Tích cực nhân rộng mô hình "Buộc rác đẻ tiền"

Thứ ba - 07/04/2020 15:44
Nhằm nâng cao ý thức của người dân trong việc tham gia bảo vệ môi trường, đồng thời gây quỹ giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn ở địa phương, cuối năm 2017, Hội LHPN thị xã Ba Đồn đã chọn xã Quảng Thủy để thí điểm xây dựng mô hình "Buộc rác đẻ tiền". Với những thành quả đạt được, đến nay, Hội LHPN thị xã Ba Đồn đã nhân rộng mô hình này đến các xã, phường trên địa bàn...
Tích cực nhân rộng mô hình "Buộc rác đẻ tiền"
"Buộc rác đẻ tiền" để gây quỹ
 
Hơn 3 năm trở lại đây, đều đặn mỗi tháng chừng 2 đến 3 lần, hai chi hội phụ nữ ở thôn Xuân Thủy và Đông Bắc của xã Quảng Thủy đã ủy nhiệm cho các thương lái đến từng nhà hội viên để thu mua phế liệu. Điều đặc biệt, người bán phế liệu không trực tiếp được nhận tiền, mà chỉ ghi chép lại vào sổ rồi đưa cho tiểu thương ký xác nhận. Còn tiểu thương sau khi thu mua phế liệu xong, mang tiền về nộp cho các chi hội. Việc làm này đã được toàn thể hội viên phụ nữ nơi đây thống nhất về cách thực hiện nhằm đỡ phần vất vả cho các cán bộ phụ nữ phải tốn thời gian đi đến từng nhà thu gom. Định kỳ 6 tháng và một năm, các chi hội nói trên đều tổ chức công bố về thành quả "buộc rác đẻ tiền" của từng hội viên, người dân ở thôn mình...
 
Khác với cách làm nói trên, đích thân các chị là trưởng và phó chi hội phụ nữ ở 3 thôn (Thượng Thủy, Nam Thủy, Trung Thủy) của xã Quảng Thủy lại lộc cộc đem xe đến từng nhà hội viên, người dân trong thôn để thu gom rác thải phế liệu. Sau đó, họ lại đem về tập kết tại một địa điểm chung được bố trí ở khu vực nhà văn hóa thôn. Rác thải ở đây hầu hết là phế liệu, gồm: vỏ lon bia, nước ngọt, chai nhựa, sắt, đồng, nhôm, giấy bìa... bị hư hỏng, thải loại. Để có được loại phế liệu này, trước đó, các chị em phụ nữ, người dân trong thôn đã cẩn thận phân loại rồi để vào một góc riêng trong vườn nhà. 
Các hội viên phụ nữ thôn Xuân Lộc, phường Quảng Phúc tổ chức thu gom phế liệu nhằm gây quỹ hoạt động.
Các hội viên phụ nữ thôn Xuân Lộc, phường Quảng Phúc tổ chức thu gom phế liệu nhằm gây quỹ hoạt động.

Việc thu gom rác thải này đều được "cân, đo, đong, đếm" và quy đổi bằng giá trị tiền mặt để ghi vào "sổ vàng" gây quỹ cho từng hội viên, người dân. "Cách làm này tuy hơi tốn công sức, nhưng đổi lại là hiệu quả luôn đạt cao. Thông qua việc đến tận từng nhà hội viên để thu gom rác thải phế liệu, chúng tôi đã kịp thời nắm bắt được những tâm tư, nguyện vọng, đời sống của hội viên để từ đó chỉ đạo hoạt động ở chi hội mình ngày một hiệu quả hơn.", một Chi hội trưởng Phụ nữ ở xã Quảng Thủy chia sẻ.
 
Bà Nguyễn Thị Thuận, Chủ tịch Hội LHPN phường Quảng Phúc, thị xã Ba Đồn cho biết: "Được sự chỉ đạo từ cấp trên, đầu năm 2018 đến nay, phụ nữ phường Quảng Phúc đã xây dựng được mô hình "Buộc rác đẻ tiền" tại Chi hội Phụ nữ thôn Xuân Lộc với 22 thành viên, được chia làm 3 tổ. Cách thức hoạt động của mô hình này là chi hội luôn tích cực "đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà" để tuyên truyền cho người dân tự thu gom, phân loại rác thải ngay tại hộ gia đình và mang đến tập kết đúng nơi quy định; không vứt rác thải bừa bãi ra các trục đường, ruộng vườn, bờ sông, bờ biển...
 
Với đặc thù là địa bàn ở vùng biển, thời gian qua, Chi hội Phụ nữ thôn Xuân Lộc đã vận động được trên 100 chủ tàu cá đánh bắt xa bờ (mỗi tàu bình quân có 5-7 lao động là nam giới) cùng tham gia vào mô hình "Buộc rác đẻ tiền" với chị em trong thôn. Cách thức tham gia của các chủ tàu cá này cũng khá đơn giản, đó là thay vì trước đây sau khi đóng gói đồ ăn, thức uống (trong đó có rất nhiều lon bia và nước ngọt) mang ra biển phục vụ cho những chuyến đánh bắt dài ngày xong rồi vứt xuống biển, thì nay bỏ rác vào một thùng đặt ở trên tàu, mang về tặng cho các chị em phụ nữ trong thôn phân loại để xử lý và gây quỹ. Việc làm này đã tác động rất tích cực đến việc toàn dân chung tay bảo vệ môi trường biển ngày càng trong sạch hơn...".
 
Việc làm nhỏ, ý nghĩa lớn
 
Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Chủ tịch Hội LHPN xã Quảng Thủy tâm sự: "Là xã thuần nông, tỷ lệ hộ nghèo còn ở mức cao nên nguồn kinh phí hoạt động hàng năm của Hội LHPN xã Quảng Thủy rất hạn chế. Những năm qua, thấy chị em phụ nữ đi thu gom phế liệu vất vả và biết được mục đích của việc làm này nhằm tạo nguồn quỹ giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn tại địa phương nên rất nhiều người dân đã nhiệt tình ủng hộ. Không ít gia đình tuy có hoàn cảnh không mấy dư giả, nhưng hễ trong nhà có quạt máy, tivi, máy bơm nước... hư hỏng, họ đều đem tặng ngay cho nguồn quỹ của phụ nữ.
 
Một số gia đình khi có việc cưới, liên hoan, cúng chạp... đã tặng toàn bộ số vỏ lon bia, nước ngọt cho hoạt động của tổ chức phụ nữ. Việc xây dựng mô hình "Buộc rác đẻ tiền" tại địa phương đã tạo thêm một nguồn quỹ khoảng 10 triệu đồng/năm để giúp chị em hoạt động rất thiết thực, ý nghĩa. Từ số tiền nói trên, bình quân mỗi năm, Hội LHPN xã đã tặng cho các chị em nghèo hàng chục suất quà bằng tiền mặt (với giá trị mỗi suất từ 100 đến 200 nghìn đồng). Đơn cử, mới đây, hội đã trích 500 nghìn đồng để hỗ trợ cho gia đình hội viên Trần Thị Hương trú tại thôn Thượng Thủy có con bị teo mật bẩm sinh... ".
 
Bà Trần Thị Hường, Chủ tịch Hội LHPN thị xã Ba Đồn tâm sự: "Việc triển khai xây dựng mô hình "Buộc rác đẻ tiền" ở thị xã Ba Đồn thực chất là để cụ thể hóa những nội dung, hành động trong phong trào xây dựng gia đình "5 không, 3 sạch" gắn với xây dựng nông thôn mới do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động cho phù hợp với thực tiễn ở mỗi địa phương và hoạt động của tổ chức hội. Đến nay, 16/16 xã, phường ở Ba Đồn đều có mô hình "Buộc rác đẻ tiền" do phụ nữ xây dựng và triển khai thực hiện.
 
Với việc làm tưởng như nhỏ nhặt này, các hội viên phụ nữ thị xã Ba Đồn đã truyền đi thông điệp về bảo vệ môi trường trong toàn thể nhân dân rất hiệu quả, góp phần khích lệ tinh thần "tương thân tương ái", "lá lành đùm lá rách"... trong cộng đồng. Để phát huy hơn nữa hiệu quả của mô hình này, sắp tới chúng tôi sẽ chỉ đạo các đơn vị trực thuộc có thể sử dụng nguồn quỹ "Buộc rác đẻ tiền" hỗ trợ cho phụ nữ nghèo, phụ nữ đơn thân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về cây, con giống, cho vay vốn không lãi để làm ăn, sản xuất..."
 
Văn Minh

Nguồn tin: Báo Quảng Bình

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Lịch phát thanh hàng ngày

- Buổi sáng (từ thứ 3 đến thứ 7): + Từ 5h10 phút đến 5h30 phút: Phát lại chương trình truyền thanh chiều hôm trước của Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông (Trung tâm VH-TT&TT) thị xã. + Từ 5h30 phút đến 6h00 phút: Tiếp âm Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Bình; + Từ 6h00 phút đến...

Thống kê
  • Đang truy cập428
  • Máy chủ tìm kiếm9
  • Khách viếng thăm419
  • Hôm nay19,227
  • Tháng hiện tại323,996
  • Tổng lượt truy cập39,843,785
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây