Nông dân thị xã Ba Đồn chuẩn bị bước vào sản xuất vụ Đồng Xuân 2018 - 2019
Thứ năm - 20/12/2018 14:07
Tranh thủ thời tiết thuận lợi, hiện nay, bà con nông dân thị xã Ba Đồn đang tập trung chuẩn bị các điều kiện cần thiết để chuẩn bị bước vào sản xuất vụ Đông Xuân năm 2018-2019.
Vụ Đông xuân 2018 – 2019,thị xã Ba Đồn dự kiến gieo cấy hơn 2.700 ha lúa với một số giống lúa dài ngày, như: XI23, giống lúa trung ngày, như: GL105, XT28, P6 và các giống ngắn ngày, như: Khang Nhân 18, DV108, HT1, PC8, SV181… Trong cơ cấu giống cho vụ Đông này, phòng Kinh tế UBND thị xã khuyến cáo bà con tùy theo điều kiện từng vùng, mỗi xã nên chọn 2-3 giống chủ lực và 1-2 giống bổ sung để gieo sạ là phù hợp. Phòng Kinh tế cũng cho biết, hiện nay, nông dân đã chuẩn bị các điều kiện cần và đủ phục vụ sản xuất lúa Đông Xuân. Ý thức của người dân trong thị xã về việc gieo sạ đúng khung thời vụ là rất tốt, cơ quan chuyên môn đưa ra những chỉ đạo, dự báo, xử lý kịp thời về phòng chống rét và chống hạn cho cây lúa. Cùng với vệ sinh đồng ruộng, chủ động trong khâu làm đất, bà con còn ủ các loại cỏ, gốc rạ tạo thành chất hữu cơ giúp tăng độ màu mỡ góp phần cho cây lúa khỏe mạnh, đẻ nhánh nhiều. Phòng sẽ tiếp tục tham mưu, chỉ đạo chuyển đổi các diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả ở một số địa phương sang trồng các loại cây khác có giá trị kinh tế cao hơn nhằm tăng năng suất trên cùng một đơn vị diện tích.
Với sự chủ động trong lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp triển khai sản xuất của cơ quan chuyên môn, địa phương và nông dân, tin rằng vụ lúa Đông Xuân của thị xã Ba Đồn sẽ đảm bảo tiến độ sản xuất đề ra.
Để bà con nông dân chủ động hơn trong vụ sản xuất Đông Xuân này, chúng tôi xin giới thiệu đến bà con nông dân thị xã các giải pháp chuẩn bị cho sản xuất vụ Đông Xuân 2018-2019.
Theo dự báo của Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, tình hình thời tiết, thủy văn những tháng còn lại của năm 2018 và năm 2019 còn nhiều diễn biến phức tạp, cần chủ động đề phòng các hiện tượng thời tiết cực đoan như: Hạn hán, rét đậm, rét hại ….Bộ NN&PTNT đề nghị các địa phương thường xuyên cập nhật diễn biến thời tiết, khí tượng thủy văn để có giải pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả. Với vụ Đông Xuân 2018-2019, thường xuyên cập nhật diễn biến nguồn nước, thời tiết để chỉ đạo rà soát, điều chỉnh thời vụ và cơ cấu giống hợp lý trên cơ sở khung thời vụ và cơ cấu Cục Trồng trọt đã khuyến cáo; bám sát nguyên tắc xuống giống tập trung né rầy theo dự báo rầy nâu di trú và rầy nâu tại chỗ của Cục Bảo vệ Thực vật, đề phòng ngừa bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá có nhiều nguy cơ bùng phát và lây lan.
Sử dụng giống lúa xác nhận ngắn ngày có năng suất, chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh tốt theo cơ cấu giống chung trong toàn vùng và tính phù hợp của từng địa phương. Lưu ý với các giống lúa nhiễm rầy cần theo dõi và hướng dẫn các biện pháp phòng trừ tổng hợp ngay từ đầu vụ để giảm tối đa mật độ rầy nâu trong suốt quá trình sinh trưởng và phát triển của cây lúa.
Đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa: làm đất, máy cấy, máy gặt. Triển khai thực hiện tốt các mô hình sản xuất theo chuỗi, ứng dụng giống cây trồng mới, tích tụ ruộng đất sản xuất nông sản sạch đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nhân rộng và phát triển các mô hình sản xuất gắn với hợp đồng tiêu thụ nông sản của nhóm hộ, tổ hợp tác, HTX với các Doanh nghiệp có uy tín trong và ngoài tỉnh. Theo dõi, kiểm tra thực hiện các mô hình khảo nghiệm, trình diễn giống, phân bón mới và các mô hình cánh đồng mẫu liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm.
Chuẩn bị đầy đủ các giống lúa ngắn ngày và mạ dự phòng để chủ động cấy hết, cấy vượt diện tích kế hoạch và sẵn sàng đối phó với diễn biến bất lợi của thời tiết. Làm tốt công tác thủy lợi nội đồng và phòng chống thiên tai, chủ động phương án tiêu nước cho sản xuất vụ Mùa. Thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực sản xuất, kinh doanh giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Phối kết hợp với các đơn vị sản xuất và kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn, chuẩn bị đủ cơ số giống, vật tư thiết yếu phục vụ sản xuất.
Tác giả bài viết: Lệ Hằng