TX. Ba Đồn: Nghiêm cấm tiêu thụ lợn không rõ nguồn gốc

Thứ bảy - 16/03/2019 06:38
Hiện, bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã xuất hiện ở 17 tỉnh, thành phố trong cả nước. Quảng Bình chưa ghi nhận trường hợp nào bị nhiễm bệnh DTLCP trên đàn lợn, tuy nhiên, công tác phòng, chống bệnh đang được các địa phương thực hiện nghiêm túc, khẩn trương. Thực hiện chủ trương chung của tỉnh, TX. Ba Đồn đang ráo riết triển khai các giải pháp để phòng, ngừa bệnh DTLCP cho đàn lợn, bảo vệ quyền lợi cho người sản xuất và tiêu dùng.
Xã Quảng Tiên là một trong những địa phương có số lượng trang trại và gia trại nuôi lợn nhiều nhất ở TX. Ba Đồn với trên 300 con lợn. Để chủ động trong công tác phòng, ngừa dịch bệnh cho đàn lợn, đặc biệt là bệnh DTLCP, UBND xã Quảng Tiên đã chỉ đạo các hộ chăn nuôi tiến hành các giải pháp, như: phun tiêu độc khử trùng; tiêm phòng vắc xin phòng chống dịch bệnh theo định kỳ cho đàn gia súc, gia cầm; không vận chuyển, tiêu thụ các sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, có dấu hiệu nghi mắc bệnh…
Có trang trại chăn nuôi lợn với số lượng lớn ở xã Quảng Tiên, gia đình anh Hoàng Văn Long luôn tích cực chủ động các biện pháp phòng, ngừa dịch bệnh để bảo vệ đàn lợn của mình. Anh Long chia sẻ: “Đây là thời điểm nhạy cảm, bệnh DTLCP đang lây lan với tốc độ khá nhanh, các nguy cơ mầm bệnh có thể tiềm ẩn bất cứ ở đâu.
Do đó, ngoài những biện pháp cần thiết phải làm để ngăn ngừa dịch bệnh cho đàn lợn, gia đình tôi kiên quyết không cho bất cứ ai vào trang trại để hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ mầm bệnh bên ngoài lây nhiễm vào đàn lợn”.Cũng như gia đình anh Long, các hộ chăn nuôi khác ở xã Quảng Tiên đang tích cực tiến hành công tác phun tiêu độc khử trùng, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, lựa chọn nguồn thức ăn có nguồn gốc rõ ràng, bảo đảm an toàn cho đàn lợn…
Ông Hoàng Văn Ngừng, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Tiên cho biết: “Để người dân hiểu rõ về bệnh DTLCP nhằm có biện pháp chủ động ngăn ngừa, những ngày qua, UBND xã đã tích cực chỉ đạo cán bộ xã, thôn lồng ghép tuyên truyền tình hình bệnh DTLCP và cách phòng, chống tại các hội nghị của xã, thôn; tuyên truyền trên loa truyền thanh của xã…
Trong những ngày tới, UBND xã sẽ mời các hộ kinh doanh, sản xuất thịt lợn trên địa bàn xã lên làm việc, ký cam kết kiên quyết không đưa thịt lợn ngoài địa bàn vào tiêu thụ. Đối với các trường hợp vi phạm, xã sẽ có biện pháp xử lý nghiêm khắc”.
TX. Ba Đồn tuy không tiếp giáp biên giới với các địa phương đã, đang có dịch nhưng là địa bàn nằm trên tuyến quốc lộ 1A với lưu lượng hàng hóa lưu thông lớn nên nguy cơ bệnh DTLCP xâm nhiễm vào thị xã là rất cao.
Ông Đinh Thiếu Sơn, Phó Chủ tịch UBND TX. Ba Đồn cho biết, ngay khi biết có bệnh DTLCP xuất hiện tại Việt Nam, UBND TX. Ba Đồn đã ban hành Chỉ thị về việc triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế DTLCP; kế hoạch ứng phó khẩn cấp với bệnh DTLCP; thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn thị xã…
Sau khi các chỉ thị, kế hoạch được ban hành, các phòng, ban, ngành, xã, phường trên địa bàn đã nghiêm túc triển khai các giải pháp cụ thể, sát thực để giúp người dân chủ động phòng, chống dịch bệnh.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình nói chung và TX. Ba Đồn nói riêng chưa xuất hiện bệnh DTLCP. Để chủ động phòng, ngừa dịch bệnh, UBND TX. Ba Đồn đã nghiêm cấm mọi hình thức vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, không rõ nguồn gốc, kể cả hình thức cho, tặng của các tổ chức, cá nhân từ tỉnh khác vào địa bàn.
Các lực lượng chức năng tăng cường tổ chức kiểm soát, giám sát các phương tiện giao thông đường bộ, đường thủy, khách du lịch từ các nước đã và đang có dịch bệnh mang thịt lợn, kể cả sản phẩm thịt lợn đã qua chế biến vào địa bàn thị xã..., xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
UBND thị xã cũng chỉ đạo tăng cường chăn nuôi an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt; xây dựng cơ sở an toàn dịch trên đối tượng lợn. Các khu vực chăn nuôi, các chợ, điểm buôn bán, giết mổ lợn và các sản phẩm của lợn định kỳ tổ chức vệ sinh, khử trùng, tiêu độc bằng vôi bột hoặc hóa chất sát trùng; hàng ngày thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc sau mỗi buổi họp chợ, mỗi ca giết mổ lợn.
Các cơ quan chức năng cần hướng dẫn người chăn nuôi, thú y cơ sở tăng cường theo dõi, giám sát đàn lợn. Nếu phát hiện lợn bệnh, nghi mắc bệnh DTLCP, lợn chết không rõ nguyên nhân hoặc lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc thì cần lấy mẫu (trước khi xử lý tiêu hủy theo quy định của pháp luật) để chẩn đoán, xét nghiệm bệnh; tuyệt đối không giấu dịch bệnh...

Tác giả bài viết: Lê Mai

Nguồn tin: QBĐT

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê
  • Đang truy cập572
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm570
  • Hôm nay45,072
  • Tháng hiện tại270,200
  • Tổng lượt truy cập41,415,654
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây