Dự án hệ thống thủy lợi Rào Nan: Phát triển nông nghiệp nông thôn, bảo đảm an ninh lương thực (Phần 1)

Thứ tư - 27/03/2019 07:17

Dự án hệ thống thủy lợi Rào Nan: Phát triển nông nghiệp nông thôn, bảo đảm an ninh lương thực (Phần 1)

Dự án Hệ thống thủy lợi Rào Nan, tỉnh Quảng Bình đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình tại Quyết định số 4428/QĐ-BNN-XD ngày 30-10-2017 với tổng mức đầu 350 tỷ đồng.Đây là một dự án sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2016-2020. Công trình đập dâng Rào Nan hoàn thành sẽ tận dụng tối đa nguồn nước tự nhiên để giải quyết tình trạng thiếu nước hiện nay và nhu cầu dùng nước ngày càng tăng trong khu vực góp phần cải thiện môi trường sinh thái, an toàn cho vùng hạ du.Hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản xuất tập trung, nâng cao giá trị sản xuất trên cùng diện tích đất canh tác; góp phần phát triển nông nghiệp nông thôn, đảm bảo an ninh lương thực.

I. THÔNG TIN CHUNG VỀ DỰ ÁN
1. Tên dự án: Hệ thống thuỷ lợi Rào Nan, tỉnh Quảng Bình.
2. Địa điểm xây dựng: Xã Quảng Sơn, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình.
3. Phê duyệt chủ trương đầu tư: Quyết định số 1067/QĐ-BNN ngày 30-3-2017 của Bộ Nông nghiệp và PTNT.
4. Phê duyệt dự án đầu tư: Quyết định số 4428/QĐ-BNN-XD ngày 30-10-2017 và số 3476/QĐ-BNN-XD ngày 30-8-2018 của Bộ Nông nghiệp và PTNT.
5. Tổng mức đầu tư:  350.000 triệu đồng.
6. Nguồn vốn đầu tư: Vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2017-2020 do Bộ Nông nghiệp và PTNT quản lý 350 tỷ đồng, trong đó vốn đã giao là 315 tỷ đồng (trừ tiết kiệm 10%) để đầu tư xây dựng dự án.
7. Nhà thầu khảo sát, thiết kế: Liên danh Viện Thủy công-Văn phòng tư vấn thẩm định thiết kế và giám định chất lượng công trình.
8. Mục tiêu xây dựng:
- Tận dụng tối đa nguồn nước tự nhiên để giải quyết tình trạng thiếu nước hiện nay và nhu cầu dùng nước ngày càng tăng trong khu vực, bao gồm: cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản 1.800ha; cấp nước sinh hoạt với lưu lượng 22.000m3/ngày.đêm, công nghiệp với lưu lượng 12.000m3/ngày.đêm và các nhu cầu dùng nước khác.
- Góp phần cải thiện môi trường sinh thái; an toàn cho vùng hạ du.
- Hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản xuất tập trung, nâng cao giá trị sản xuất trên cùng diện tích đất canh tác; góp phần phát triển nông nghiệp nông thôn, đảm bảo an ninh lương thực tiến tới xóa đói, giảm nghèo.
9. Nhiệm vụ dự án:
- Đảm bảo cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp là 1.800 ha,
- Đảm bảo cấp nước tạo nguồn 22.000m3/ngày đêm cho sinh hoạt của 22 xã, phường thuộc thị xã Ba Đồn và huyện Quảng Trạch.
- Cấp nước cho công nghiệp với lưu lượng 12.000m3/ngày đêm.
- Cải tạo tiểu khí hậu vùng, an toàn lũ cho hạ du...
10. Giải pháp thiết kế tổng thể
Cụm công trình đầu mối Đập dâng Rào Nan được thiết kế xây dựng mới là đập tràn dạng Ôfixêrôp đặt trên hệ thống cọc khoan nhồi (283 cọc đường kính 1m, chiều sâu 20m), kết cấu toàn bộ bằng bê tông cốt thép, cao trình ngưỡng tràn là +6,0m (đập dâng Rào Nan hiện tại cao trình +1,5m). Chiều dài đập dâng là 177,4 m bao gồm 15 cửa van x 10m (tổng 150m) và 2 cửa xã cát x 4,5m (tổng 9m) và hệ thống 2 vai đập.

Hình ảnh đập dâng Rào Nan sau khi xây dựng hoàn thành nhìn từ hạ lưu.
Hình ảnh đập dâng Rào Nan sau khi xây dựng hoàn thành nhìn từ hạ lưu.

Hệ thống gồm 15 cửa van và 2 cửa xã cát như trên đảm bảo an toàn tuyệt đối về thoát lũ cho công trình. Về điều tiết cho công trình, mùa kiệt, hệ thống cửa van sẽ đóng lại dâng nước lên cao trình +8,0m nhằm cấp nước tưới cho những tháng thiếu nước (từ tháng 5 -8) vụ hè-thu, khi mùa mưa đến (đầu tháng 9), toàn bộ 15 cửa tràn và 02 cửa xả cát sẽ được mở hoàn toàn để đảm bảo thoát lũ.
11. Đánh giá sự an toàn của công trình
- Toàn bộ đập dâng là một khối bê tông cốt thép khối lượng lớn được đặt trên nền hệ cọc khoan nhồi cắm vào nền đá gốc nên trước khi phê duyệt Bộ Nông nghiệp và PTNT đã mời các chuyên gia đầu ngành thẩm định hồ sơ dự án và tổ chức phản biện nhiều lần. Các chuyên gia đầu ngành đã khẳng định vị trí và giải pháp thiết kế công trình là tối ưu, cam kết về tính ổn định và an toàn lâu dài của công trình đập dâng Rào Nan.
- Gia cố bảo vệ bờ: dự án đã làm mô hình thí nghiệm xác định phạm vi ảnh hưởng sau hạ lưu là 150m, để bảo vệ bờ dự án đã gia cố cọc bê tông cốt thép cắm vào đá 1,0m, cao 19,5m, phía trên xếp rọ đá bảo vệ bờ đến +7,0m.

II. Ý NGHĨA VÀ TẦM QUAN TRỌNG CỦA DỰ ÁN
Được sự quan tâm của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, những năm qua, Quảng Bình đã được đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp và phòng chống thiên tai. Các công trình hoàn thành đã phát huy hiệu quả đầu tư, tạo điều kiện phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân vùng hưởng lợi nói riêng và tỉnh Quảng Bình nói chung.

Tuy nhiên, phần lớn các công trình được xây dựng chủ yếu từ những thập niên 60, 70 của thế kỷ trước nên hiện nay đã bị xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng. Bằng nguồn lực huy động của địa phương và một phần hỗ trợ vốn của Trung ương, một số công trình hồ đập đã được đầu tư sửa chữa, nâng cấp trong thời gian qua; còn nhiều công trình khác cần thiết phải đầu tư sửa chữa, nâng cấp nhưng do điều kiện kinh phí hạn chế nên đến nay chưa được thực hiện.
Hệ thống Thủy lợi Rào Nan được xây dựng và đưa vào sử dụng từ những năm 60 của thế kỷ trước. Công trình được xây dựng trên chi lưu sông Nan với công nghệ lạc hậu và biện pháp công trình là đập ngăn mặn đá đổ kết hợp với trạm bơm để cấp nước tưới cho 1.400ha lúa 2 vụ của 9 xã (vùng Nam Quảng Trạch cũ), hiện đã xuống cấp nghiêm trọng, quy mô không đáp ứng được nhiệm vụ.

Theo dõi nhiều năm công trình chỉ đáp ứng được khoảng 70% yêu cầu dùng nước, các tháng mùa khô thường thiếu nước, để đáp ứng nhu cầu Trạm thủy nông Rào Nan phải bơm vét nước từ đáy sông Nan. Năng lực hệ thống thủy lợi Rào Nan hiện tại so với yêu cầu dùng nước cho phát triển kinh tế xã hội của vùng quy hoạch thì vẫn còn thiếu nước cho khoảng 400ha lúa, 190ha thủy sản, 2.400ha rau màu, chăn nuôi trâu bò 5.000 con, lợn 30.000 con, 120.000 con gia cầm, cấp nước cho sinh hoạt và công nghiệp 34.000m3/ ngày đêm cho 22 xã ven sông Gianh thuộc Thị Xã Ba Đồn và huyện Quảng Trạch.

Ngoài ra để chủ động nguồn nước tưới trong các tháng thiếu nước thì hệ thống Rào nan cần phải có khả năng điều tiết tháng mà điều này với hệ thống hiện nay là không đáp ứng được.
Với hiện trạng thuỷ lợi như đã nêu trên cho thấy hệ thống công trình thủy lợi Rào Nan chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế trong vùng. Diện tích đất canh tác chưa có nước tưới còn nhiều, khả năng tưới tự chảy của khu vực dự án là rất khả thi nhưng do chưa được đầu tư nên chủ yếu vẫn phải sử dụng tưới động lực. Ngoài ra, để chủ động nguồn nước tưới trong các tháng thiếu nước thì hệ thống Rào Nan không đáp ứng được.

Hiện nay, theo quy hoạch phát triển công nghiệp và cấp nước sinh hoạt thì ngoài việc tưới phục vụ cho nông nghiệp hệ thống thủy lợi Rào Nan còn có nhiệm vụ cấp nước phục vụ sản xuất cho công nghiệp với lưu lượng 12.000m3/ngày đêm và cấp nước sinh hoạt cho 22 xã - phường thuộc thị xã Ba Đồn và huyện Quảng Trạch với lưu lượng 22.000m3/ngày đêm (đến năm 2015) và 32.000m3/ngày đêm (đến năm 2020).
Dự án hệ thống thủy lợi Rào Nan hoàn thành có nhiệm vụ cấp nước toàn diện cho 9 xã vùng Nam sông Gianh gồm: Quảng Sơn, Quảng Hòa, Quảng Thủy, Quảng Trung, Quảng Lộc, Quảng Tiên, Quảng Văn, Quảng Tân, Quảng Minh) và cấp nước cho sinh hoạt và công nghiệp của 13 xã phía Bắc sông Gianh gồm 6 phường Ba Đồn, Quảng Long, Quảng Phong, Quảng Thọ, Quảng Thuận, Quảng Phúc và xã Quảng Phương của Thị xã Ba Đồn; 6 xã Quảng Thanh, Quảng Trường, Quảng Liên, Quảng Hải, Phù Hóa, Cảnh Hóa thuộc huyện Quảng Trạch.
Do tính cấp thiết của dự án, UBND tỉnh Quảng Bình đã có nhiều văn bản gửi Bộ Nông nghiệp và PTNT xem xét để đưa dự án Rào Nan vào danh mục đăng ký bố trí các nguồn vốn từ năm 2009 và đến năm 2017 dự án mới được bố trí vốn bằng nguồn trái phiếu chính phủ giai đoạn 2016-2020. Nguồn vốn này sẽ được bố trí, triển khai thi công và giải ngân hoàn thành đến trước tháng 12-2020.
Với mục tiêu tưới nước cho nông nghiệp, công nghiệp và cấp nguồn nước sinh hoạt cho nhân dân trong khu hưởng lợi, phát triển cây lương thực, cải thiện đời sống, góp phần quan trọng xoá đói giảm nghèo cho nhân dân trong vùng dự án, xây dựng nông thôn mới trong thời kỳ công nghiệp hoá - hiện đại hoá. Nên việc triển khai xây dựng dự án là rất cần thiết để phục vụ sản xuất nông nghiệp mà trực tiếp là 22 xã thuộc huyện Quảng Trạch và thị xã Ba Đồn có điều kiện phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống và là mong muốn của Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân địa phương.
III. QUÁ TRÌNH THỰC HIỆN DỰ ÁN
1. Công tác chuẩn bị đầu tư
- Chủ trương đầu tư Dự án Hệ thống thủy lợi Rào Nan được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt tại Quyết định số 1067/QĐ-BNN ngày 30-3-2017.
- Dự án đầu tư xây dựng công trình Hệ thống thủy lợi Rào Nan được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt và phê duyệt điều chỉnh tại các Quyết định số 4428/QĐ-BNN-XD ngày 30-10-2017; số 3476/QĐ-BNN-XD ngày 30-8-2018.
- Báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án Hệ thống thuỷ lợi Rào Nan được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt tại Quyết định số 4388/QĐ-BNN-KHCN ngày 30-10-2017.
- Giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt, dự án Hệ thống thuỷ lợi Rào Nan được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt tại Quyết định số 2340/GP-BTNMT ngày 26-7-2018.
- Thiết kế kỹ thuật và dự toán công trình Cụm công trình đầu mối dự án Hệ thống thủy lợi Rào Nan được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt tại Quyết định số 3478/QĐ-BNN ngày 31-8-2018.
2. Tình hình thực hiện Dự án
Dự án sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ giai đoạn 2016-2020, tiến độ theo yêu cầu phải thi công hoàn thành, kết thúc dự án vào năm 2020. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc triển khai xây dựng đập dâng Rào Nan theo tiến độ đã được xây dựng và phê duyệt. Ngày 18-12-2018, Sở NN và PTNT đã phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu (tại Quyết định số 913/QĐ-SNN ngày 18-12-2018) và hiện đã trao thầu gói thầu số 26/XL: Xây dựng đập tràn, cống lấy nước và thiết bị cơ khí.
Để đảm bảo thời gian thi công năm 2019-2020, hoàn thành công trình cuối năm 2020, do đặc thù là công trình thủy lợi, thi công phải theo các mốc thời tiết trong năm, cụ thể là các mốc thời gian lũ tiểu mãn và lũ chính vụ. Với khối lượng thi công rất lớn, để công trình có thể chặn dòng, đắp đê quai, thi công hoàn thành các hạng mục công trình theo đúng tiến độ, thì yêu cầu phải triển khai thi công trong tháng 2-2019 và chậm nhất là đến giữa tháng 3-2019.
Thực hiện chỉ đạo của Cục Quản lý xây dựng công trình tại cuộc họp giao ban tiến độ ngày 15-1-2019, ngày 15-2-2019, chủ đầu tư phải hoàn thành các điều kiện để triển khai thi công xây dựng. Hiện nay, các điều kiện thi công đã hoàn thành nhưng chưa thể thi công do người dân địa phương chưa đồng thuận.

Theo tài liệu của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy (còn tiếp)

Nguồn tin: QBĐT

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê
  • Đang truy cập128
  • Máy chủ tìm kiếm33
  • Khách viếng thăm95
  • Hôm nay19,231
  • Tháng hiện tại682,915
  • Tổng lượt truy cập34,213,634
SĐT nhận cung cấp thông tin
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây