Được xây dựng lại từ năm 2000, đập dâng thuỷ lợi Rào Nan là công trình cấp nước toàn diện cho 9 xã vùng Nam thị xã Ba Đồn và một số xã vùng lân cận. Tuy nhiên, hiện nay, đập không giữ đủ lượng nước bơm trong các tháng mùa khô hạn, do đó, việc nâng cấp, xây dựng lại hệ thống thuỷ lợi Rào Nan là việc làm cấp thiết đang được các ban, ngành, địa phương quan tâm triển khai.
Nguồn nước chủ lực của thị xã Ba Đồn Hệ thống thủy lợi Rào Nan được xây dựng từ thập niên 60 của thế kỷ trước trong điều kiện công nghệ thủ công và biện pháp công trình chỉ là đập ngăn mặn bằng đá đổ kết hợp trạm bơm để cấp nước cho nông nghiệp. Năm 2000, sau khi được đầu tư sửa chữa đập dâng, nâng cấp trạm bơm (thay 11 máyx1000 m3/h loại bơm trục ngang sang 3 máyx3.800m3/h loại bơm trục đứng) và kiên cố hoá kênh mương, diện tích tưới được tăng từ gần 1.000 ha lên 1.390 ha lúa cho 9 xã vùng Nam thị xã Ba Đồn.
Mặc dù đã được tu sửa nhưng phần đập dâng Rào Nan cũ qua thời gian sử dụng lâu đã xuống cấp, thân đập được đắp bằng đá đổ nên hiện tượng thấm mất nước diễn ra mạnh, phần gia cố tiêu năng đã hư hỏng, xói sâu nhiều vị trí. Đặc biệt, việc cung cấp nước cũng trở nên khó khăn khi đập không giữ đủ lượng nước bơm vào những tháng mùa khô (tháng 7, tháng 8). Do vậy, nhiều địa phương phải xây dựng trạm bơm tạm để bơm vét nước từ đáy sông Rào Nan, bơm chuyền vào bể hút trạm bơm Rào Nan để tưới, thế nhưng nhiều xã vùng dưới, như: Quảng Lộc, Quảng Hoà, Quảng Văn…, vẫn thiếu nước. Trước thực trạng của đập Rào Nan, GS.TS Nguyễn Quốc Dũng, Viện trưởng Viện Thủy công, Viện Khoa học Thuỷ lợi Việt Nam cho biết: “Việc nâng cấp đập thuỷ lợi Rào Nan là việc làm tất yếu nhằm bảo đảm sự an toàn của công trình hồ, đập. Đặc biệt,công trình sẽ đáp ứng được nhu cầu sản xuất nông nghiệp gắn với đời sống sinh hoạt, phát triển kinh tế của thị xã Ba Đồn và các vùng lân cận”. Để nâng cấp, cải tạo đập Rào Nan, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã phê duyệt dự án thủy lợi Rào Nan có tổng số vốn đầu tư 350 tỷ đồng. Dự án có các hạng mục chính, như: xây dựng hệ thống đập dâng để cấp nước tự chảy, hệ thống kênh mương dẫn nước, hệ thống đê đập… Khi hoàn thành, công trình sẽ cấp nước sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản với diện tích 1.800 ha; bảo đảm cấp nước sinh hoạt với lưu lượng 32.000 m3/ngày, đêm và nước sản xuất công nghiệp 12.000 m3/ngày, đêm và các nhu cầu dùng nước khác cho các xã, phường thuộc thị xã Ba Đồn và 6 địa phương khác thuộc huyện Quảng Trạch (Quảng Phương, Quảng Liên, Quảng Trường, Quảng Thanh, Cảnh Hoá, Phù Hoá). Dự án thuỷ lợi Rào Nan là công trình quan trọng, có ý nghĩa lớn đối với xã Quảng Sơn nói riêng và toàn thị xã Ba Đồn nói chung. Ông Đặng Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: “Dự án hoàn thành sẽ góp phần hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản xuất tập trung, nâng cao giá trị sản xuất, phát triển nông nghiệp, nông thôn, bảo đảm an ninh lương thực tiến tới giảm nghèo, cải thiện môi trường sinh thái trên địa bàn các xã, phường của TX.Ba Đồn và các vùng lân cận”. Thiết kế công trình bảo đảm an toàn Việc xây dựng công trình hệ thống thủy lợi Rào Nan là rất cấp thiết, phù hợp xu hướng phát triển của thị xã Ba Đồn. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, một số cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn xã Quảng Sơn còn băn khoăn khi hệ thống thủy lợi Rào Nan đưa vào vận hành liệu có tác động đến đời sống của nhân dân thôn Linh Cận Sơn hay không? Đặc biệt, trong điều kiện biến đổi khí hậu, khi có thiên tai, bão lũ, công trình đập dâng này có đe dọa đến tính mạng của người dân? Những lo lắng của người dân Quảng Sơn cũng là vấn đề mà UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT, thị xã Ba Đồn và đơn vị tư vấn, thiết kế hết sức quan tâm khi quyết định triển khai dự án. Trao đổi với chúng tôi, GS.TS Nguyễn Quốc Dũng, Viện trưởng Viện Thủy công, Viện Khoa học Thuỷ lợi Việt Nam cho rằng: “Những lo ngại của người dân là chính đáng. Nhưng với các tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện nay, với tư cách là một cơ quan tư vấn đã thiết kế nhiều công trình thuỷ lợi, thuỷ điện khắp đất nước cũng như ở Quảng Bình, chúng tôi khẳng định vấn đề đầu tiên là phải bảo đảm an toàn cho công trình”. Để chọn vị trí công trình, ông Dũng cho biết, đơn vị thiết kế đã xét 3 tuyến công trình, khi xét về yếu tố an toàn công trình thì vị trí hiện tại là đập có nền móng bằng đá cố định, tốt nhất; xét về hình thức công trình, nếu chọn tuyến công trình cách đó khoảng 7-9 km thì giá thành sẽ rất cao vì phải xử lý một tầng cuội sỏi khoảng 20-30 mét và phương án xây dựng ở đấy là đập đất. Trong khi, phương án ở tuyến hiện tại là đập bê tông nên rất vững chắc, hệ thống cọc khoan nhồi sẽ ngăn không làm xói lở hai bên bờ và thấm nước ở dưới nền công trình. Về sự an toàn của công trình, khi thực hiện dự án, đập sẽ được nâng cao khoảng 3-4 mét và xây dựng kiểu công trình cống đập, chỉ giữ lại lượng nước trong mùa khô kiệt, còn mùa lũ sẽ giải phóng nước công trình theo điều kiện tự nhiên của nó để làm sao không gây ra ngập lụt ở phía thượng lưu và đồng thời, không gây ra xói lở ở phía hạ lưu. Về mùa lũ, mực nước ở đập không cao hơn hiện trạng, kể cả những tính toán cực đoan khi có biến đổi khí hậu cũng không ảnh hưởng đến người dân. Đặc biệt, bản thân công trình này đã được các chuyên gia đầu ngành thuỷ lợi làm mô hình thí nghiệm, tính toán tất cả các trường hợp cực đoan, kể cả trường hợp vỡ đập thì khu vực dân cư gần vị trí công trình với mức độ gia cố như vậy sẽ không bị ảnh hưởng. “Tuy nhiên, đã thiết kế thì không bao giờ nghĩ đến chuyện vỡ đập, đặc biệt với đập nâng cao tầm 3-4 mét như Rào Nan thì người dân hoàn toàn có thể yên tâm”, ông Dũng khẳng định. Để giúp người dân hiểu rõ hơn về dự án thuỷ lợi Rào Nan, vừa qua, xã Quảng Sơn cũng đã tổ chức hội nghị Đảng bộ xã để người dân có cuộc đối thoại với các cơ quan chức năng về dự án.
Tại hội nghị, bên cạnh việc phân tích các yếu tố bảo đảm sự an toàn của công trình, ông Trần Tố Nghị, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng công trình (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho biết: “Việc xây dựng đập dâng tự chảy, loại bỏ hoàn toàn máy bơm sẽ giảm chi phí lớn hàng năm trong việc chi trả tiền điện (khoảng 1,7 tỷ đồng/năm), chi phí quản lý vận hành… Cây cầu trên đập Rào Nan sẽ tạo điều kiện đi lại thuận lợi, giúp người dân tại đây có thêm cơ hội sang khai thác, phát triển trang trại ở vùng đất bên kia sông Rào Nan. Và biết đâu, đây sẽ là địa điểm phát triển du lịch trong tương lai không xa…”. Sau khi được ông Trần Tố Nghị cùng các chuyên gia đầu ngành thủy lợi phân tích về dự án, người dân đã nhận thức và yên tâm về sự an toàn, lợi ích mà dự án thủy lợi Rào Nan mang lại. Ông Nguyễn Hữu Quế, một người dân Quảng Sơn tham gia buổi đối thoại cho biết: “Trước đây, chúng tôi thấy lo lắng vì đập Rào Nan xây dựng gần khu dân cư. Nhưng sau khi nghe thuyết trình về dự án, chúng tôi hoàn toàn yên tâm với sự an toàn của dự án”. Đồng quan điểm với ông Quế, ông Trần Ngọc Nguyên, người dân Quảng Sơn chia sẻ: “Sau khi nghe phân tích của các nhà khoa học, tôi thấy việc xây dựng đập Rào Nan là an toàn. Đặc biệt, đập mang lại lợi ích rất lớn trong đời sống sinh hoạt và phát triển kinh tế của người dân”. Phát biểu tại hội nghị, ông Phạm Duy Quang, Phó Bí thư Thường trực Thị uỷ Ba Đồn cũng đã yêu cầu: “Các đồng chí đảng viên đến dự hội nghị phải chịu trách nhiệm trước nhân dân Quảng Sơn, tiếp thu đầy đủ các ý kiến của các nhà khoa học để giải thích rõ với nhân dân. Đảng bộ đã thống nhất thì phải làm cho nhân dân hiểu, cùng thống nhất để dự án đạt được mục tiêu đề ra”.
- Buổi sáng (từ thứ 3 đến thứ 7):
+ Từ 5h10 phút đến 5h30 phút: Phát lại chương trình truyền thanh chiều hôm trước của Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông (Trung tâm VH-TT&TT) thị xã.
+ Từ 5h30 phút đến 6h00 phút: Tiếp âm Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Bình;
+ Từ 6h00 phút đến...