Xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Thứ ba - 19/03/2019 11:37
Xây dựng ý thức tôn trọng Nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống Nhân dân là nội dung cơ bản trong tư tưởng Hồ Chí Minh, tạo động lực to lớn cho công cuộc đổi mới; đồng thời là giải pháp quan trọng, cấp bách trong xây dựng Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị giai đoạn hiện nay.
Năm 2019 là năm chúng ta kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Người (1969 - 2019); 70 năm Bác viết tác phẩm Dân vận (1949 - 2019); 50 năm tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” (1969 - 2019). Thực hiện có hiệu quả chủ đề xây dựng ý thức tôn trọng Nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống Nhân dân trong năm 2019 và các năm tiếp theo là thực hiện tốt Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
I. TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH VỀ TÔN TRỌNG NHÂN DÂN, PHÁT HUY DÂN CHỦ, CHĂM LO ĐỜI SỐNG NHÂN DÂN
1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn trọng Nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống Nhân dân
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn trọng Nhân dân xuất phát từ những bài học lớn được rút ra từ chiều sâu của lịch sử như Nguyễn Trãi đã kết luận: Lật thuyền mới rõ dân như nước. Đồng thời là sự vận dụng và phát triển sáng tạo học thuyết Mác-Lênin khi các nhà kinh điển khẳng định cách mạng là sự nghiệp của quần chúng Nhân dân, Nhân dân đóng vai trò quyết định trong sự nghiệp cách mạng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, cách mạng và kháng chiến thành công, đem lại giá trị lớn nhất là chế độ Dân chủ Cộng hòa. Từ đây, phạm trù “ý thức tôn trọng nhân dân” mới thật sự có ý nghĩa khoa học, cách mạng và nhân văn. Theo Hồ Chí Minh, người cách mạng “yêu nước” là phải “thương dân”, “trung với nước” là phải “hiếu với dân”.
Cùng với thái độ đánh giá cao vai trò của Nhân dân, ý thức tôn trọng Nhân dân còn phải đặc biệt chú ý không xâm phạm đến lợi ích, quyền lợi hợp pháp, không xúc phạm Nhân dân. Phải luôn luôn tôn trọng và giữ gìn của công, của Nhân dân.
Trên cơ sở nhận thức “nước lấy dân làm gốc”, ý thức tôn trọng Nhân dân phải luôn gắn chặt những “điều không nên” và những “điều nên” làm. Giữa năm 1948, Hồ Chí Minh đã chỉ ra 6 điều không nên làm và 6 điều nên làm. Trong 6 điều không nên làm có những điều liên quan đến cuộc sống hàng ngày của Nhân dân nói chung, đồng bào miền ngược nói riêng như tín ngưỡng phong tục, đáng chú ý là “không bao giờ sai lời hứa”, “không nên làm hoặc nói điều gì có thể làm cho dân hiểu lầm rằng mình xem khinh họ”. Những điều nên làm cũng liên quan đến công việc thực tế hàng ngày, đặc biệt là “làm cho dân nhận thấy mình là người đứng đắn, chăm công việc, trọng kỷ luật”. Hồ Chí Minh kết thúc 12 điều đó bằng bài thơ cổ động khẳng định đã là người yêu nước thì “nhất quyết không quên” và ai cũng làm được, phải biến thành thói quen, muôn người như một. Làm được như vậy thì dân tin, gốc vững. Mà “Gốc có vững cây mới bền. Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”[1].
- Phát huy dân chủ là một khía cạnh biểu hiện ý thức tôn trọng Nhân dân. Trong chế độ Dân chủ Cộng hòa, dân là chủ, thì Chính phủ, Đảng, cán bộ từ trung ương đến địa phương đều phải phụng sự Nhân dân, là công bộc của dân, “sẵn sàng vui vẻ làm trâu ngựa, làm tôi tớ trung thành của nhân dân”[2].
- Về chăm lo đời sống Nhân dân. Tư tưởng Hồ Chí Minh là vì con người, do con người, trước hết là vì dân và do dân. Người nói rằng “tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”[3].
Cách mạng Tháng Tám thành công, một ngày sau Tuyên ngôn độc lập, Hồ Chí Minh đã đề ra 6 nhiệm vụ cấp bách giải quyết những vấn đề về đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân. Người nhấn mạnh “muốn cho dân yêu, muốn được lòng dân, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh. Phải chú ý giải quyết hết các vấn đề dầu khó khăn đến đâu mặc lòng, những vấn đề quan hệ đến đời sống của dân. Phải chấp đơn, phải xử kiện cho dân mỗi khi người ta đem tới. Phải chăm lo việc cứu tế nạn nhân cho chu đáo, phải chú ý trừ nạn mũ chữ cho dân. Nói tóm lại hết thảy những việc có thể nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của dân phải được ta đặc biệt chú ý”.
Sau khi đã tranh được độc lập rồi thì vấn đề kiến quốc là hết sức quan trọng. Bởi vì, “nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”[4].
2. Đạo đức Hồ Chí Minh về tôn trọng Nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống Nhân dân
- Đạo đức Hồ Chí Minh về ý thức tôn trọng Nhân dân thể hiện nổi bật ở sự thống nhất giữa tư tưởng đạo đức và tư tưởng chính trị của Người. Nho giáo nhấn mạnh đạo đức, cường điệu tác dụng của đạo đức là cốt trừ hại cho giới cầm quyền hơn là vì lợi ích của nhân dân. Đó là học thuyết để cho phong kiến trị dân. Trung thành với chế độ phong kiến là đi ngược lại với lẽ tiến hóa tất yếu của con người, đi ngược lại với lợi ích của nhân dân.
Thắng lợi của cách mạng Việt Nam được tạo nên bởi một tư tưởng lớn, đồng thời là đạo đức lớn. Nhiều luận điểm, mệnh đề trong di sản Hồ Chí Minh vừa là chính trị vừa là đạo đức, như “nước lấy dân làm gốc”; “chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”; “không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền, đào núi và lấp biển, quyết chí ắt làm nên”, v.v..
- Đạo đức Hồ Chí Minh về phát huy dân chủ. Dân chủ như đã bàn đến, được hiểu ngắn gọn: dân là chủ và dân làm chủ. Từ chỗ nâng cao dân trí, bồi dưỡng ý thức, năng lực làm chủ, phát triển văn hóa chính trị và tính tích cực công dân, khuyến khích Nhân dân tham gia vào công việc của Đảng, Chính phủ, thì một điều quan trọng là tạo điều kiện cho dân “dùng quyền dân chủ của mình, dám nói, dám làm”[5].
Nhận thức khoa học và giải quyết tốt mối quan hệ giữa cán bộ và lãnh đạo với Nhân dân trong chế độ dân chủ là một nội dung trọng yếu của đạo đức trong phát huy dân chủ. Sự vi phạm đạo đức về mặt dân chủ có nhiều nguyên nhân, trong đó nổi lên là nhận thức không đúng tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của cán bộ và lãnh đạo, dẫn đến độc quyền, mệnh lệnh, áp đặt kiểu “quan chủ”. Người yêu cầu cán bộ, đảng viên nắm chắc quan điểm giai cấp, đi đúng đường lối quần chúng, thành tâm học hỏi quần chúng, kiên quyết dựa vào quần chúng, phát động quần chúng thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Phải khiêm tốn, gần gũi quần chúng, không được kiêu ngạo; phải thực sự cầu thị, không được chủ quan.
- Đạo đức Hồ Chí Minh về chăm lo đời sống Nhân dân. Hồ Chí Minh quan tâm hàng đầu, một cách rất nhất quán về đạo đức. Người để lại cho chúng ta nhiều phẩm chất đạo đức quý báu, cao nhất, cốt lõi là chí công vô tư, tức là nêu cao chủ nghĩa tập thể, trừ bỏ chủ nghĩa cá nhân. Điểm xuất phát tiến đến chí công vô tư là “lòng mình chỉ biết vì Đảng, vì Tổ quốc, vì đồng bào”, làm cán bộ, đảng viên là phải “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”.
Đạo đức Hồ Chí Minh về chăm lo đời sống Nhân dân thể hiện rất rõ ở quan điểm khi Người nói về một trong những điều tóm tắt, thì đạo đức cách mạng là: “Đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình. Hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Hồ Chí Minh quan niệm phẩm chất cao đẹp nhất của người cách mạng là “yêu nước, thương dân”, thương nhân loại bị áp bức, bóc lột, lấy điều đó là động cơ để làm cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp. Vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc”[6]. Đạo đức là một nét đặc trưng bản chất của chủ nghĩa xã hội. Vì vậy, thể hiện rõ nhất về đạo đức chăm lo đời sống nhân dân là trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội. Chủ nghĩa xã hội trước hết nhằm làm cho Nhân dân lao động thoát nạn bần cùng, làm cho mọi người có công ăn việc làm, được ấm no và sống một đời hạnh phúc.
Trăn trở về đời sống Nhân dân, trong Di chúc, Người không quên nhắc nhở Đảng, Nhà nước “chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân”.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê
  • Đang truy cập189
  • Máy chủ tìm kiếm20
  • Khách viếng thăm169
  • Hôm nay46,843
  • Tháng hiện tại46,843
  • Tổng lượt truy cập41,192,297
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây