Hiệu quả truyền thông Dân số từ những mô hình Câu lạc bộ.
Thứ năm - 16/08/2018 08:08
Thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng dân số (DS), thời gian vừa qua, trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) thị xã Ba Đồn đã triển khai nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả. Từ đó, chất lượng Dân số trên địa bàn từng bước được cải thiện, phù hợp nhu cầu của người dân, góp phần hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu về Dân số kế hoạch hóa gia đình.
Trong năm qua, Trung tâm DS-KHHGĐ thị xã chú trọng triển khai các mô hình nâng cao chất lượng DS như đề án giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh; mô hình tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân; mô hình chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên- thanh niên... Thông qua phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, ngành Dân số thị xã đã tổ chức các cuộc tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, sinh động theo từng chuyên đề cho thành viên của các câu lạc bộ ”không sinh con thứ ba”, câu lạc bộ “tiền hôn nhân” cho học sinh các trường THPT, phụ nữ mang thai, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, nam nữ thanh niên trong độ tuổi kết hôn... về lợi ích của việc nâng cao chất lượng DS. Một trong những mô hình mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao chất lượng DS là CLB “tiền hôn nhân”. Đây là kênh thông tin hữu ích, giúp giới trẻ thay đổi nhận thức, chủ động tham gia khám sức khỏe trước khi kết hôn, biết sử dụng các biện pháp tránh thai; khi mang thai đến cơ sở y tế để khám sàng lọc trước và sau sinh. Nhận thức rõ tình trạng MCBGT khi sinh tác động đến cấu trúc DS tương lai, Trung tâm DS KHHGĐ thị xã chỉ đạo Ban Dân số các địa phương tổ chức hoạt động truyền thông về thực trạng, nguyên nhân, hệ lụy của MCBGT khi sinh và giải pháp kiểm soát. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2018, Ban Dân số - KHHGĐ xã, phường đã tổ chức 20 lớp truyền thông – giáo dục tại 14 xã, phường với hơn 1.000 đối tượng là chị em trong độ tuổi sinh đẻ, gia đình sinh con 1 bề là gái, nam nữ trong độ tuổi chuẩn bị kết hôn tham gia. Qua đó, từng bước nâng cao ý thức, hành vi của người dân, hạn chế đến mức thấp nhất việc lạm dụng các dịch vụ y tế trong chẩn đoán giới tính và lựa chọn giới tính thai nhi. Đối với một số địa phương như thôn Trung Thôn, xã Quảng Trung, tỷ lệ mất cân bằng giới tính sau sinh còn chênh lệch kha lớn, theo thống kê tỷ lệ giới tính 6 tháng đầu năm 2018 tại thôn Trung Thôn là 175 nam/100 nữ. Trước tình hình đó, CLB “Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh” được thành lập nhằm nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, giáo dục chuyển đổi hành vi giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh cho các gia đình trên địa bàn. Bước đầu thành lập, CLB gồm 30 thành viên hoạt động theo quy chế, với chức năng tuyên truyền, vận động các chị em trong độ tuổi sinh đẻ nhận thức được hệ lụy của việc mất cân bằng giới tính từ đó ký cam kết không lựa chọn giới tính thai nhi. Ngoài ra, Trung tâm DSKHHGĐ thị xã còn tổ chức CLB không sinh con thứ 3 tại các thôn, tổ dân phố. Các CLB này đang sinh hoạt hiệu quả và thu hút hàng trăm hội viên tham gia. Ngoài sinh hoạt nội dung chính theo tên gọi, các CLB còn lồng ghép tuyên truyền về DS-KHHGĐ cho hội viên. Ban chủ nhiệm CLB cũng thường xuyên đổi mới nội dung tuyên truyền, bám sát thực tiễn, tạo được sự hấp dẫn nên mỗi buổi sinh hoạt thu hút khá nhiều người dân. Duy trì hiệu quả những mô hình, CLB, tính đến cuối năm 2017, tỷ suất sinh toàn thị xã còn 13,19%o, so với cuối năm 2015 là 13,71%o, bình quân hàng năm đã giảm 0,26%o, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên còn 0,92%. Tỉ lệ sinh con thứ 3 trở lên cuối năm 2017 còn 20,95% so với cuối năm 2015 là 23,71% giảm 2,76%, bình quân hàng năm giảm 1,38%. Tỷ số chênh lệch giới tính khi sinh cuối năm 2017 là 101 bé trai/100 bé gái so với cuối năm 2015 là 107 bé trai/100 bé gái, giảm 06 bé trai. Mặt khác trong công tác chăm óc SKSS, tỷ lệ thai phụ và trẻ sơ sinh được tầm soát bệnh ngày càng nâng lên, tỷ số giới tính được kiểm soát ở mức bình ổn, góp phần thực hiện các mục tiêu của chiến lược phát triển DS. Những con số biết nói mà công tác DS KHHGD Ba Đồn đạt được trong thời gian qua, đã cho thấy phần nào vai trò và tầm quan trọng của công tác dân số đối với sự phát triển chung của nền kinh tế địa phương, góp phần quan trọng vào sự phát triển KT-XH, tăng thu nhập bình quân đầu người hàng năm, xóa đói giảm nghèo và nâng cao đời sống nhân dân.