Thị xã Ba Đồn: xã Quảng Lộc thực hiện Dân vận khéo trong phát triển kinh tế
Thứ bảy - 11/05/2019 10:03
Những năm qua, xã Quảng Lộc đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong tổ chức thực hiện các mô hình "dân vận khéo" về phát triển kinh tế. Nhờ vậy, tạo sức lan toả trong cộng đồng dân cư, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội, giảm nghèo và nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân trên địa bàn xã.
Xã Quảng Lộc có diện tích tự nhiên trên 606 ha, có 2.239 hộ, với 9.075 khẩu; trong đó đồng bào theo đạo Thiên Chúa chiếm trên 75%. Xã có 6 thôn, trong đó 5 thôn sản xuất nông nghiệp và 1 thôn ngư nghiệp. Xác định rõ là địa phương có xuất phát điểm về kinh tế thấp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm, sản xuất nông-ngư nghiệp hoàn toàn phụ thuộc vào nhiều yếu tố tự nhiên, UBND xã Quảng Lộc đã tập trung xây dựng phong trào "dân vận khéo", trong đó đặc biệt chú trọng xây dựng các mô hình về phát triển kinh tế.
Đồng chí Lê Văn Tương, Chủ tịch UBND xã Quảng Lộc cho biết: UBND xã đã tiến hành rà soát, đánh giá lại thực trạng những tiêu chí về xây dựng nông thôn mới để chỉ đạo phát động phong trào "dân vận khéo" trên địa bàn; trong đó tập trung vận động nhân dân chuyển đổi phương thức sản xuất, đa dạng hoá các loại hình kinh doanh, dịch vụ, các mô hình tổ hợp tác sản xuất...Đặc biệt, nhận thấy nhân dân địa phương có diện tích nuôi trồng thuỷ sản lớn nhưng chưa được đầu tư, áp dụng KHKT vào nuôi trồng, xã đã chỉ đạo các tổ chức, đoàn thể, Hội Nông dân tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân đầu tư phát triển những mô hình nuôi mới, cải tiến kỹ thuật nuôi trồng nhằm nâng cao năng suất, chất lượng thuỷ sản.
Nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đến nay, trên địa bàn xã đã hình thành nhiều mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình hiệu quả, góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, tình hình kinh tế-xã hội của xã ngày càng khởi sắc.
Trên địa bàn xã có 50 mô hình sản xuất mộc, 80 mô hình nuôi cá lồng bè, 4 mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng gia trại và hàng trăm mô hình sản xuất khác, như: may công nghiệp, vật liệu xây dựng, vận tải, nề, dịch vụ, đan lưới...
Tiêu biểu có mô hình sản xuất mộc mỹ nghệ và vật liệu xây dựng gạch không nung, kết hợp với chăn nuôi của ông Nguyễn Văn Hùng. Đây là mô hình được cấp uỷ đảng và chính quyền xã chỉ đạo làm điểm để tuyên truyền, vận động nhân dân trong xã học tập và làm theo.
Năm 1992, được sự giúp đỡ, hỗ trợ của chính quyền địa phương, anh Nguyễn Văn Hùng đã quyết định thuê lại 2.650m2 đất hoang, sản xuất lúa không hiệu quả nằm xa khu dân cư để xây dựng xưởng sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ. Không dừng lại ở đó, năm 2002, từ nguồn vốn tích lũy trong quá trình sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ, cũng như vay mượn thêm từ bạn bè, người thân, gia đình anh đã xây dựng thêm 300m2 chuồng trại để phát triển nghề chăn nuôi lợn. Từ năm 2002 đến năm 2012, bình quân mỗi năm 2 lứa, mỗi lứa gia đình anh thả nuôi trên 200 con lợn siêu nạc để xuất ra thị trường. Cùng với công việc sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ, chăn nuôi lợn siêu nạc, nhận thấy nhu cầu xây dựng trên địa bàn ngày càng phát triển, năm 2005, anh đã mạnh dạn đầu tư 750 triệu đồng xây dựng khu nhà xưởng, mua sắm máy đóng gạch và xe vận chuyển để sản xuất các loại gạch không nung, cũng như nhận thầu xây dựng thêm các công trình nhà ở, trường học, trụ sở làm việc các cơ quan, đơn vị trên địa bàn, để tăng thêm thu nhập. Đến nay, mô hình của anh phát triển ổn định, các sản phẩm đưa ra thị trường được người dân đón nhận và tin dùng, mỗi năm trừ chi phí, lãi thu được 450-500 triệu đồng. Đồng thời, giải quyết việc làm cho 18 lao động thường xuyên, gần 30 lao động thời vụ với mức lương trung bình 6 triệu đồng/người/tháng.
Nhiều năm liền, anh Hùng không chỉ đạt danh hiệu “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi”, mà còn là một giáo dân tiêu biểu trong các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương. Từ năm 2005 đến nay, anh Nguyễn Văn Hùng đã vinh dự nhận được nhiều Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình. Nhiều năm liền, anh đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương và cấp tỉnh.
Lĩnh vực kinh doanh ngư lưới cụ trên địa bàn xã Quảng Lộc nổi lên có mô hình của ông Mai Xuân Hiệp. Từ mô hình kinh doanh ngư lưới cụ nhỏ lẻ trên địa bàn xã, năm 2016, ông Hiệp đã mạnh dạn thành lập công ty kinh doanh và gia công ngư lưới cụ với tổng số vốn đầu tư 10 tỷ đồng. Đến nay, công ty của ông có tổng doanh thu 12 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm ổn định cho 40 lao động, với mức thu nhập bình quân 5.000.000 đồng/người/tháng. Về phát triển chăn nuôi có mô hình gia trại gà "an toàn sinh học" của hộ ông Phạm Trường Sơn được xây dựng từ năm 2010 với quy mô 1.000 con, đến nay đã phát triển lên 10.000 con, có tổng doanh thu 900 triệu đồng/năm...
Từ việc lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các mô hình "dân vận khéo" trong phát triển kinh tế, đến nay, xã Quảng Lộc có tổng sản lượng lương thực có hạt đạt bình quân 2.647 tấn/năm, tổng sản lượng đánh bắt và nuôi trồng thuỷ sản đạt trên 3.700 tấn/năm, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt 26 triệu đồng/người/năm.
Đánh giá về hiệu quả trong quá trình thực hiện các mô hình, điển hình "dân vận khéo" của xã Quảng Lộc, đồng chí Đoàn Minh Thọ, Trưởng ban Dân vận Thị uỷ Ba Đồn cho biết: Quảng Lộc đã có nhiều sáng tạo trong vận dụng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới vào điều kiện cụ thể của địa phương, tạo sự chuyển biến rõ nét trong việc hướng dẫn, giúp đỡ người dân vươn lên làm giàu chính đáng. Khi chỉ đạo xây dựng mô hình điển hình, cấp uỷ, chính quyền xã Quảng Lộc đã tiến hành bàn bạc về cách làm, bước đi, lựa chọn nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền, vận động, chọn địa điểm chỉ đạo mô hình, gắn với kiểm tra, giám sát chặt chẽ.
Nhờ vậy, nhiều mô hình, điển hình “dân vận khéo” trên lĩnh vực kinh tế được nhân rộng, tạo được khí thế hưởng ứng thi đua sôi nổi, rộng khắp, phát huy hiệu quả mọi nguồn lực tinh thần, vật chất trong xã hội và nhân dân nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân vững mạnh.
Tác giả bài viết: Lệ Hằng