TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN DỰ ÁN HỆ THỐNG THỦY LỢI RÀO NAN
Thứ năm - 01/11/2018 08:59
1. Hiện trạng thủy lợi Rào Nan và sự cần thiết phải đầu tư xây dựng công trình
Hệ thống Thủy lợi Rào Nan được xây dựng và đưa vào sử dụng từ những năm 60 của thế kỷ trước. Công trình được xây dựng trên chi lưu sông Nan thuộc hệ thống sông Gianh có diện tích lưu vực 650 km2.
Do công trình đã xây dựng từ lâu với công nghệ lạc hậu và biện pháp công trình là đập ngăn mặn đá đổ kết hợp với trạm bơm để cấp nước tưới cho 1400ha lúa 2 vụ của 9 xã (vùng Nam Quảng Trạch cũ) nên công trình đã xuống cấp nghiêm trọng, quy mô không đáp ứng được nhiệm vụ, hàng năm chỉ tưới được xấp xỉ 1.000 ha.
Năm 2010 sau khi được đầu tư sửa chữa nâng cấp đập dâng, thay thế 11 máy bơm trục ngang 1000m3/h sang 3 máy x 3800m3/h và kiên cố hóa một phần kênh mương nên diện tích tưới tăng từ 1000ha lên 1390ha lúa. Song hàng năm đều thiếu nước trong các tháng mùa khô, địa phương phải xây dựng trạm bơm tạm để bơm vét nước từ đáy sông Nan.
Theo quy hoạch thủy lợi được Bộ Nông nghiệp và PTNT phê duyệt tại Quyết định số 870/QĐ-BNN ngày 30/3/2007 thì đập Rào Nan là công trình duy nhất trong lưu vực sông Gianh có nhiệm vụ cấp nước theo yêu cầu sản xuất nông nghiệp cho 1800ha lúa, nước sinh hoạt cho 22 xã thuộc Thị xã Ba Đồn, huyện Quảng Trạch và nước cho công nghiệp.
Theo thống kê, hiện tại công trình chỉ đáp ứng được khoảng 70% yêu cầu dùng nước. Với diện tích lưu vực 650km2 trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng bất lợi, sự ra đời của trạm bơm cấp nước thô cho 22 xã, nhà máy xi măng Văn Hóa cũng dùng nước trên sông Nan nên tình hình thiếu nước trở nên nghiêm trọng. Trước tình hình đó, việc đầu tư xây dựng Hệ thống Thủy lợi Rào Nan là nhu cầu cấp thiết của sản xuất và đời sống của nhân dân, nó phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội nói chung và quy hoạch thủy lợi nói riêng, đáp ứng được nguyện vọng thiết tha của Đảng bộ, nhân dân thị xã Ba Đồn và huyện Quảng Trạch.
Theo Luật Thủy lợi số 08/2017/QH14 được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 19/6/2017 và có hiệu lực từ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2018, việc đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi cần ưu tiên các công nghệ mới, an toàn và ổn định lâu dài đồng thời phải tạo nguồn nước, chống thất thoát nguồn nước nên việc đầu tư xây dựng với giải pháp tưới tự chảy cho công trình là giải pháp phù hợp với quy hoạch và pháp luật hiện hành.
2. Mục tiêu xây dựng dự án
Tận dụng tối đa nguồn nước tự nhiên để giải quyết tình trạng thiếu nước hiện nay và nhu cầu dùng nước ngày càng tăng trong khu vực, bao gồm: cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản 1.800ha, cấp nước sinh hoạt với lưu lượng 22.000m3/ngày.đêm, công nghiệp với lưu lượng 12.000m3/ngày.đêm và các nhu cầu dùng nước khác.
- Góp phần cải thiện môi trường sinh thái; an toàn cho vùng hạ du.
- Hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản xuất tập trung, nâng cao giá trị sản xuất trên cùng diện tích đất canh tác; góp phần phát triển nông nghiệp nông thôn, đảm bảo an ninh lương thực tiến tới xóa đói, giảm nghèo.
3. Nhiệm vụ dự án
Cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp là 1.800 ha; tạo nguồn cấp nước sinh hoạt với lưu lượng 22.000m3/ngày/đêm cho nhân dân 22 xã, phường thuộc thị xã Ba Đồn và huyện Quảng Trạch. Cấp nước cho công nghiệp, trước mắt cho nhà máy xi măng Văn Hóa với lưu lượng 12.000m3/ngày đêm (tạo nguồn _ Tần suất cấp nước theo quy phạm hiện hành). Cải tạo tiểu khí hậu vùng, an toàn lũ cho hạ du... Ngăn mặn, giữ ngọt, đồng thời tiêu úng, thoát lũ vùng hạ du thuộc diện tưới Rào Nan.
4. Giải pháp kỹ thuật xây dựng, phương án công nghệ, địa điểm xây dựng và quy mô công trình
Trong quá trình tham vấn người dân về đánh giá tác động môi trường của dự án khi được đầu tư xây dựng, tư vấn nêu ra 02 phương án đang được thiết kế để lấy ý kiến của người dân vì tại thời điểm này Bộ Nông nghiệp chưa thẩm định và phê duyệt phương án tuyến và giải pháp thiết kế. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu địa chất 02 tuyến này và lấy ý kiến của các chuyên gia đầu ngành với tiêu chí đặt độ an toàn của công trình lên hàng đầu, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã phê duyệt phương án tuyến 1 (cách đập Rào Nan cũ 25m về phía thượng lưu với địa chất tuyến công trình là nền đá gốc) làm phương án thiết kế xây dựng công trình.
5. Kết quả thực hiện, những khó khăn, vướng mắc
Ngày 15/8/2018 Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Thường trực Đảng ủy xã Quảng Sơn tổ chức cuộc họp với toàn thể Đảng bộ xã, có sự tham gia của Thường trực Thị ủy, Ủy ban nhân dân thị xã Ba Đồn, đồng chí Trần Tố Nghị Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng công trình _ Bộ NN&PTNT, GS.TS Nguyễn Quốc Dũng _ Viện trưởng Viện Thủy công _ Viện KH Thủy lợi Việt Nam để báo cáo với toàn thể Đảng bộ về các phương án thiết kế, hiệu quả của dự án cũng như độ an toàn của công trình.
Tại hội nghị GS.TS Nguyễn Quốc Dũng đã giải thích rõ sự cần thiết phải đầu tư xây dựng công trình, tính hiệu quả cũng như độ an toàn của công trình, ý kiến của Cục trưởng Trần Tố Nghị, các đảng viên đã phát biểu ý kiến và biểu quyết với kết quả 144/169 đảng viên tham dự đề nghị triển khai dự án.
Theo tiến độ được duyệt, công trình sẽ được khởi công xây dựng vào tháng 11/2018, công tác chuẩn bị cho việc khởi công công trình được triển khai kịp thời như việc trình và phê duyệt hồ sơ mời thầu, lựa chọn nhà thầu …
5.2. Khó khăn, vướng mắc
- Dự án sử dụng nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ với yêu cầu tiến độ giải ngân rất gấp, theo tiến độ được duyệt, công trình sẽ được khởi công xây dựng vào tháng 11/2018 để đáp ứng tiến độ giải ngân của dự án. Tại cuộc họp tháng 8/2018 Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT đã đề nghị rút vốn đầu tư các dự án không triển khai đảm bảo tiến độ.
- Công tác giải phóng mặt bằng: công tác Đo đạc lập bản đồ, trích đo chỉnh lý địa chính và cắm mốc phục vụ lập hồ sơ thu hồi đất, giao đất GPMB chưa triển khai được do dự án chưa nhận được sự đồng thuận của địa phương và người dân trên địa bàn xây dựng dự án.
- Do tiếp cận thông tin dự án không chính thức, người dân trên địa bàn thôn Linh Cận Sơn lo lắng và không yên tâm về độ an toàn của công trình xây dựng nên không đồng thuận và ủng hộ đầu tư xây dựng dự án.
Dự án Công trình thủy lợi Rào Nan được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phê duyệt với tổng số vốn đầu tư 350 tỷ đồng. Dự án có nhiều hạng mục quan trọng như: xây dựng hệ thống đập dâng để cấp nước tự chảy, hệ thống kênh mương thủy lợi, hệ thống đê đập… Khi hoàn thành, công trình sẽ cấp nước sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy hải sản với diện tích gần 1.800 ha; đảm bảo cấp nước sinh hoạt với lưu lượng 32.000m3/ngày.đêm, công nghiệp với lưu lượng 12.000m3/ngày.đêm và các nhu cầu dùng nước khác. Góp phần hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản xuất tập trung, nâng cao giá trị sản xuất, phát triển nông nghiệp nông thôn, đảm bảo an ninh lương thực, cải thiện môi trường sinh thái.
Đến nay, dự án đã cơ bản hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư, dự kiến công trình được khởi công vào tháng 11/2018. Với vị trí, quy mô, các giải pháp kỹ thuật, thiết bị công nghệ hiện đại, công trình thủy lợi Rào Nan sẽ tuyệt đối an toàn, chất lượng và hiệu quả cao; góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội thị xã phát triển. Vì vậy, bà con nhân dân hãy tin tưởng, đồng thuận, ủng hộ để Dự án sớm được triển khai.
Nguồn tin: BAN TUYÊN GIÁO THỊ ỦY - BAN QLDA ĐẦU TƯ XÂY DỰNG NGÀNH NÔNG NGHIỆP VÀ PTNT TỈNH.