Bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán 2018
Thứ ba - 13/02/2018 14:03
Tết Nguyên đán là thời điểm thị trường thực phẩm sôi động nhất trong năm cả về sức mua lẫn sức bán. Đây cũng chính là thời điểm có rất nhiều vi phạm về ATTP xảy ra do vấn đề lợi ích kinh tế từ phía các đơn vị sản xuất - kinh doanh và do cả sự chủ quan, thiếu kiến thức trong việc lựa chọn thực phẩm của người tiêu dùng. Nắm rõ thực trạng đó, Ban chỉ đạo liên ngành VSATTP thị xã Ba Đồn đã thực hiện nhiều biện pháp tăng cường bảo đảm ATTP để góp phần cho người dân đón Tết an toàn, vui khỏe như: Triển khai chiến dịch truyền thông về VSATTP và tổ chức các đợt thanh, kiểm tra chất lượng VSATTP trên địa bàn. Tập trung tuyên truyền, hướng dẫn cách lựa chọn thực phẩm, chế biến, bảo quản và tiêu dùng thực phẩm an toàn; Tuyên truyền, phổ biến, giám sát việc thực hiện vệ sinh an toàn trong chế biến, vận chuyển, bảo quản, kinh doanh, sử dụng thực phẩm và phụ gia thực phẩm góp phần giảm thiểu nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Với mục đích bảo đảm VSATTP cho cộng đồng trong dịp Tết, đồng thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các vi phạm về ATTP, hạn chế ngộ độc và các bệnh lây truyền qua thực phẩm cho người dân, hoạt động thanh kiểm tra sẽ được triển khai có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết bao gồm thịt, giò, chả, thủy hải sản, rau củ quả, trái cây; rượu, bia , bánh mứt kẹo; phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, các sản phẩm thực phẩm nhập khẩu, đặc biệt là gia súc, gia cầm, sản phẩm của gia súc, gia cầm nhập lậu không rõ nguồn gốc, không đảm bảo ATTP.
Để giữ chữ tín và đảm bảo sức khỏe cho khách hàng, nhiều cửa hàng ở thị xã Ba Đồn đã cam kết không nhập và bán các sản phẩm trôi nổi, kém chất lượng, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Tuy nhiên, vấn đề đảm bảo ATTP trong dịp Tết chỉ thực sự đạt kết quả cao khi bên cạnh sự nỗ lực từ các cơ quan chức năng, người tiêu dùng cũng cần tích cực phát huy vai trò trong việc lựa chọn và sử dụng thực phẩm. Do nhu cầu tiêu thụ thực phẩm trong dịp Tết mà đặc biệt đối với các mặt hàng thực phẩm thiết yếu như thịt, chả, mứt bánh kẹo, rượu, nước giải khát… của người dân tăng đột biến, thị trường thực phẩm Tết luôn là cơ hội cho hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng len lỏi lưu thông đánh lừa người tiêu dùng. Do đó, mỗi người dân hãy luôn là người tiêu dùng thông thái khi chọn mua và sử dụng thực phẩm để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình. Nguyên tắc cơ bản là lựa chọn các thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ, ngày tháng sản xuất, hạn sử dụng rõ ràng, có nhãn mác thông tin đầy đủ, không hỏng mốc, ôi thiu và có mùi khó chịu; Thực phẩm tươi sống có màu sắc, mùi tự nhiên; Các loại rau, củ, quả, trái cây cần cảnh giác với những sản phẩm có bề ngoài trơn láng, căng mọng, to đều, vỏ ngoài nhẵn nhụi, mỡ màng… vì có thể đó là sản phẩm được nhập về từ Trung Quốc, có sử dụng hóa chất bảo quản không cho phép trong thực phẩm gây nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng. Bên cạnh đó, người dân cũng cần hết sức thận trọng với các loại thực phẩm có màu sắc bắt mắt vì có thể những sản phẩm này có chứa phẩm màu, phụ gia độc hại cho sức khỏe.
Đặc biệt, trong dịp Tết, nhu cầu mua và sử dụng rượu của người dân sẽ rất cao, để đảm bảo an toàn, người dân cần cảnh giác khi chọn mua các sản phẩm rượu pha chế trên thị trường hiện nay vì nguy cơ sử dụng cồn công nghiệp ở các loại rượu pha chế là rất lớn… Và quan trọng là người dân cần chủ động hợp tác với các cơ quan chức năng khi phát hiện các loại thực phẩm nghi ngờ là hàng nhái, hàng giả cũng như các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo ATVSTP để cơ quan chức năng có biện pháp giám sát và kịp thời ngăn chặn. Trong trường hợp sau khi sử dụng thực phẩm nếu thấy có biểu hiện của ngộ độc thực phẩm như đau bụng, nôn mửa, sốt, tiêu chảy… cần đến các cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời để bảo vệ sức khỏe và tránh sự việc đáng tiếc có thể xảy ra.
Nhằm hạn chế ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm, ăn uống, người tiêu dùng cần trang bị cho mình những kiến thức cần thiết để nhận biết, lựa chọn và chế biến thực phẩm. Trước hết, cần lựa chọn thực phẩm tươi sạch, an toàn, nên sử dụng nước sạch trong chế biến thực phẩm; các trang thiết bị, dụng cụ chế biến thực phẩm phải đảm bảo vệ sinh. Cần bảo quản thực phẩm đúng cách và tuyệt đối không sử dụng các thực phẩm ôi thiu, ẩm mốc hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ, chú ý ăn chín, uống sôi. Với các sản phẩm có bao gói, cần chọn mua ở những cơ sở có điều kiện bảo quản, có uy tín, không mua các sản phẩm bị dập nát, hình dáng không còn nguyên vẹn. Đặc biệt quan tâm đến nhãn mác của sản phẩm, đảm bảo đầy đủ các yêu cầu cần thiết theo yêu cầu.
Quan tâm đến vấn đề VSATTP để chủ động phòng chống ngộ độc thực phẩm, các bệnh tiêu hóa là hết sức cần thiết và cấp bách. Để không trở thành “nạn nhân”, người dân cần phải có ý thức tự bảo vệ mình, không nên sử dụng những thực phẩm không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm.