Những căn bệnh thường gặp vào dịp Tết và cách phòng tránh

Thứ sáu - 25/01/2019 14:32
Vào dịp tết, chế độ ăn uống giàu dinh dưỡng nhưng lại thiếu sự cân bằng và thiếu điều độ trong đi lại, ăn uống, nghỉ ngơi vô tình dẫn đến việc mắc phải những căn bệnh đáng tiếc. Đó là chưa kể việc tiêu thụ quá nhiều rượu bia cũng khiến các căn bệnh như tiểu đường, bệnh về gan, tiêu chảy, táo bón... cũng rất dễ phát triển. Dưới đây là một số bệnh mà chúng ta rất dễ mắc mỗi khi Tết đến xuân về, bắt nguồn từ thói quen ăn uống, sinh hoạt chưa được hợp lý vào ngày Tết ai cũng nên biết để phòng tránh. Việc chuẩn bị trước từ bây giờ sẽ giúp bạn phòng tránh những căn bệnh đáng sợ vào dịp Tết để "xõa" Tết vui khỏe, đầm ấm bên gia đình.
1. Các bệnh về gan
Thói quen ăn vặt nhiều hơn với đa dạng loại thực phẩm như bánh kẹo, mứt ngọt..., thói quen uống nhiều rượu bia vào dịp Tết rất dễ khiến bạn mắc các bệnh về gan, điển hình là bệnh gan nhiễm mỡ. Bất cứ ai uống nhiều rượu, ngay cả khi chỉ uống nhiều vào dịp Tết khoảng 1 tuần cũng khiến gan nhiễm mỡ với tình trạng lá gan sưng lên do chứa nhiều nước và mỡ.
ThS.BS Nguyễn Lê (Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Quân y 103) cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỉ lệ người nhiễm virus viêm gan B (HBV) cao nhất thế giới. Trung bình cứ 10 người ngẫu nhiên có 2 người nhiễm HBV, ước tính có khoảng trên 10 triệu người mang HBV. Điều đáng tiếc là số người nhiễm HBV còn có thể cao hơn bởi nhiều người chưa từng kiểm tra xem mình có bị nhiễm hay không hoặc tình cờ phát hiện ra khi đi khám, kiểm tra sức khỏe, hay chỉ biết khi đã bị các hậu quả của nó là xơ gan, ung thư gan.
Thói quen uống nhiều rượu bia, ăn vặt nhiều đồ ngọt, kết hợp chế độ ăn giàu đạm, mỡ sẽ khiến lá gan rơi vào tình trạng quá tải. Do đó, nguy cơ bạn bị viêm gan, gan nhiễm mỡ... là rất khó tránh khỏi, để lâu hậu quả sẽ càng khó lường.
Giải pháp: Hạn chế uống bia rượu ngày Tết. Mỗi lần chúc rượu không nên uống quá nhiều. Đừng bao giờ quên mỗi ngày bạn chỉ được uống giới hạn 2 chén rượu để bảo vệ sức khỏe lá gan.
2. Táo bón
Chế độ ăn uống thiếu chất xơ và lười vận động là những nguyên nhân chính khiến táo bón tìm đến bạn vào dịp Tết. Việc lạm dụng rượu bia, nước ngọt giải khát thay vì uống nước lọc, uống cà phê thay vì uống trà xanh... cũng khiến tình trạng bệnh thêm tồi tệ hơn. Đây đều là những thói quen ngày Tết khiến bạn bị mất nước nhiều hơn.
Giải pháp: Dù là đang sống trong những ngày Tết vui vẻ, bạn cũng đừng quên duy trì thói quen ăn nhiều rau xanh mỗi ngày. Lượng chất xơ khuyến cáo mỗi ngày trung bình 300g, chứa trong rau xanh, hoa quả tươi, ngũ cốc còn nguyên cám, các loại đậu... Ngoài ra, bạn cũng nên uống nhiều nước. Nên uống nước ngay khi thức dậy, uống nước trước khi ăn sẽ kích thích nhu động ruột giúp việc đi tiêu được dễ dàng hơn.
3. Ngộ độc thức ăn, tiêu chảy
Chuyện ăn uống là một trong những hoạt động rất phổ biến vào ngày Tết. Đôi khi bạn sẽ ăn phải thức ăn bị ôi thiu, kém vệ sinh từ việc ăn đồ ăn chuẩn bị cho cả Tết mà không hay biết điều này rất gây hại cho sức khỏe. Chưa kể, việc kết hợp nhiều loại đồ ăn ngày Tết kỵ nhau, gây hại đường tiêu hóa.
Biểu hiện thường thấy của ngộ độc thực phẩm là nôn ói, tiêu chảy. Bị tiêu chảy vào dịp Tết là một trong những tình trạng tồi tệ và phiền toái nhất. Tiêu chảy khiến cơ thể bạn bị mất nước nhanh chóng nên rất nguy hiểm.
Giải pháp: Nếu chắc chắn bị tiêu chảy do ngộ độc thực phẩm, bạn hãy ngay lập tức ngừng việc ăn uống những thực phẩm trước đó mình đã ăn. Cố gắng nôn ra bằng hết những thực phẩm đó. Sau đó hãy uống dung dịch nước cháo muối hoặc orezol để bù lại lượng nước và muối đã mất.
4. Cảm lạnh, cảm cúm, bệnh đường hô hấp
Sự thay đổi liên tục, đột ngột của thời tiết là một trong những nguyên nhân quan trọng hàng đầu khiến những căn bệnh như sốt, cảm, viêm họng, đau nhức đầu, đau nhức toàn cơ thể... lại được dịp tìm đến bạn. Tiết trời ẩm và không khí lạnh, ấm thất thường rất dễ khiến bệnh phát tác trong người. Nếu tình trạng bệnh kéo dài quá một tuần thì rất có thể bạn đã gặp biến chứng nặng hơn như viêm phổi, viêm xoang, viêm phế quản...
Giải pháp: Ngay khi thấy mình có những biểu hiện ốm như trên, bạn cần chú ý giữ ấm cơ thể, thường xuyên vệ sinh cơ thể sạch sẽ, tránh để bàn tay, bàn chân ướt, bẩn. Không nên uống thuốc kháng sinh khi bị cảm lạnh, cảm cúm, viêm họng... mà nên tìm đến những công thức chữa bệnh tự nhiên, những loại đồ uống chữa bệnh từ nguyên liệu có ngay trong bếp như chanh, gừng, mật ong... Nên ăn cháo gà, trái cây giàu vitamin C. Không dùng chung đồ dùng cá nhân với người khác như khăn mặt, bàn chải đánh răng, chú ý che miệng khi ho và hắt hơi.
5. Dị ứng
Căn bệnh dị ứng ở mắt như viêm kết mạc rất phổ biến vào dịp Tết đến xuân về. Khi trời vào xuân, không khí sẽ trở nên nóng ẩm hơn. Nhiều vật dụng trang trí nhà như cây cảnh, hoa chơi Tết có thể phát tán phấn hoa gây bệnh viêm kết mạc, viêm mũi dị ứng. Ngoài ra, chúng ta có xu hướng du xuân ngoài đường nhiều hơn vào dịp Tết. Khói bụi ô nhiễm ngoài đường cũng vô tình tấn công mắt, mũi. Thời tiết càng ẩm thì không khí càng ô nhiễm, bệnh càng có thể nặng hơn.
Giải pháp: Nếu thấy xuất hiện trạng thái khó chịu ở mắt, tốt nhất không nên dụi mắt. Nên sử dụng thuốc nhỏ mắt chuyên dụng hoặc nước mắt nhân tạo để rửa trôi tác nhân gây dị ứng sau đó đến gặp bác sĩ chuyên khoa mắt để được điều trị kịp thời. Khi đi ngoài đường nên trang bị khẩu trang, đeo kính chống bụi, chống nắng cẩn thận.

Tác giả bài viết: Hoài Thu - Sưu tầm và biên tập

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê
  • Đang truy cập158
  • Hôm nay39,112
  • Tháng hiện tại39,112
  • Tổng lượt truy cập41,184,566
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây