Phòng, chống dịch bệnh ở động vật trên cạn: Chủ động, chặt chẽ, quyết liệt

Thứ sáu - 08/03/2019 14:40
      Từ cuối năm 2018 đến nay, tình hình dịch bệnh ở động vật trên cạn có chiều hướng gia tăng. Trong đó, dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) là dịch bệnh đang được cả thế giới quan tâm phòng, chống bởi đây là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở lợn nhưng chưa có vắc xin phòng, điều trị bệnh. Hiện, bệnh DTLCP đã xuất hiện ở một số tỉnh phía Bắc nước ta. Mặc dù, Quảng Bình chưa phát hiện trường hợp nhiễm DTLCP trên đàn lợn, nhưng công tác phòng, chống dịch bệnh đã được các địa phương và người chăn nuôi chủ động triển khai thực hiện.
     DTLCP là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút chỉ gây bệnh ở lợn nuôi và lợn rừng; không gây bệnh cho các loài động vật khác, lợn bệnh có khả năng chết lên đến 100%. Bệnh lây lan nhanh, gây thiệt hại lớn nhưng không lây nhiễm và gây bệnh ở người. Hiện, trên thế giới chưa có vắc xin phòng và điều trị bệnh.
    Theo thông tin từ Tổ chức Thú y thế giới (OIE), tính từ năm 2017 đến ngày 3-3-2019, đã có hơn 20 quốc gia báo cáo có bệnh DTLCP. Những quốc gia gần Việt Nam, như: Trung Quốc, Liên bang Nga, Mông Cổ…, cũng đã xuất hiện dịch bệnh.
Tại Việt Nam, từ ngày 1-2 đến ngày 3-3-2019, bệnh DTLCP đã xảy ra tại 202 hộ, 64 thôn, 33 xã, 14 huyện của 7 tỉnh, thành phố (Hưng Yên, Hà Nam, Hải Phòng, Thái Bình, Thanh Hóa, Hà Nội và Hải Dương).
    Bệnh DTLCP xuất hiện đã gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi nói riêng và sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương xảy ra dịch nói chung. Theo thông tin từ OIE, tại Liên bang Nga, vi rút DTLCP được phát hiện lần đầu tiên tại đây vào ngày 4-12-2007. Từ 2007 đến ngày 25-2-2019, nước này đã có trên 1.000 ổ dịch xuất hiện tại 46 vùng, làm tổng cộng hơn 800.000 lợn chết.
     Theo số liệu của FAO, từ năm 2007 đến giữa năm 2012, bệnh DTLCP đã gây tổn thất cho Liên bang Nga khoảng 30 tỷ Rúp (tương đương 1 tỷ USD). Tại Việt Nam, số lợn bị DTLCP phải tiêu hủy là 4.231 con với tổng trọng lượng tiêu hủy hơn 297 tấn.
      Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và PTNT), tính đến ngày 20-2-2019, toàn tỉnh Quảng Bình có 279.475 con lợn (giảm 16.240 con so với tháng 1-2019), trâu 33.710 con, bò 102.645 con, gia cầm 3.496.570 con.
      Nhận định về tình hình bệnh DTLCP, ông Mai Văn Minh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết, hiện Quảng Bình chưa xuất hiện bệnh DTLCP, tuy nhiên, nguy cơ bệnh phát sinh, lây lan vào địa bàn tỉnh là rất lớn. Bởi, DTLCP là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút gây ra, lợn mắc bệnh có biểu hiện triệu chứng không khác biệt so với triệu chứng của bệnh dịch tả lợn cổ điển.

Việc vận chuyển, kinh doanh, buôn bán lợn và sản phẩm từ lợn trên địa bàn tỉnh diễn ra thường xuyên, liên tục; việc kiểm tra, báo cáo tình hình dịch bệnh ở cơ sở gặp nhiều khó khăn.
       Bên cạnh đó, 2 chốt kiểm soát dịch bệnh động vật Bắc, Nam không đủ chức năng dừng phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật đi qua tỉnh, chỉ kiểm tra được phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật đi vào địa bàn. Ý thức tự giác về công tác phòng, chống dịch bệnh của người chăn nuôi còn nhiều hạn chế…
     Cùng với những nguy cơ tiềm ẩn cao của bệnh DTLCP, hiện Quảng Bình đang phải đối mặt với dịch bệnh lở mồm long móm (LMLM). Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT, ngày 21-1-2019, UBND huyện Quảng Ninh công bố dịch LMLM lợn tại xã: Vạn Ninh, An Ninh.
      Tính đến nay, dịch bệnh LMLM trên lợn đã xảy ra tại 162 hộ/14 thôn/2 xã, làm 1.473 con lợn mắc bệnh, chết và tiêu hủy. Hiện, bệnh LMLM đang có nguy cơ phát sinh và lây lan cao trên địa bàn toàn tỉnh, đặc biệt tại huyện Bố Trạch, huyện Minh Hóa đã xuất hiện hiện tượng lợn và trâu, bò có biểu hiện triệu chứng lâm sàng nghi bệnh LMLM.
     Trang trại của ông Hoàng Văn Long, thôn Tiên Sơn, xã Quảng Tiên, TX. Ba Đồn, nuôi được khoảng 30 con lợn nái và trên 100 lợn thịt. Ông Long cho biết: “Những ngày qua, tôi có nắm thông tin trên các phương tiện truyền thông về tình hình bệnh DTLCP đang xảy ra ở một số tỉnh phía Bắc. Vì loại bệnh này chưa có vắc xin phòng ngừa nên để thực hiện tốt công tác ngăn chặn dịch bệnh xâm nhiễm, gia đình tôi đã thực hiện nghiêm túc các biện pháp, như: hạn chế các tiếp xúc bên ngoài để tránh đến mức thấp nhất nguy cơ mầm bệnh từ bên ngoài xâm nhiễm vào đàn lợn, bảo đảm nguồn thức ăn, con giống chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng…  Cuối năm 2018, gia đình cũng đã thực hiện tiêm đầy đủ các liều vắc xin phòng bệnh LMLM cho đàn lợn”.
        Trước tình hình bệnh DTLCP và bệnh LMLM có nguy cơ lan rộng, ảnh hưởng đến việc phát triển đàn vật nuôi trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành các công văn hướng dẫn, chỉ đạo các ngành, địa phương chủ động ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh DTLCP và LMLM trên địa bàn…
     Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Công Tám, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho biết, trước nguy cơ xâm nhiễm cao của DTLCP và bệnh LMLM, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã khẩn trương triển khai các biện pháp cụ thể, kịp thời để phòng, ngừa dịch bệnh.
      Cụ thể, Chi cục đã ứng 40.000 liều vắc xin LMLM type O và 2.727 lít hóa chất tiêu độc khử trùng các loại để chủ động phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh LMLM, nhằm bao vây, khống chế và dập tắt dịch trong diện hẹp.
       Đến nay, các địa phương đã khẩn trương tổ chức tiêm phòng và vệ sinh tiêu độc khử trùng, nhờ vậy dịch bệnh được kiểm soát tốt. Ngoài ra, các trang trại, gia trại hộ chăn nuôi chủ động thực hiện vệ sinh, tiêu độc hệ thống chuồng trại, khu vực xung quanh vùng nuôi, mua thêm hóa chất, vôi bột... để triển khai thực hiện.
      Bên cạnh đó, công tác kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển được Chi cục chú trọng thực hiện nghiêm; kiểm dịch tận gốc, kiểm soát chặt chẽ động vật, góp phần quản lý dịch bệnh, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Chi cục cũng thường xuyên cập nhật tình hình bệnh DTLCP, hướng dẫn, khuyến cáo người dân dấu hiệu nhận biết và biện pháp phòng, chống khi có dịch bệnh xảy ra.

     Thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND tỉnh, thời gian tới, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tiếp tục triển khai tiêm phòng vắc xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm; tiêm phòng bao vây khi có dịch xảy ra. Chi cục cũng thành lập đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh tại các địa phương, nhất là vùng biên giới, vùng giáp ranh với tỉnh khác và vùng nguy cơ cao. Các địa phương trong tỉnh tập trung nguồn lực phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi; xử lý dứt điểm các ổ dịch cũ, không để phát sinh ổ dịch mới.
     Các lực lượng chức năng tăng cường phối hợp, giám sát chặt chẽ hoạt động buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; kiểm soát 24/24 giờ hoạt động vận chuyển động vật, sản phẩm động vật tại 2 chốt kiểm soát dịch bệnh Bắc, Nam. Đặc biệt, ngăn chặn lợn và các sản phẩm lợn từ các tỉnh đang có bệnh DTLCP vào địa bàn tỉnh...    
 

Tác giả bài viết: Lê Mai  (Báo QBĐT)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê
  • Đang truy cập147
  • Máy chủ tìm kiếm18
  • Khách viếng thăm129
  • Hôm nay3,548
  • Tháng hiện tại802,107
  • Tổng lượt truy cập34,332,826
SĐT nhận cung cấp thông tin
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây