Đập Rào Nan

Thứ ba - 09/04/2019 06:44
    Ai là người dân vùng Nam Quảng Trạch (nay là thị xã Ba Đồn), đã từng lớn lên từ thập kỷ sáu, bảy mươi của thế kỷ trước không khỏi bồi hồi bâng khuâng nhớ về những ngày đắp đập Rào Nan.  
Phía trên đập Rào Nan hiện tại
Phía trên đập Rào Nan hiện tại
        Có thể nói nước ngọt Rào Nan đã mang lại cơm no áo ấm cho người dân vùng Nam Quảng Trạch. Dòng sông Nan đưa nước về xuôi đến làng Minh Lệ quê tôi hợp lưu với dòng sông Son rồi tiếp dòng Rào Nậy chảy xuống cửa Gianh đổ ra biển cả. Ngày đó gần 7 vạn dân vùng Nam Quảng Trạch với hơn 2000 héc ta gieo trồng bị bủa vây giữa vùng nước mặn. Cuối năm 1967, ông Nguyễn Tư Thoan, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình đã tổ chức hội nghị bàn về vấn đề tự túc lương thực và góp một phần cho miền Nam đánh Mỹ. Sau đó không lâu ông tổ chức hội nghị cốt cán toàn tỉnh tại hội trường nhà hầm của Huyện ủy Quảng Trạch nơi sơ tán nêu phương án đắp đập. Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch của tỉnh lúc bấy giờ là ông Đoàn Tiến Khứ, người đã từng học qua đại học có trình độ học vấn cao nhất phát biểu: “Nếu làm thủy lợi mà không khảo sát thiết kế thì bỏ công sức tiền của ra làm không có hiệu quả. Nhân dân Quảng Trạch đã cực đừng làm cho họ cực thêm”. Ông còn dẫn lời của Lê – nin “Nếu chỉ có nhiệt tình mà thiếu tri thức thì sẽ trở thành kẻ phá hoại”.
          Từ kinh nghiệm thực tế nhân dân ta đổ gạch đá xuống sông Lý Hòa, Chánh Hòa, cầu Dài Đồng Hới cho xe ra chiến trường dù lũ lụt vẫn không thể trôi hết được, ông quyết định bỏ đá vào rọ sắt thả xuống ngăn sông. Với ý chí quyết tâm của người dân Quảng Bình từ đầu năm 1968 đến giữa năm 1969, con đập bằng đá lèn sừng sững nổi lên giữa dòng sông Nan.   
         Năm mươi năm qua, con đập Rào Nan trở thành một biểu tượng thân thương của người dân vùng Nam Quảng Trạch. Qua mấy lần nâng cấp tu sửa con đập vẫn chưa khai thác hết tiềm năng của nguồn nước sông Nan. Trong thực lực hiện nay với nguồn vốn trái phiếu của Chính phủ giai đoạn 2016 – 2020 dự án nâng cấp đập Rào Nan tự chảy cung cấp nước cho 22 xã thuộc thị xã Ba Đồn và huyện Quảng Trạch trở thành hiện thực. Dự án cao trình nâng đập dâng cao 6 mét, hơn của đập cũ là 4,5 mét (cao trình đập dâng Rào Nan hiện tại là 1,5 mét).
          Biến đổi khí hậu cực đoan mấy năm gần đây lại một lần nữa thách thức người dân vùng Nam. Tâm lý hoang mang trong nhiều người Quảng Sơn sợ nước lên cao trong mùa lũ lở đập trôi hết nhà cửa. Những chuyên gia hàng đầu của Việt Nam về Thủy văn, Địa chất, Kết cấu đã tính hết các khả năng có thể xảy ra. Hồ sơ được thẩm định và phản biện nhiều lần. Hệ thống cọc khoan nhồi 283 cọc đường kính 1 mét vững chãi dưới đáy lòng sông 20 mét cắm sâu vào nền đá gốc. Hơn thế, chiều dài thoát nước khi mùa lũ đến gồm 15 cửa van tổng cộng là 150 mét và 2 cửa xả cát 9 mét, rộng hơn, thoát lũ nhanh hơn (so với chiều rộng đập dâng hiện tại 135 mét). Công trình mới lại có một hệ thống camera theo dõi suốt ngày đêm mực nước ở thượng lưu và hạ lưu xung quanh đập, thông báo sớm cho người dân hoàn toàn chủ động trong mùa mưa lũ. Nước dâng cao đến ngưỡng báo động thì hệ thống van xả được điều khiển hoạt động hạ thấp độ cao mực nước.
          Để tránh xói lở ở vùng hạ du phía sau công trình dự án đã và tiếp tục gia cố hệ thống kè vững chắc qua thôn Linh Cận Sơn và một số vị trí xung yếu.
        Hiện nay Nhà nước đã đầu tư 350 tỉ (giao trước 315 tỉ cho nhà thầu) nhưng vì người dân địa phương chưa đồng thuận nên chưa thực hiện được. Để giải đáp cụ thể thắc mắc của nhân dân, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cho cán bộ và nhân dân xã Quảng Sơn đi tham quan một số công trình thủy lợi đồ sộ trong nước có dung tích gấp hàng chục, hàng trăm lần ở Rào Nan. Đơn vị trúng thầu thi công đập tràn là Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải, đây là một đơn vị đã trúng thầu thi công các công trình thủy lợi lớn của đất nước (Hồ chứa nước Tả Trạch, Ngàn Trươi, Thác Chuối,...) và các công trình giao thông quan trọng của đất nước, của tỉnh với cam kết bảo hành 5 năm, trong khi quy định chỉ bảo hành 3 năm. Các công trình đơn vị đã thi công đều đạt công trình chất lượng cao do Bộ Xây dựng chứng nhận. Công ty này là một doanh nghiệp lớn của tỉnh với đầy đủ máy móc thiết bị hiện đại, nhân lực gồm các kỹ sư lâu năm có tay nghề cao và đã có kinh nghiệm thi công các công trình lớn... và các bộ phận kiểm soát nghiêm ngặt đảm bảo thi công đúng hồ sơ thiết kế đã được phê duyệt... Công trình còn chịu sự giám sát của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Bình.
pa view 4
Một số hình ảnh phối cảnh đập Rào Nan sau khi xây dựng
pa view3
 
pa view2
         
pa view1
Hoàn thành công trình thủy lợi Đập Rào Nan mới không những cung cấp đủ nước tưới, nước sinh hoạt cho 22 xã phường của thị xã Ba Đồn và huyện Quảng Trạch mà người dân có thể đi bộ, xe máy, ô tô qua trên đập để qua sông. Đập Rào Nan mới mỗi năm còn tiết kiệm hàng chục tỉ đồng tiền điện cho nhân dân và nhà nước. 
 

Tác giả bài viết:  Hoàng Minh Đức

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê
  • Đang truy cập134
  • Máy chủ tìm kiếm22
  • Khách viếng thăm112
  • Hôm nay22,903
  • Tháng hiện tại833,629
  • Tổng lượt truy cập33,472,204
SĐT nhận cung cấp thông tin
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây