Thị xã Ba Đồn: Nâng cao giá trị kinh tế từ các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Thứ năm - 13/12/2018 20:48
Để nâng cao giá trị canh tác, khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, năm 2018, thị xã Ba Đồn tiếp tục chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang cây trồng phù hợp hơn.
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong mục tiêu sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững của thị xã Ba Đồn. Với kết quả thực hiện tốt trong các năm 2015-2017, năm 2018, thị xã tiếp tục tập trung chỉ đạo chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng khác tại các địa phương.
Toàn thị xã đã thực hiện diện tích chuyển đổi 33,13 ha, trong đó có 2 địa phương duy trì và thực hiện tốt việc chuyển đổi đối tượng cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao là phường Quảng Long và xã Quảng Hoà. Cụ thể, diện tích chuyển đổi của hai địa phương là 22,25 ha với 306 hộ tham gia.
Kết quả thực hiện mô hình cho thấy, hiệu quả kinh tế của việc trồng rau và hoa cao hơn nhiều so với trồng lúa. Cụ thể, trồng rau với chu kỳ sản xuất 3-4 lứa/năm, cho lợi nhuận từ 130-150 triệu đồng/ha/năm, hiệu quả kinh tế cao gấp 7-8 lần so với trồng lúa trên 1 đơn vị diện tích.
Mô hình trồng hoa với chu kỳ 3,5-4 tháng/năm, lợi nhuận là 230-250 triệu đồng/ha/năm, hiệu quả kinh tế cao gấp 11-12 lần so với trồng lúa trên 1 đơn vị diện tích (trong khi trồng lúa 2 vụ, lợi nhuận đạt 12 triệu đồng/ha/năm).
Mặt khác, mô hình chuyển đổi trồng hoa còn bảo đảm cung cấp cho thị trường thị xã và toàn tỉnh trong dịp lễ, Tết, bên cạnh đó, người dân còn tranh thủ trồng xen vụ để bán trong các dịp rằm, ngày đầu tháng. Mô hình là cơ sở để phát triển sản xuất vùng rau, hoa theo hướng sản xuất hàng hóa tiêu chuẩn VietGAP và nhân rộng ra các địa phương, như: Quảng Lộc, Quảng Minh.
Tại phường Quảng Phúc, đặc biệt là tổ dân phố Đơn Sa, trước đây, người dân chủ yếu trồng lúa hai vụ nhưng năng suất bấp bênh, kém hiệu quả. Để giúp người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xoá đói giảm nghèo, Phòng Kinh tế thị xã đã phối hợp với UBND phường Quảng Phúc thực hiện mô hình sản xuất giống ngô nếp lai HN88 trên đất cát pha và đất chuyển đổi.
Diện tích thực hiện là 20 ha, số hộ tham gia là 210 hộ. Giống do Công ty CP Giống cây trồng Trung ương tuyển chọn và cung ứng. Kết quả, giống ngô nếp lai HN88 cho thu hoạch bình quân trên 43.000 bắp/ha (tương đương 2.150 bắp/sào).
Ông Phan Thanh Giáp, cán bộ phụ trách nông nghiệp, UBND phường Quảng Phúc, cho biết, mặc dù giá giống ngô HN88 và các loại vật tư đầu vào cao, nhưng sản xuất ngô vẫn mang lại hiệu quả kinh tế lớn, bình quân lãi 24 triệu đồng/ha (tương đương 1,2 triệu đồng/sào, trong 3 tháng thực hiện). Trong khi, cũng với diện tích đó, nếu trồng lúa hoặc chuyên khoai, nông dân chỉ lãi khoảng 300 ngàn đồng/sào (trong 4 tháng thực hiện).
Nhằm thay thế các giống lúa có hiện tượng thoái hoá, kém chất lượng trên địa bàn thị xã, như: Xi23, X21, NX30..., năm 2018, thị xã Ba Đồn tiếp tục triển khai sản xuất giống lúa tại chỗ cả hai vụ. Tổng diện tích thực hiện là 110 ha, trên địa bàn 7 xã, phường, sử dụng các giống lúa chất lượng, như: HT1, P6, PC6.Nhờ chăm sóc tốt, vụ đông-xuân, lúa đặt năng suất bình quân 60 tạ/ha; vụ hè-thu đạt 58,4 tạ/ha.
Kết quả sản xuất giống lúa tại các địa phương đã giúp nông dân chủ động về số lượng, chủng loại giống cho các vụ tiếp theo và giảm bớt được kinh phí đầu tư trong sản xuất trên một đơn vị diện tích.
Ông Nguyễn Văn Khánh, Trưởng phòng Kinh tế, UBND thị xã Ba Đồn, cho biết, để tiếp tục triển khai sản xuất hiệu quả các mô hình chuyển đổi cơ cấu trồng trọt, trong thời gian tới, UBND thị xã chỉ đạo sẽ tăng cường và phát huy hiệu quả công tác chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật.
Thông qua nhiều hình thức, nông dân sẽ được tiếp cận các kỹ thuật canh tác tiên tiến, sản xuất nông nghiệp theo hướng sạch, an toàn và bền vững. Thị xã hướng dẫn, tuyên truyền và vận động nông dân sản xuất mô hình rau quả sạch theo hướng VietGap, bảo đảm chất lượng nông sản sạch, tăng giá trị kinh tế và an toàn cho người tiêu dùng.
Năm 2019, thị xã tiếp tục duy trì số diện tích đã chuyển đổi và chuyển đổi mới từ 90-100 ha để nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích; đầu tư khoa học-kỹ thuật và cơ sở vật chất để nhân rộng các mô hình hiệu quả, như: vùng rau sạch, trồng hoa, ngô xen khoai, ngô nguyên liệu...; hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp áp dụng các quy trình sản xuất theo chuỗi, hướng tới xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp.
Tác giả bài viết: Lê Mai (Báo Quảng Bình)