốc hội giao giữ vị trí Chủ tịch Chính phủ, Người coi việc “phải gánh chức Chủ tịch là do đồng bào ủy thác”, đảm trách nhiệm vụ Chủ tịch là thực hiện mệnh lệnh của Tổ quốc và Nhân dân. Vì vậy, khi nào “đồng bào cho tôi lui, thì tôi rất vui lòng lui”. Đọc bản Tuyên ngôn độc lập đến giữa chừng, Người dừng lại hỏi: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”” thật bất ngờ nhưng cũng thật dễ hiểu, vì đó là bản tính bình dị, hồn nhiên của Người luôn đề cao đồng bào, không đặt mình đứng trên Nhân dân. Về thăm lại Pác Bó, Cao Bằng năm 1961, thấy đồng bào tổ chức đón tiếp, Người nói: “Tôi về thăm nhà mà sao lại phải đón tôi!”. Kêu gọi kháng chiến, kiến quốc, xây dựng đất nước, Hồ Chí Minh thường đặt “đồng bào” lên vị trí hàng đầu. Người yêu cầu cán bộ, đảng viên phải “từ trong quần chúng, trở lại nơi quần chúng”, và phải “theo đúng đường lối nhân dân”.
Phong cách tôn trọng Nhân dân của Hồ Chí Minh thể hiện nhiều cách. Người chú ý lắng nghe ý kiến và giải quyết những kiến nghị chính đáng của quần chúng, sẵn sàng tiếp thu phê bình của quần chúng và hoan nghênh quần chúng phê bình mình. Theo Hồ Chí Minh, lãnh đạo quần chúng, đồng thời không ngừng học hỏi quần chúng, vì “quần chúng chính là những người chịu đựng cái kết quả của sự lãnh đạo của ta”; tôn trọng quyền làm chủ của quần chúng theo tinh thần lãnh đạo là đày tớ, quần chúng là chủ. Người không bao giờ tự đặt mình cao hơn người khác để đòi hỏi một sự tâng bốc, suy tôn; không bao giờ tỏ ra vĩ đại để đòi hỏi Nhân dân thừa nhận mình là vĩ đại. Hồ Chí Minh có cách giao tiếp hoàn toàn mới giữa lãnh tụ và quần chúng Nhân dân, thể hiện thái độ yêu thương, quý mến, trân trọng con người. Người có sự độ lượng, khoan dung, nâng con người lên, chứ không phải hạ thấp, vùi dập con người.
- Phong cách Hồ Chí Minh phát huy dân chủ xuất phát từ chỗ tôn trọng Nhân dân, đề cao vai trò, vị trí của Nhân dân. Dù bận rất nhiều công việc đối nội, đối ngoại, nhưng về với dân, đến với quần chúng, những người “không quan trọng” để học dân, hỏi dân, hiểu dân, nghe dân nói, thấy dân làm, để nắm vững dân tình, dân tâm, dân ý là nhu cầu thường trực của Bác. Người ra thao trường cùng bộ đội, “chống gậy lên non xem trận địa”, đến nhà máy, công trường, hầm mỏ, nông trường, hợp tác xã, trường học, bệnh viện. Người đến nhà giữ trẻ, lớp mẫu giáo, ra đồng ruộng, thăm nhà ở công nhân, cán bộ bình thường v.v.. Hàng trăm lần Hồ Chí Minh đi về cơ sở không đơn thuần chỉ là tác phong quần chúng, mà chứa đựng trong đó là phong cách phát huy dân chủ. Bởi vì Người đến với quần chúng là để lắng nghe và thấu hiểu, thấu cảm cuộc sống của mọi tầng lớp Nhân dân miền ngược, miền xuôi, nông thôn, thành thị. Người muốn nghe được tiếng dân, đi vào lòng Nhân dân, hiểu được nhịp đập của cuộc sống xung quanh.
Để thực hiện phong cách dân chủ, cần phải hiểu “nếu quần chúng nói mười điều mà chỉ có một vài điều xây dựng, như thế vẫn là quý báu và bổ ích. Uy tín của người lãnh đạo là ở chỗ mạnh dạn thực hiện tự phê bình và phê bình, biết học hỏi quần chúng, sửa chữa khuyết điểm, để đưa công việc ngày càng tiến bộ chứ không phải ở chỗ giấu giếm khuyết điểm và e sợ quần chúng phê bình”[1]. Một trong những kinh nghiệm quý trong thực hiện phong cách phát huy dân chủ là “cơ quan nào mà trong lúc khai hội, cấp trên để cho mọi người nói hết, cái đúng thì nghe, cái không đúng thì giải thích, sửa chữa, ở những cơ quan đó mọi người đều hoạt bát mà bệnh “thì thầm thì thào” cũng hết”[2]. Người chỉ rõ: “để phát huy ưu điểm, điều quan trọng nhất là để cho dân nói. Dân biết nhiều việc mà các cấp lãnh đạo không biết. Việc gì cũng phải bàn với dân; dân sẽ có ý kiến hay”[3].
- Phong cách Hồ Chí Minh chăm lo đời sống cho Nhân dân: trên cơ sở nhận thức “dân dĩ thực vi thiên”, nghĩa là dân lấy ăn làm trời, và “có thực mới vực được đạo”, nghĩa là không có ăn thì chẳng làm được việc gì cả, tư tưởng và phong cách Hồ Chí Minh thể hiện đậm nét việc chăm lo đời sống Nhân dân. Trong sự nghiệp kiến thiết chủ nghĩa xã hội, Người cho rằng “hễ còn có một người Việt Nam bị bóc lột, bị nghèo nàn, thì Đảng vẫn đau thương, cho đó là vì mình chưa làm tròn nhiệm vụ”[4]. Người nói: “một ngày mà Tổ quốc chưa thống nhất, đồng bào còn chịu cực khổ là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên”, Người biến tình thương thành trách nhiệm của bản thân.
Theo Người, Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên phải gần gũi Nhân dân, quan tâm đến những việc nhỏ cho đời sống hằng ngày của Nhân dân. “Chính sách của Đảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân. Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi. Vì vậy, cán bộ Đảng và chính quyền từ trên xuống dưới, đều phải hết sức quan tâm đến đời sống của nhân dân. Phải lãnh đạo, tổ chức, giáo dục nhân dân tăng gia sản xuất và tiết kiệm. Dân đủ ăn đủ mặc thì những chính sách của Đảng và Chính phủ đưa ra sẽ dễ dàng thực hiện. Nếu dân đói, rét, dốt, bệnh thì chính sách của ta dù có hay mấy cũng không thực hiện được”[5].
Hồ Chí Minh luôn luôn gương mẫu, thực hiện nói đi đôi với làm, “gần dân” thì phải tăng cường tiếp xúc với dân. Khi đi thăm dân, Người không muốn tiệc tùng tốn kém theo kiểu “khách ba, chủ nhà bảy” để mang tiếng với dân, Người cũng phê bình việc liên hoan chè chén, lu bù còn phổ biến ở nhiều địa phương, như bắt đầu cấy cũng liên hoan, cấy xong cũng liên hoan, rồi huyện về điều tra cũng liên hoan, tiễn cán bộ huyện đi cũng liên hoan, cải tiến cũng liên hoan, nghe nói họp bàn về tiết kiệm cũng liên hoan mấy con lợn… Bác thường kể câu chuyện “có nơi Bác về thăm, cán bộ làm thịt cả một con bò và bảo rằng “để chiêu đãi Hồ Chủ tịch”; thế là họ “ăn” cả Hồ Chủ tịch. Phải tích cực sửa chữa”[6].
Sau hơn 30 năm đổi mới, nhiều vấn đề nhức nhối như “ăn không thiếu một cái gì của dân” chúng ta đang chứng kiến hiện nay, đã được Hồ Chí Minh chỉ ra một cách cụ thể từ những năm năm mươi của thế kỷ trước. Nói chuyện tại hội nghị sản xuất cứu đói, Người chỉ rõ: “Khi thiếu gạo, cán bộ không biết tổ chức sản xuất tự cứu, không biết tổ chức nhân dân giúp đỡ nhau. Không biết tổ chức trưng vay. Khi nhận được gạo, lại còn cấp phát tràn lan, chậm chạp, gạo đến người đói chậm, người không đói cũng nhận được gạo. Quá tệ hơn nữa là gạo của Chính phủ giúp dân, chừng một nửa đến tay dân đói, còn một nửa bị tham ô, lãng phí”[7]. Theo Hồ Chí Minh, tham nhũng là tội ác với dân, cần nghiêm trị tất cả những kẻ bất liêm, bất kể chúng là ai, ở cương vị nào.