Thị xã Ba Đồn quyết liệt triển khai các biện pháp nhằm dập tắt ổ dịch sốt xuất huyết.

Thứ ba - 29/10/2019 16:15
Trước tình hình bệnh sốt xuất huyết diễn biến phức tạp, thị xã Ba Đồn đã tập trung tuyên truyền, nâng cao ý thức phòng bệnh trong nhân dân, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các điểm có nguy cơ xảy ra dịch bệnh trên địa bàn thị xã.
Thị xã Ba Đồn quyết liệt triển khai các biện pháp nhằm dập tắt ổ dịch sốt xuất huyết.
     Theo số liệu từ Trung tâm Y tế thị xã Ba Đồn, từ đầu năm đến nay, thị xã Ba Đồn đã ghi nhận 1.023 trường hợp mắc SXH. Số người mắc SXH tăng cao, khiến cho Khoa truyền nhiễm của Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình quá tải, cán bộ y tế phải làm việc trong điều kiện hết sức khó khăn. Chia sẻ thêm với chúng tôi, bác sĩ Nguyễn Ngọc Dũng- Trưởng khoa Truyền nhiễm chia sẻ: “Năm nay, số lượng bệnh nhân đến điều trị bệnh sốt xuất huyết tăng, khoa chỉ có 40 giường bệnh, 5 bác sĩ và 12 điều dưỡng nhưng số bệnh nhân đang điều trị hơn 100 bệnh nhân nên bệnh nhân phải nằm 2-3 người/1 giường, các y bác sĩ cũng phải tăng ca trực lên mới đảm bảo cho việc điều trị các bệnh nhân.”
Tuy số lượng bệnh nhân quá tải, công suất làm việc của các bác sĩ và các y điều dưỡng tăng lên, nhưng bệnh nhân đến điều trị tại bệnh viên được đáp ứng tốt nhu cầu khám, chữa bệnh, không có những biến chứng nguy hiểm. Chị Đặng Thị Hương, bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình, cho biết: “ Trong quá trình điều trị tại bệnh viện, tôi rất hài lòng về thái độ của các bác sĩ tại đây, các điều dưỡng tận tình chu đáo, thường xuyên hỏi han sức khỏe của tôi”.
       Hiện toàn bệnh viện đang tiếp nhận và tiến hành điều trị cho 232 bệnh nhân, trong đó, có hơn 100 trẻ em.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của bệnh sốt xuất huyết, TTYT thị xã tiếp tục tăng cường, quyết liệt thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm dập dịch, hạn chế đến mức thấp nhất trường hợp mắc bệnh. Cụ thể, TTYT đã tham mưu cho UBND thị xã ban hành văn bản chỉ đạo Đảng ủy, UBND các xã, phường đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch, trong đó, huy động sự vào cuộc của các tổ chức đoàn thể như: Hội phụ nữ, Hội nông dân, Hội CCB, Đoàn Thanh niên...và nhân dân tại địa phương, phối hợp đã sử dụng hóa chất để phun diệt muỗi, xử lý môi trường trên địa bàn.
Dù tích cực vào cuộc nhưng dịch sốt xuất huyết đến nay vẫn chưa được dập tắt, nguyên nhân chính là do thời tiết thất thường, mưa nắng đan xen, một số xã, phường địa hình trũng khó thoát nước nên thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển. Bên cạnh đó, nhiều người dân còn chủ quan trong việc phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, không thường xuyên vệ sinh bể chứa nước và các dụng cụ phế phẩm chứa nước đọng; không đến cơ sở y tế kịp thời khi bị bệnh...
Khi người bệnh có những triệu chứng sau đây, cần đến ngay các cơ sở y tế để được điều trị sớm nhất: Biểu hiện đầu tiên của bệnh sốt xuất huyết là tình trạng sốt cao. Sốt (nóng) cao 39-40 độ C, đột ngột, liên tục trong 3-4 ngày liền, mệt mỏi, phát ban, buồn nôn. Khi bị sốt xuất huyết, trên bề mặt da sẽ xuất hiện những chấm nhỏ màu đỏ, đốm đỏ hay vết bầm Xuất huyết dưới da: Làm lộ trên mặt da những chấm nhỏ màu đỏ, đốm đỏ hay vết bầm. Phân biệt với vết muỗi cắn bằng cách căng da chung quanh chấm đỏ, nếu chúng vẫn còn là do xuất huyết, ngược lại nếu biến mất thì đó là vết muỗi cắn. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể bị xuất huyết ở niêm mạc. Với phụ nữ, khi bị sốt xuất huyết mà tới kỳ kinh nguyệt thì chu kỳ này có thể kéo dài hơn. Kinh nguyệt cũng có thể tới sớm hơn bình thường khi nhiễm bệnh. Với trẻ em, bên cạnh những nốt xuất huyết trên cơ thể thì thường kèm theo bị chảy máu cam, chảy máu chân răng, đi tiểu ra máu...Nhiều người bị nặng có thể dẫn tới xuất huyết tiêu hóa với các biểu hiện là đi đại tiện ra máu, nôn ra máu kèm theo các biểu hiện liên quan đến thần kinh nhức đầu, đau cơ, đau khớp. Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết có thể có cảm giác khó chịu, đau bụng, nôn ói… Triệu chứng cuối cùng nguy hiểm nhất khi nhiễm sốt xuất huyết thể nặng là tình trạng sốc. Tình trạng sốc của cơ thể thường xuất hiện vào ngày thứ 3 đến ngày thứ 6 của chu kỳ bệnh. Tình trạng sốc có thể thường xuất hiện khi người bệnh đang sốt cao đột ngột chuyển sang hết sốt, nhưng lại mệt mỏi li bì, chân tay lạnh, đi tiểu ít, có thể kèm theo nôn hoặc đi đại tiện ra máu. Khi bị sốc sẽ rất nguy hiểm tới tính mạng nếu không tới bệnh viện kịp thời.
      Để dập tắt ổ dịch, người dân cần thực hiện các biện pháp sau để phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết cho bản thân và gia đình:
     Cách phòng bệnh tốt nhất là diệt muỗi, lăng quăng/bọ gậy và phòng chống muỗi đốt. Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách: Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; Thả cá hoặc mê zô vào các dụng cụ chứa nước lớn (bể, giếng, chum, vại...) để diệt lăng quăng/bọ gậy; Thau rửa các dụng cụ chức nước vừa và nhỏ (lu, khạp…) hàng tuần; Thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà như chai, lọ, mảnh chai, mảnh lu vỡ, ống bơ, vỏ dừa, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá..., dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến; Bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn/tủ đựng chén bát, thay nước bình hoa/bình bông; Mặc quần áo dài tay;  Ngủ trong màn/mùng kể cả ban ngày; Cho người bị sốt xuất huyết nằm trong màn, tránh muỗi đốt để tránh lây lan bệnh cho người khác; Tích cực phối hợp với chính quyền và ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

Tác giả bài viết: Hồng Sâm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê
  • Đang truy cập513
  • Hôm nay17,907
  • Tháng hiện tại322,676
  • Tổng lượt truy cập39,842,465
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây